KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ ƯU ĐÃI THUẾ TNDN ĐỐI VỚI CÁC DNKNST

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và để hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo Chính phủ các nước đều ban hành các ưu đãi riêng về thuế TNDN đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này. Một số nước ban hành chính sách ưu đãi thuế TNDN dành riêng cho các DNKNST, tách bạch giữa ưu đãi dành cho các DNKNST với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cùng các loại hình doanh nghiệp khác. Ưu đãi thuế TNDN của các nước thường được thiết lập dựa trên doanh thu, quy mô lao động, ngành nghề kinh doanh và mức độ ứng dụng công nghệ của DNKNST. Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thiết lập ưu đãi thuế TNDN dành cho các DNKNST được thể hiện ở các nội dung như sau:

Về áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi

Đây là hình thức ưu đãi thuế phổ biến nhất được các quốc gia áp dụng để hỗ trợ các DNKNST. Cụ thể: Tại Singapore, trong 3 năm đầu hoạt động, các DNKNST có doanh thu dưới 100.000 SGD sẽ được miễn thuế TNDN; doanh thu từ 100.000 - 300.000 SGD áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 8,5%; doanh thu trên 300.000 SGD áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 17%. Các DNKNST từ năm thứ 4 trở đi có doanh thu dưới 300.000 SGD sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 8,5%; doanh thu trên 300.000 SGD áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 17% [4]. Còn tại Trung Quốc, áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 20% đối với DNNVV, tuy nhiên đối với các DNKNST và doanh nghiệp công nghệ cao được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% [8]. Ở Thái Lan, thuế TNDN phổ thông là 20%, nhưng các DNNVV (trong đó bao gồm các DNKNST) được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức 15%. Đặc biệt, các DNKNST có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Baht trở xuống được miễn thuế TNDN [4].

Ưu đãi về thời gian miễn thuế và giảm thuế TNDN

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam
Chính sách ưu đãi thuế TNDN có ảnh hưởng lớn đến hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Ấn Độ, những DNKNST đáp ứng được các điều kiện trong Chương trình hành động của Ấn Độ sẽ được miễn thuế TNDN trong vòng 3 năm; miễn thuế đối với thặng dư vốn đầu tư vào các quỹ được chính phủ công nhận, áp dụng đối với cả các DNKNST là DNNVV mới được thành lập và đang có ý định mở rộng hoạt động; miễn thuế đối với các khoản đầu tư cao hơn giá trị thị trường trong trường hợp các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các DNKNST cao hơn giá trị thị trường. Tại Trung Quốc, DNKNST do sinh viên làm chủ trong lĩnh vực tư vấn, thông tin, dịch vụ kỹ thuật, sau khi được cơ quan thuế phê chuẩn thì được miễn thuế TNDN trong 2 năm; trong lĩnh vực giao thông vận tải, thông tấn điện tử được miễn thuế TNDN năm đầu tiên, năm thứ 2 giảm ½ thuế TNDN; trong lĩnh vực sự nghiệp công cộng, thương nghiệp, vật tư, thương mại quốc tế, du lịch, kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, sự nghiệp văn hóa giáo dục, vệ sinh được miễn thuế TNDN 1 năm [3].

Giảm trừ nghĩa vụ thuế TNDN phải nộp cho các DNKNST thông qua khấu trừ chi phí nghiên cứu và phát triển

Tại Anh, Chính phủ cho phép các DNKNST được phép khấu trừ bổ sung một tỷ lệ nhất định, ngoài các khoản chi phí nghiên cứu và phát triển thông thường. Các DNKNST được áp dụng quy định này là những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 100 triệu EUR hoặc có tổng giá trị tài sản dưới 86 triệu EUR. Nếu đáp ứng được các điều kiện trên, các DNKNST được phép khấu trừ thêm 130% chi phí nghiên cứu và phát triển. Như vậy, tổng chi phí nghiên cứu và phát triển được khấu trừ trước khi xác định thuế TNDN của các DNKNST tại Anh lên tới 230% chi phí thực tế [7].

Tại Hàn Quốc, Chính phủ có chính sách thuế đặc biệt ưu đãi - cho phép giảm thuế TNDN đối với các khoản đầu tư của các DNKNST công nghệ cao thông qua các hình thức: Tăng mức khấu trừ thuế từ 30% lên 50% đối với khoản đầu tư 50 triệu Won; Tăng giới hạn khấu trừ vào thu nhập chịu thuế hàng năm của DNKNST từ 40%-50% [4].

Cho phép các DNKNST áp dụng hình thức khấu hao nhanh

Tại Nam Phi, cho phép các DNKNST có doanh thu dưới 20 triệu ZAR được phép khấu hao tài sản trong 3 năm thay vì khấu hao trong 5 năm như các doanh nghiệp khác. Năm đầu tiên mức khấu hao lên tới 50%, năm thứ hai là 30% và năm thứ 3 là 10%. Riêng các DNKNST có thực hiện chức năng sản xuất có thể khấu hao tài sản chỉ trong hơn 1 năm [7].

Còn ở Pháp, các DNKNST có thể được trích khấu hao nhanh trong thời hạn 2 năm thay vì áp dụng phương pháp khấu hao thông thường. Tại Đức cho phép các DNKNST được khấu hao nhanh các tài sản có giá trị dưới 235.000 EUR, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp là 125.000 EUR. Hàn Quốc cho phép các DNKNST khấu hao nhanh với tỷ lệ 50% thay vì 25% như đối với các doanh nghiệp khác với các khoản đầu tư của DNKNST để xây dựng nhà máy [7].

Cho phép các DNKNST chuyển lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha và một số quốc gia khác đều có các quy định linh hoạt khi xử lý các khoản lỗ của DNKNST. Nhật Bản cho phép các DNKNST được chuyển 100% các khoản lỗ năm trước sang năm sau, trong khi các doanh nghiệp thông thường chỉ được chuyển 65% để khấu trừ. Tại Hàn Quốc, quy định chuyển lỗ đối với các DNKNST được thực hiện theo cơ chế riêng, đó là được chuyển lỗ ngược về trước để khấu trừ vào thu nhập của các năm trước. Quy định này được thực hiện theo Luật Kiểm soát thuế đặc biệt của Hàn Quốc và theo đó, các DNKNST có thể yêu cầu hoàn một khoản thuế TNDN sau khi khấu trừ khoản lỗ của năm hiện tại với thu nhập của các năm trước đó. Tây Ban Nha cho phép các doanh nghiệp có doanh thu dưới 6,01 triệu EUR có thể chuyển tất cả các khoản lỗ của giai đoạn trước để bù đắp các nghĩa vụ thuế trong tương lai, mà không bị giới hạn về mặt thời gian [6].

Theo kết quả nghiên cứu, trong số 12 quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, có 92% các quốc gia áp dụng miễn giảm thuế có thời hạn hoặc miễn thuế; có 72% các quốc gia áp dụng hình thức giảm thuế suất thuế TNDN [5]. Như vậy, có thể thấy việc áp dụng các ưu đãi thuế TNDN nhằm khuyến khích sự phát triển của các DNKNST là phổ biến trên thế giới và tùy theo chiến lược phát triển, mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ mà các quốc gia đưa ra các chính sách ưu đãi thuế TNDN khác nhau đối với các DNKNST. Hiện nay, phần lớn các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn áp dụng các hình thức ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế và ưu đãi về thuế suất thuế TNDN.

THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ TNDN ĐỐI VỚI CÁC DNKNST CỦA VIỆT NAM

Chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với các DNKNST của Việt Nam

Căn cứ vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (ngày 03/6/2008) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (ngày 19/6/2013), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (ngày 26/11/2014); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (ngày 12/6/2017); Nghị định số 94/2020/NĐ-CP, ngày 21/08/2020 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC, ngày 23/4/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các văn bản có liên quan, thì các DNKNST sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN như sau:

Đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong 30 năm, kể từ năm đầu tiên có doanh thu; miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Đối với các cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Đối với các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo: Được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế được quy định tại pháp luật về thuế. Cụ thể, đối với quy định về thuế TNDN hiện hành, các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo sẽ được ưu đãi về thuế suất, về thời gian miễn, giảm thuế… tùy theo các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà DNKNST tham gia.

Đối với hoạt động chuyển lỗ: DNKNST được tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp của quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm. DNKNST có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính, thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế TNDN, doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên. Trường hợp trong thời gian chuyển lỗ có phát sinh tiếp số lỗ, thì số lỗ phát sinh này (không bao gồm số lỗ của kỳ trước chuyển sang) sẽ được chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Đối với việc trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Các doanh nghiệp nói chung và DNKNST nói riêng được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Phần trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ làm giảm trừ vào thu nhập tính thuế trước khi tính thuế TNDN, từ đó giảm nghĩa vụ thuế TNDN mà doanh nghiệp phải nộp.

Nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây, cả về số lượng DNKNST, số thương vụ đầu tư và giá trị vốn đầu tư. Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015; trong đó, số lượng DNKNST của Việt Nam tăng liên tục và tính đến năm 2020 Việt Nam đã có gần 3.800 DNKNST (Hình 1).

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam

Về số thương vụ và giá trị vốn đầu tư, năm 2016, giá trị vốn đầu tư vào các DNKNST của Việt Nam chỉ là 105 triệu USD, thì năm 2018, Việt Nam tiếp nhận 59 thương vụ, với tổng số vốn hơn 443 triệu USD, tăng hơn 300% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (tăng 29 thương vụ với 338 triệu USD). Năm 2019, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam tăng mạnh lên đến gần 874 triệu USD với 126 thương vụ đầu tư. Sang năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, các DNKNST của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tổng vốn đầu tư cho các DNKNST của Việt Nam chỉ đạt 451 triệu USD, bằng 51,6% so năm 2019 (Hình 2).

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam

Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách ưu đãi thuế TNDN dành cho các DNKNST của Việt Nam

Các chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam bước đầu đã hỗ trợ sự phát triển của các DNKNST, tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra khi các ưu đãi này triển khai trên thực tế, cụ thể:

Một là, Việt Nam hiện nay chưa thiết lập hệ thống chính sách ưu đãi thuế TNDN áp dụng riêng đối với các DNKNST. Chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện nay phần lớn là ưu đãi cho các DNNVV nói chung, trong đó bao gồm các DNKNST. Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế TNDN dành cho các DNKNST.

Hai là, các ưu đãi thuế TNDN chưa phù hợp với đặc điểm của các DNKNST. Để được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN, các DNKNST phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác về thời gian hoạt động, quy mô vốn, mô hình lao động được cung cấp... Tuy nhiên, do đặc thù sản phẩm của các DNKNST là các sản phẩm mới chưa xuất hiện trên thị trường, ứng dụng công nghệ cao, vốn của DNKNST thường bắt đầu từ chính tiền túi của người sáng lập, tiềm ẩn nhiều rủi ro… Vì vậy, các DNKNST rất khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện để được hưởng ưu đãi. Đây là một trong những nội dung cần tháo gỡ hiện nay nếu không sẽ bỏ lỡ những tác động tích cực của chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với các DNKNST.

Ba là, chính sách ưu đãi thuế TNDN chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn lớn vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Với các ưu đãi về thuế TNDN, hiện nay các nhà đầu tư vẫn tiến hành đầu tư vốn cho DNKNST của Việt Nam, giá trị của vốn đầu tư tăng khá nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên giá trị của khoản vốn đầu tư so với tiềm năng phát triển của các DNKNST Việt Nam là chưa lớn, dẫn đến nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo không thể thực hiện.

Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo khi thực hiện chuyển nhượng vốn chưa được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN. Hoạt động đầu tư vào các DNKNST có độ rủi ro cao, chính sách thuế TNDN hiện tại lại chưa cho phép các nhà đầu tư thực hiện bù trừ lỗ, do đó phần nào giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, từ đó gây khó khăn cho các DNKNST trong công tác huy động vốn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các DNKNST Việt Nam.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm quốc tế và thực trạng chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với các DNKNST của Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế đối với DNKNST như sau:

Thứ nhất, giảm thuế suất thuế TNDN đối với các DNKNST. Hiện nay, mức thuế suất phổ thông áp dụng chung cho các doanh nghiệp đều là 20%, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Mức thuế suất ưu đãi 17% và 10% được áp dụng dựa trên ngành nghề và lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, nên DNKNST có thể nằm ngoài phạm vi ưu đãi về thuế suất nếu không hoạt động trong lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Để thúc đẩy sự phát triển của các DNKNST, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông.

Do hầu hết các DNKNST của Việt Nam đều là các DNNVV, vì vậy để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, cần hỗ trợ nhằm đạt được lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất, nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tác giả đề xuất quy định 2 mức thuế suất ưu đãi dành cho các DNKNST: Mức thuế suất 15% áp dụng đối với DNKNST có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng; thuế suất 17% áp dụng đối với DNKNST có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng. Các DNKNST lớn có mức doanh thu từ 50 tỷ đồng trở lên sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc diện được áp dụng thuế suất 15% và 17% là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Việc giảm gánh nặng thuế thông qua ưu đãi về mức thuế suất sẽ làm tăng phần lợi nhuận để lại cho DNKNST, giúp DNKNST có thêm vốn để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, áp dụng hình thức khấu hao nhanh hoặc cho khấu trừ gấp đôi một số khoản chi phí khi tính thuế TNDN cho các DNKNST. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp chỉ được trích khấu hao nhanh trong trường hợp có lãi và có nhu cầu trích khấu hao nhanh để đổi mới công nghệ. Như vậy, các DNKNST muốn trích khấu hao nhanh sẽ phải đảm bảo có lãi - đây là điều kiện làm hạn chế tác động của việc trích khấu hao nhanh. Mặc dù phương pháp này không làm thay đổi tổng số chi phí về vốn được khấu trừ, nhưng nó làm tăng giá trị hiện tại của các khoản được khấu trừ, giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh hơn so với quy định chung về khấu hao tài sản cố định. Vì vậy, để gia tăng hỗ trợ phát triển cho các DNKNST, Việt Nam có thể nghiên cứu cho phép các DNKNST được trích khấu hao nhanh khi mua tài sản cố đinh (ngay cả khi doanh nghiệp chưa có lãi). Bên cạnh đó, với một số khoản chi phí cho các hoạt động được ưu đãi trong doanh nghiệp, như chi phí nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ, nên được tính gấp hai lần khi xác định thu nhập chịu thuế. Các giải pháp này có tác dụng lớn đối với các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực hiện đang gặp khó khăn hoặc được khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, khi áp dụng hình thức này có thể phát sinh vấn đề doanh nghiệp bị lỗ trong năm phát sinh chi phí mua sắm tài sản cố định hoặc đầu tư. Trong trường hợp này, ưu đãi thuế TNDN thông qua việc cho phép trích khấu hao nhanh chỉ có tác dụng nếu cho phép doanh nghiệp áp dụng cơ chế lựa chọn và chuyển lỗ sang các năm tiếp theo.

Thứ ba, tăng thời gian miễn, giảm thuế TNDN trong thời gian đầu hoạt động cho các DNKNST. Hầu hết các DNKNST của Việt Nam trong thời gian đầu hoạt động chưa có lợi nhuận, thậm chí chưa có doanh thu, vì vậy, Nhà nước có thể nghiên cứu miễn thuế cho các DNKNST trong thời gian 5 năm đầu hoạt động (tính từ năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tiên). Hết thời hạn 5 năm, các DNKNST sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông. Đồng thời, Nhà nước cũng cần nghiên cứu cho phép các DNKNST chuyển lỗ không giới hạn thời gian, thay vì 5 năm như hiện nay để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải lưu ý đến việc đơn giản thủ tục hành chính, vì nếu chính sách ưu đãi thuế TNDN được ban hành song quy trình phức tạp sẽ khiến các DNKNST bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ về tài chính, bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2020). Báo cáo tại Techfest Vietnam 2020

2. Do Ventures, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (2020). Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020

3. Lê Vũ Thanh Tâm (2019). Chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhìn từ kinh nghiệm các nước, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Tài chính

4. Lê Xuân Trường (2018). Ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, kỳ 3, tháng 4/2018

5. Vũ Viết Cường (2018). Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp: Kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-kinh-nghiem-cac-nuoc-va-thuc-tien-viet-nam-144275.html

6. Gavin Cassar (2004). The financing of business start-ups, Journal of Business Venturing, 19(2), 261-283

7. Susan C. Morse and Eric J. Allen (2016). Innovation and Taxation at Start-up Firms, Tax Policy Center (TPC), Tax Law Review, 69(3), 357-388

8. VEPR, Oxfam in Vietnam, The Prakarsa, and Tafja (2020). Towards Sustainable Tax Policies in the ASEAN Region: The Case of Corporate Tax Incentives

9. World Intellectual Property Organization (2020). Global Innovation Index 2020

TS. Hoàng Thị Minh Châu

Trường Đại học Công đoàn

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)