Từ khóa: nguồn nhân lực, chuyển đổi số, năng lực sáng tạo, cơ sở hạ tầng số hóa, năng lực và sự sáng tạo cá nhân

Summary

Digital transformation requires high-quality human resources to master new technologies. Currently, there is a shortage of about 90,000 human resources in Vietnam every year to develop the digital economy and digital society, while domestic IT training programs have not yet met the demand. Digital transformation is taking place at an unprecedented high speed, requiring corresponding human resources to be able to apply digital transformation to improve labor productivity. On the basis of assessing the limitations of human resources for digital transformation, the author proposes some solutions in the coming time.

Keywords: human resources, digital transformation, creative capacity, digital infrastructure, individual capacity and creativity

ĐẶT VẤN ĐỀ

Công nghệ số đã và đang đòi hỏi các tổ chức tham gia vào quá trình chuyển đổi số để đảm bảo tính cạnh tranh. Quá trình chuyển đổi số thành công hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thể tham gia có thực hiện đúng chức năng của mình hay không. Nguồn nhân lực có mối quan hệ mật thiết tới quá trình số hóa lực lượng lao động, số hóa nơi làm việc và số hóa nguồn nhân lực, mà bất kỳ sự gián đoạn nào trong quá trình số hóa đều trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu về “Xu hướng Nhân tài Toàn cầu năm 2021” của Mercer, tác động tài chính và gián đoạn cuộc sống công việc do đại dịch gây ra đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng ở Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines) tập trung vào việc xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai bằng nhiều cách đồng thời như tái cơ cấu (48%) và tích cực đào tạo lại nhân lực vào năm 2021 (39%) để sẵn sàng cho việc kinh doanh. 32% doanh nghiệp ưu tiên tái tạo lại hoạt động kinh doanh bền vững, tức là trách nhiệm của tổ chức đối với cộng đồng, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, nhân viên và môi trường cũng được tối đa hóa [1].

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Một trong các mục tiêu lớn đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Có thể nói, đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ban, ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.

NHỮNG HẠN CHẾ VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VIỆT NAM

Để giải quyết bài toán nhân sự cho quá trình chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong Đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường "đại học số" phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số.

Đến nay, đã có 15/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nêu trên, chứng tỏ sự quan tâm lớn của các địa phương đối với vấn đề nhân lực của quá trình chuyển đổi số.

Đồng hành với địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Nền tảng học trực tuyến mở, hoàn thành 3 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Trong năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 63.000 Tổ công nghệ số cộng đồng và trên 300.000 thành viên, trong đó 42/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có từ 5 đến 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Việt Nam đang thiếu và yếu, cụ thể là:

Một là, Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực có kiến thức, kỹ năng, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa hay blockchain.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số rơi vào khoảng 65.000 người. Tuy nhiên, con số này vẫn đang ở mức thấp, dẫn tới hệ quả trực tiếp là Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, bất chấp nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao để thực hiện quá trình chuyển đổi này. Không những vậy, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đạt hơn 1%. Đây là chỉ số tương đối thấp so với một số quốc gia, như: Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%) [3].

Báo cáo của TopDev cũng cho thấy, nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam đang thiếu hụt lớn. Nếu năm 2021, các doanh nghiệp cần 450.000 nhân sự, thì nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được 430.000 người. Sang năm 2022, con số thiếu hụt này lên tới 150.000 nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng của thị trường lên đến 530.000 người. Dự báo đến năm 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng một triệu lao động. Trong đó, doanh nghiệp IT - Phần mềm thuộc nhóm có tỷ lệ thiếu nhiều nhất. Nhân sự công nghệ thông tin luôn nằm trong top ba vị trí được săn tìm trong thời gian gần đây.

Hai là, nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số. Chỉ 40% doanh nghiệp cho biết, có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì, khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ. Đáng chú ý, TopDev còn nêu lên một thực trạng đáng lo ngại rằng, trong số hơn 60.000 nhân sự công nghệ thông tin tốt nghiệp hằng năm tại các cấp bậc trung cấp, cao đẳng và đại học, thì chỉ có khoảng 1/3 trong số này là có thể làm việc được luôn. Còn phần lớn đều phải được doanh nghiệp đào tạo thêm để có thể bắt đầu vào làm chính thức. Hơn nữa, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia, như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…, mà hiện mới chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành từ năm 2014 [2].

Một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam hiện nay đó là, nói đến chuyển đổi số, các công ty thường giao cho đội ngũ IT. Trong khi đó, chuyên viên IT không phải người làm dữ liệu, họ chỉ là đối tác để giúp các chuyên gia thu thập, tìm kiếm dữ liệu.

Việc xử lý và hiểu dữ liệu cần kiến thức chuyên sâu và quá trình chuyển đổi số cần có sự tham gia của tất cả nhân sự trong tổ chức. Chuyển đổi số không phải là ngành nghề riêng và sẽ không có một chương trình riêng nào có thể đào tạo đủ các yêu cầu về nhân sự số. Do đó, cần có nhiều chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp từ khi họ là học sinh - sinh viên tới khi đi làm.

Đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo.

Nguyên nhân chủ yếu của sự hạn chế về nguồn nhân lực chuyển đổi số được chỉ ra như sau:

(i) Do chất lượng đào tạo chưa đồng đều. Hiện nay, dù số lượng cơ sở đào tạo công nghệ thông tin nhiều, nhưng chất lượng không đồng đều. Nhiều trường có quy mô nhỏ, năng lực yếu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không đủ cả về số lượng và chất lượng dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên đào tạo ra không đáp ứng yêu cầu phải đào tạo lại hoặc chuyển nghề, gây lãng phí lớn đến nguồn lực xã hội.

(ii) Chất lượng đào tạo và việc kiểm soát chất lượng sinh viên ra trường chưa có sự đồng nhất; các công nghệ liên tục thay đổi, đòi hỏi công tác đào tạo an toàn thông tin cũng cần thay đổi theo để đáp ứng; chưa có sự gắn kết đủ lớn giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực; để đào tạo an toàn thông tin chất lượng cao, các trường cần được đầu tư hệ thống công nghệ, phòng Lab đòi hỏi chi phí cao.

(iii) Các sinh viên được đào tạo ra còn thiếu kỹ năng số đáp ứng nhu cầu của chuyển đổi số. Sinh viên mới ra trường vẫn thiếu các kỹ năng mềm, tiếng Anh, tư duy mở, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm...

(iv) Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tạo được nguồn nhân lực số trong chuyển đổi số chất lượng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Việc phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương. Điều này một mặt đến từ môi trường nhà nước chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đối với nguồn nhân lực số chất lượng cao. Mặt khác, nguồn thu nhập và chế độ đãi ngộ cho nhân lực tại các cơ quan nhà nước rất thấp so với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Để Việt Nam bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số trên thế giới để tăng năng lực cạnh tranh và theo kịp sự phát triển của công nghệ toàn cầu, thì cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển nguồn nhân lực theo các định hướng sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện; tập trung vào việc đào tạo và hướng đến các điểm chung trong việc phát triển nhân sự trong các lĩnh vực công và nhân sự trong doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Người lao động cần có được các kỹ năng kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội) với các kỹ năng mềm để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp. Chú trọng công tác nghiên cứu phát triển tại các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao. Cần có chính sách thu hút lao động công nghệ thông tin bằng các cơ chế đãi ngộ, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân. Thu hút chuyên gia công nghệ số là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.

Thứ hai, xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại công nghệ thông tin. Cần có chính sách hỗ trợ và thiết kế các chương trình đào tạo cho các đối tượng khi tham gia đào tạo lại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và kỹ năng cho người lao động. Đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị các kiến thức kỹ năng công nghệ mới cho các đối tượng sinh viên đang học tại các cơ sở đào tạo, sinh viên đã tốt nghiệp, nhưng chưa kiếm được việc làm và những người đang làm tại các doanh nghiệp, tổ chức để nhanh chóng tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cần tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ trung ương đến các cấp địa phương. Thông qua các lớp tập huấn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Thứ ba, triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó, cơ quan nhà nước là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó định hướng tốt hơn cho công việc tương lai và bổ sung nguồn lực kỹ thuật cho doanh nghiệp. Tổ chức chương trình dạy và học về kỹ thuật số STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông; chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên, trang thiết bị; đổi mới cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường THCS, THPT để hình thành thói quen số, văn hóa số.

Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động; ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Cần thiết lập các mạng lưới toàn cầu kết nối với công nghệ thế giới bằng cách nhập khẩu công nghệ cao, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, tiến hành các hoạt động liên doanh đào tạo và nghiên cứu, phát triển… Cần có chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các trường đào tạo nổi tiếng của thế giới (khuyến khích tự túc du học, Nhà nước cung cấp kinh phí để đào tạo lao động chuyên môn, kỹ thuật cao ở nước ngoài...) gắn với nhu cầu của đất nước.

Thứ năm, khẩn trương triển khai xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại một số trường đại học phù hợp. Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.

Theo tính toán, để thực hiện được quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong cơ cấu nguồn nhân lực, thì nhân lực kỹ thuật phải chiếm khoảng 2%. Điều này tương đương với việc Việt Nam phải có được tối thiểu 80.000 sinh viên chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng gấp khoảng 40% so với hiện nay. Mục tiêu này được xem là khó khả thi nếu biết toàn bộ 158 trường đại học có đào tạo công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và an toàn thông tin, thì chỉ có tổng số tầm hơn 80.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm. Do đó, việc triển khai mô hình giáo dục đại học số là cần thiết.

Có thể hiểu một cách đơn giản về mô hình đại học số là đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, giảng viên và sinh viên lên môi trường số. Hoạt động theo cả hình thức đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến sẽ giúp đại học số vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải. Dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương. Một ví dụ tiêu biểu cho mô hình này là Hàn Quốc, với dân số chỉ vào khoảng hơn 50 triệu dân, nhưng đã có 20 trường đại học số. Trong đó, nổi bật là đại học số Seoul khi đào tạo trực tuyến hoàn toàn số lượng sinh viên hàng năm lên tới 40.000 người. Những mô hình hiệu quả như vậy là một trong các nguyên nhân chính giúp Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 25-34 có trình độ đại học, chiếm khoảng 60%, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao dồi dào cho đất nước [2]./.

ThS. Đinh Thị Thanh Long - Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tháng 6/2023)


Tài liệu tham khảo:

1. AcandAsia (2021), Defining future workforce needs, upskilling and reinventing sustainably top of mind in 2021 for firms in Southeast Asia.

2. Hà Thanh (2022), Chuyển đổi số quốc gia cần có nhân lực số, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-quoc-gia-can-co-nhan-luc-so.html.

3. Hữu Tuấn (2022), Đại học số giải bài toán thiếu nhân lực chuyển đổi số, https://baodautu.vn/dai-hoc-so-giai-bai-toan-thieu-nhan-luc-chuyen-doi-so-d173706.html.

4. ITU Academy (2020), Digital skills assessment guidebook.

5. TopDev (2022), Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2022.

6. Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 (2023), Kế hoạch của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và Năm Dữ liệu số quốc gia.

7. Weforum (2018), What employees today future really want personalization.