An Giang phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, tính đến nay, toàn Tỉnh có 33/119 xã được Chủ tịch UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7 xã đạt 15-18 tiêu chí, 44 xã đạt 10-14 tiêu chí, 34 xã đạt 5-9 tiêu chí. Bình quân toàn Tỉnh đạt 12,9 tiêu chí/xã và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 31,93 triệu đồng/người, tăng 4,38 triệu đồng so năm 2015. Trong đó, có 77/119 xã đạt tiêu chí thu nhập 33 triệu đồng/người/năm...
Sau 7 năm triển khai Chương trình nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh An Giang có nhiều khởi sắc
Mặc dù dù tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới không cao, nhưng nhiều chỉ tiêu liên quan đến đời sống người dân đã đạt khá cao. Trong số 119 xã hiện nay, có 82 xã có chợ theo quy hoạch đạt chuẩn; 118 xã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 42,71%; có 85 xã đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực nông thôn theo quy chuẩn Bộ Y tế; 79 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế từ 70% trở lên; số hộ dân có nhà tạm, dột nát giảm còn 2,31% so tổng số hộ gia đình nông thôn. Nếu so với chuẩn tiêu chí thu nhập bình quân khu vực nông thôn 33 triệu đồng/người/năm, có 77 xã đã đạt tiêu chí này, chiếm 64,71% tổng số xã.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng cho rằng, Chương trình Nông thôn mới tại tỉnh An Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Mật độ dân cư cao, nên suất đầu tư cao cho một xã nông thôn mới tương đối cao (bình quân 90,2 tỷ đồng/xã, gấp ít nhất 2 lần bình quân cả nước) trong khi ngân sách luôn gặp khó khăn. Phần lớn các tiêu chí nông thôn mới cần vốn đạt thấp, như: trường học (chỉ có 21 xã đạt); môi trường (30 xã); y tế (33 xã); cơ sở vật chất văn hóa (48 xã); giao thông (52 xã). Tỷ lệ tham gia đóng góp của người dân và nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp thấp do đời sống người dân còn nhiều khó khăn trong khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình chưa nhiều.
Ngày 08/05/2018, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1005/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, có 50% số xã trên địa bàn Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói để thực hiện mục tiêu nay, cần sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền trong Tỉnh, cũng như sự đồng lòng của người dân. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo, trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền vận động sâu rộng đến người dân. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Hai là, Tỉnh cần tham mưu để xây dựng hoàn thiện thể chế, thúc đẩy, thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông thôn mới. Tiếp tục tham mưu xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Ba là, tập trung chỉ đạo xã điểm và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên diện rộng, để các xã, nhất là các xã nghèo đều được hỗ trợ và ra sức phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới các cấp theo hướng chuyên nghiệp, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả Chương trình.
Bốn là, thường xuyên rà soát, tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng trong toàn Tỉnh. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân./.
Bình luận