Tuổi tác và thời gian

Giống người Homo sapiens chính xác là giống rất tò mò. Nếu ai có chút nghi ngờ về điều này thì có thể tìm đến cuốn Sapiens của Harari [1]. Vì thế, hiển nhiên họ không bỏ qua cái cảm giác gần như chung nhau ở các dân tộc, văn hóa và châu lục dù rất khác biệt như vừa nêu ở trên: tới tuổi già, thời gian dường như trôi nhanh hơn.

Trong nghiên cứu, nhất là khoa học cứng cựa, chữ “dường như” không được ưa chuộng. Nó gây ra cảm giác mù mờ, không chắc chắn và dễ tạo ra sự tùy tiện khi viện dẫn bằng chứng. Vì thế, học giới tìm cách đo lường để giảm bớt sự bất trắc này. Sau cả trăm năm tìm hiểu, thì “dường như” (lại vẫn là cái chữ khó chịu đó) có hai kết luận nổi trội giữ được tính xác thực qua thời gian và không gian khác nhau. Lewis [2] trong một bài xuất sắc trên Scientific American đã tóm lược một số điểm chính từ vài nguồn thông tin tư viện khả tín [3-5]. Bây giờ là điểm qua nét chính trong bài của Lewis dưới đây.

Trước tiên, rõ ràng tuổi tác là một yếu tố tác động rõ rệt lên cảm nhận về tốc độ trôi qua của thời gian, thế nhưng ẩn chứa trong kết nối giữa tuổi (vật lý) và cảm nhận thời gian (tâm lý) là một ý niệm, gọi là “áp lực thời gian”. Chính áp lực thời gian, một yếu tố mang tính văn hóa - và do đó, chịu tác động của chuẩn mực xã hội nhóm/cộng đồng/vùng miền - tồn tại ở mọi nhóm với mức độ ảnh hưởng khác nhau, đã góp phần quan trọng tạo ra cảm nhận thay đổi của tốc độ trôi qua của thời gian.

Tuổi tác, thời gian và giá trị ngưng đọng
"Chỉ cần đặt câu hỏi: Có bao nhiêu cơ hội trong quãng thời gian làm chuyên môn nghiên cứu còn lại thực hiện việc tương tự? là cũng đủ để tự thấy trân trọng khoảnh khắc hoàn thành" - TS. Vương Quân Hoàng chia sẻ.

Thứ hai, đứng trước yếu tố áp lực thời gian, giới nghiên cứu có thể xếp nó vào nhóm vấn đề xuyên văn hóa (cross-cultural), có tính tương đồng cao giữa nhiều văn hóa khi so sánh sự thay đổi giữa các nhóm tuổi chênh lệch đáng kể. Người ta đã tiến hành nghiên cứu và khẳng định điều vừa nêu tối thiểu với các văn hóa Đức, Áo, Hà Lan, Nhật và New Zealand.

Vâng, thì lập luận lằng nhằng vậy rồi rốt cuộc thì sao? Tại sao với một người ngoại ngũ tuần, thì dịp Tết 2 năm trước cảm thấy cứ rõ mồn một, cứ như vừa mới xảy ra tuần trước vậy; ấy thế mà cậu học sinh lớp 5, thì mong mãi vẫn chưa thấy mùa hè đến để đi biển, hay đá bóng ở công viên (thay vì phải ngồi làm bài tập)?

Với loại câu hỏi này, thì dù rất cố gắng, nhưng khả năng lý giải tường tận và thuyết phục có vẻ như vẫn ngoài tầm với của khoa học. Tuy vậy, giới khoa học có một vũ khí làm giảm độ căng thẳng, đó là các lý thuyết (những hệ thống lập luận đi tới một số kết luận dựa trên các giả định, dữ kiện và logic). Mấy lý thuyết có ích cho vấn đề chúng ta đang bàn như sau:

1. Con người đo thời gian bằng các sự kiện đáng nhớ

Lý thuyết này cho rằng, chúng ta có thể đo "mức độ lâu mau của các quãng thời gian quá khứ" bằng số lượng sự kiện có thể nhớ được trong khoảng thời gian đó. Nếu giai đoạn của cuộc sống đầy áp lực ức chế, với số sự kiện ít, nhưng nhàm chán, lặp đi lặp lại, thì đó là khoảng thời gian dài.

Một ví dụ là khoảng thời gian chăm sóc con cái từ khi mới sinh tới khi em bé tạm cứng cáp của các bà mẹ. Khi các bà mẹ vẫn chăm con nhỏ, lại phải đi làm với áp lực công việc chuyên môn nữa, thì đó là khoảng thời gian rất dài, dài ghê gớm. So sánh tương đối với quãng đời son trẻ đầy ắp niềm vui đa dạng của tuổi thanh xuân trước đó, nó lại càng có vẻ dài đằng đẵng.

2. Khoảng thời gian trôi qua so sánh tương đối với khoảng tuổi con người biến thiên

Không khó để hình dung điều này. Với bạn trẻ 5 tuổi, thì một năm tương đương với 20% tổng thời gian sống để tích lũy trải nghiệm của bạn trẻ đó. Vì thế, một năm đó rất dài.

3. Đồng hồ sinh học con người chậm lại khi tuổi tác tăng lên

Khi cơ thể sinh học già đi, bộ não chậm lại với một số cơ chế đánh dấu mốc sự kiện, liên quan tới thời gian. Tuy nhiên, do các đồng hồ vật lý khác và lịch thời gian không đổi, do đó thời gian bên ngoài bỗng trở nên quay nhanh hơn.

4. Người nhiều tuổi ít chú ý tới thời gian hơn

Cơ chế của tuổi trẻ là đón đợi những thứ mới và sự kiện mới. Trẻ em tới tháng 12 thì chờ Tết, tới tháng 4 thì ngóng nghỉ hè. Với người lớn, thì Tết là chi tiêu, hóa đơn, bố trí thời gian chăm lo việc nhà, mua sắm... và rất nhiều thứ đã quen thuộc, để cái Tết đến và rồi lại đi. Năm nào cũng sẽ như vậy.

5. Áp lực nối tiếp áp lực

Lý thuyết về áp lực đề cập tới trạng thái tâm lý với người trưởng thành: Dường như không bao giờ đủ thời gian để hoàn thành tất cả những việc đã lên kế hoạch. Điều đó khiến cho kim đồng hồ có vẻ quay nhanh hơn.

Ta có thể liên tưởng tới việc làm bài thi trong khoảng thời gian cố định và ta gặp phải bài toán khó, toát mồ hôi mà vẫn chưa thấy hướng giải quyết. Lúc đó, thời gian quay với tốc độ kinh khủng. Đối với người lớn tuổi, mà đến trạng thái mắt mờ chân chậm, thì áp lực đó sẽ còn rõ rệt hơn nữa.

Bây giờ tôi chuyển qua khía cạnh ứng dụng của vấn đề lý thuyết vừa bàn ở trên, và neo buộc nó vào những giá trị ngưng đọng, tức là những giá trị đủ lâu bền mà cần nhiều thời gian mới hình thành.

Giá trị ngưng đọng

1. The Master (bản dịch 2011 của Vương Thu Trang)

Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên (1913-1996). Chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí không thể thay thế trong phong trào Thơ Mới. Rất xúc động trước bài thơ đầy nét nhân văn này, Vương Thu Trang, lúc đó đang là học sinh lớp 8 Pháp THCS Giảng Võ, Hà Nội, đã dịch bài thơ này vào tháng 12/2011. Bản dịch được hiệu đính bởi GS. Nancy K. Napier (Boise State University, ID, USA).

The Master

Peach blossoms bloomed every spring

There again, the old master came

With red paper and black ink

On a street, where the people claimed.

They claimed to buy his writings,

And all praised him while buying

“Just a mere move of his hand

Turns strokes into a phoenix dance!”

But fewer buyers came each year

Admirers, where did they go…?

Unused ink laid like black tears;

Red paper dulled in sorrow…

That old master just sat there

Among those who did not care.

On the dull red fallen dead leaves;

There fell soft rain with slight grief.

Another peach blossoms’ spring

Yet the old master is not there.

Oh, where are they wandering

Old folks’ souls we all forgot?

Bài thơ dịch tiếng Anh đầu tiên được đăng lên trang web Giúp Con Học (do tôi xây dựng và duy trì một thời gian). Sau đó, nhiều trang web học tập Anh ngữ và các trang tài liệu giáo dục đăng lại và duy trì. Có nhiều mốc thời gian khác nhau, do người sử dụng và Admin ghi, nhưng thời gian gốc là tháng 12/2011.

Nói về tính biến thiên của thời gian, thì tới đỉnh điểm của bản dịch này là năm 2018. Lúc đó, nhà văn hóa Phạm Trọng Lệ đăng bài "The meaning of Tết in Việt Nam" trên Tạp chí The Firmament Literacy Journal. Ông chính là người cung cấp bản dịch đầu tiên của bài Ông đồ bằng tiếng Anh, năm 1972. Trong bài vừa nêu, ông đã điểm lại vài bản dịch tiếng Anh sau ông, mà đánh giá là có chất lượng thi ca rất tốt. Trong đó, toàn bộ bản dịch 2011 của Thu Trang được ghi lại đầy đủ, chỉ có một chi tiết cần đính chính là do nguồn lấy là từ trang web khác (không phải Giúp Con Học), do đó ông ghi năm dịch là 2015. Thực tế là đã ra đời trước đó tới 4 năm.

Xét một cách tương đối, 4 năm đối với nhà nghiên cứu Phạm Trọng Lệ là rất ngắn (theo lý thuyết 2-4 ở trên), nhưng đối với Thu Trang thì rất dài. Vì 4 năm đó là gần đủ để hoàn thành toàn bộ bậc phổ thông và mong ngóng đón chờ thời kỳ học tập của sinh viên bậc đại học, ngưỡng cửa bước vào đời sống trưởng thành. Quãng thời gian đó cũng đủ dài để bài thơ Anh ngữ trở thành một giá trị ngưng đọng, nằm trong kiểm đếm của nhà nghiên cứu Phạm Trọng Lệ và có chỗ đứng nhất định.

Đối với tôi, chứng kiến sự ra đời của bản tiếng Anh này, thì kể từ đó tới nay đã hơn 10 năm. Hơn một thập niên trôi qua với tốc độ rất nhanh, để bước vào thời kỳ quen gọi là U60. Tốc độ trôi nhanh ấy hoàn toàn có lý, dựa trên 5 lý thuyết vừa liệt kê ở mục trước. Ngoài ra, dưới đây cung cấp thêm hai ví dụ bổ sung có tính kiểm nghiệm.

2. Câu hỏi nghiên cứu kéo dài cả thập niên

Khoảng thời gian của bài thơ tiếng Anh trên cũng là thời kỳ GS Napier và tôi đang đặt ra câu hỏi nghiên cứu về vấn đề serendipity, một loại năng lực xử lý thông tin để đánh giá giá trị và tính hữu ích (đầu tiên là trong địa hạt nghiên cứu khoa học quản trị). Chừng hơn một năm sau đó, thì một nghiên cứu chung xuất bản trong bộ sách về quản trị chiến lược, do Praeger phát hành [7]. Bài nghiên cứu [7] về sau này cũng được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng và trích dẫn. Tuy nhiên, ngay cả trong khi đang hoàn thành nghiên cứu trên, tôi vẫn có câu hỏi - và thực tế là ngày càng lớn hơn - về bản chất, cơ chế và cách thức xuất hiện của loại năng lực này. Đây là những câu hỏi thoạt đầu quá đỗi phức tạp, nên đành phải để thời gian giúp thẩm thấu (lại vẫn là thời gian). Quay đi quay lại, cũng đã cả một thập niên trôi qua.

Cuối cùng, cũng tới lúc giải đáp những câu hỏi này, và đó là lý do ra đời cuốn sách A New Theory of Serendipity [8]. Chương đầu tiên của cuốn chuyên khảo này cũng đề cập tới vấn đề thời gian (của một người theo đuổi đề tài vắt từ U50 sang U60), có tiêu đề “Một câu hỏi treo lơ lửng 10 năm” [9].

Khỏi phải nói, tôi tự kiểm nghiệm được lý thuyết 3-4 ở mục trước, khi thời gian thì cứ quay đều đặn, còn trước giá trị câu hỏi tự mình thấy lớn lao, khó khăn, thì các nhịp đồng hồ bên trong óc dường như chẳng nhúc nhích mấy. Nó cũng giống làm bài thi sắp hết giờ mà lời giải mãi chẳng thấy đâu.

(Tự hỏi: nếu tới tận quãng tuổi U70 mà vẫn cứ treo lơ lửng câu hỏi mãi không được giải đáp này thì sẽ cảm thấy ra sao?)

Tuy vậy, với hành trình dài, thoáng cái đã hết cả thập niên, thì cuốn sách gọi tên như trên [8] là một giá trị ngưng đọng lại thực sự đáng nhớ. Chỉ cần đặt câu hỏi: Có bao nhiêu cơ hội trong quãng thời gian làm chuyên môn nghiên cứu còn lại thực hiện việc tương tự? là cũng đủ để tự thấy trân trọng khoảnh khắc hoàn thành.

Tuổi tác, thời gian và giá trị ngưng đọng

Không nhiều người nhận ra “mớ rác” nằm ở mép lá chuối này là một tổ chim sâu. Thông tin này có thể hữu ích theo lý thuyết serendipity trong nhiều hoạt động sáng tạo của con người, đặc biệt là các phát kiến khoa học, bao gồm cả phát minh y dược. Ảnh do tác giả chụp ©2014.

3. Tần suất lặp lại của một loại việc nhiều áp lực tâm lý

Đây là vấn đề thuộc về hiện tượng mà lý thuyết 5 ở trên đề cập. Tuy nhiên, hơi khác với ví dụ một câu hỏi kéo dài, thì nó có hình dạng của rất nhiều công việc liên tiếp, nằm trong một tổng thể, và xét trong một bối cảnh chung thì khá... nhàm chán. Nhàm chán theo nghĩa là các công đoạn đã rõ, các việc phải hoàn thành không có gì phải đoán, kết cục cần có cũng được định nghĩa cụ thể (như hay nói là: phải tuân thủ một số tiêu chuẩn sản phẩm)... Bản thân việc liên tiếp thực hiện đã tạo ra một áp lực tâm lý của loại việc lặp đi lặp lại. Nó khiến cho công đoạn và số lượng việc thì có thể nhiều, nhưng số lượng những thứ mong ngóng thì lại chẳng có là bao. (Hay là thế này đi, ta sẽ đếm một tháng có một ngày nhận lương, để xem số lượng sự kiện đáng mong có làm thời gian quay chậm lại không nhé!).

Trong lý thuyết quản trị về năng lực sáng tạo và đổi mới có một khía cạnh này khá lý thú. Chính sự nhàm chán (và năng suất thấp) có thể là yếu tố thúc đẩy việc tạo ra thay đổi, làm nên điều gì đó có sinh khí hơn, sôi động hơn và biết đâu, cuối cùng lại góp phần vào tăng năng suất lao động tổng thể.

Và, dường như điều này đúng. Một khoảng thời gian 5 năm, kể từ 2017, việc thúc đẩy tìm tòi cải thiện phương pháp để giải quyết áp lực rất lớn về khối lượng công việc, cũng như sự nhàm chán (có cả một vấn đề lý thuyết rất được quan tâm trong tâm lý về trạng thái nhàm chán là theory of boredom). Cho nên, chương trình bayesvl cho ứng dụng kỹ thuật MCMC trên R đã ra đời, kéo theo đó là việc cải tiến cách xây dựng đầu bài nghiên cứu, kiểm tra logic, xác nhận tính hợp lệ mô hình, biện luận kết quả và cả lối trình bày nghiên cứu.

Khoảng thời gian này, theo kiểm nghiệm bản thân, đã trôi qua vô cùng nhanh chóng, tới mức cách đây chưa lâu, tôi chợt nhận ra chiếc máy laptop đang sử dụng đã "lên lão", hơn 8 tuổi! Rất nhiều phím đã bị bay sạch cả chữ sơn trên phím, và một số thường trực bị bong ra nếu lỡ tay gõ hơi ‘bạo lực’. Hệ điều hành thì có thể tự nghỉ ngơi, đòi khởi động lại bất kỳ khi nào. Bản Windows của máy cũng không còn được phép nâng cấp nữa, vì nó bị xếp vào hạng “ngoài độ tuổi lao động”.

Nhưng cuối cùng, bayesvl đã ra đời, chính thức được phát hành trên CRAN, đã giúp sức vào nhiều công việc đã hoàn thành cũng như đang thực hiện. Dù chỉ khiêm tốn sử dụng trong một phạm vi đội ngũ hạn chế, nó cũng đóng góp những giá trị không thể thay thế, nhất là khi đóng góp đó được xem như một con trâu cầy bền bỉ, luôn có mặt trong những công việc quan trọng.

Có thể nói không quá, cho dù không biết được liệu chương trình trên R này sẽ còn hữu dụng được bao nhiêu lâu nữa, nhưng sự ra đời và tồn tại hữu ích của nó đã đúc kết một giá trị khiến cho khoảng thời gian 5 năm vừa qua trở nên vô cùng ngắn ngủi. Thế nên, lấy “giá trị ngưng đọng” làm từ khóa hẳn cũng không bất hợp lý./.

Tài liệu tham khảo

[1] Harari, Y. N. (2014). Sapiens: A brief history of humankind, Random House

[2] Lewis, J. G. (2013, Dec. 18). Why Does Time Fly as We Get Older?. Scientific American Blog, retrieved from https://blogs.scientificamerican.com/mind-guest-blog/why-does-time-fly-as-we-get-older/

[3] Friedman, W.J., Janssen, S. M. J. (2010). Aging and the speed of time, Acta Psychologica, 134, 130-141

[4] Janssen, S. M. J., Naka, M., Friedman, W. J. (2013). Why does life appear to speed up as people get older?, Time & Society, 22(2), 274-290

[5] Wittmann, M., Lehnhoff, S. (2005). Age effects in perception of time. Psychological Reports, 97, 921-935

[6] Lệ, P. T. (2018). The meaning of Tết in Việt Nam, The Firmament Literacy Journal, 10(4), 8-18

[7] Napier, N. K., Vuong, Q. H. (2013). Serendipity as a strategic advantage?, In: T. Wilkinson (Ed.) Strategic Management in the 21st Century (pp. 175-199) Westport, CT: Praeger

[8] Quan-Hoang Vuong (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism, Berlin, Germany: Walter de Gruyter GmbH

[9] Quan-Hoang Vuong. (2022). A question lingering for ten years. In: Q. H. Vuong. (Ed.) A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism (pp. 1-12). Berlin, Germany: Walter de Gruyter GmbH.

[10] La, V. P., Vuong, Q. H. (2019). bayesvl: Visually Learning the Graphical Structure of Bayesian Networks and Performing MCMC with ‘Stan’, The Comprehensive R Archive Network (CRAN), retrieved from https://CRAN.R-project.org/package=bayesvl

Vương Quân Hoàng