Tại hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay 19/9, nhiều khuyến nghị chính sách đã được đại diện các bộ ngành và các chuyên gia đề xuất nhằm đảm bảo đồng bộ nhất quán các chính sách hướng tới tập trung thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, cũng như kế hoạch tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Ông Trần Quốc Phương (áo kẻ xanh), Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì hội thảo

Các giải pháp đã rõ…

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017; huy động tối đa các cấp, các ngành, doanh nghiệp tham gia phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017.

Theo đó, có 3 nhóm giải pháp chính được thực hiện. Trong đó, giải pháp nền tảng là điều hành tài chính, tiền tệ linh hoạt, đảm bảo lạm phát, ổn định tiền tệ. Giải pháp thúc đẩy là tận dụng mọi cơ hội cả quốc tế và trong nước để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, kích thích xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, tăng cường dịch vụ, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn FDI và tư nhân. Giải pháp dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, dù khẳng định việc coi trọng mục tiêu tăng trưởng (bởi là chỉ số quan trọng, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác), nhưng ông Phương khẳng định, Chính phủ không yêu cầu tăng trưởng bằng mọi giá.

Đối với giải pháp dài hạn, Chính phủ vẫn đang tập trung thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao sức cạnh tranh...

Song, cách thực hiện thế nào?

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện nay, mục tiêu là đã rất rõ ràng, giải pháp cũng đã có, giờ chỉ là cách thực hiện các mục tiêu thế nào?

Theo ông Hưng, trong bối cảnh hạn hẹp về ngân sách, rất cần khơi thông cơ chế chính sách nhằm thu hút và huy động được các nguồn lực từ khu vực tư nhân và FDI, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh để đóng góp cho tăng trưởng, đồng thời, cần giảm các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các nguồn lực của nhà nước đang ngày càng hạn chế, các động lực tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, ông Hưng cho rằng, cần tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi. Chẳng hạn, các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số.

Việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả thì sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Hưng cũng nhấn mạnh, cần có chiến lược đồng bộ kế hoạch trung hạn dài hạn, trong đó Luật Quy hoạch chính là biểu hiện sinh động, đồng bộ toàn bộ các quy hoạch tổng thể.

Và, cửa nào để Việt Nam tăng trưởng?

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay, có 4 ràng buộc tác động tới tăng trưởng của Việt Nam.

Ràng buộc thứ nhất khi chúng ta muốn tăng trưởng, nhất là trong ngắn hạn và trung hạn là khó khăn về ngân sách.

Thứ hai là vấn đề cải cách chính trị, cải cách bộ máy nhà nước.

Thứ ba là tăng trưởng nhưng lại muốn tái cấu trúc. Tái cấu trúc thì sẽ có nỗi đau, có phí tổn, có chia sẻ nguồn lực.

Ràng buộc thứ 4 là tăng trưởng nhưng phải giữ ổn định, trong khi ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là hoàn toàn chưa vững chắc.

Để không mâu thuẫn với 4 ràng buộc trên, ông Thành cho rằng lựa chọn cần phải có nghệ thuật.

“Nghệ thuật là có thể tăng trưởng để tốt hơn chút, nhưng không phá vỡ những điều chúng ta muốn: cải tổ bộ máy nhà nước, cải cách, tái cấu trúc, ổn định và ngân sách chắc chắn, thâm hụt giảm, nợ công kiểm soát được”, ông Thành phát biểu

TS. Thành cũng chỉ ra 2 cửa để cho Việt Nam tăng trưởng trong ngắn hạn, phù hợp với dài hạn nhưng không ảnh hưởng đến 4 ràng buộc đã nêu.

Thứ nhất là hội nhập. Theo ông Thành, Việt Nam đang trong giai đoạn gia nhập rất mạnh vào cuộc chơi thế giới. Bên cạnh đó, trong năm nay và năm tới, kinh tế thế giới đang tốt dần lên trừ một số bất ổn về địa chính trị.

Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhưng phải tận dụng được, tận dụng ở đây không chỉ dừng lại ở thị trường hay nhà đầu tư, mà còn là công nghệ, cách học, cách chia sẻ rủi ro...

Thứ hai là nguồn lực tư nhân và khu vực FDI. Theo ông, Việt Nam cần thực sự cải cách tổng thể hệ thống thuế như thuế, phí, cách thu, chi… theo hướng đảm bảo công bằng, có sự giám sát và minh bạch rõ ràng.

Chính sách thuế cần đảm bảo tính tiên liệu, dự báo được để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các chính sách cần tính tới khả năng rút lui, nhưng không ảnh hướng tới ổn định vĩ mô và tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Thành lưu ý, việc cải thiện, cắt giảm điều kiện kinh doanh là cần thiết, nhưng chưa đủ vì đó chỉ là khâu gia nhập thị trường.

Một doanh nghiệp phát triển sau khi gia nhập thị trường, còn nhiều công đoạn cần quản lý tốt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như hợp đồng kinh doanh, thực hiện cạnh tranh bình đẳng, khả năng rút lui ra khỏi thị trường…

Ở góc độ thuế khóa, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, chính sách thuế là yếu tố quan trọng, tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Tuấn dẫn kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, một trong những lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác chính là chính sách thuế. Tuy nhiên, gần đây, các nhà đầu tư đang phàn nàn về độ ổn định của chính sách thuế ở Việt Nam.

“Hiện nay, Đề án sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế của Bộ Tài chính có tác động rất lớn tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận định.

Trên cơ sở đó, ông Tuấn kiến nghị, Bộ Tài chính cần có những nghiên cứu, đánh giá thận trọng để làm sao hài hòa được mục tiêu tăng thuế cho tăng thu ngân sách, song vẫn đảm bảo không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và đặc biệt là không xung đột với lợi ích của doanh nghiệp./.