Đinh Văn Thục

Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàng Liệt Hạ Long

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xây dựng mô hình lý thuyết các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh (NLCT) của du lịch (DL) Hạ Long. Bằng phương pháp nghiên cứu phân tích, tổng hợp, tác giả kế thừa lý thuyết của các nhà nghiên cứu trước đây về các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của ngành DL, đồng thời, mở rộng hướng nghiên cứu nhằm đề xuất mô hình lý thuyết và khung nghiên cứu về các yếu tố đo lường mức độ ảnh hưởng đến NLCT của DL Hạ Long. Mô hình lý thuyết do tác giả đề xuất gồm 10 yếu tố có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh DL Hạ Long gồm: Tài nguyên DL; Nhân lực DL; Sản phẩm DL; Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL; Quản lý nhà nước về DL; Hình ảnh; Doanh nghiệp DL; Sự thuận tiện; Giá; Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào DL.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, du lịch Hạ Long, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

GIỚI THIỆU

Mặc dù có tiềm năng và nguồn lực DL rất lớn, song DL Hạ Long vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng. Bên cạnh đó, DL Hạ Long còn bộc lộ một số vấn đề hạn chế, như: đội ngũ nhân lực DL còn thiếu và yếu, đặc biệt đối với nhân lực có tay nghề cao; các sản phẩm, các chương trình DL, tour, tuyến DL còn nghèo nàn, chất lượng thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL còn thiếu và chưa đồng bộ; quản lý nhà nước về DL còn bất cập... Chính vì vậy, việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của DL Hạ Long có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của du lịch Thành phố.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MỘT SỐ NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm về NLCT

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2013), cho rằng, NLCT là khả năng của các công ty, các ngành, các vùng, các quốc gia hoặc khu vực liên quốc gia trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế trên cơ sở bền vững.

Theo Dwyer L. and Kim C. (2003), thì NLCT là mức độ mà một quốc gia có thể, trong điều kiện thị trường tự do và công bằng, sản xuất hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các thách thức của các thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và mở rộng thu nhập thực tế của người dân trong dài hạn.

Khái niệm về NLCT của DL

Ritchie & Crouch (2003) cho rằng, NLCT DL là khả năng làm tăng chi tiêu DL, tăng sự hấp dẫn đối với khách DL, trong đó cung cấp cho họ với sự thỏa mãn, những trải nghiệm đáng nhớ và đem lại lợi nhuận, gồm cả nâng cao mức sống của người dân địa phương và bảo tồn được giá trị tự nhiên của điểm đến cho thế hệ mai sau.

Theo OECD (2013), NLCT điểm đến DL là NLCT của một điểm đến có khả năng tối ưu hóa sức hấp dẫn của nó đối với khách DL, người dân địa phương và doanh nghiệp để cung cấp chất lượng, đổi mới và sự hấp dẫn dịch vụ du lịch cho người tiêu dùng để đạt được thị phần ở thị trường trong nước và trên toàn cầu, trong khi đảm bảo rằng các nguồn lực sẵn có hỗ trợ du lịch được sử dụng có hiệu quả và bền vững.

Tổng quan các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng NLCT của DL

Tài nguyên DL

Tài nguyên DL được chia thành hai loại: Tài nguyên DL tự nhiên và tài nguyên DL văn hoá. Đánh giá về tài nguyên DL tự nhiên, trong các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào cảnh quan thiên nhiên, khí hậu phù hợp, thiên nhiên hoang sơ, hệ thực vật phong phú… Đánh giá về tài nguyên DL văn hoá, các tiêu chí đánh giá tập trung vào văn hoá đặc trưng, sự đa dạng của ẩm thực, nghệ thuật truyền thống… (Crouch and Ritchie, 1999; Dwyer L. and Kim Ch., 2003; Goffi G., 2012; Amaya Molinar và cộng sự, 2017; Thái Thị Kim Oanh, 2015; Vũ Văn Hùng, 2016; Bùi Thị Tám và cộng sự, 2017; Lê Thị Ngọc Anh, 2017).

Do vậy, để đánh giá tài nguyên DL tự nhiên, tác giả đề xuất 5 tiêu chí đánh giá như sau: (1) Di sản, kỳ quan thiên nhiên đặc sắc; (2) Cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn; (3) Các bãi biển đẹp; (4) Khí hậu thời tiết thuận lợi; (5) Hệ động thực vật phong phú.

Để đánh giá tài nguyên DL văn hoá, tác giả đề xuất 5 tiêu chí đánh giá như sau: (1) Di sản văn hoá đa dạng; (2) Ẩm thực đa dạng, phong phú; (3) Sự kiện văn hoá và lễ hội truyền thống phong phú; (4) Bảo tàng, các công trình nghệ thuật, kiến trúc đặc sắc; (5) Làng nghề truyền thống đặc sắc.

Nguồn nhân lực DL

Để đánh giá nguồn nhân lực DL, phần lớn các nghiên cứu đều xem xét các tiêu chí: số lượng, cơ cấu, chất lượng (Ritchie and Crouch, 2003).; Dwyer L and Kim Ch., 2003; Mike và Caster, 2007; Nguyễn Văn Mạnh, 2004; Nguyễn Thị Tú, 2014; Thái Thị Kim Oanh, 2015; Nguyễn Thạch Vượng, 2015; Lê Thị Ngọc Anh, 2017).

Do vậy, để đánh giá về nguồn nhân lực DL của DL Hạ Long, các tiêu chí được xác định cho khách DL nội địa và quốc tế gồm: (1) Trình độ chuyên môn phù hợp; (2) Ngoại ngữ thành thạo; (3) Kỹ năng giao tiếp tốt; (4) Kỹ năng xử lý các tình huống tốt; (5) Phẩm chất đạo đức tốt.

Sản phẩm DL

Sản phẩm DL thường được xem xét về sự đa dạng, đặc sắc, đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của du khách (Ritchie and Crouch, 2003).; Thái Thị Kim Oanh, 2015). Đặc biệt, có 3 tiêu chí cần được xem xét, cụ thể: (1) Sản phẩm DL đa dạng; (2) Sản phẩm DL đặc sắc; (3) Sản phẩm DL phù hợp với sở thích của du khách.

Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL

Đánh giá về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL, phần lớn các nghiên cứu đều xem xét các tiêu chí về hệ thống giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc, cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm và được đánh giá theo mức độ: thuận lợi, đa dạng, đạt chuẩn, ổn định, hấp dẫn, an toàn (Crouch và Ritchie, 1999; Mike và Caster, 2007; Nguyễn Thị Tú, 2014; Thái Thị Kim Oanh, 2015; Nguyễn Thạch Vượng, 2015; Bùi Thị Tám và cộng sự, 2017).

Theo đó, các tiêu chí đánh giá kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL của DL Hạ Long được xác định: (1) Hệ thống giao thông thuận lợi; (2) Hệ thống điện, cấp thoát nước ổn định; (3) Hệ thống thông tin liên lạc thuận tiện; (4) Hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, đạt chuẩn; (5) Hệ thống cơ sở ăn uống đa dạng, đạt chuẩn; (6) Hệ thống cơ sở vui chơi giải trí đa dạng, hấp dẫn; (7) Hệ thống cơ sở mua sắm đa dạng; (8) Hệ thống vận chuyển DL đa dạng, an toàn; (9) Hệ thống các cơ sở khác (y tế, ngân hàng, cơ sở làm đẹp, tiệm sửa chữa…) thuận tiện.

Quản lý nhà nước về DL

Với đặc điểm là vùng đất mỏ cộng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề xử lý nguồn rác thải, nước thải sinh hoạt (các chất xả thải của các nhà máy, mỏ than, nhà hàng, hệ thống tàu đều xả thẳng xuống Vịnh Hạ Long trực tiếp mà không qua xử lý) đang ở mức báo động cấp thiết. Do vậy, vấn đề môi trường được xác định là tiêu chí quan trọng, cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan nhất. Tiếp đến, an ninh, an toàn cho du khách điều kiện cơ bản, cần thiết cho sự tồn tại của hoạt động DL (Huang và Peng, 2012; Blanke và Chiesa, 2013). Thêm vào đó, vấn đề tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của đến du khách cũng cần được xem xét trong quản lý nhà nước về DL của Hạ Long.

Xuất phát từ thực tế trên, các tiêu chí đánh giá về quản lý nhà nước về DL của Hạ Long trong nghiên cứu này được xác định cụ thể như sau: (1) Bảo vệ và gìn giữ môi trường; (2) Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; (3) Bảo đảm an toàn về thực phẩm, tính mạng, tài sản cho du khách; (4) Tiếp nhận và giải quyết hợp lý các kiến nghị của du khách.

Hình ảnh

Hình ảnh còn được xem là tài nguyên DL vô hình, nó được hình thành do nhận thức chủ quan của khách DL như tốt, xấu, đắt tiền, kì lạ, thú vị (Chen and Tsai, 2007). Do vậy, khi đánh giá về hình ảnh của Hạ Long, các tiêu chí được xem xét cụ thể: (1) được nhiều người biết đến; (2) an toàn, thân thiện; (3) được nhận biết dễ dàng qua biểu tượng; (4) hấp dẫn, khác biệt.

Sự thuận tiện tiếp cận

Trong nghiên cứu này, khoảng cách địa lý, mạng lưới giao thông, thị thực, các thủ tục xuất nhập cảnh… là những điều kiện then chốt nhằm thu hút và hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách quốc tế khi xem xét sự thuận tiện (Ritchie and Crouch, 2003; Dwyer L. and Kim Ch., 2003; Mike and Caster, 2007).

Do vậy, các tiêu chí cần được xem xét khi đánh giá Sự thuận tiện tiếp cận DL Hạ Long như sau: (1) Tiếp cận hàng không thuận tiện; (2) Tiếp cận đường bộ thuận tiện; (3) Tiếp cận đường thuỷ thuận tiện; (4) Tiếp cận đường sắt thuận tiện; (5) Kết nối với các địa phương khác thuận lợi; (6) Vấn đề visa và các thủ tục xuất nhập cảnh nhanh chóng, thuận tiện.

Doanh nghiệp DL

Trên cơ sở Điều 30, Chương 5 - Luật Du lịch (năm 2017), để nhận được những đánh giá khách quan nhất về doanh nghiệp DL của khách DL; những tiêu chí để đánh giá du lịch DL được xem xét cụ thể như sau: (1) Doanh nghiệp DL có đạo đức kinh doanh; (2) Doanh nghiệp DL hỗ trợ du khách suốt hành trình; (3) Doanh nghiệp DL có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Giá

Mức độ phù hợp giữa giá và chất lượng sản phẩm và dịch vụ DL tương thích với từng tập khách hàng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng trong chiến lược thu hút khách DL và trở thành lợi thế lớn so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường DL.

Trong nghiên cứu này, yếu tố Giá được xem xét qua 3 tiêu chí: (1) Giá tương xứng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ; (2) Chính sách giá ưu đãi linh hoạt; (3) Sự đảm bảo - bảo hành cho mặt hàng mua sắm.

Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào DL

Đánh giá về sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào DL (Dwyer L. and Kim Ch., 2003; Thái Thị Kim Oanh, 2015; Bùi Thị Tám và cộng sự, 2017) thường tập trung vào xem xét mức độ thân thiện của người dân địa phương với du khách. Tuy nhiên, bên cạnh việc đồng tình với các tiêu chí thân thiện, hiếu khách của các nhà nghiên cứu trước, thì vai trò của cộng đồng dân cư địa phương Hạ Long khi họ tham gia vào các hoạt động phát triển DL cộng đồng cũng rất quan trọng. Theo đó, các tiêu chí đánh giá Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào DL được xem xét cụ thể: (1) Người dân địa phương thân thiện, hiếu khách; (2) Người dân địa phương trợ giúp du khách; (3) Người dân địa phương có ý thức bảo vệ môi trường và phát triển DL địa phương.

ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH VÀ KHUNG NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NLCT CỦA DL HẠ LONG

Dự vào cơ sở lý thuyết nói trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của DL Hạ Long như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu NLCT của DL Hạ Long

Nguồn: Đề xuất của tác giả

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

Giả thuyết 1: Tài nguyên DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 2: Nhân lực DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 3: Sản phẩm DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 4: Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 5: Quản lý nhà nước về DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 6: Hình ảnh có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 7: Du lịch DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 8: Sự thuận tiện tiếp cận có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 9: Giá có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Giả thuyết 10: Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào DL có mối quan hệ tương quan thuận với NLCT của DL Hạ Long.

Như vậy, với 10 yếu tố ảnh hưởng và 50 tiêu chí đánh giá, khung nghiên cứu NLCT của DL Hạ Long được đề xuất cụ thể như Bảng.

Bảng: Khung nghiên cứu NLCT của DL Hạ Long

Nguồn: Tổng hợp và đề xuất của tác giả

KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Thông qua nội dung nghiên cứu, bài viết đã đề xuất được mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DL Hạ Long. Mô hình này sẽ là tiền đề để tác giả tiến hành khảo sát và kiểm định cũng như phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến DL Hạ Long, từ đó, có những đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hơn nữa NLCT của DL Hạ Long./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2017). Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, ngày 19/06/2017

2. Nguyễn Văn Mạnh (2004). Phương pháp đánh giá tính hấp dẫn của điểm đến DL, kỷ yếu hội thảo quốc gia, Đại học Thương mại

3. Nguyễn Thị Tú (2014). Phát triển Hạ Long trở thành điểm đến đạt tầm cỡ quốc tế, Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Bộ

4. Nguyễn Thạnh Vượng (2015), Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh du lịch tại Tiền Giang, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội

5. Thái Thị Kim Oanh (2015). Đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch biển, đảo của tỉnh Nghệ An, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

6. Vũ Văn Hùng (2016). Năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo Khánh Hoà, Đề tài khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hoà

7. Lê Thị Ngọc Anh (2017). Sử dụng phương pháp Delphi trong xây dựng khung nghiên cứu đánh giá NLCT điểm đến du lịch, Tạp chí Khoa học - Đại học Huế, tập 126, số 5A

8. Bùi Thị Tám và cộng sự (2017). Vận dụng mô hình phương trình cấu trúc trong đánh giá NLCT điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học - Đại học Huế, tập 125 - số 5D

9. Amaya Molinar, Ana Pricila Sosa, Ileana Ochoa (2017). The perception of destination competitiveness by tourists, Investigaciones Turísticas, 14

10. Blanke, J. & Chiesa, T. (Eds.). (2013). The Travel & Tourism Competitiveness Report 2013, Geneva: World Economic Forum

11. Chen, C. F. & Tsai, D. (2007). How destination image and evaluative factors affect behavioural intentions, Tourism Managemnent, 28, 1115-1122

12. Crouch and Ritchie (1999). Destination Competitiveness and the Role of the Tourism Enterprise, Proceedings of the Fourth Annual Buisiness Congress, Istanbul, Turkey

13. Dwyer L. and Kim Ch. (2003). Destination Competitiveness: A model and Determinants, University of Western Sydney, Australia & Kemimyung University, Korea

14. Goffi G. (2012). Determinants of tourism destination competitiveness: a theoretical model and empirical evidence

15. Huang, J. & Peng, K. (2012). Fuzzy Rasch model in TOPSIS: A new approach for generating fuzzy numbers to assess the competitiveness of the tourism industries in Asian countries, Tourism Management, 33, 456-465

16. Mike & Caster (2007). A Pracical Guide to Tourism Destination Management, Publieshed and printed by the World Tourism Organization, Madrid, Spain

17. Ritchie J.R.B. and Crouch G.I. (2003). The Competitive Destination: A Sustainable Tourism Perspective, CAB International, UK

Summary

The study was conducted to design a theoretical model of factors affecting competitiveness of tourism in Ha Long. By analysis and synthesis methods, the author inherits the theory developed by previous researchers on the determinants of competitiveness of tourism industry, at the same time, expands the research direction to propose theoretical model and research framework for the measurement of factors affecting competitiveness of Ha Long’s tourism. The proposed model includes 10 factors, which are Tourism resources; Human resources in tourism; Tourism products; Infrastructure and material facilities; State management of tourism; Image; Tourism enterprises; Convenience; Price; Participation of local community in tourism.

Keywords: competitiveness, tourism in Ha Long, infrastructure, material facilities for tourism

(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 9 tháng 3/2020)