Đến năm 2020, lao động Việt Nam đạt trình độ các nước ASEAN-6
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về lao động và việc làm
Trong đó, tiếp tục thúc đẩy thực hiện chương trình việc làm bền vững, phát triển, dự báo thị trường lao động. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, di chuyển lao động trong nước và quốc tế, đặc biệt là đưa nhiều lao động có trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài. Hoàn thiện chính sách việc làm. Quản lý di cư lao động quốc tế, di chuyển thể nhân và tổ chức dịch vụ việc làm. Xây dựng, thực hiện chương trình việc làm công theo các tiêu chí khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiền lương. Thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động phù hợp với tiêu chuẩn lao động khu vực và quốc tế. Thúc đẩy an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các dịch vụ an toàn, vệ sinh lao động.
Về hội nhập về giáo dục nghề nghiệp, Chiến lược nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tiêu chuẩn giáo viên và đào tạo giáo viên, chương trình, giáo trình đào tạo, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Thực hiện các cam kết và đóng góp vào việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên hoàn thiện khung trình độ quốc gia; tham gia xây dựng khung tham chiếu trình độ giữa các nước ASEAN. Tăng cường liên kết đào tạo, chuyển giao các bộ chương trình, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN và quốc tế. Tham gia mạng nghiên cứu, chuyển giao tri thức về giáo dục nghề nghiệp giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng, phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho các cơ sở đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Chiến lược nhấn mạnh mục tiêu phát triển lĩnh vực lao động - xã hội đạt trình độ các nước ASEAN-6 vào năm 2020 và kịp các nước ASEAN-4 vào năm 2025.
Lao động Việt Nam phấn đấu bắt kịp trình độ các nước ASEAN-4 vào năm 2025
Tăng cường hội nhập quốc tế về an sinh xã hội
Song song với hội nhập lao động, việc làm, Chiến lược cũng khẳng định hội nhập nhập quốc tế về an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, từng bước áp dụng các tiêu chí khu vực và quốc tế làm tiêu chí phấn đấu và thước đo đánh giá về an sinh xã hội.
Trước mắt, Việt Nam sẽ chú trọng vào chuẩn nghèo, chương trình và phạm vi bao phủ của các chương trình bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung), bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, nghiên cứu hướng tới ký kết và thực hiện các chương trình hợp tác về bảo hiểm xã hội với các nước, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống luật pháp về an sinh xã hội.
Thực hiện giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều. Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc. Đảm bảo công bằng xã hội.
Đặc biệt, Chiến lược cũng nêu rõ Việt Nam cần chủ động xây dựng, thực hiện chính sách đảm bảo trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng do tác động của hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung hỗ trợ người khuyết tật nặng, trẻ em, người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, đồng bào dân tộc thiểu số, nạn nhân buôn bán người. Phát triển nghề công tác xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, ứng phó với việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động đến việc làm và thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị buôn bán, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Phát triển, hỗ trợ trẻ em tiếp cận hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em thuận lợi, công bằng và hiệu quả; phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân tại cộng đồng
Thúc đẩy công bằng xã hội trong chính sách an sinh xã hội. Thực hiện bình đẳng giới, ưu tiên thu hẹp khoảng cách giới, xóa dần định kiến và bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội, nhất là trong việc làm, quan hệ gia đình ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Bình luận