Đó là một trong những nhận định quan trọng được nêu bật trong báo cáo “Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây.

Tái cơ cấu chưa đạt kỳ vọng

Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới cho thấy thứ hạng Môi trường Kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện từ 93 (2015) lên 90 (2016) trong số 189 nền kinh tế.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn được đánh giá thấp hơn mức trung bình các nước ASEAN-4 trong đó phải kể đến các yếu tố, như: chậm hoàn thiện khung thể chế, hạ tầng và môi trường kinh doanh. Các yếu kém thể hiện qua các tiêu chí thời gian nộp thuế, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, cấp điện và xử lý các thủ tục có liên quan tới phá sản.

Mặc dù cổ phần hóa đang là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình cải cách DNNN, nhưng tốc độ thực hiện chưa đủ nhanh để hoàn thành mục tiêu năm 2015.

Đến cuối tháng 9/2015 Việt Nam đã cổ phần hóa 344 DNNN, trong đó bao gồm một số công ty mẹ của các tập doàn kinh tế và tổng công ty lớn. Việt Nam sẽ khó hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 531 DNNN giai đoạn 2011-15, nhưng kết quả đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn 2006-10 khi mà chỉ tiêu cổ phần hóa chỉ đạt 30%.

Gần đây, Chính phủ đã công bố kế hoạch rút vốn toàn bộ khỏi các doanh nghiệp lớn và hoạt động tốt như Vinamilk và FPT.

WB nhận định: “Hành động đó có thể tạo động lực tốt, đẩy nhanh quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam”.

Song, nhiều thách thức vẫn đang tồn tại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Cải cách pháp lý liên quan tới môi trường kinh doanh chưa được tiến hành một cách triệt để, luật lệ và quy định nhiều khi được áp dụng thiếu

đồng bộ và tùy tiện.

Cụ thể, quản lý thuế còn phiền hà và gây lãng phí lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Đăng kí kinh doanh đã có tiến bộ, nhưng quy định về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số và khung pháp lí về phá sản vẫn còn yếu và làm suy giảm nhiệt tình của nhà đầu tư.

Thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam có độ mở cao và đang hướng tới quy chế một cửa ASEAN, nhưng thủ tục hải quan vẫn chưa hiệu quả như ở nhiều nước ASEAN khác.

Tiến độ hoàn thiện quản trị doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào kết quả hực hiện hiệu quả các văn bản luật mới ban hành.

Hiện tại, Chính phủ vẫn đang trong quá trình soạn thảo các nghị định hướng dẫn và thông tư thực hiện các luật mới ban hành. Một vài nghị định mới được ban hành và đã có hiệu lực, ví dụ Nghị định 87 (hiệu lực từ ngày 1/12/2015), Nghị định 91 về Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp (hiệu lực ngày 1/12/2015), và Nghị định 81 về công bố thông tin DNNN (hiệu lực từ ngày 5/11/ 2015).

Ba nghị định này quy định khung giám sát và đánh giá đối với các DNNN, không chỉ liên quan đến kết quả tài chính mà còn cả các thông tin khác như quản trị doanh nghiệp và kế hoạch chiến lược. Yêu cầu công khai thông tin đã bắt đầu được thực hiện tại một số DNNN và dự kiến sẽ mở rộng trong năm 2016.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-20 cũng quy định rõ các mục tiêu đổi mới DNNN, trong đó bao gồm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi vấn đề thực thi quyền chủ sở hữu, nâng cao năng lực chuyên môn ban điều hành, và tách mục tiêu kinh doanh thương mại ra khỏi nghĩa vụ xã hội.

Tăng cường giám sát và điều tiết các ngân hàng tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của cải cách khu vự tài chính.

Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ban hành các quy định an toàn hoạt động nghiêm ngặt hơn, áp dụng quản lý rủi ro tốt hơn (dần dần áp dụng các nguyên tắc Basel II), áp dụng cách tiếp cận đa chiều trong giải quyết nợ xấu,

trong đó VAMC là công cụ chính. Thông tư 02 (ban hành năm 2013 và có hiệu lực đầy đủ từ tháng 4/2015) là một bước tiến đúng đắn trong việc áp dụng thông lệ quốc tế vào tính toán và phân loại nợ xấu.

Ngoài ra, Thông tư 36 ban hành cuối năm 2014 quy định các tiêu chuẩn nhằm tăng cường minh bạch trong hoạt động của ngân hàng và giải quyết vấn đề sở hữu chéo hiện đang bị coi là yếu tố đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Thông tư cũng thể hiện nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề áp dụng dần các nguyên tắc Basel II trong ngành ngân hàng.

Quá trình củng cố lại ngành ngân hàng đã tăng tốc từ nửa đầu năm 2015 chủ yếu thông qua các thương vụ cưỡng chế mua - bán và sát nhập ngân hàng. Không giống như trước đây, khi quá trình củng cố chủ yếu diễn ra bởi các vụ sát nhập ngân hàng nhỏ (và yếu), các thương vụ trong năm 2015 chủ yếu là các vụ sát nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng thương mại quốc doanh. Ngoài ra, thay vì cho phép các ngân hàng yếu kém thông báo phá sản, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận 3 ngân hàng nhỏ và cử các cán bộ có kinh nghiệm giữ các chức vụ quản lý chủ chốt với mong muốn cải thiện kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, một số ngân hàng cổ phần có kết quả hoạt động tốt cũng sát nhập với nhau. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các vụ sát nhập và mua bán đều được cơ quan quản lý tạo điều kiện với mục đích xốc lại hệ thống ngân hàng, giải quyết vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng và qua đó giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Tuy con số các vụ mua bán và sát nhập có tăng lên, nhưng mục tiêu giảm số ngân hàng thương mại xuống còn 15 - 17 vào năm 2017 có thể khó thực hiện.

Hiện nay, vẫn còn 34 ngân hàng thương mại sau khi thực hiện 8 vụ mua bán/ sát nhập (con số ngân hàng thương mại là 42 trước khi thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng).

Điều đáng lo ngại là mặc dù các cơ quan hữu quan đã có nhiều nỗ lực, xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng vẫn là vấn đề hết sức khó khăn.

VAMC tiếp tục mua nợ xấu nhưng quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn chậm. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ tín dụng nhưng một phần là do nợ xấu được chuyển từ ngân hàng sang VAMC (cho đến tháng 10/2015 VAMC đã mua tổng cộng 226 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD).

Quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/10/2015 sẽ cho phép áp dụng cơ chế mua - bán nợ xấu theo giá thị trường qua đó VAMC sẽ có quyền linh hoạt hơn trong xử lý nợ xấu, ví dụ như VAMC có quyền mua bán trực tiếp.

“Đây là bước tiến tốt, giúp giải quyết nhanh nợ xấu và giảm thiểu mức độ mất giá”, báo cáo của WB nêu rõ.

TPP: Cơ hội cải cách toàn diện

Trong TPP có nhiều chương có các quy định khuyến khích cải cách thể chế nhằm tăng cường và chuẩn hóa các quy định, minh bạch, và hỗ trợ xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam.

Thực hiện các cam kết này sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam do Việt Nam lựa chọn con đường cải cách từ từ và bởi một số yếu tố lịch sử để lại (khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn, thể chế thị trường không hoàn chỉnh…), nhưng Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng có thể tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện.

TPP được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển một nền kinh tế cạnh tranh hơn và sáng tạo hơn. Về lâu dài khôngchỉ tăng trưởng xuất khẩu mới là vấn đề quan trọng mà thành phần xuất khẩu cũng quan trọng, nhất là tỷ trọng công nghệ trong hàng xuất khẩu.

Trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt một số thành tích trên lĩnh vực này, ví dụ trong khoảng 2008-2013 xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam đã tăng từ 5% lên 28%, tương đương với Trung Quốc và cao hơn mức trung bình các nước ASEAN. Nhưng tuy vậy mức bổ sung giá trị gia tăng của khu vực trong nước vẫn còn khá hạn chế.

Khi TPP có hiệu lực các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng và quy mô lớn dự kiến sẽ được thu hút vào các ngành phụ trợ cho ngành dệt may, phụ kiện, da giày, và qua đó sẽ hình thành chuỗi cung ứng trong nước và kích thích các doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu góp phần làm tăng giá trị trong hàng xuất khẩu.

Do hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, và quy chế xuất xứ nghiêm ngặt của TPP nên trước mắt Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa cơ hội do TPP mang lại.

Hiện các nhà sản xuất dệt may Việt Nam sử dụng hầu hết xơ sợi nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Khoảng 60-90% vải được nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc và Đài Loan. Do đó, một phần lớn lượng hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sẽ không đáp ứng được các quy định về xuất xứ của TPP.

Ngành dệt may sẽ phải tái cơ cấu theo hướng liên kết ngược thì mới có thể tận dụng được tối đa lợi thế của TPP. Trước mắt, đây là một thách thức lớn, nhưng dự kiến Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI vào khu vực thượng nguồn để mở rộng năng lực sản xuất.

Một số doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư mạnh vào ngành xơ sợi tại Việt Nam.

Đồng thời, qui tắc xuất xứ cũng tạo cơ hội cho Việt Nam thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp và phát triển mạnh hơn chuỗi giá trị trong nước. Quá trình tái cơ cấu ngành dệt may theo hướng liên kết ngược sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp nhỏ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước và tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu làm được như vậy sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn, học tập được nhiều hơn và tích tụ được nhiều tri thức hơn. Toàn bộ quá trình đó được hỗ trợ bởi sự gia tăng FDI.

Khu vực kinh tế tư nhân đã phản ứng rất nhanh nhạy để tận dụng cơ hội do TPP mang lại, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư lớn vào ngành sợi Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư vào ngành dệt may, nhất là công đoạn nhuộm và hoàn thiện vải có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường. Các ngành này không chỉ sử dụng rất nhiều nước mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, thải ra một khối lượng lớn nước thải và chất gây ô nhiễm. Do vậy, Việt Nam có nguy cơ sử dụng tăng vọt các hóa chất gây ô nhiễm.

Để giảm nhẹ các tác động này Việt Nam cần có một loạt các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường./.