Thúc đẩy các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng phát triển bền vững
Toàn cảnh Hội thảo "Kinh nghiệm quản lý, phát triển KCN, KKT tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng" |
Ngày 3/12/2022 tại thành phố Hải Phòng, Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã tổ chức Hội thảo đầu tư với chủ đề "Kinh nghiệm quản lý, phát triển KCN, KKT tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng" và tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023. Ban Quản lý KKT Hải Phòng, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022 đăng cai tổ chức Chương trình.
Tham dự chương trình Hội thảo diễn ra buổi sáng, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài; bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT; bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (phụ trách công tác Thi đua -Khen thưởng) cùng các thành viên trong Khối thi đua đại diện cho 11 Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Mục đích của Chương trình nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng năm 2022; đồng thời lồng ghép tổ chức Hội thảo đầu tư để các thành viên trong Khối thi đua cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý và phát triển các KCN, KCX, KKT tại địa phương, giúp cho các thành viên trong Khối thi đua có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc áp dụng linh hoạt kinh nghiệm của tỉnh bạn vào thực tiễn hoạt động của địa phương mình.
Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022 cùng các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của các Ban Quản lý và có những giải đáp trong phạm vi chức năng quản lý |
Phát huy mọi nguồn lực để phát triển các KCN, KCX, KKT
Ông Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 (Khối trưởng) đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần cố gắng nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao của Khối thi đua các Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (Ban Quản lý) trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT năm 2022.
Ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh, những kết quả mà Khối thi đua đạt được đã thể hiện qua các chỉ tiêu về thu hút đầu tư; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KCX, KKT; kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT.
Trong đó, việc các Ban Quản lý tổ chức phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương phát động là nhân tố quan trọng để thúc đẩy các hoạt động đạt được những thành công trên.
Đánh giá cao những điểm mạnh của các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn (tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh), Khối trưởng Lê Trung Kiên đề nghị các thành viên Khối thi đua cần tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để phát huy triệt để những lợi thế tại các địa phương, tạo đòn bẩy thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KCX, KKT; đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác giao lưu với các Ban Quản lý địa phương bạn có nhiều tiềm năng, lợi thế và các điểm tương đồng để hình thành mối liên kết vùng, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp để cùng nhau thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các KCN, KCX, KKT.
Khối trưởng Lê Trung Kiên mong muốn, tại Hội thảo, các thành viên Khối thi đua chia sẻ cởi mở những lợi thế, cũng như những khó khăn hiện nay tại các KCN, KCX, KKT ở địa phương và các giải pháp mà các Ban Quản lý đã và đang triển khai hiệu quả, để các đơn vị bạn học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư, quản lý đầu tư, môi trường, xây dựng…
Kinh nghiệm thúc đẩy thu hút đầu tư trong tình hình mới
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi về những nội dung chính như: Những điểm mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT”; phát triển mô hình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KCN, KKT; phát triển KCN sinh thái và thu hút đầu tư trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội thảo |
Nội dung thảo luận tại Hội thảo đầu tư do các thành viên đến từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Ban Quản lý các KCN và KCX Hà Nội; Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chủ trì; cùng với sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các thành viên đến từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định, Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên…
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo |
Thảo luận về chủ đề: “Những điểm mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT”, các thành viên trong Khối thi đua đã thống nhất cho rằng, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã thể hiện được tính ưu việt thông qua những điểm mới, tuy nhiên trong trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc (thực tế mỗi địa phương có những khó khăn, vướng mắc đặc thù riêng).
Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội thảo |
Những điểm mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP được thể hiện thông qua các nội dung về: (1) Thành lập các KCN; (2) Phát triển nhà ở công nhân, nơi lưu trú và các công trình tiện ích cho người lao động; (3) Quy hoạch, xây dựng; (4) Một số điểm mới khác như: Khoản 4 Điều 9 quy định KCN phải dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% diện tích đất công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê; bổ sung thêm một số loại hình KCN khác (KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao); quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về KCN, KKT.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội thảo |
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP được thể hiện trong các nội dung như: (1) Thành lập các KCN; (2) Quy hoạch xây dựng; (3) KCN- đô thị - dịch vụ; (4) Phát triển nhà ở công nhân, cơ sở lưu trú cho người lao động trong KCN; (5) Các quy định pháp luật khác liên quan: Theo đó, các nghị định về quản lý KCN, KKT từ trước đến nay (bao gồm cả Nghị định số 35/2022/NĐ-CP) không có hướng dẫn trong các luật cụ thể, nhưng phạm vi điều chỉnh của nó lại bao gồm các đối tượng của nhiều luật chuyên ngành liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…, dẫn tới sự chồng chéo, vướng mắc, thậm chí xung đột trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Hoài Nam Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN-CX Hà Nội phát biểu tại Hội thảo |
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KCN, KKT, đặc biệt là phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng và thu hút đầu tư trong tình hình mới, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã nêu tổng quan tình hình triển khai và phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng. Theo đó, việc phát triển KCN sinh thái mới và chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được thành phố đưa vào Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 07/4/2022 của Thành ủy Hải phòng về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công tác quản lý, phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030; đưa vào các chương trình nhiệm vụ hằng năm của UBND thành phố.
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng |
Đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 2 đơn vị đề xuất triển khai KCN sinh thái. Các công ty này đang từng bước triển khai KCN sinh thái theo hướng dẫn mới tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Đến nay, hai công ty đang chuyển đổi sang KCN sinh thái đã đạt được một số kết quả quan trọng trong các hoạt động đầu tư về nguồn lực con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuyển sang KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Ông Phạm Thanh Thủy, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo |
Trong quá trình triển khai KCN sinh thái, Ban Quản lý KKT Hải Phòng thường xuyên phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức nhiều hội thảo về KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp, phát triển xanh cho các công ty kinh doanh, phát triển hạ tầng các KCN cũng như các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN, KKT trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhằm nâng cao kiến thức về KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp; đưa ra các giải pháp, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu tiến tới KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; lợi ích của việc áp dụng các mô hình sinh thái, sản xuất sạch hơn; đồng thời hỗ trợ, giới thiệu các công cụ tài chính để các đơn vị có điều kiện tiếp cận nhanh hơn, thuận lợi hơn khi triển khai.
Ông Hải nhấn mạnh, việc chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái cần có một bộ tiêu chí riêng, linh hoạt hơn các KCN sinh thái mới. Đồng thời cho biết, hiện nay Ban Quản lý KKT Hải Phòng đang phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Ban Quản lý các KCN, KKT tại các địa phương tham gia dự án (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng) và các bộ, ban ngành liên quan tích cực đẩy mạnh các hoạt động thực tiễn, cũng như đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, ban hành các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhất cho việc phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Hương, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội thảo |
Về kinh nghiệm thúc đẩy thu hút đầu tư trong tình hình mới, các Ban Quản lý KCN, KKT trong Khối thi đua nhất trí cho rằng, hiện nay các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều rất quan tâm chú trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững và mang lại nhiều giá trị xã hội cho cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, môi trường, xây dựng, lao động…; tăng cường thu hút các dự án công nghệ cao, đảm bảo cộng sinh công nghiệp và sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm và trăn trở về xây dựng nhà ở trong các KCN để “giữ chân” người lao động yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài với doanh nghiệp. Các thành viên Khối thi đua mong muốn các bộ chuyên ngành quan tâm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi các chính sách để cho doanh nghiệp được mua nhà cho công nhân thuê lại, cũng như mở rộng các đối tượng được mua; xây dựng nhà ở cho người lao động, qua đó sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư và giải quyết được bài toán về lao động cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Quốc Nghị, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội thảo |
Cơ hội chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển các KCN, KCX, KKT
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giải đáp một số vướng mắc của các Ban Quản lý |
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT đã đánh giá cao vai trò hoạt động quản lý nhà nước của các thành viên trong Khối thi đua. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực quản lý nhà nước các KCN, KKT, thay mặt Vụ Quản lý các Khu kinh tế, bà Hiếu cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các Ban Quản lý KCN, KKT trong Khối thi đua tại Hội thảo để tổng hợp, đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP với các cơ chế, chính sách tối ưu nhất, phù hợp nhất, góp phần giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc mà các Ban Quản lý đang gặp phải trong quá trình triển khai.
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tổng quan của Ban Quản lý KKT Hải Phòng về Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và các ý kiến phản ánh của các Ban Quản lý về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định này, và Vương Thị Minh Hiếu đã tóm tắt, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc mà các Ban Quản lý đã phản ánh trong quá trình triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, đồng thời giải đáp cụ thể một số nội dung những vướng mắc hiện nay, cũng như các thông tin về tiến độ giải quyết những vướng mắc này của các bộ chuyên ngành cùng các cơ quan liên quan trong lĩnh vực quy hoạch; nhà ở cho người lao động; cơ sở lưu trú cho chuyên gia, người lao động nước ngoài; chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý; thành lập Ban Quản lý; triển khai KCN sinh thái tại địa phương...
Đặc biệt, liên quan đến Đề án xây dựng Luật KCN, KKT và phát triển KCN sinh thái, bà Hiếu cho biết: Đề án Luật KCN, KKT đã được Vụ Quản lý các KKT trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để gửi lên Chính phủ. Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác Thụy Sỹ và UNIDO để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và phát triển KCN sinh thái mới. Trong tương lai gần, kỳ vọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ là sẽ lan tỏa và phát triển KCN toàn diện trên phạm vi cả nước, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội và lợi thế để thúc đẩy thu hút đầu tư (đặc biệt là thu hút FDI) vào các KCN, KKT.
“Các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các Ban Quản lý là đơn vị trực tiếp thụ hưởng được phân cấp ủy quyền là rất quan trọng, Vụ Quản lý các KKT với vai trò là cơ quan đầu mối giữa các Ban Quản lý KCN, KKT và bộ chuyên ngành đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giải quyết những vướng mắc chưa được khơi thông bởi các quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi mong muốn các Ban Quản lý cần tham gia đóng góp tích cực vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, cũng như góp ý sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và các nghị định của pháp luật chuyên ngành liên quan để giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP", bà Minh Hiếu nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ với Hội thảo về kinh nghiệm thu hút FDI vào các KCN, KCX, KKT |
Chia sẻ về kinh nghiệm thu hút FDI, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các thành viên trong Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cần trao đổi thường xuyên về môi trường đầu tư tại địa phương, để truyền tải kinh nghiệm thu hút FDI của địa phương cho các đơn vị trong Khối thi đua, làm cơ sở báo cáo lãnh đạo địa phương có phương án áp dụng, góp phần đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN, KKT của địa phương. Cần có sự liên kết giữa các địa phương có nhiều điểm tương đồng để thu hút FDI hiệu quả. Trong khó khăn nhưng luôn thật lạc quan nhìn nhận tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhằm phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, qua đó vận dụng hiệu quả được mọi nguồn lực (năng lực quản lý, kinh nghiệm thu hút đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững vàng…) để đẩy mạnh thu hút FDI. Đặc biệt, những bất ổn của kinh tế thế giới hiện nay đã tạo ra nhiều xung đột kinh tế đối với các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là nền kinh tế mở nên chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới. Song bên cạnh mặt tác động tiêu cực cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, để khơi thông dòng vốn FDI vào các KCN, KKT tại Việt Nam. Vì vậy, cần tranh thủ tận dụng cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn này.
Ông Chung cũng thông tin thêm, gần đây tại các KCN, KKT đã thu hút được dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mặt trời. Đây là một tin vui cho các KCN, KKT khi các nhà đầu tư FDI đang rất quan tâm đến đầu tư các dự án công nghệ cao, phát triển bền vững trong các KCN, KKT tại Việt Nam. Ông Chung cho rằng, trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến lĩnh vực năng lượng mặt trời, cần thiết phải có sự điều tiết, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để quản lý, giám sát hiệu quả cũng như có cơ chế đặc thù cho các dự án được triển khai thành công.
Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đánh giá cao vai trò của Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 |
Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá cao vai trò của Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 nói chung và của Khối trưởng Khối thi đua nói riêng trong việc tổ chức phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thúc đẩy triển khai thành công các nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT tại các địa phương. Các thành viên trong Khối thi đua cần xây dựng kế hoạch thi đua khen thưởng cụ thể, theo chuyên đề, đặc biệt chú trọng quan tâm tôn vinh các doanh nghiệp trong các KCN, KKT để tạo động lực động viên, thúc đẩy các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh thật hiệu quả, gắn bó lâu dài trong các KCN, KKT.
Ông Lê Trung Kiên, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 tổng kết và bế mạc Hội thảo |
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, ông Lê Trung Kiên, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 khẳng định, Hội thảo đã kết thúc thành công, với sự tham dự và phát biểu nhiệt tình, hiệu quả của các đại biểu; thế thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên trong Khối thi đua.
Ông Kiên cho biết, trên cơ sở các nội dung thảo luận, những kiến nghị, đề xuất và thống nhất chung của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổng hợp văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; đồng thời đề nghị các Ban Quản lý cần có thêm nhưng kiến nghị với các cơ quan quản lý địa phương về những khó khăn, vướng mắc để tạo sự thống nhất và có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với chính quyền địa phương (ví dụ có ý kiến thêm với Công đoàn các KCN, KKT tại địa phương trong lĩnh vực xây dựng nhà ở cho người lao động…).
Thay mặt Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, Khối trưởng Khối thi đua Hồng Lê Trung Kiên khẳng định cam kết, các đơn vị thành viên trong Khối sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT. Đồng thời tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN, KKT để kịp thời tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng ngày một phát triển lớn mạnh và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của địa phương./.
Bình luận