Tóm tắt

Trong bối cảnh việc khai thác, sử dụng tài nguyên đã bị lạm dụng quá mức, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là xu hướng tất yếu của hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong bài viết này, nhóm tác giả đã xác định được những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi chuyển dịch sang mô hình KTTH tại vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc (gồm 7 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh). Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất những hướng đi phù hợp để thúc đẩy nền KTTH và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc

Summary

In the context that the exploitation of natural resources have been abused, the circular economy is an inevitable trend of most major countries in the world, and Vietnam is no exception. In this article, the authors identify opportunities and challenges for small and medium-sized enterprises (SMEs) in the transition to a circular economy model in the Northern Key Economic Region, including 7 provinces and cities namely Hanoi, Bac Ninh, Vinh Phuc, Hung Yen, Hai Duong, Hai Phong and Quang Ninh. On that basis, the research team proposes appropriate recommendations to promote the circular economy towards sustainable development.

Keywords: circular economy, sustainable development, Northern Vietnam Key Economic Region

GIỚI THIỆU

Ngày nay, để phục vụ các hoạt động của con người, việc khai thác, sử dụng tài nguyên đã bị lạm dụng quá mức. Điều này đã làm suy thoái môi trường tự nhiên với tốc độ nhanh hơn mức có thể khôi phục lại, dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái. Vì vậy, KTTH được coi là một trong những giải pháp cốt lõi, nhằm khắc phục những vấn đề về môi trường và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. KTTH sẽ giúp giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên khai thác lần đầu, cũng như giảm thiểu và tiến tới không phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi rất nhiều điều kiện cả về kinh tế, xã hội, môi trường…, do đó, các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi này. Mặt khác, khái niệm KTTH còn tương đối mới ở Việt Nam nói chung và tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng. Ngoài giới thiệu về khái niệm KTTH, bài viết đi sâu phân tích những thuận lợi và khó khăn của DNNVV khi chuyển đổi sang mô hình KTTH tại vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc, từ đó tìm ra những hướng đi phù hợp với từng doanh nghiệp.

Theo Geissdoerfer và cộng sự (2017), khái niệm KTTH được định nghĩa là một hệ thống tái tạo, trong đó đầu vào tài nguyên và chất thải, khí thải và rò rỉ năng lượng được giảm thiểu bằng cách làm chậm, đóng và thu hẹp các vòng lặp vật liệu và năng lượng. Điều này có thể đạt được thông qua thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài. Ngoài ra, KTTH còn định nghĩa tính bền vững là sự tích hợp cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, tính toàn diện xã hội và khả năng phục hồi môi trường, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Trong mô hình kinh tế tuyến tính, sự phát triển kinh tế thường tập trung vào việc sản xuất và tiêu thụ một cách không đồng đều, không cân đối. Do đó, các nguồn tài nguyên sẽ bị sử dụng một cách lãng phí và gây ra sự suy tàn của môi trường, đồng thời dẫn đến sự bất ổn kinh tế.

Ngược lại, KTTH tập trung vào việc cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, đầu tư và tái tạo tài nguyên. Việc đưa mô hình KTTH vào áp dụng trong thực tiễn sẽ tạo ra những lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế bền vững của một quốc gia, giảm thiểu lượng chất thải, tăng cường sử dụng nguồn tài nguyên và tạo ra sự phát triển ổn định cho kinh tế.

Tuy nhiên, để đưa mô hình KTTH vào thực tế đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình KTTH trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Nếu được triển khai hiệu quả, mô hình KTTH sẽ tạo ra một nền kinh tế ổn định và bền vững, sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với môi trường. Đây chính là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến.

QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI TỪ MÔ HÌNH KINH TẾ TUYẾN TÍNH SANG MÔ HÌNH KTTH TẠO RA NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Để thực hiện KTTH hướng tới phát triển nền kinh tế bền vững, các DNNVV ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc cần xác định và tận dụng đặc điểm của Vùng để phát triển kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với các DNNVV trong Vùng. Hiện nay, Vùng có hơn 196.000 DNNVV đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác nhau. Đây sẽ là cơ hội để ứng dụng mô hình KTTH. Thực tế mô hình kinh tế này đã xuất hiện khá sớm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều hạn chế. Qua phân tích thực trạng kết hợp với đánh giá, phân tích khách quan các khía cạnh của doanh nghiệp, nghiên cứu đã chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với các DNNVV trong việc chuyển dịch sang nền KTTH tại Vùng, cụ thể như sau:

Cơ hội

Hiện nay, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm hơn đến việc thúc đẩy phát triển bền vững. Vậy nên, phát triển KTTH được nhìn nhận là một hướng đi vô cùng quan trọng đối với các DNNVV để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Xét về những cơ hội khi tăng cường KTTH cho DNNVV tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có thể thấy rõ một số cơ hội sau:

Thứ nhất, phát triển mô hình KTTH đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều bước đi tích cực. Các chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước gần đây ngày càng coi trọng vai trò của KTTH trong mọi lĩnh vực. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức luật hóa quy định về KTTH. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường; xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH. Từ đó, dần xây dựng hành lang pháp lý và các cơ chế ưu đãi, nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang vận hành mô hình KTTH.

Thứ hai, KTTH là một cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. KTTH không đơn giản chỉ là “khắc phục” các tác động tiêu cực về môi trường, mà đó còn là một quá trình chuyển đổi kinh tế nhằm duy trì và tái tạo vốn tự nhiên - điều mà con người, cộng đồng và nền kinh tế còn đang phụ thuộc vào. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy, quá trình chuyển đổi sang nền KTTH sẽ mang lại cơ hội kinh tế trị giá khoảng 4.000- 5.000 tỷ USD vào năm 2030 trên toàn cầu bằng cách giảm lãng phí, kích thích đổi mới và tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, việc áp dụng KTTH sẽ giúp tạo đột phá trong phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo mới. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng và xả khí thải ra môi trường. Qua đó, giúp tăng cường chuỗi cung ứng và bảo vệ nguồn tài nguyên sẵn có, góp phần giảm thiểu rủi ro về vấn đề khan hiếm tài nguyên. Ngoài ra, việc áp dụng KTTH còn giúp tạo động lực để thúc đẩy đầu tư, nâng cao đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, do có nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ... Bên cạnh đó, KTTH đang là xu hướng chung của thế giới, nên các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, học hỏi về thiết kế mô hình KTTH, chuyển giao công nghệ… từ các đối tác quốc tế.

Thứ tư, DNNVV có nhiều thuận lợi trong việc áp dụng KTTH. Với đặc tính quy mô nhỏ, số lượng nhân công ít, không cần quá nhiều vốn, bộ máy quản lý tinh nhẹ, vòng quay sản phẩm nhanh…, các chủ DNNVV hoàn toàn có thể đưa ra các quyết định kinh doanh ít tốn kém về mặt thời gian và chi phí. Doanh nghiệp có nguồn vốn hạn chế, việc đầu tư vào tài sản cố định cũng bị giới hạn, nên khi tiến hành cải tiến, đổi mới các trang thiết bị, công nghệ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, sự năng động, nhạy bén, dễ dàng thích nghi với thay đổi của môi trường, sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mới giúp DNNVV có lợi thế nhất định khi áp dụng KTTH thay cho mô hình kinh tế tuyến tính cũ, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội, DNNVV sẽ phải đối mặt với một số thách thức, rào cản như sau:

(i) Nhận thức của DNNVV về KTTH còn hạn chế. Do đây là mô hình kinh tế mới, trong khi chi phí ban đầu bỏ ra cho triển khai mô hình KTTH khá lớn so với nguồn lực của DNNVV, cộng với sản phẩm đầu ra gặp khó khăn trong tiêu thụ, nên các doanh nghiệp chưa mấy mặn mà quan tâm để nâng cao hiểu biết về mô hình mới này.

(ii) Các quy định pháp lý liên quan đến KTTH vẫn còn nhiều bất cập. KTTH vẫn là vấn đề mới và việc áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết. Sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật, nhất là giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... sẽ dẫn đến tính khả thi thấp của các quy định liên quan đến phát triển KTTH. Các quy định về KTTH tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là rất mới, trong khi các luật khác đã ban hành trước đây chưa kịp bổ sung về nội dung này để đảm bảo sự đồng bộ. Đến nay, một số cơ chế, chính sách liên quan đang trong quá trình hoàn thiện ở cả cấp Trung ương và địa phương. Ngoài ra, việc đưa nội dung về KTTH vào các quy hoạch, kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện có liên quan đến doanh nghiệp, nhất là DNNVV vẫn là một trở ngại lớn do tính khả thi của mô hình này chưa cao. Tiêu chí nhận dạng thế nào là mô hình KTTH cũng chưa dễ được cắt nghĩa thấu đáo trong tương lai gần.

(iii) Khả năng tài chính của DNNVV hạn chế, trong khi để chuyển đổi sang mô hình KTTH cần nguồn lực tài chính khá lớn để đầu tư cho: tuyển dụng, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự; thiết kế lại mô hình sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm…

(iv) Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi có sự thay đổi về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, doanh nghiệp sẽ gặp những trở ngại nhất định, như: buộc phải đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới phù hợp.

(v) Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi phải đổi mới về quy trình công nghệ, nhất là trong khâu sản xuất và thu hồi chất thải. Điều này khiến các DNNVV sẽ gặp nhiều khó khăn do bị hạn chế về các nguồn lực: tài chính, nhân lực…

(vi) Sản phẩm từ mô hình KTTH khó cạnh tranh về mặt giá cả so với sản phẩm truyền thống (các chi phí về tài nguyên và môi trường đối với sản phẩm truyền thống còn thấp như hiện nay). Bên cạnh một số sản phẩm dễ được sự chấp nhận của thị trường, phần lớn sản phẩm đầu ra của mô hình KTTH sẽ khó tiếp cận được nhiều người dùng trong tương lai gần, do giá còn cao, sản phẩm và kênh phân phối chưa đa dạng...

KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Từ những khó khăn, thách thức trên, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị giải pháp và chính sách như sau:

Một là, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực quản lý của các DNNVV, đặc biệt là về quản lý tài chính, tiếp thị và phát triển sản phẩm.

Hai là, thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương, tạo điều kiện cho các DNNVV gần nguồn cung cấp nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ địa phương, cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ba là, đầu tư vào hạ tầng vận tải, giao thông và thông tin để giúp các DNNVV dễ dàng vận chuyển hàng hóa với chi phí cạnh tranh và tiếp cận thị trường mới.

Bốn là, thúc đẩy sự hợp tác giữa các DNNVV để cùng nhau phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường mới, tạo nên các giá trị cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Năm là, đưa ra các chính sách hỗ trợ, bao gồm vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài; giảm thuế, để tạo thuận lợi cho các DNNVV tham gia vào quá trình phát triển mô hình KTTH.

Sáu là, việc sử dụng mô hình liên kết “Triple Helix” giữa 3 chủ thể: Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ đã được chứng minh là một đòn bẩy quan trọng để DNNVV có thể đổi mới sáng tạo. Vì vậy, cần áp dụng mô hình này để thúc đẩy DNNVV chuyển dịch thành công sang KTTH./.

NGUYỄN THỊ THANH MAI, NGUYỄN HẠNH NGUYÊN,

NGUYỄN THỊ YẾN NHI, NGUYỄN HOÀNG TRANG, NGÔ LAN HƯƠNG

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 08 - Tháng 03/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

3. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Hạnh và Nguyễn Thị Thanh Huyền (2021), Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam: Nhìn nhận từ những biểu hiện, rào cản trên thực tiễn, truy cập từ https://congnghiepmoitruong.vn/kien-nghi-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-de-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-nhin-nhan-tu-nhung-bieu-hien-rao-can-tren-thuc-tien-7855.html.

4. Nguyễn Hoa Cương (2022), Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam, Nxb Tài chính.

5. Nguyễn Thanh Liêm, Tất Duyên Thư, Đặng Hoàng Minh, Nguyễn Bích Ngọc (2021), Lý thuyết và thực tiễn về xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP. Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 33.

6. Nguyễn Thị Phong Lan (2022), Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825071/kinh-te-tuan-hoan-huong-toi-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam.aspx

7. Quốc hội (2020), Luật Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.