Thứ sáu 29/03/2024 13:32 | Liên hệ Tòa soạn p-ISSN: 1859-4972
e-ISSN: 2734-9365

Đánh giá sự đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa

- Đánh giá sự tăng trưởng kinh tế trong một lĩnh vực hay cho cả một nền kinh tế là việc xem xét mức độ đóng góp của các chỉ tiêu đo lường, gồm: Vốn; Lao động và Năng suất các nhân tố tổng hợp.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng phương pháp hạch toán tăng trưởng để đánh giá sự đóng góp của vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Kết quả chỉ ra rằng, yếu tố có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2011-2020 là: Vốn đầu tư 60%; Lao động 7,1%; Năng suất các nhân tố tổng hợp TFP 32,9%.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, năng suất các nhân tố tổng hợp, vốn, lao động

GIỚI THIỆU

Tăng trưởng kinh tế là một khái niệm được đề cập nhiều trong các mô hình nghiên cứu của các nhà kinh tế học với các tên tuổi tiêu biểu, như: Smith (1776), Ricardo (1817), Harrod (1939), Domar (1946), Solow (1956), Romer (1986), Mankiw và cộng sự (1992). Quá trình sản xuất là quá trình kết hợp các yếu tố đầu vào để tạo ra được các yếu tố đầu ra theo nhu cầu xã hội. Các lý thuyết kinh tế học tân cổ điển và lý thuyết tăng trưởng mới đều thừa nhận rằng, trên giác độ các yếu tố đầu vào, những nhân tố kinh tế chính tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng là vốn, lao động và TFP.

TFP được hiểu là tổng hợp các yếu tố còn lại đóng góp vào tăng trưởng kinh tế sau khi đã loại trừ những yếu tố vốn và lao động. Các yếu tố tổng hợp này lớn hay bé tùy thuộc vào việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức quản lý hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Các nhà khoa học đã thực hiện đo lường năng suất của từng yếu tố tham gia vào sản xuất, như: lao động, vốn và cả các yếu tố khác tham gia vào sản xuất - chính là nhân tố tổng hợp. Như vậy, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần gia tăng năng suất của các yếu tố tham gia vào sản xuất, trong đó việc tăng năng suất của các yếu tố ngoài vốn và lao động là TFP có ý nghĩa quan trọng.

Nghiên cứu tính toán đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, để nhận diện được mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các giải pháp nhằm tăng đóng góp TFP, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa một cách bền vững và hiệu quả.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ DỮ LIỆU TÍNH TOÁN

Phương pháp tính TFP

TFP là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động nhờ vào tác động của nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động. Theo đó, kết quả sản xuất có thể chia thành 3 phần: (1) Phần do vốn tạo ra; (2) Phần do lao động tạo ra; (3) Phần do yếu tố tổng hợp tạo ra. Như vậy, không phải nhất thiết để tăng trưởng sản xuất phải tăng lao động hoặc tăng vốn, mà có thể có kết quả sản xuất/đầu ra lớn hơn thông qua tối ưu hóa nguồn lao động và vốn, cải tiến quy trình công nghệ, cải tiến quy trình quản lý. Vì thế, chỉ tiêu TFP là chỉ tiêu phản ảnh chất lượng tăng trưởng, cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế; căn cứ để phân tích hiệu quả kinh tế vĩ mô, đánh giá sự tiến bộ khoa học và công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi quốc gia.

Để đo lường và đánh giá tác động của các yếu tố đầu vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, bài viết sử dụng mô hình xuất phát là mô hình tăng trưởng Solow có dạng hàm sản xuất Cobb-Douglas:

Y=TFP.f (Kα.Lβ) (1)

Trong đó, Y là sản lượng đầu ra; K là vốn đầu vào; L là lao động; TFP là năng suất các nhân tố tổng hợp; α là hệ số đóng góp của vốn (hay còn gọi là tỷ phần thu nhập của vốn) ; β = (1- α) là hệ số đóng góp của lao động (hay còn gọi là tỷ phần thu nhập của lao động).

Gọi GY là tốc độ tăng trưởng của GDP; GK là tốc độ tăng trưởng của vốn; GL là tốc độ tăng trưởng của lao động; GTFP là tốc độ tăng của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP, hàm sản xuất (1) biến đổi, như sau:

GY = GTFP + α. GK + β.GL (2)

Một trong những đóng góp của mô hình Solow là nó có thể dùng để đo lường đóng góp của các yếu tố sản xuất vào tăng trưởng kinh tế. Các chỉ tiêu GY, GL, GK được tính dựa vào số liệu đã được công bố.

Hệ số đóng góp của vốn (a), hệ số đóng góp của lao động (b) và GTFP có thể được xác định bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, 2 phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá đóng góp của các yếu tố sản xuất vào tăng tưởng kinh tế trên cơ sở mô hình Solow là phương pháp hạch toán tăng trưởng (growth accounting) và phương pháp hồi quy tăng trưởng (growth regression). Để tính toán hệ số đóng góp của vốn (a), hệ số đóng góp của lao động (b) và GTFP cho tỉnh Thanh Hóa, với điều kiện số liệu tiếp cận được, nghiên cứu này sử dụng hạch toán tăng trưởng (growth accounting) được phát triển bởi Solow (1957).

Do đặc điểm hạch toán của nước ta, số liệu thống kê có được qua báo cáo tiền lương và thu nhập của người lao động thường chưa bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành của nó vì có một số khoản, như: tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền ăn trưa của công nhân, tiền mua sắm quần áo bảo hộ lao động... chưa được hạch toán trực tiếp vào thu nhập và tiền lương của người lao động. Do vậy, để tính hệ số β chính xác cần bổ sung thêm vào tiền lương và thu nhập các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền ăn trưa. Nhưng, nếu lấy số liệu về thu nhập của người lao động để tính β thì hệ số β sẽ bị thu hẹp và như vậy, hệ số α sẽ tăng cao do α = 1- β. Ở cấp quốc gia β sẽ dựa vào bảng cân đối liên ngành IO. Còn đối với tỉnh Thanh Hóa, không có số liệu chi tiết về giá trị tăng thêm và thu nhập đầy đủ, do đó phải căn cứ từ hệ số β tính cho các khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chung toàn quốc năm 2012 để ước β cho tỉnh, dự vào cơ cấu GRDP theo 3 khu vực của tỉnh và căn cứ thêm thu nhập bình quân và dân số trung bình của tỉnh đã được Tăng Văn Khiên áp dụng để tính toán TFP cho TP. Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và Kiên Giang (kết quả tính toán hệ số β).

Phương trình (2), tốc độ tăng của TFP được tính theo công thức sau:

GTFP = GYβ.GLα.GK (3)

Sau khi tính được tốc độ tăng trưởng của từng yếu tố vốn (GK), lao động (GL) và tốc độ tăng của TFP (GTFP), chúng ta xác định được tỷ trọng đóng góp của vốn, lao động và TFP vào tốc độ tăng của GDP như sau:

% đóng góp của TFP = GTFP/ GY x 100%

Dữ liệu tính toán

Tổng sản phẩm trong nước của tỉnh (GRDP) và tốc độ tăng GRDP được lấy từ Niên giám Thống kê của tỉnh Thanh Hóa qua các năm, được xác định theo giá so sánh năm 2010, đơn vị tính là tỷ đồng.

Yếu tố lao động (L) là lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh Thanh Hóa qua các năm, đơn vị tính là nghìn người. Số liệu lao động được lấy từ Niên giám Thống kê.

Yếu tố vốn (K) là trữ lượng vốn thực tế của tỉnh Thanh Hóa được xác định theo giá so sánh năm 2010, đơn vị tính là tỷ đồng. Tác giả lựa chọn phương pháp xác định trữ lượng vốn thực tế đã được sử dụng trong nghiên cứu của Nguyễn Quang Hiệp và Nguyễn Thị Nhã (2015); Đặng Hoàng Thống và Võ Thành Danh (2011); Tăng Văn Khiên (2017) vận dụng trong trường hợp của tỉnh Thanh Hóa. Nguyên tắc của việc xác định giá trị tài sản cố định có đến cuối năm nào đó trước các năm của kỳ nghiên cứu, theo phương pháp gián tiếp là dựa vào vốn đầu tư xây dựng, bao gồm: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn mua sắm thiết bị ngoài xây dựng và vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định (ở phạm vi tỉnh, thành phố) để cộng dồn phần tài sản cố định của các năm còn lại đến cuối năm thứ n (sau khi trừ khấu hao hoặc giảm trừ tài sản cố định).

Như vậy, để tính đóng góp TFP vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2019, cần tính được tích lũy tài sản đến khoảng 20 năm (tính đến đầu năm 2010), tức là tính tích lũy tài sản bắt đầu từ năm 1991. Các số liệu vốn được lấy từ Niên giám Thống kê của tỉnh Thanh Hóa.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020

Tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh lớn của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, có diện tích đứng thứ 5 và dân số đứng thứ 3 cả nước. Thanh Hóa có địa kinh tế hết sức quan trọng, là nơi tiếp giáp với cả vùng Trung du và miền núi Phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong hơn 30 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước và đang dần trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thanh Hóa

Nguồn: Niên giám Thống kê của tỉnh Thanh Hóa qua các năm và tổng hợp số liệu từ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 8 năm 2011-2019 đạt 10,09% (Hình 1) cao hơn giai đoạn 2001-2010 và là mức tăng trưởng cao so với cả nước và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, gấp 1,6 lần so với bình quân chung cả nước (Hình 2). Giai đoạn 2011-2020 ước đạt 10,3%, cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX (từ 8-9%/năm) và trong Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2013 của Bộ Chính trị (Ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ) đề ra mục tiêu giai đoạn 2011-2015 đạt 7,5%; giai đoạn 2016-2020 đạt 9%.

Hình 2: Tốc độ tăng GRDP của tỉnh Thanh Hóa so với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giai đoạn 2016-2019

Đơn vị tính: %

Nguồn: Niên giám Thống kê các tỉnh

Năm 2019, quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá so sánh) ước gấp gần 1,67 lần so với năm 2015. Trong mức tăng trưởng bình quân 10,3% giai đoạn 2011-2020, ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp cao nhất, khoảng 5,38 điểm phần trăm; tiếp theo là ngành dịch vụ 3,26 điểm phần trăm; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 0,41 điểm phần trăm; thuế sản phẩm 1,95 điểm phần trăm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2020 (theo giá hiện hành) ước đạt trên 228 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 10 tỷ USD), gấp 4,54 lần năm 2010 và đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 2.670 USD, thấp hơn so với mục tiêu là 3.600 USD.

Bảng 1: Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng của các ngành, thuế vào GRDP tỉnh Thanh Hóa

Đơn vị tính: %

Nông nghiệp

Công nghiệp xây dựng

Dịch vụ

Thuế

Tổng

2011

5,2

42,3

43,4

9,1

100,0

2012

7,1

56,5

31,9

4,5

100,0

2013

5,7

58,9

32,8

2,7

100,0

2014

6,2

63,8

15,8

14,2

100,0

2015

5,2

57,1

27,2

10,5

100,0

2016

4,9

55,3

39,2

0,6

100,0

2017

4,1

57,0

44,3

-5,3

100,0

2018

2,8

50,7

16,8

29,7

100,0

2019

1,6

58,2

14,9

25,3

100,0

2020*

2,9

60,8

19,5

16,7

100,0

2011-2020

4,6

56,1

28,6

10,8

100,0

Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám Thống kê tỉnh Thanh Hóa

Trong giai đoạn 2011-2020, công nghiệp vẫn là ngành chủ lực đóng góp 56,1% trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa; Tiếp đến, ngành dịch vụ đóng góp 28,64%, thuế 10,8% và nông nghiệp 4,6%. Đây là xu hướng phù hợp do quá trình CNH ở tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra rất mạnh trong giai đoạn 2011-2019 (Bảng 1).

Kết quả tính toán đóng góp của vốn, lao động và TFP vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2018

Để tính toán hệ số β cần dựa vào thu nhập người lao động. Về nguyên tắc hệ số β được tính theo công thức: Kết quả tính toán hệ số β được thể hiện ở Bảng 2

Bảng 2: Kết quả tính toán hệ số hệ số β


Năm

β

α = 1- β

2011

0,617

0,383

2012

0,616

0,384

2013

0,616

0,384

2014

0,610

0,390

2015

0,606

0,394

2016

0,606

0,394

2017

0,609

0,391

2018

0,586

0,414

2019

0,569

0,431

Dự báo 2020

0,564

0,436

Nguồn: Tính toán của tác giả

Tính toán tốc độ tăng TFP của tỉnh Thanh Hóa

Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng tích lũy tài sản (vốn vật chất) của tỉnh Thanh Hóa luôn ở mức cao, với tốc độ tăng trung bình của cả giai đoạn là 15,5% (Bảng 3). Trong đó, tốc độ tăng vốn giai đoạn 2016-2020 là 14,35% đã giảm 2,3% so với giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2011-2015 là 16,65%). Tốc độ tăng vốn cao là do tỉnh Thanh Hóa đã rất thành công trong thu hút vốn đầu tư vào các dự án lớn của tỉnh, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất ở Việt Nam.

Kết quả đầu tư đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, dù tốc độ tăng vốn cao, đặc biệt trong giai đoạn 2014-2016, nhưng tốc độ tăng GRDP không tăng tương xứng. Điều này, có thể được lý giải độ trễ của vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các dự án lớn. Tốc độ tăng vốn cao đã lấn án tốc độ tăng của TFP trong 3 năm (2014-2016), trong đó năm 2015 tốc độ tăng của TFP là âm 1,33%.

Theo kết quả tính toán, tốc độ tăng TFP của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011- 2020 là 3,4%, cao hơn tốc độ tăng TFP của cả nước là 2,45%. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng TFP của Tỉnh là 0,9% và giai đoạn 2016-2020 là 5,95%. Tốc độ tăng TFP giai đoạn 2016-2020 cao là do: (i) Tốc độ tăng GRDP của Tỉnh giai đoạn 2016-2020 cao, đạt 12,6%; (ii) Những chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020; (iii) Những chính sách đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ được triển khai trong giai đoạn vừa qua đã thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và năng suất vốn.

Bảng 3: Tốc độ tăng của GRDP, vốn, lao động và TFP của tỉnh Thanh Hóa

Đơn vị tính: %

Năm

Tốc độ tăng

GRDP (Thống kê)

Hệ số

Hệ số

Tốc độ tăng tích lũy tài sản (Vốn)

Tốc độ tăng LĐ

Tốc độ tăng TFP

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

6 = 1 - 4*2 - 5*3

2011

8,56

0,383

0,617

15,02

1,58

1,83

2012

7,17

0,384

0,616

13,23

0,46

1,81

2013

8,02

0,384

0,616

14,34

1,21

1,76

2014

8,26

0,390

0,610

18,83

0,92

0,35

2015

8,39

0,394

0,606

21,84

1,85

-1,33

2016

9,05

0,394

0,606

19,93

0,95

0,62

2017

9,08

0,391

0,609

15,63

0,85

2,46

2018

15,16

0,414

0,586

11,66

1,90

9,22

2019

17,15

0,431

0,569

11,16

1,79

11,32

Dự báo 2020

12,50

0,436

0,564

13,38

0,65

6,30

2011-2015

8,08

0,387

0,613

16,65

1,201

0,90

2016-2020

12,59

0,413

0,587

14,35

1,228

5,94

2011-2020

10,33

0,400

0,600

15,50

1,215

3,40

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa

Tỷ lệ tăng trưởng lao động của tỉnh Thanh Hóa không cao, nhưng khá đồng đều giữa các năm. Dân số trong độ tuổi lao động có việc làm của tỉnh Thanh Hóa tăng qua các năm trung bình 0,7% giai đoạn 2011-2020, sẽ làm tăng tiết kiệm và tăng nguồn đóng góp cho quỹ an sinh xã hội, qua đó tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2011-2020, lao động chỉ đóng góp vào GRDP bình quân 0,73 điểm phần trăm, tương ứng với 7,1% tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Giai đoạn 2016-2020, lao động chỉ đóng góp vào GRDP bình quân 0,72 điểm phần trăm, tương ứng với 5,7% tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Trong giai đoạn 2011-2020, vốn đóng góp 6,2 điểm phần trăm, tương ứng với đóng góp TFP vào tăng trưởng GRDP của tỉnh khoảng 60%. Tính riêng cho giai đoạn 2016-2020, vốn đóng góp 5,93 điểm phần trăm, tương ứng đóng góp khoảng 47,1% trong GRDP tỉnh Thanh Hóa. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa tăng từ 11,1% giai đoạn 2011-2015 lên 47,2% giai đoạn 2016-2020 (Bảng 4).

Bảng 4: Đóng góp của vốn, lao động và TFP trong tăng trưởng GDP của tỉnh Thanh Hóa

Năm

Tăng trưởng của GRDP (%)

Đóng góp của Vốn

Đóng góp của Lao động

Đóng góp của TFP

Điểm %

Tỷ trọng

Điểm %

Tỷ trọng

Điểm %

Tỷ trọng

2011

8,56

5,76

67,3

0,97

11,4

1,83

21,4

2012

7,17

5,08

70,8

0,28

3,9

1,81

25,2

2013

8,02

5,51

68,8

0,74

9,3

1,76

22,0

2014

8,26

7,35

89,0

0,56

6,8

0,35

4,3

2015

8,39

8,61

102,5

1,12

13,4

-1,33

-15,9

2016

9,05

7,84

86,7

0,58

6,4

0,62

6,9

2017

9,08

6,11

67,2

0,52

5,7

2,46

27,0

2018

15,16

4,82

31,8

1,22

8,0

9,12

60,8

2019

17,15

4,82

28,1

0,92

5,3

11,42

66,0

2020

12,50

5,84

46,7

0,36

2,9

6,30

50,4

2011-2015

8,08

6,45

79,8

0,74

9,1

0,90

11,1

2016-2020

12,59

5,93

47,1

0,72

5,7

5,94

47,2

2011-2020

10,33

6,20

60,0

0,73

7,1

3,40

32,9

2011-2019

10,09

6,23

61,8

0,77

7,6

3,09

30,6


Nguồn: Theo tính toán của tác giả

Bên cạnh sự đóng góp của vốn và lao động, TFP cũng có đóng góp tích cực trong tăng trưởng GRDP. Trong giai đoạn 2011-2020, điểm đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Tỉnh là 3,4 điểm phần trăm tương ứng với tỷ trọng đóng góp trung bình của nhân tố TFP trong tăng trưởng GRDP là 32,9% (Bảng 4). Ước chung cả giai đoạn 2016-2020, điểm đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Tỉnh là 5,94, tương đương với tỷ trọng đóng góp trung bình của nhân tố TFP trong tăng trưởng GRDP là 47,2%.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Thứ nhất, giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng TFP có xu hướng gia tăng nhanh đạt trung bình 5,94%/năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng TFP trung bình là 0,9%; giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng TFP có xu hướng tăng mạnh, đạt 5,94%.

Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đã tăng đáng kể so với giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa đạt 4,2% cao hơn rất nhiều so với mức 11,1% giai đoạn 2011-2015.

Thứ ba, tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa cao hơn tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng của nhiều tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đạt được những tiến bộ này là do những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, so với cả nước, tốc độ tăng TFP của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020 cao hơn 0,95% (của Thanh Hóa 3,4%, của cả nước 2,45%). Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn thấp hơn so với cả nước là 6,4%. Với tốc độ tăng TFP nhanh trong giai đoạn 2016-2020, thì đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa sẽ cao hơn đóng góp TFP vào tăng trưởng của cả nước giai đoạn 2021-2030.

Thứ năm, sự gia tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đã có những dấu hiệu chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới và sáng tạo.

Khuyến nghị

Để Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Tỉnh cần nâng cao vai trò của TFP trong tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều này, tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tỉnh Thanh Hóa cần xem xét định hướng tăng trưởng kinh tế không dựa vào tăng vốn đầu tư và khai thác tài nguyên mà tăng trưởng kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ.

Hai là, tỉnh Thanh Hóa cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thông qua đầu tư trọng tâm trọng điểm vào các công trình có công nghệ cao; tránh thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư và tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa bằng cách nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức của người lao động, tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo trên tất cả các mặt, như: phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học.

Bốn là, tỉnh Thanh Hóa cần kiên quyết cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế./.

Tài liệu tham khảo

1. UBND tỉnh Thanh Hóa (2018). Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

2. Trung tâm Năng suất Việt Nam (2009). Báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu năng suất Việt Nam 2006-2007

3. Tổng cục Thống kê (2012-2019). Niên giám Thống kê tỉnh Thanh Hóa các năm từ 2011 đến 2018, Nxb Thống kê

4. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2010). Nâng cao tỷ trọng và tác dụng của năng suất nhân tố tổng hợp, Thông tin chuyên đề, số 5/2010

5. Nguyễn Quang Hiệp và Nguyễn Thị Nhã (2015). Vai trò của các yếu tố nguồn lực đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1996-2014, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 219, 9-19

6. Tăng Văn Khiên (2005). Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp - phương pháp tính và ứng dụng, Nxb Thống kê

7. Đặng Hoàng Thống và Võ Thành Danh (2011). Phân tích các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ: cách tiếp cận tổng năng suất các yếu tố, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 17b, 120-129

8. Domar, E. D. (1946). Capital expansion, rate of growth and employment, Economitrica, Journal of Econometric Society, 14(2), 137-147

9. Green, S. B. (2001). How many subjects does it take to do a regression analysis?’, Multivariate Behavioral Research, 26, 499-510

10. Harrod, R. F. (1939). An esay in dynamic theory, The Economic Journal, 49(193), 14 -33

11. Mankiw, N. G., D. Romer, and David N. Weil. (1992). A Contribution to the Empirics of Economic Growth, Quarterly Journal of Economics, 107(2), 407-437

12. Ricardo, D. (1817). On the principles of political economy anf taxation, 3nd Edition (1821), Jonh Murray, London

13. Romer, P. M. (1986). Increasing returns and long run growth, The Journal of Political Economy, 94(5), 1002-1037

14. Smith, A. (1776). An inquiry into nature and causes of the wealth of nations, Methuen Co., Ltd., London

15. Solow, R. M. (1956). A contribution to the theory of economic growth, Quarterly Journal of Economics, 70 (1), 65-94

16. Solow, R. M. (1957). Technical Change and the Aggregate Production Function, Review of Economics and Statistics, 39(3), 312-320

17. Tabachnick, B. G. and Fidell, L. S. (2007). Using multivariate statistics (5th edition), Allyn and Bacon, Boston, MA

Thanh Hóa phát triển kinh tế bền vững: nhìn từ góc độ chính sách logistics

Thanh Hóa phát triển kinh tế bền vững: nhìn từ góc độ chính sách logistics

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển logistics - khâu đột phát trong tăng trưởng kinh tế để Tỉnh trở thành “động lực phát triển” vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Bài viết đứng từ góc độ chính sách phát triển logistics của tỉnh Thanh Hóa để phân tích các điều kiện phát triển kinh tế và so sánh với thực tại tăng trưởng của Tỉnh, chỉ ra những điểm nghẽn để trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa tại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trước biến động kinh tế thế giới hiện nay

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trước biến động kinh tế thế giới hiện nay

Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài. Điều này đỏi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, kịp thời để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động  tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Các yếu tố tác động đến chi tiêu y tế của hộ gia đình ở TP. Cần Thơ
Tiềm năng, lợi thế và điểm nghẽn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch cộng đồng
Năng lực đội ngũ tiếp viên Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội
Tác động của trách nhiệm xã hội đến sự hài lòng khách hàng và kinh doanh bền vững: Nghiên cứu trường hợp doanh nghiệp thuê ngoài tại TP. Hồ Chí Minh
Những nhân tố ảnh hưởng đến sản lượng đội tàu khai thác hải sản TP. Đà Nẵng
Tác động của yếu tố tâm lý hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Giải pháp tăng cường hợp tác về thương mại giữa Việt Nam và Nigeria
Ảnh hưởng của chất lượng dịch vụ chuyển phát nhanh đến sự hài lòng của khách hàng tại các doanh nghiệp chuyển phát nhanh tại TP. Hà Nội
Thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng thời gian tới
Xem thêm

Mới nhất / Đọc nhiều

Đề xuất mô hình ảnh hưởng chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán  Việt Nam[1]

Đề xuất mô hình ảnh hưởng chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam[1]

LTS: Hiện nay, chủ đề chất lượng kiểm toán ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản ở Việt Nam chưa được nghiên cứu rộng rãi. Để tạo tiền đề cho việc triển khai nhiều nghiên cứu hơn về đề tài này, việc đề xuất mô hình nghiên cứu ảnh hưởng chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam của nhóm tác giả là cần thiết.
hoi thao khoa hoc quoc gia thuc day tang truong xanh huong toi phat trien ben vung
doi moi sang tao ket noi chinh sach voi doanh nghiep viet nam
Based on MasterCMS Ultimate Edition v2.9 2022