Ứng dụng công nghệ bất động sản: Cơ hội, thách thức và một số khuyến nghị cho thị trường Việt Nam
ThS. Phan Thị Huyền Trang
Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang
Email: phantrang2020.sg@gmail.com
Tóm tắt
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã mở ra một thị trường mới trong lĩnh vực này, thị trường công nghệ BĐS (PropTech), góp phần mang lại lợi ích cho các bên tham gia đầu tư BĐS. Bài nghiên cứu tập trung đề cập thực trạng thị trường PropTech Việt Nam, trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy thị trường này phát triển hiệu quả trong thời gian tới.
Từ khóa: công nghệ bất động sản, nền kinh tế chia sẻ, thị trường Việt Nam, quản lý tài sản, tòa nhà thông minh
Summary
In the strong development trend of the Industrial Revolution 4.0, the application of technology in the real estate sector has opened a new market in this field, the real estate technology market (PropTech), contributing benefits to parties participating in real estate investment. This study focuses on the current situation of the PropTech market in Vietnam and, on that basis, proposes several solutions to promote the effective development of this market in the coming time.
Keywords: PropTech, sharing economy, Vietnam market, property management, smart buildings
GIỚI THIỆU
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, đến năm 2030, thị trường BĐS Việt Nam đạt giá trị hơn 1,232 nghìn tỷ USD, tương đương 22% tổng giá trị tài sản dự kiến 5.601,31 tỷ USD của nền kinh tế (Lưu Thị Thủy, 2023). Với sự phát triển và tác động nhanh chóng của kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào ngành BĐS là một yêu cầu khách quan và cấp thiết. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc ứng dụng công nghệ BĐS – PropTech giúp mang lại lợi ích cho các bên liên quan trong lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, thị trường PropTech ở Việt Nam vẫn còn phân mảnh, thiếu một nền tảng thống nhất và các hướng dẫn được thiết lập để thu thập, trao đổi và sử dụng dữ liệu ngành. Việc thiếu chuẩn hóa này đã góp phần tạo nên bối cảnh phi tập trung trong thị trường, khiến các chủ thế, như: người sử dụng, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, đơn vị tài trợ, đơn vị tư vấn…, khó có thể hợp tác hiệu quả, hoặc khai thác dữ liệu để đưa ra quyết định thông thái. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu về thực trạng, cũng như những cơ hội trong ứng dụng PropTech là rất cần thiết để có các giải pháp thúc đẩy thị trường này phát triển hiệu quả trong thời gian tới, góp phần tối ưu hóa lợi ích các bên tham gia vào thị trường BĐS tại Việt Nam.
TỔNG QUAN VỀ PROPTECH
Mặc dù phải mất một thời gian để thích nghi với siêu chu kỳ đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, nhưng sự xuất hiện của công nghệ trong bất động sản – PropTech đã cải thiện tích cực cách mua, bán, cho thuê, thiết kế, xây dựng và quản lý BĐS.
PropTech là tên viết tắt của thuật ngữ Property (Bất động sản) và Technology (Công nghệ) PropTech là một phần nhỏ trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số rộng lớn hơn của ngành BĐS. Nó mô tả một phong trào thúc đẩy sự thay đổi tâm lý, hành vi của người tiêu dùng trong ngành BĐS liên quan đến sự đổi mới dựa trên công nghệ kết nối dữ liệu, giao dịch và thiết kế các tòa nhà hoặc thành phố (Braesemann, Fabian and Baum, Andrew, 2020). Thị trường PropTech đã trải qua 4 làn sóng đổi mới kể từ năm 2007. Mỗi làn sóng phản ánh một xu hướng đương thời trong hệ sinh thái công nghệ rộng lớn hơn (Baum, A., Saull, A. and Braesemann, F, 2020).
Cơn sốt Dot - Com đã khởi nguồn cho làn sóng PropTech 1.0 đầu tiên. Với sự xuất hiện của các công ty tổng hợp trực tuyến lớn trên phương tiện truyền thông xã hội đã dẫn dắt hành vi của người tiêu dùng. Các giao dịch trực tuyến bắt đầu tác động đến lĩnh vực BĐS. Sự sụp đổ của bong bóng Dot - Com năm 2001 cũng ghi dấu chấm hết cho làn sóng PropTech 1.0. Tiếp đó, làn sóng PropTech 2.0 nở rộ vào năm 2014 do sự kích thích bởi GFC - Generic Flow Control (Điều khiển luồng tổng quát) cùng với sự phát triển công nghệ vượt bậc trong App Store. Trong thời đại này, các công cụ phân tích dữ liệu, trải nghiệm ảo đã được hỗ trợ trên radar nhằm đem đến cho thế hệ khách hàng thành thạo công nghệ những trải nghiệm tối ưu nhất từ các thiết bị cá nhân. Chính những điều này đã đặt nền móng cho kỷ nguyên PropTech (Baun và Braesemann, 2020).
PropTech 3.0 được thúc đẩy bởi áp lực toàn cầu của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Các công nghệ ngoại sinh, như: Internet of Things (IoT- Internet vạn vật), Machine Learning (Máy học), Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo) và Blockchain, Smart Lifts, Drones và công nghệ Virtual Reality (Thực tế ảo) đã kích hoạt sự phát triển của PropTech. Làn song PropTech 3.0 đánh dấu “bước nhảy” của công nghệ trên thị trường này thông qua việc khai thác tối ưu trải nghiệm người dùng và nhà quản lý BĐS. Sự phát triển sôi động của các công ty khởi nghiệp đã thách thức các nguyên tắc cơ bản của thị trường BĐS vốn mang nặng tính truyền thống (Apac Entrepreneu, 2020).
Làn sóng PropTech 4.0 mới được thiết lập gần đây, khai thác sức mạnh của các phát minh về công nghệ nhằm tối ưu hóa cấu trúc và giảm chi phí. Những làn sóng đổi mới liên tiếp của PropTech đang đặt ngành công nghiệp BĐS đối mặt với những thay đổi sâu rộng trong nhiều khía cạnh khác nhau.
Theo nghiên cứu của Baum, A., Saull, A. and Braesemann, F. (2020), gốc rễ cho sự hình thành PropTech xuất phát từ 5 yếu tố quan trọng: Một là, tòa nhà thông minh (Smart Buildings) sử dụng các nền tảng công nghệ để cung cấp thông tin về hiệu suất tòa nhà và đô thị, hỗ trợ quản lý và vận hành tài sản; Hai là, công nghệ tài chính (FinTech) tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch quyền sở hữu tài sản BĐS, cổ phiếu, và hỗ trợ thị trường vốn; Ba là, nền kinh tế chia sẻ (Shared Economy) cho phép chia sẻ tài sản BĐS thông qua các nền tảng công nghệ, giúp người dùng và chủ sở hữu tiềm năng thực hiện giao dịch thuê hoặc sử dụng không gian; Bốn là, công nghệ xây dựng (ConTech) giúp cải thiện quy trình xây dựng, tăng năng suất, và giảm chi phí; Năm là, công nghệ pháp lý (LegalTech) đặc trưng bởi hợp đồng thông minh, hỗ trợ mạnh mẽ cho ứng dụng FinTech trong BĐS.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định mối liên hệ mật thiết và đa chiều giữa sự phát triển của thị trường BĐS và PropTech. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, PropTech có tác động tích cực, như: giảm rủi ro, thời gian và chi phí trong giao dịch BĐS, đồng thời cải thiện quy trình thông qua dữ liệu không gian và người dùng (Souza và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy tác động tiêu cực, chẳng hạn như việc PropTech âm thầm thay đổi thị trường bằng cách tạo điều kiện cho các tác nhân mới tham gia nếu họ nắm vững công nghệ; từ đó, mở rộng ảnh hưởng trong thời kỳ khủng hoảng và tập trung quyền lực độc quyền về dữ liệu không gian (Yung và Allison, 2023). Baun và Braesemann (2020) chỉ ra rằng, chuyển đổi quy trình vật lý thành dữ liệu kỹ thuật số, thông qua cảm biến và camera là cốt lõi của xu hướng tòa nhà thông minh trong ứng dụng PropTech.
Hình 1: Các công nghệ cốt lõi của PropTech theo hệ thống Unissu
Nguồn: Baum và Braesemann (2020) |
Như vậy, việc phát triển các ứng dụng công nghệ của thị trường PropTech thực sự đã tạo hiệu ứng phát triển cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, hiệu ứng này phát huy hiệu quả như thế nào, còn phụ thuộc vào sự phát triển, ảnh hưởng và kiểm soát các nền tảng công nghệ ở mỗi quốc gia.
THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG PROPTECH VIỆT NAM
Thực trạng thị trường PropTech
Thị trường PropTech toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự chuyển mình của ngành BĐS. Công nghệ PropTech đã tối ưu hóa hoạt động của thị trường BĐS, gia tăng tính minh bạch, giảm thiểu các rào cản và nâng cao hiệu suất đầu tư cũng như quản lý tài sản. Với mức tăng trưởng ấn tượng và nhu cầu số hóa ngày càng cao, Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng PropTech toàn cầu và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Thị trường PropTech tại Việt Nam bắt đầu phát triển cách đây gần 20 năm nhờ sự phát triển nhanh chóng của Internet, các trang web, nền tảng giao dịch trực tuyến xuất hiện thay thế cho quảng cáo rao vặt trên báo giấy, như: 5giay.vn, Muaban.net, Batdongsan.com.vn, Muabannhadat.com.vn, Alonhadat.com.vn... Những nền tảng này cung cấp nội dung đa dạng hơn, bao gồm cả video thực tế về BĐS. Nhà đầu tư vào website đã thu hút được vốn đầu tư lớn của thị trường, khởi đầu cho cuộc cạnh tranh thị phần trong lĩnh vực PropTech.
Giữa thập niên 2010, thị trường PropTech Việt Nam chứng kiến sự ra đời của các ứng dụng di động nổi bật, như Propzy, ra mắt năm 2016 và mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, với 30 triệu USD đầu tư từ Softbank và Gaw Capital. Dù gặp thất bại khi triển khai mô hình kinh doanh, Propzy đã khích lệ nhiều startup, như: Homebase, MGi PropTech và Reti cùng sự đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn, như: Cen Group, Hưng Thịnh và Sunshine Group. Gần đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng gia nhập thị trường với ứng dụng VARS Connect, đánh dấu sự gia tăng tham gia từ các tổ chức trong nước.
Theo báo cáo thị trường, quy mô thị trường PropTech Việt Nam đạt 512,4 triệu USD vào năm 2023 và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn dự báo, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 18,7% từ 2024 đến 2029 (Techsciresearch, 2023).
Hình 2: Bản đồ thị trường PropTech Việt Nam (Quý 1/2023)
Nguồn: PropHUB 2023 |
Tại Việt Nam, thị trường PropTech đã phát triển đa dạng, với dữ liệu số là yếu tố chính thúc đẩy các ứng dụng PropTech. Những đổi mới này đã tạo ra sự chuyển đổi đáng kể trong việc cá nhân hóa quản lý tài sản, tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả trong ngành BĐS. Công nghệ PropTech đáp ứng nhu cầu của người mua, người bán, nhà môi giới, nhà cho vay, và chủ nhà, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí. Tại Việt Nam, khoảng 150 công ty tham gia PropTech, với khoảng 50% tập trung vào nhà ở và văn phòng, đạt giá trị thị trường khoảng 500 triệu USD (Các ứng dụng PropTech tiêu biểu trong quản lý tòa nhà bao gồm: Landsoft Control, BuildingIQ, NOZZA, Building Care, Cyhome, Landber Building, Nantum OS, BEE BMS, và Luci Building. Một số doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và chủ đầu tư cũng cung cấp sản phẩm công nghệ, như: Vinhomes Residen và Property Cube…
Theo PropHUB, phân loại mới nhất về PropTech là bản đồ thị trường này, bao gồm 5 phân khúc riêng biệt là: Sử dụng BĐS; Tài chính và đầu tư; Xây dựng; Vận hành và bảo trì quản lý BĐS; Giải pháp giao dịch, bán hàng. Nhìn chung, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực BĐS ở Việt Nam đang trong giai đoạn 2.0 và dần chuyển mình sang 3.0 với tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh, song vẫn chậm hơn so với tốc độ chung trên thế giới và các nước phát triển. Dẫu vậy, các doanh nghiệp PropTech tại Việt Nam hiện đang hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực trong thị trường BĐS, đặc biệt với nhu cầu ngày càng gia tăng mạnh mẽ và đa dạng trên hàng loạt các phân khúc sản phẩm, đây là nền tảng dự báo cho sự bùng nổ về ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực BĐS thời gian tới tại Việt Nam.
Một số thách thức
Mặc dù thị trường PropTech tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hạn chế về hạ tầng công nghệ và pháp lý là một rào cản lớn đối với sự phát triển của PropTech. Mặc dù Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng việc triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến vẫn chưa được đồng bộ, đặc biệt là ở các khu vực ngoài đô thị lớn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ PropTech giữa các khu vực, làm hạn chế phạm vi phát triển của thị trường. Ngoài ra, khung pháp lý liên quan đến PropTech vẫn chưa hoàn thiện và chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và thị trường. Sự thiếu rõ ràng và minh bạch trong các quy định pháp lý có thể gây ra khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu, giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, mà còn làm gia tăng rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp trong ngành.
Thứ hai, sự phân mảnh và thiếu sự đồng bộ của hệ sinh thái là một trở ngại lớn, đồng thời thiếu nguồn vốn và nguồn lực đầu tư để phát triển thị trường đồng bộ, mở rộng quy mô. Thị trường PropTech Việt Nam hiện tại chủ yếu tập trung vào các trang web đăng tin rao vặt BĐS, chưa phát triển toàn diện các giải pháp công nghệ tiên tiến. Sự phân mảnh này khiến mỗi nhóm người dùng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu, trong khi các yếu tố cần thiết, như: công nghệ, nguồn lực đầu tư và thị trường chưa đủ mạnh để tạo ra một hệ sinh thái đồng bộ. Kết quả là, các doanh nghiệp PropTech gặp khó khăn trong việc thu hút đủ nguồn lực để tái đầu tư và phát triển bền vững. Ngay cả các tổ chức quốc tế với nguồn lực dồi dào cũng gặp khó khăn khi tham gia thị trường Việt Nam do thị trường nhỏ, phân tán và thiếu sự đồng bộ cần thiết để phát triển lâu dài.
Thứ ba, người tiêu dùng có thể lo ngại về tính an toàn và bảo mật của các giao dịch trực tuyến, làm giảm tốc độ chấp nhận và sử dụng các dịch vụ PropTech. Cùng với đó, sự chấp nhận của thị trường và khách hàng đối với các giải pháp PropTech vẫn là một thách thức lớn. PropTech là một lĩnh vực tương đối mới mẻ tại Việt Nam và việc thuyết phục các doanh nghiệp BĐS truyền thống, cũng như khách hàng chấp nhận và áp dụng các giải pháp công nghệ mới không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn quen với các phương thức làm việc truyền thống và chưa sẵn sàng đầu tư vào công nghệ.
Thứ tư, sự thiếu hụt nguồn nhân lực thành thạo về công nghệ và am hiểu về BĐS cũng là một thách thức lớn cho sự phát triển của thị trường PropTech trong bối cảnh nhu cầu giao dịch trực tuyến và ứng công nghệ số ngày càng gia tăng trong giao dịch BĐS.
Thứ năm, cạnh tranh và rủi ro từ các mô hình kinh doanh mới cũng là một thách thức không nhỏ đối với thị trường PropTech Việt Nam. Thị trường này đang thu hút sự tham gia của nhiều công ty khởi nghiệp cả trong nước và quốc tế, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể phải chạy đua về giá cả và dịch vụ, điều này có thể làm giảm lợi nhuận và gia tăng rủi ro tài chính. Ngoài ra, việc phát triển và triển khai các mô hình kinh doanh mới đòi hỏi các công ty phải có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường, đồng thời phải quản lý tốt các rủi ro liên quan đến công nghệ và tài chính. Những thách thức này yêu cầu các doanh nghiệp PropTech tại Việt Nam phải có chiến lược phát triển linh hoạt, tăng cường hợp tác với các bên liên quan và không ngừng cải tiến để vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển. Sự thành công của PropTech không chỉ phụ thuộc vào việc nắm bắt các cơ hội thị trường, mà còn đòi hỏi sự đổi mới liên tục và khả năng thích ứng trước những thách thức không ngừng thay đổi.
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG PROPTECH VIỆT NAM
Mặc dù còn đối mặt với những thách thức từ tư duy truyền thống và yêu cầu cao về độ tin cậy trong ngành, triển vọng phát triển của ứng dụng PropTech tại Việt Nam vẫn tích cực. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng mạnh về BĐS của người dân và các đặc điểm đặc thù của thị trường mới nổi tại Việt Nam, như: dân số trẻ, am hiểu công nghệ cùng với các nguồn tài trợ và chính sách ưu đãi dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Việt Nam đang nổi lên như một trong những thị trường tiềm năng nhất cho phát triển công nghệ và ứng dụng kỹ thuật số, với sự bùng nổ mạnh mẽ của các lĩnh vực, như: Fintech, EdTech, E-commerce, HealthTech, AgriTech và PropTech. Đây là cơ hội và động lực chính cho sự phát triển của thị trường công nghệ và ứng dụng kỹ thuật số nói chung, cũng như PropTech nói riêng. Có nhiều yếu tố, trong đó, các động lực quan trọng nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng đầu tư của các start up và sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin.
Việt Nam đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực PropTech. Theo Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS, ngày 19/04/2024 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, kế hoạch phát triển kinh tế số được xây dựng trên 4 trụ cột chính: công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số. Một mục tiêu trọng điểm là thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường công nghệ, trong đó có PropTech. Hơn nữa, 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất đã và đang ứng dụng các nền tảng số, 40% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến và 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối với hệ thống giám sát. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho PropTech phát triển, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ vào thị trường.
Cùng với đó, sự phát triển của thị trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam là động lực chính cho PropTech. Việt Nam hiện là thị trường khởi nghiệp công nghệ lớn thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Đầu tư của các startup đã tăng liên tục kể từ năm 2018, đạt đỉnh 1,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự đóng góp ngày càng lớn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế (Nash Tech, 2023). Việc gia tăng đầu tư này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của PropTech, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này tiếp tục tận dụng các nguồn lực và cơ hội thị trường. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số, thị trường PropTech Việt Nam nổi lên như một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ BĐS tại các trung tâm đô thị.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường PropTech. Việt Nam nằm trong top 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi với dữ liệu thị trường điện toán đám mây có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á. Cùng với đó, sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet tốc độ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ PropTech trong quản lý và giao dịch BĐS. Đồng thời, sự phát triển của các giải pháp Fintech cũng đã góp phần quan trọng vào quá trình này. Các nền tảng cho vay trực tuyến, thanh toán kỹ thuật số và các công cụ tài chính khác đang giúp quá trình mua bán, đầu tư và quản lý BĐS trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Tất cả các yếu tố này tạo nên một triển vọng lạc quan cho sự phát triển của PropTech tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường này trong tương lai.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường PropTech tại Việt Nam, cần đẩy mạnh triển khai một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, cải thiện hệ thống hạ tầng công nghệ đồng bộ giữa các khu vực. Hiện tại, hệ thống pháp lý liên quan đến công nghệ trong lĩnh vực BĐS vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc điều chỉnh các hoạt động giao dịch trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quản lý các nền tảng kỹ thuật số. Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và bổ sung các quy định này nhằm tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, an toàn và hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp PropTech phát triển bền vững. Cụ thể, việc số hóa các quy trình hành chính, như: đăng ký quyền sở hữu và giao dịch BĐS sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu chi phí và thời gian cho cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường PropTech.
Tăng cường hoàn thiện hệ thống công nghệ, đặc biệt là tại các vùng ngoài đô thị lớn để cải thiện việc kết nối và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ đồng bộ giữa các vùng miền, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh triển khai các ứng dụng giao dịch BĐS dựa trên nền tảng công nghệ PropTech trên toàn quốc.
Hai là, tăng cường đầu tư và hỗ trợ tài chính. Để thị trường PropTech phát triển mạnh mẽ, cần có sự hỗ trợ từ cả Chính phủ và các tổ chức tài chính trong việc thu hút vốn đầu tư từ trong và ngoài nước. Sự tham gia của các quỹ đầu tư sẽ không chỉ mang lại nguồn vốn quý giá cho các công ty khởi nghiệp, mà còn đem đến kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến từ các thị trường phát triển hơn. Hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp PropTech trong nước phát triển và mở rộng quy mô hoạt động.
Ba là, nâng cao nhận thức và đào tạo nhân lực. Để chuẩn bị cho sự bùng nổ của thị trường này, cần có những chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ BĐS nhằm nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Các trường đại học và cơ sở đào tạo cần tích hợp các khóa học về PropTech để chuẩn bị cho thế hệ lao động trẻ và năng động. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của PropTech là cần thiết để thúc đẩy sự chấp nhận và sử dụng rộng rãi các công nghệ mới. Nhận thức cộng đồng càng cao, sự phát triển của thị trường PropTech càng có cơ hội mở rộng và đi vào chiều sâu.
Bốn là, hợp tác và đổi mới sáng tạo. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp PropTech, các công ty BĐS truyền thống và cơ quan Chính phủ sẽ giúp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thúc đẩy việc phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến. Tăng cường đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, như: AI, Blockchain và IoT, là chìa khóa để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp PropTech, từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ thị trường BĐS.
Năm là, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Khi các giải pháp PropTech ngày càng thu thập và xử lý lượng lớn thông tin nhạy cảm, nguy cơ vi phạm dữ liệu và tấn công mạng cũng tăng cao. Để đối phó với thách thức này, cần thiết lập các biện pháp bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ và triển khai các giao thức an ninh mạng tiên tiến, đồng thời xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ dữ liệu sẽ giúp duy trì niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi của các giải pháp PropTech và từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường này tại Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Apac Entrepreneu (2020), PropTech: The Next Big Thing in Real Estate, truy cập từ https://apacentrepreneur.com/PropTech-the-next-big-thing-in-real-estate/.
2. Baum, A., Saull, A. and Braesemann, F. (2020), PropTech 2020: the future of real estate. Tech. rep., Saïd Business School, University of Oxford, Oxford.
3. Braesemann, Fabian and Baum, Andrew (2020), PropTech: Turning Real Estate Into a Data-Driven Market?, truy cập từ: https://ssrn.com/abstract=3607238.
4. Lưu Thị Thủy (2023), Thị trường bất động sản Việt Nam & Tiềm năng phát triển, Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 90/2023.
5. Nash Tech (2023), Vietnam’s Tech Landscape, truy cập từ https://www.nashtechglobal.com/our-thinking/resources/vietnams-tech-landscape/
6. PropHub (2023), Bức tranh toàn cảnh giải pháp công nghệ ứng dụng trong ngành bất động sản tại Việt Nam Q1/2023, truy cập từ https://prophub.vn/toan-canh-giai-phap-cong-nghe-nganh-bat-dong-san-q1-2023/.
7. Souza, L.A., Koroleva, O., Worzala, E., Martin, C., Becker, A. and Derrick, N. (2021), The technological impact on real estate investing: robots vs humans: new applications for organisational and portfolio strategies, Journal of Property Investment & Finance, 39(2), 170-177.
8. Techsciresearch (2023), PropTech Market By Size, Trends, Developments & Forecast 2028, truy cập từ https://www.techsciresearch.com/report/PropTech-market/16144.html.
9. Yung, Allison (2023), Mediating Real-Estate: Understanding Property Platforms in Toronto’s Residential Real-Estate Markets, Master's Theses, University of Toronto.
Ngày nhận bài: 20/7/2024; Ngày phản biện: 16/8/2024; Ngày duyệt đăng: 27/8/2024 |
Bình luận