Tăng trưởng quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây

Liên quan đến tình hình kinh tế quý I/2017, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, thông thường tăng trưởng công nghiêp ở mức thấp trong quý 1 là điều bình thường do tác động của kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp như quý I năm nay là đáng lo ngại, vì hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được nhưI kỳ vọng.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý I/2017, thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Trước đó, quý I/2015 là tăng trưởng 6,12%; quý I/2016 tăng 5,48%. Vì thế, mức tăng trưởng của quý II/2017 được dự báo là tăng khoảng 5,7%, tăng trưởng của cả năm 2017 sẽ dừng lại ở mức khoảng 6,1% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội đã đặt ra.

Theo thông tin của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, tăng trưởng quý 1/2017 thấp nhất trong 3 năm gần đây

Thực tế, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong hai năm 2015-2016. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quý I. Như vậy, ngành công nghiêp chỉ tăng trưởng 3,85% trong quý I, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 6,1%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung, điều ấy cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính. Chưa kể, nền công nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh và có khuynh hướng thu hẹp, thể hiện sự thất bại trong hội nhập với thị trường thế giới. Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cho thấy rõ bức tranh ảm đạm của công nghiệp Việt Nam trong quý 1 năm nay.

Phát biểu tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, sở dĩ tăng trưởng quý 1/2017 thấp do nhiều yếu tố. Trong đó, có hai yếu tố quan trọng là do công nghiệp khai khoáng và sự suy giảm của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Do đó, những vấn đề này cần được xem xét kỹ trong những quý còn lại.

Đồng tình với TS. Võ Trí Thành, TS. Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ sự ngại trước sự suy giảm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, ông Doanh cũng chia sẻ sự quan ngại về sự suy giảm của xuất khẩu và gia tăng nhập siêu, nhất là sức ép cạnh tranh từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Do vậy, ông Doanh dự báo, năm 2017 là một năm khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chịu hai sức ép. Thứ nhất là sức ép tăng trưởng: “Chúng ta không nên chạy theo tăng trưởng nhưng Chính phủ có lý khi yêu cầu nâng cao tốc độc tăng trưởng, bởi vì nó liên quan đến nợ công, lao động, chính sách… Nếu chúng ta xử lý sức ép này không hợp lý sẽ tạo ra những hệ quả xấu sau này”.

Sức ép thứ hai là tỷ giá. Mặc dù, những tháng vừa qua Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá tương đối hợp lý đặc biệt sau khi FED tăng lãi suất. Trong tương lai, Cục Dự trữ liên bang Mĩ (FED) tăng 2 lần nữa thì đồng USD mạnh lên, các đối tác của chúng ta có thể hạ giá đồn nội tệ của họ. Điều này sẽ tạo ra sức ép về lạm phát.

Lạm phát có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Báo cáo tại tọa đàm cho thấy, sau giai đoạn tăng giá liên tiếp từ đầu năm 2016, tình hình lạm phát đã có dấu hiệu chững lại trong quý 1/2017. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng 5,22% vào cuối tháng Một đã giảm xuống mức 4,65% cuối quý.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, lạm phát thấ trong quý 1 chủ yếu là do yếu tố giá cơ bản. Theo đó, lạm phát cơ bản đã giảm từ mức 1,88% (tháng Một) xuống còn 1,51% và 1,6% trong tháng Hai và tháng Ba. Điều này phản ánh đúng xu hướng chững lại trong việc tiêu dùng hàng hóa trong quý 1.

Giá hai nhóm hàng Đồ uống, thuốc lá và May mặc, mũ nón, giầy dép thậm chí còn giảm nhẹ so với các tháng trước đó. Dù trong những tháng Tết, chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm thậm chí còn giảm so với các tháng trước đó. Điều này có thể bắt nguồn từ việc cầu thịt lợn giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao cho thấy giá cả nhóm các mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang tăng mạnh. Giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tiếp tại 13 Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng Ba đưa mức giá của nhóm hàng này tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, dù lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I, nhưng theo TS. Nguyễn Đức Thành, áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục, các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra.

Chính vì vậy, vẫn còn nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của mức giá thế giới./.