Hiện nay, các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới đều có bộ chỉ số để đo lường mức độ minh bạch thông tin của các công ty niêm yết như: chỉ số T&D của Standard and Poor’s tại Hoa Kỳ, chỉ số GTI tại Singapore và chỉ số IDTRS ở TTCK Đài Loan…Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một chặng đường khá dài, song, vẫn chưa có bộ chỉ số minh bạch thông tin chính thức nào được áp dụng để đo lường mức độ minh bạch thông tin của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy, việc học hỏi cách thức xây dựng bộ chỉ số này từ các nước có thị trường chứng khoán phát triển là một việc làm cần thiết và tất yếu. Vậy, những kinh nghiệm gì cần được Việt Nam áp dụng ? sẽ được nhóm tác giả Nguyễn Thúy Anh, Trần Thị Phương Thảo, Bùi Thu Hiền đề cập trong bài viết Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chỉ số minh bạch thông tin đối với công ty niêm yết và được tạp chí đăng tải trong chuyên mục Kinh nghiệm quốc tế số ra kỳ này.

Năm 2013 đã qua hơn ½ thời gian, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn đã được ban hành, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng chậm dài nhất kể từ khi cải cách nền kinh tế vào cuối những năm 1980. Tuy nhiên, "Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở mức 7%, nếu có những cải cách về thể chế và chính sách tốt". Vậy những ngành, lĩnh vực nào hiện nay được các nhà đâu tư quan tâm? Chi tiết những nội dung này sẽ được đề cập trong phần đầu chuyên mục Định hướng Triển vọng số ra tạp chí kỳ này.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm, cả nước có 38.908 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 193.561 tỷ đồng, tăng 7,6% về số doanh nghiệp và giảm 19,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với 6 tháng cuối năm 2012, thì số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5% và số vốn đăng ký giảm 14,24%. Những con số này cho thấy, bức tranh doanh nghiệp đang dần được cải thiện hơn. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn ở trước mắt, chính vì vậy các doanh nghiệp vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa. Vậy, giải pháp nào để doanh nghiệp có thể vượt qua được những khó khăn thách thức này? Đây cũng chính là nội dung được đề cập trong bài viết Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong những tháng còn lại năm 2013 của tác giả Đỗ Phương Thảo. Mời bạn đọc đón đọc.

Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực xã hội là một trong những nội dung quan trọng đối với việc lập quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc công tác lập quy hoạch cho các vấn đề này vẫn đang cho thấy những hạn chế cần khắc phục. Vậy, những giải pháp đó là gì? Mời bạn đọc đón đọc bài viết Đổi mới nội dung quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực xã hội của tác giả Nguyễn Văn Thành và Đoàn Thanh Tùng trong chuyên mục Diễn đàn xây dựng Luật Quy hoạch.

Tín dụng đình trệ, hệ thống tài chính – ngân hàng bất ổn và nền kinh tế trong nước đang còn nhiều khó khăn, bế tắc, tất yếu sẽ buộc các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách Việt Nam phải xem xét lại một cách nghiêm khắc thực trạng hệ thống tài chính cùng tính hiệu lực, hiệu quả của mạng lưới an toàn tài chính hiện hành. Đâu là những lỗ hổng trong công tác quản lý? Và khắc phục những nỗ hổng này như thế nào? Những nội dung này được Tiến sỹ Trịnh Quang Anh phản ánh trong bài viết Giám sát an toàn vĩ mô và tài chính ở Việt Nam trong chuyên mục Nghiên cứu trao đổi.

Liên quan đến đề tài chính, theo theo tác giả Nguyễn Đại Lai, cần thiết phải đổi mới mô hình giám sát thị trường tài chính của Việt Nam. Theo tác giả, cần thiết phải hoàn thiện thêm một bước vị thế pháp lý và quyền lực của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Vậy hoàn thiện theo hướng như thế nào cho hiệu quả. Mời bạn đọc đón đọc bài viết Tái cấu trúc chức năng và quyền lực cho Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Chuyên mục Nghiên cứu trao đổi tạp chí số ra kỳ này tiếp tục gửi đến bạn đọc những nội dung như: giải pháp quản lý nguồn vốn ODA, FDI, các vấn đề về làm thế nào để huy động nguồn lực xã hội, hay giáo dục đại học tại Việt Nam cần phải đổi mới như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục….Mời bạn đọc đón đọc.

Trong chuyên mục Kinh tế ngành địa phương kỳ này là những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của một số tỉnh, thành trong cả nước, đó là Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Cà Mau ... Mời bạn đọc đón đọc.