VEPR: Năm 2015, thâm hụt ngân sách có thể ở mức cao nhất kể từ năm 2000
Lạm phát 2016 sẽ ở mức 4-5%
Tại báo cáo các chuyên gia của VEPR nhận định, điểm sáng đáng chú ý nhất của kinh tế Việt Nam 2015 là tín hiệu tích cực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,68%. Riêng quý IV/2015 đạt 7,01%, cao nhất kể từ năm 2011.
Trong đó, khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng là thành tố quan trọng nhất đóng góp cho sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng. Khu vực này đã mở rộng 9,64% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với các con số 5,08% và 6,42% của hai năm 2013 và 2014.
Một tín hiệu đáng ghi nhận khác là tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp năm nay cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Lượng lao động ngành công nghiệp tăng 6,4% trong năm 2015, cao hơn năm 2013 (4,3%) và 2014 (5,8%). Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng đến 4,6%, so với mức tăng chỉ 2,5% năm 2014.
Mặc dù lạm phát thấp, song các chuyên gia của VEPR lưu ý, lạm phát đang có áp lực tăng trở lại trong năm 2016. Cụ thể là:
(i) Giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã ở mức thấp kỷ lục và có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ;
(ii) Hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm 2016. Lưu ý, quyền số của nhóm hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giảm giai đoạn 2016-2020 dù vẫn giữ một tỷ trọng cao.
(iii) Khả năng tăng giá các nhóm hàng do nhà nước quản lý bao gồm điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là lớn.
(iv) Tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá.
Trên cơ sở đó, VEPR nhận định, lạm phát 2016 sẽ ở mức 4-5%.
Thâm hụt ngân sách năm 2015 có thể ở mức 7%
Đánh giá tổng quan, VEPR cho rằng, cơ quan điều hành không có những quyết tâm cần thiết trong việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên và khôi phục lại cân đối ngân sách. Trong khi, chi tiếp tục vượt dự toán, thì nguồn thu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tổng thu ngân sách năm 2015 ước đạt 927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so với dự toán. Nhiều nguồn thu đạt thấp hơn nhiều so với dự toán đầu năm như: thu từ dầu thô (62,4 nghìn tỷ; 67,1% dự toán); thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (128 nghìn tỷ; 89,8% dự toán); thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (204,2 nghìn tỷ đồng; 92,5% dự toán); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu (160 nghìn tỷ đồng; 91,4% dự toán).
Nguồn thu mang tính ngắn hạn được đẩy mạnh để bù đắp ngân sách: thu từ sử dụng đất (54,2 nghìn tỷ đồng, 139,1% dự toán)
Thế nhưng, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), và Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), nguồn thu từ hoạt động này dự kiến sẽ giảm dần theo lộ trình cam kết trong thời gian tới.
Đã vậy, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu nhiều khả năng sẽ vẫn thấp hơn dự toán 2016 khi xu hướng biến động của giá dầu thế giới đang thấp hơn nhiều so với mức giá kỳ vọng 60 USD/thùng của cơ quan lập dự toán.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, tổng chi ngân sách năm 2015 có thể vượt so với dự toán khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
“Kết hợp với GDP danh nghĩa năm 2015 tăng chậm hơn dự báo, cdẫn tới thâm hụt ngân sách năm có thể ở mức 7%, cao nhất kể từ năm 2000 trở lại đây”, báo cáo nêu rõ.
Các chuyên gia của VEPR cũng lưu ý là, trong 4 năm gần đây, thâm hụt ngân sách luôn cao hơn mức mục tiêu 5%, phản ánh chính sách tài khóa rất thiếu kỷ luật.
“Chúng tôi cho rằng, nếu Chính phủ không có các biện pháp hiệu quả giảm chi ngân sách, đặc biệt trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, triển vọng cán cân ngân sách sẽ tiếp tục xấu đi trong năm 2016”, các chuyên gia của VEPR cảnh báo.
Cơ chế tỷ giá mới theo hướng thị trường
Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá tham chiếu của đồng Việt Nam với Đô la Mỹ hàng ngày, thay cho tỷ giá liên ngân hàng cố định trước đây.
Tỷ giá tham chiếu mới được xác định dựa trên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường và giá trị của đồng nội tệ so với 8 đồng tiền tham chiếu.
“Như vậy, cơ quan điều hành đã chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý và thực hiện một bước tiến đáng kể trong việc thay đổi chính sách điều hành theo hướng thị trường hơn. Theo đó, những tín hiệu thị trường sẽ được phản ánh vào tỷ giá tham chiếu. NHNN đã tương đối thành công khi dỡ bỏ cơ chế tỷ giá cố định mà không gây ra những biến động lớn”, các chuyên gia của VEPR nhận định.
Kỳ vọng thị trường và trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã được kiểm soát tốt bằng việc bán phái sinh ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng, ngay trước thời điểm công bố cơ chế mới.
Về cơ bản, các chuyên gia của VEPR nhìn nhận, cơ chế điều hành tỷ giá mới phù hợp với những đặc tính của thị trường Việt Nam khi chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để vận hành một cơ chế trong đó thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định tỷ giá.
Thị trường ngoại hối trong năm 2016 tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ các thị trường mới nổi, tuy nhiên các yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá đều tương đối tích cực. Trung Quốc đang ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ khu vực tiêu dùng và dịch vụ, sẽ có nhiều động lực kiểm soát biên độ mất giá của đồng CNY ở mức vừa phải, dưới 5%.
FED đang trong quá trình tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên sẽ gây sức lên tỷ giá trong nước. Chỉ số USD tháng 12 đạt mức 99,39, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây và vẫn đang trong xu hương tăng. Tuy nhiên, với việc FED chưa thực hiện giảm quy mô tài sản nắm giữ, thanh khoản tại các thị trường đang phát triển chưa bị ảnh hưởng thật sự mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan sau khi đàm phán TPP được hoàn thành và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.
Cầu tín dụng năm 2015 tăng cao
Tổng dư nợ tín dụng tính đến 18/12/2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong Q4 tiếp tục dưới mức tăng trưởng huy động, chênh lệch luôn ở mức 3,5-3,7%. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có 11 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,5%/năm trong tháng 12.
Trong khi tín dụng tăng trưởng nhanh, GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều mức tăng hai chữ số các năm trước. Việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô.
“Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ”, các chuyên gia của VEPR cảnh báo.
Cần phải làm gì?
Nhận định rằng, kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục chắc chắn trong năm 2015, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, VEPR cho rằng xu hướng tích cực sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016, cũng như trong giai đoạn trung hạn 2016-2020.
Quyết tâm cải cách kinh tế trong nước chưa tạo ra những kết quả rõ nét, tuy nhiên quá trình hội nhập kinh tế đang tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA, AEC) có khả năng tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển. Xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng đang tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nhẹ và giải quyết bài toán toàn dụng lao động.
Về mặt chính sách, VEPR khuyến nghị, cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục.
Theo đó, VEPR đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, giữ kỷ luật tài khóa để giảm mức bội chi ngân sách, đặc biệt cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA ngoài dự toán cần được kiểm soát chặt chẽ.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu điện, nước... Chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ vĩ mô truyền thống là chính sách tiền tệ và tài khóa. Điều này dù gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn, nhưng tạo tiền đề quan trọng ổn định chính sách trong dài hạn.
Thứ ba, kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.
Cho rằng, mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, các chuyên gia của VEPR đề xuất, xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 12-15% và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất.
“Cụ thể, có thể xem xét điều chính tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên”, VEPR đề xuất.
Thứ tư, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016.
“Chúng tôi cho rằng, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn” các chuyên gia của VEPR nhấn mạnh./.
Bình luận