GDP 2015 tăng trưởng trở lại nhờ cầu trong nước tăng

Tại báo cáo này, WB đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

Sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013 nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên mức 6,7% năm 2015.

Về phía cầu, lạm phát thấp và niềm tin người tiêu dùng củng cố trở lại đã dẫn đến tăng tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, đầu tư cũng tăng nhờ tăng đầu tư nước ngoài trực tiếp và tăng trưởng tín dụng trong nước phục hồi trở lại. Chi chính phủ cũng tăng mạnh, riêng chi thường xuyên đã tăng 11% năm 2015.

Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 8% (mức tăng năm 2014 là 13,8%) do giá thực phẩm và giá nguyên vật liệu giảm, và chỉ được bù trừ phần nào bởi tăng xuất khẩu sản phẩm chế tạo. Trong khi đó nhập khẩu lại tăng nhanh, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ròng bị giảm nhẹ.

Về phía sản xuất, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Các ngành này tăng trưởng 11% năm 2015 và đóng góp trên ½ tổng mức tăng trưởng GDP.Thị trường bất động sản phục hồi dần, tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng, và các quy định thông thoáng hơn đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần vào tăng trưởng trong ngành xây dựng.

Doanh số bán lẻ tăng mạnh nhờ tiêu dùng cá nhân tăng, nhưng bị bù trừ bớt do tăng trưởng ngành du lịch chậm lại, nên kết quả là tổng mức tăng ngành dịch vụ đạt 6%.

Sản xuất nông nghiệp năm 2015 bị suy giảm do giá nông sản toàn cầu suy giảm và điều kiện thời tiết không thuận lợi dưới tác động của El Niño.

Nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh nên tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm xuống. Nghèo cùng cực (theo chuẩn 1,9 USD/ngày tính trên giá trị sức mua [PPP] năm 2011) ước tính đã giảm xuống mức dưới 3%.

Quan ngại về tình trạng nghèo gia tăng hiện nay chỉ tập trung vào số 14% dân số thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

Vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, tiêu cực

Theo WB, dù ổn định và bền vững kinh tế vĩ mô được duy trì về cơ bản, tuy nhiên tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) đang là lý do gây quan ngại. CPI giảm điểm 1% so với năm 2015 và đạt mức thấp nhất kể từ 2001.

Tỷ giá hối đoái so với đồng USD được điều chỉnh đều đặn trong năm 2015 để ứng phó với biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng một chính sách quản lý tỷ giá linh hoạt hơn, trong đó có biện pháp quy định tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Tuy vậy tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức hai tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

Thâm hụt tài khoá đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khoá tăng lên.

Ước tính, nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%.

“Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn (về phía thu hoặc chi)”, báo cáo nêu rõ.

Theo WB, kết quả tái cơ cấu khá lẫn lộn. Cải thiện môi trường kinh doanh có tiến bộ, trong khi cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tăng tốc trong năm 2015 nhưng tốc độ chung còn quá chậm (còn xa mới đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2011–15). Kết quả này thể hiện điều kiện thị trường còn yếu và Chính phủ còn chần chừ, chưa muốn chào bán các doanh nghiệp nhà nước làm ăn tốt.

Quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sát nhập, nhưng vẫn khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34. Nợ xấu toàn ngành ngân hàng, theo báo cáo, đã giảm xuống mức 3% tổng giá trị các món vay. Kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).

“Tuy các ngân hàng bị yêu cầu trích dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn”, tại báo cáo WB nhận định.

Năm 2016, tăng trưởng GDP sẽ giảm còn 6,2%

Năm 2016, WB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm còn 6,2%. Trước đó, sáng ngày 11/4, tổ chức này công bố dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 là 6,5% bằng văn bản.

Lý giải vì sao có sự thay đổi đột ngột như vậy, ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào phút chót do có những diễn biến mới phải cập nhật”.

2 yếu tố tác động đến việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo ông Sandeep Mahajan gồm:

Một là, sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, cùng với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra sự tăng trưởng âm trong nông nghiệp trong quý I/2016.

Tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên năm 2016 của Việt Nam chỉ đạt 5,46% so với mức 6,12% trong quý I/2015.

Hai là, nhu cầu của các nước bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm. Trong quý I, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm rất nhiều.

Tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 đã giảm xuống mức 8% (mức tăng năm 2014 là 13,8%) do giá thực phẩm và giá nguyên vật liệu giảm, và chỉ được bù trừ phần nào bởi tăng xuất khẩu sản phẩm chế tạo.

“Chúng tôi không muốn quá nhấn mạnh, nhưng điều chúng tôi lo ngại là khu vực FDI - vốn là nguồn tăng trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam cũng thể hiện sự giảm sút trong xuất khẩu trong những quý vừa qua”, ông Sandeep lo ngại.

Bên cạnh đó, mặc dù viễn cảnh tích cực, nhưng rủi ro tiêu cực vẫn tồn tại. Tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn. Rủi ro tài khoá cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Hiện nay, tín dụng đang tăng nhanh dần cũng làm tăng thêm rủi ro trong ngành ngân hàng.

WB cũng dự báo, lạm phát năm 2016 của Việt Nam sẽ ở mức 3,5%. Nợ công tăng lên ở mức 63,8% GDP

Cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra. Vì thế, theo WB, Việt Nam cần thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỷ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này.

Bảng: Dự báo các chỉ số chính của nền Kinh tế Việt Nam

2013

2014

2015e

2016f

2017f

2018f

Tăng trưởng GDP thực tế, giá thị trường cố định

5,4

6,0

6,7

6,2

6,3

6,3

Tiêu dùng cá nhân

5,2

6,1

9,3

7,5

7,5

7,0

Chi chính phủ

7,3

7,0

7,0

6,9

7,0

7,2

Tổng đầu tư xây dựng cơ bản

5,3

9,3

9,4

8,8

8,5

7,5

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

17,4

11,6

12,6

13,4

13,8

14,0

Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

17,3

12,8

18,1

14,8

14,7

14,3

Tăng trưởng GDP thực tế, giá yếu tố cố định

5,3

5,7

6,8

6,4

6,5

6,5

Nông nghiệp

2,6

3,4

2,4

1,0

1,5

2,0

Công nghiệp

5,1

6,4

9,6

9,0

8,8

8,5

Dịch vụ

6,7

6,2

6,3

6,4

6,3

6,3

Lạm phát (Chỉ số giá tiêu dùng)

6,6

4,1

0,6

3,5

3,8

4,0

Cán cân vãng lại (%GDP)

5,5

4,9

0,0

-0,6

-0,5

0,2

Cán cân tài khoá (%GDP)

-7,4

-6,2

-6,5

-5,9

-5,7

-5,5

Nợ (%GDP)

54,5

59,6

62,5

63,8

64,4

64,7

Cán cân vay ròng (%GDP)

-6,1

-4,5

-4,5

-3,8

-3,5

-3,0

Tỉ lệ nghèo (1,9 USD/ngày, PPP)a,b,c ..

2,8

2,5

2,1

1,8

1,5

Tỉ lệ nghèo (3,1 USD/ngày, PPP)a,b,c ..

10,7

9,5

8,4

7,5

6,6

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Thông lệ Quản lý Kinh tế Vĩ mô và Tài khóa Toàn cầu.

Ghi chú: e = ước tính, f = dự báo.

(a) Tính dựa trên phép hài hòa EAPPOV, số liệu theo 2014-VHLSS.

(b) Dự báo dựa trên phân bố chuẩn (2014) vớiđỉnh = 0,87dựa trên GDP bình quân đầu người theo giá PPP cố định.

(c) Số liệu thực tế: 2014. Giá trị 2015-28 là dự đoán.