Giảm thiểu rủi ro và hạn chế tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Đến nay, do đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, cụ thể: các nước châu Âu từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021)...
Lao động EPS nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: KV |
Cẩn trọng với các hành vi lừa đảo người lao động
Do những ảnh hưởng của đại dịch, nhiều người lao động muốn được đi làm việc ở nước ngoài sớm. Nắm được tâm lý này, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các hình thức lừa đảo vẫn chủ yếu nhằm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, cũng như nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước của người lao động còn hạn chế.
Đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, nhưng không phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.
“Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được”, ông Nguyễn Gia Liêm nói và cho hay, các đối tượng lừa đảo thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo…
Họ cũng có cả website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động, nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa người lao động.
Từ đầu năm 2022, đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Cụ thể, từ tháng 4/2022, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật thị thực E7 (gồm công nghệ, cơ khí, điện, điện tử, hàn...) theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận và giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc.
Nắm được thông tin trên, một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại quảng cáo, chào mời, quảng bá có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa C4 và E-8 theo Thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền bất chính của người lao động.
Đối với người lao động ở địa phương chưa có Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, đối tượng môi giới cũng hứa hẹn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến địa phương đã có Thỏa thuận với Hàn Quốc, để thu thêm tiền của người lao động.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo Thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc. Do vậy, chỉ người lao động của địa phương có ký Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc mới được tham gia chương trình.
Đến nay, đã có 8 tỉnh, thành phố ký Thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc về chương trình này là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Cà Mau.
Tình trạng lừa đảo này diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền từ vài chục triệu cho tới hàng trăm triệu đồng.
Trong năm 2022, vụ việc 42 người Việt Nam trốn chạy khỏi Casino Rich World ở Campuchia bơi qua sông Bình Di, huyện An Phú, tỉnh An Giang để về nước vào ngày 18/8/2022 cho thấy tình trạng nhiều người Việt Nam bị sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” ở Campuchia (các đối tượng lừa đảo đã đưa mức lương 1.000 USD/tháng để dẫn dụ nạn nhân).
Người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin, thủ tục về xuất khẩu lao động
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngày 10/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó quy định chặt chẽ về điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường, ngành, nghề, công việc; mức ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp; mức trần tiền ký quỹ, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động; điều kiện, thủ tục đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động giao kết sau khi xuất cảnh.
Vì vậy, để tránh các rủi ro và hạn chế việc bị các đối tượng môi giới lừa đảo, người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin, thủ tục về xuất khẩu lao động trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Khi có nhu cầu xuất khẩu lao động, phải lựa chọn đúng địa chỉ, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, doanh nghiệp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy phép được đăng tải công khai trên trang Thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tại địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn/. Người lao động tuyệt đối không làm việc qua những người tự xưng là môi giới về xuất khẩu lao động./.
Bình luận