Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
ThS. Phạm Quang Hải, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
CN. Nguyễn Văn Cường, Trợ lý chính trị Trung tâm tiêu chuẩn - đo lường chất lượng 2, Cục Tiêu chuẩn - đo lường- chất lượng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng
Tóm tắt
Xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả và hội nhập quốc tế là một nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới cho đến nay, cơ cấu kinh tế nước ta từng bước được hoàn thiện, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất một số định hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở Việt Nam.
Từ khóa: cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Summary
Building a modern, effective, and internationally integrated economic structure is a crucial part of the country's industrialization and modernization process during the transition period to socialism in Vietnam. Implementing the Party's industrialization and modernization policy, especially since the implementation of the renovation process up to now, our country's economic structure has gradually improved, creating momentum for the robust and sustainable development of the economy in the direction of socialism for the goal of "rich people, strong country, democracy, justice, and civilization". Within the scope of the article, the author studies and evaluates the current situation and proposes several orientations to promote the transformation of the economic structure of the sector in Vietnam.
Keywords: economic structure, transformation of the economic structure of the sector, industrialization, modernization
ĐẶT VẤN ĐỀ
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề có tính quy luật để chuyển từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại”. Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo ra những biến đổi sâu sắc của nền kinh tế; trong đó, sự chuyển dịch giữa các ngành kinh tế đang hướng đến một cơ cấu kinh tế ngành hiện đại, hợp lý, phù hợp với xu thế tiến bộ của khoa học - công nghệ. Đồng thời, cho phép khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phân công lao động và hợp tác quốc tế.
THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH KINH TẾ Ở VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
Sau gần 40 năm đổi mới và thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cơ cấu ngành kinh tế của nước ta có sự chuyển dịch tích cực. Cơ cấu ngành kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 38,06% (năm 1986) xuống 11,96% (năm 2023), ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 28,88% (năm 1986) lên 37,12% (năm 2023) và ngành dịch vụ tăng từ 33,06% (năm 1986) lên 42,54% (năm 2023).
Theo đó, ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các loại hình nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển mạnh và ngày càng phổ biến. Nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vượt lên đứng hàng đầu thế giới, như: kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,37 tỷ USD, thủy sản 8,98 tỷ USD, cà phê 4,18 tỷ USD, rau quả 5,69 tỷ USD, gạo 4,78 tỷ USD.
Trong ngành công nghiệp, tỷ trọng ngành khai khoáng giảm mạnh; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo (tiêu chí và là biểu tượng của nước công nghiệp) tăng khá. Các ngành khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy... đã có những bước phát triển nhất định, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước..
Còn ngành dịch vụ đã hướng đến cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đa dạng và giá trị gia tăng cao. Các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế phát triển và hàm lượng khoa học, công nghệ cao được chú trọng phát triển, như: tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch. Đồng thời, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất - nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất - nhập khẩu dịch vụ.
Mặc dù công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, song thực tế cho thấy, quá trình chuyển dịch của các ngành kinh tế theo chiều sâu vẫn chậm và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể:
- Nhận thức về xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế còn hạn chế và hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ nên chưa tạo được động lực, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Thực tế cho thấy, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; còn có những tồn tại, bất cập trong không ít quy định hiện hành đang gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế; cải cách thể chế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và để hình thành một cơ cấu ngành kinh tế hợp lý và năng động hơn. Nguồn lực của Nhà nước bố trí cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, phân bổ, sử dụng chưa hiệu quả. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiêp tư nhân chưa có nhiều tiến bộ...
- Lực lượng sản xuất của nước ta chưa thực sự phát triển mạnh. Sự phát triển lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định tới chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, hiện nay nước ta thiếu lực lượng sản xuất hiện đại, thiếu tư liệu sản xuất và nguồn lao động chất lượng cao. Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp hơn nhiều nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới và về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển “đi tắt đón đầu”. Sự phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền.
- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh phát triển chậm. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỷ trọng nhỏ, liên kết với các ngành sản xuất yếu.
- Khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Hiện các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất công nghiệp dưới trung bình chiếm tỷ trọng cao, tụt hậu so với mức trung bình của thế giới; việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp FDI chủ yếu thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp với công nghệ trung bình và thiếu sự gắn kết, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển. Nguồn lao động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cho các doanh nghiệp chất lượng còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Dưới tác động của sự phát triển mạnh mẽ về lực lượng sản xuất hiện đại trên thế giới với tốc độ ngày càng cao và quy mô ngày càng mở rộng đã làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ngày càng nhanh. Nghị quyết số 29/NQ-TW xác định: “Chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”. Như vậy, để cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, hiệu quả, hội nhập quốc tế trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung vào các lĩnh vực cần đẩy mạnh phát triển như: các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại…
Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước. Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng văn hóa, xã hội.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Có chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai, nhân lực... cho nghiên cứu khoa học, công nghệ phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, các công nghệ ưu tiên phát triển.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế, ưu tiên, mũi nhọn và khả năng ứng dụng nhanh các thành tựu mới nhất khoa học, công nghệ nhằm chuyển đổi nhanh cơ cấu lao động, việc làm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nhanh, đúng định hướng.
Xây dựng nhà nước kiến tạo có tư duy luôn luôn đổi mới, nhạy bén và linh hoạt, biết tạo ra sự phát triển và chia sẻ sự phát triển mọi mặt của xã hội, với bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong sạch và hoạt động trên nền tảng công nghệ cao theo hướng chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chính phủ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo
Ngành công nghiệp cần đẩy mạnh phát triển các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp.
Ngành nông nghiệp tập trung hướng vào phát triển nông nghiệp chuyên canh, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Đồng thời, gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, sản xuất với bản quản, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
Ngành dịch vụ tập trung phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý... trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trong đó, tập trung vào hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại...
Ba là, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệ tiến tiến, hiện đại
Đại hội XIII xác định: “Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến”. Theo đó, để chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế có hiệu quả, cần mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường… thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Mặt khác, phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường. Trong đó, chú trọng tới các thị trường mà Việt Nam có lợi thế hợp tác, phát triển, chuyển giao thông qua các hiệp định thương mại tự do. Tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực thông qua các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhập khẩu công nghệ, đổi mới công nghệ để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
3. Nguyễn Thị Tuyết Mai (2019), Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu khoa học công đoàn, 15.
4. Nguyễn Văn Trọn (2023), Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 8.
5. Nguyễn Văn Tuyên, Trần Hoàng Tuấn (2021), Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 8.
6. Tổng cục Thống kê (2023), Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023.
6. Tổng cục Thống kê (2023), Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023.
7. Tổng cục Thống kê (1989), Niên giám thống kê năm 1988, Nxb Thống kê.
Ngày nhận bài: 26/8/2024; Ngày phản biện: 10/9/2024; Ngày duyệt đăng: 30/9/2024 |
Bình luận