4 thách thức lớn trong hoạt động đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý trước khi đưa sang làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: TTXVN) |
Hoạt động đưa người lao động sang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng: Vẫn còn nhiều thách thức
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2020-2021, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, số đưa đi làm việc năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động này có dấu hiệu phục hồi. Dự kiến, năm 2022 số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người.
Mặc dù vậy, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn gặp nhiều thách thức.
Một là, cơ hội việc làm kỹ năng thấp tại các nước tiếp nhận có xu hướng giảm dần. Theo phân tích của chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế khu vực châu Á, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam di cư gần như thấp nhất, chỉ cao hơn Lào, trong khi đó tuổi trung bình của lao động di cư nước ta được xếp hàng khá trẻ. Theo dự báo, đến năm 2030, tốc độ già hóa tuổi lao động của Việt Nam sẽ chậm hơn nhiều so với Trung Quốc và Thái Lan, tuy nhiên tỷ lệ lao động di cư có kỹ năng thấp của lao động Việt Nam vẫn còn khá cao. Trong khi đó, xu hướng việc làm kỹ năng thấp tại các nước tiếp nhận giảm dần từ 40% (trong tổng số việc làm) năm 2006 xuống còn 31% năm 2010. Điều này cho thấy, việc tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam cần được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn tới, để nắm bắt các cơ hội việc làm chất lượng cao.
Hai là, Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ. Đối với lao động Việt Nam, đi làm việc ở nước ngoài khi không có trình độ tay nghề cũng đồng nghĩa với điều kiện làm việc không đảm bảo và tiền lương thấp. Hiện tại, việc làm ở nước ngoài với mức thu nhập khiêm tốn đã không còn hấp dẫn họ, kể cả đối với lao động các huyện nghèo. Các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam cũng không muốn tiếp tục khai thác các đơn hàng cung ứng lao động phổ thông, vì ngày càng kém hiệu quả kinh tế.
Ba là, ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam còn yếu kém. Tâm lý chung là hướng vào các thị trường có thu nhập cao, nhưng tiêu chuẩn mà các nước sử dụng lao động đòi hỏi cũng khá cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi nhận thức của lao động chưa cao, trình độ ngoại ngữ và tay nghề còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu. Đặc biệt, ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật còn yếu kém. Hậu quả là tình trạng ồ ạt bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú bất hợp pháp tại một số thị trường, như: Hàn quốc, Đài Loan… nảy sinh nhiều vụ việc nghiêm trọng, do họ không đủ năng lực bảo vệ bản thân, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Hơn nữa, điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của lao động Việt Nam đối với chủ sử dụng lao động và khó khăn cho việc nước ta đưa lao động sang các thị trường này trong thời gian tới.
Bốn là, năng lực của các doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp dịch vụ quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, chưa có chiến lược và kế hoạch chủ động khai thác thị trường.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam: Cách nào?
Theo khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo di cư lao động an toàn và hiệu quả. Lao động được đào tạo tốt, ở mọi cấp độ đều ít bị tổn thương hơn. Việc nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường mục tiêu khiến cho việc đạt được mức thu nhập mong muốn trở nên dễ dàng hơn. Theo đó, khái niệm việc làm bền vững hoàn toàn có thể được hiện thực hóa đối với lao động di cư.
Vì thế, để nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam, cần tăng cường công tác tuyển chọn, tạo nguồn. Cần tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn, phát triển mô hình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để tuyển chọn được những lao động có nhận thức tốt và thực sự có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động xuất khẩu từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, cũng như có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, triển khai chương trình đặt hàng đào tạo với các đối tác.
Đặc biệt, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, cần tăng cường đối thoại với các quốc gia tiếp nhận về việc công nhận lẫn nhau về trình độ, kiểm tra kỹ năng và tương thích các tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, xây dựng các hiệp định chi tiết trong các thỏa thuận quốc gia về hợp tác lao động và xúc tiến ký kết nhiều hơn nữa các thỏa thuận quốc gia với các nước tiếp nhận.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, như sửa đổi bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn. Ban hành chính sách giải quyết việc làm cho lao động hoàn thành hợp đồng trở về nước đúng hạn.
Tuyên truyền để người lao động có đủ thông tin chủ động trang bị cho mình các điều kiện khi muốn đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là về kiến thức pháp luật, tay nghề và ngoại ngữ./.
Bình luận