Xã Tức Tranh huyện Phú Lương, là điển hình cho mô hình xã nông thôn mới thông minh. Theo ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử, Tức Tranh đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Số hồ sơ tính đến ngày 5/6/2023 là 2.169/2.180, tương đương 99,4% được giải quyết trực tuyến. Trong quá trình nộp hồ sơ, người dân được đánh giá mức độ hài lòng qua phiếu đánh giá. Công tác điều hành của chính quyền đang thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên.

Xuất hiện mô hình điểm xã nông thôn mới thông minh

Cán bộ xã Động Đạt (Phú Lương) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng số trên điện thoại thông minh. Ảnh: Nhâm Mai

Cùng với đó, xã thực hiện công khai thông tin số điện thoại của cán bộ chính quyền xã cho người dân trên địa bàn. Trong xã có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số. Hiện 100% cán bộ xã, cán bộ xóm sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng zalo, fanpage, facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân.

"Chất" thông minh của nông thôn mới của xã thể hiện sinh động qua các hộ kinh doanh, hợp tác xã bán trà (sản phẩm chủ lực) trên kênh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada… Đặc biệt, xã đã thực hiện mô hình xóm thông minh tại Khe Cốc, người dân tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, triển khai mô hình chợ thông minh (chợ không dùng tiền mặt), các nhà trường thu các khoản đóng góp qua tài khoản… Tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán trực tuyến hiện đạt 50%.

Xã Tức Tranh hiện có 7 sản phẩm OCOP, các sản phẩm đã được bán trên kênh thương mại điện tử.

Để có được những kết quả tích cực trên, ông Danh chia sẻ, thời gian qua xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, thực tế và luôn bám sát hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thường xuyên cập nhật các văn bản từ các bộ, ngành, các cấp có liên quan, để xây dựng mô hình theo đúng định hướng chuyển đổi số.

Xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tạo ra phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới thông minh, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho cán bộ thực hiện và nhân dân trên địa bàn xã, để giúp nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới…

Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Lương, để thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, Huyện phấn đấu có 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử, 70% mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Chia sẻ góc nhìn ở tầm vĩ mô, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn…/.