Những năm gần đây, Nhật Bản luôn trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn lao động Việt Nam. Uớc tính năm 2018, cả nước có hơn 140.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản là nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67.000 người.

Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình tu nghiệp sinh tại Nhật Bản tới nay, Việt Nam đã phái cử được trên 100.000 lao động sang làm việc. Việt Nam cũng đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản tăng dần từng năm (năm 2015 là 27.010 người; năm 2016 là 39.938 người; 2017 là 54.504 người).

Lợi dụng sức hấp dẫn của thị trường lao động Nhật Bản, nhiều công ty tư vấn và công ty phái cử đã đưa ra nhiều chiêu trò lừa đảo như xúi giục người lao động. Do đó, gần đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo, người lao động muốn sang Nhật Bản làm việc đừng để bị môi giới lừa đảo bởi những thông tin sai lệch sau:

Không có chuyện thu tiền ký quỹ

Cụ thể, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nêu rõ, trong chương trình thực tập kỹ năng, bất kể cơ quan nào dù là cơ quan phái cử hay đoàn thể quản lý hoặc tổ chức nào khác thu tiền ký quỹ hoặc ký kết hợp đồng có nội dung quy định phạt vi phạm hợp đồng đều không được cơ quan chức năng của hai nước Nhật Bản và Việt Nam chấp nhận.

Cơ quan này khuyến cáo người lao động, nếu bị cơ quan phái cử hoặc công ty môi giới nào yêu cầu ký hợp đồng có quy định về khoản ký quỹ hay phạt vi phạm hợp đồng thì đừng ký và hãy thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (MOLISA) hoặc Đại sứ quán Nhật Bản biết.

Không có chuyện bỏ trốn khỏi xí nghiệp tiếp nhận sang làm cho công ty khác, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn

Về vấn đề này, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam lưu ý, khi gặp phải các vấn đề như xí nghiệp tiếp nhận không trả lương và tiền làm thêm, bắt làm việc quá số giờ quy định, mắng chửi, bạo hành…, người lao động hãy trao đổi với cơ quan phái cử, đoàn thể quản lý hoặc cơ quan quản lý thực tập sinh kỹ năng nước ngoài (OTIT).

Bởi, về nguyên tắc, trong thời gian 3 năm gồm thực tập kỹ năng số 1 và thực tập kỹ năng số 2, việc thực tập kỹ năng được thực hiện ở cùng một xí nghiệp tiếp nhận. Tuy nhiên, trường hợp xí nghiệp tiếp nhận có các hành động vi phạm luật pháp như không trả lương, bạo hành…, thì OTIT sẽ thanh tra và nếu xác nhận sự việc có thật, thì người lao động có thể thay đổi xí nghiệp tiếp nhận. Khi chuyển giai đoạn từ thực tập kỹ năng số 2 sang thực tập kỹ năng số 3, người lao động cũng có thể thực tập tại một xí nghiệp tiếp nhận mới.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng lưu ý, gần đây trên Internet và mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng môi giới xấu rủ rê các thực tập sinh kỹ năng đi lao động bất hợp pháp kiểu như “Nếu bỏ trốn khỏi xí nghiệp tiếp nhận sang làm cho công ty khác thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”. nếu gặp chuyện đó, cơ quan này lưu ý, người lao động tuyệt đối đừng có nghe những lời rủ rê đó.

Bên cạnh đó, kể cả trường hợp người thân hoặc bạn bè khuyên bạn bỏ trốn khỏi nơi thực tập để lao động bất hợp pháp ở công ty khác thì cũng đừng có nghe theo. Bởi, nếu làm việc ở một công ty khác không phải là xí nghiệp tiếp nhận thực tập kỹ năng, mà không thực hiện các thủ tục chính thức tại cơ quan quản lý nhập cảnh và Cơ quan quản lý thực tập sinh kỹ năng nước ngoài, thì không chỉ công ty cho phép lao động bất hợp pháp đó, mà chính người lao động cũng vi phạm luật pháp.

"Mà nếu vi phạm luật pháp thì bạn sẽ không được bảo hiểm khi ốm đau, thương tật, hơn nữa bạn sẽ là đối tượng bị cảnh sát và Cục Quản lý nhập cảnh điều tra, bản thân bạn sẽ ở vào tình thế vô cùng bất lợi. Khi có vấn đề phát sinh, đừng tự giải quyết một mình hoặc bỏ trốn mà hãy nên báo cáo và thảo luận với Đoàn thể quản lý và Cơ quan quản lý thực tập sinh kỹ năng nước ngoài', Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cảnh báo.

Tới nay, chưa có thực tập sinh kỹ năng Việt Nam nào được chứng nhận là người tị nạn ở Nhật Bản

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phủ nhận thông tin “sau khi xin tị nạn 6 tháng thì có thể làm việc”. Theo cơ quan này, từ tháng 01/2018, chế độ chứng nhận tị nạn đã được chấn chỉnh. Theo đó, trường hợp người xin chứng nhận tị nạn, nhưng không thực sự là người tị nạn thì sẽ không được phép làm việc và cư trú, có thể bị cưỡng chế về nước.

"Hiện tại chưa có một ai chỉ làm thủ tục xin chứng nhận tị nạn mà được cấp phép làm việc cả", cơ quan này cảnh báo.

Theo quy định của Nhật Bản, thì việc xin tị nạn là trường hợp người dân bị chính phủ nước sở tại bức hại đến mức phải bỏ trốn đến Nhật Bản cầu xin sự bảo vệ của Chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, thực tập sinh kỹ năng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ nước sở tại để đến Nhật Bản, thì không thể là người tị nạn.

Vì thế "cho tới nay chưa từng có thực tập sinh kỹ năng Việt Nam nào được chứng nhận là người tị nạn ở Nhật Bản", Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tái khẳng định./.