Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tài nguyên nước ở Việt Nam
Tóm tắt
Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã và đang đóng góp vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ nhiều nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Tuy nhiên, trước những yêu cầu, đòi hỏi mới ngày càng cao của thực tiễn quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển bền vững đất nước, việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa pháp luật về tài nguyên nước đang là đòi hỏi cấp bách nhằm bảo đảm an ninh nước quốc gia cho phát triển bền vững.
Từ khóa: tài nguyên nước, pháp luật về tài nguyên nước, an ninh nước, hoàn thiện pháp luật
Summary
The Law on Water Resources in 2012 has been playing an extremely important role in the socio-economic development of the country and serving many essential needs of human life. However, in the face of increasingly new requirements of the practice of managing, protecting, exploiting and using water resources, the amendment and supplementation of the legal Law on water resources is an urgent requirement to ensure national water security for sustainable development.
Keywords: water resources, law on water resources, water security, improving law
GIỚI THIỆU
Mọi sự sống đều cần phải có nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tài nguyên nước dần cạn kiệt và tác động của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước đang đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ tài nguyên nước càng trở nên cấp thiết hơn, bởi nguồn nước phân bổ không đồng đều. Mặc dù nguồn nước của Việt Nam tuy nhiều, song lại phụ thuộc vào bên ngoài, không kiểm soát được lượng dòng chảy trong và ngoài lãnh thổ. Theo đánh giá, mặc dù nước ta có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên; với lượng nước mặt hằng năm khoảng 830-840 tỷ m3, nhưng có hơn 60% lượng nước được sản sinh từ các nước bạn (Hùng Võ, 2023).
Bên cạnh đó, tình trạng đắp đập, xây dựng thủy điện ở nhiều nơi đã khiến nguồn nước ở các vùng hạ du bị cạn kiệt, đặc biệt vào mùa khô. Đáng chú ý, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, do việc xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, kết hợp với hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nặng đến nguồn nước của người nông dân trong toàn Vùng.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến an toàn nguồn nước như: sử dụng đất không hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước; vấn đề nước biển dâng gây nhiễm mặn... Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước và nước thải sinh hoạt là vấn đề bức bối liên quan đến đô thị, dân cư tập trung. Hiện nay trên cả nước có 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung, chỉ mới xử lý được khoảng 15% nước thải sinh hoạt tại đô thị, còn lại xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sông, nước mặt (Hùng Võ, 2023).
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, nhu cầu về nước cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với nhu cầu hiện nay (Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, 2023). Vì thế, để đảm bảo an ninh nguồn nước, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc sử dụng, khai thác, tiêu thụ và quản lý nguồn nước.
NHỮNG BẤT CẬP TRONG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XI thông qua lần đầu tiên năm 1998, được sửa đổi lần 1 vào năm 2012, gồm 10 chương và 79 điều. Qua 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước ở nước ta được quản lý, bảo vệ tốt hơn, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững hơn; quản lý tài nguyên nước đã mang lại nguồn thu trực tiếp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước đã có một bước tiến lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đã hình thành và ngày càng hoàn thiện, phát triển hệ thống đồng bộ các cơ quan, tổ chức từ Trung ương tới địa phương, cũng như thực hiện ngày càng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Có thể khái quát một số kết quả từ thực tiễn thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 ở một số mặt như: đã tạo lập được hệ thống thể chế, chính sách tương đối đầy đủ, bước đầu phát huy hiệu quả, hiệu lực ở cả Trung ương và địa phương trong quản lý tài nguyên nước; việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước được tăng cường, đẩy mạnh ở cả Trung ương và địa phương, trong đó, đã, đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý; việc điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu, bảo đảm công bằng trong khai thác và sử dụng đã từng bước được hoàn thiện, góp phần đáng kể giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; việc bảo vệ các nguồn nước quan trọng, phòng, chống các hậu quả, tác hại do nước gây ra, bảo đảm lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ… được đẩy mạnh, có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng…
Mặc dù vậy, sau 10 năm triển khai, Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước.
Một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn, nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Trong số những tồn tại, bất cập về pháp luật tài nguyên nước, phải kể đến việc chưa xem tài nguyên nước là tài sản công của các quốc gia (như quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013), cần phải được sử dụng, quản lý hiệu quả một cách bền vững, chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế. Chưa kể, tình trạng thiếu thống nhất còn kéo dài trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước; còn nhiều trùng lặp, chồng chéo, phân cấp bất cập trong quản lý giữa các địa phương, bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành giao thông đường thủy, ngành điện lực, ngành cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn, nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt…).
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả… Điều này dẫn đến nguồn nước tại Việt Nam chưa được bảo vệ, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả, đa mục tiêu; vẫn tiếp diễn tình trạng nguồn nước ở nhiều lưu vực sông, đặc biệt là ở vùng hạ lưu các lưu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trong những thời gian dài chậm được phục hồi...
Hơn nữa, vấn đề phối hợp, hợp tác với các nước láng giềng trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông liên quốc gia, quốc tế còn gặp vướng mắc, chưa hiệu quả và thực chất.
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN NƯỚC
Nhằm thể chế hóa quan điểm, định hướng mới của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; phòng chống ô nhiễm nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên nước để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; quản trị nước; đẩy mạnh xã hội hóa ngành nước và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước, qua nghiên cứu của tác giả, cần sớm ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng sau:
Trước tiên, cần phải luật hóa nội dung tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý như quy định trong Hiến pháp năm 2013. Với vai trò đặc biệt quan trọng, thiết yếu, tài nguyên nước phải là cốt lõi trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, phát triển các ngành, lĩnh vực có khai thác và sử dụng nước; việc khai thác, sử dụng nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, hài hòa các lợi ích và giá trị của nước, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Thứ hai, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia để giám sát và kiểm soát được nguồn nước liên quốc gia, quốc tế. Rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước để phân cấp, phân quyền cụ thể, tách bạch phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan đơn vị, tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Thứ ba, cập nhật, bổ sung các quy định hiện hành về bảo đảm an ninh nguồn nước của quốc gia, bảo vệ tài nguyên nước và đáp ứng các yêu cầu về nước cho phát triển bền vững trong tình hình mới; giảm thiểu sự phụ thuộc của phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cùng các hệ sinh thái vào nguồn nước từ nước ngoài cũng như tác động của biến đổi khí hậu; chú trọng cụ thể hóa các quy định về phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Thứ tư, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước. Tách bạch việc quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...). Tiếp tục đổi mới các quy định để xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm và hiệu quả bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm hậu quả tác hại do nước và nâng cao giá trị của nước.
Thứ năm, về quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên nước, cần tuân thủ nguyên tắc quản lý tổng hợp và quản lý thống nhất theo lưu vực sông, nguyên tắc nước là hàng hóa, người sử dụng nước và người xả nước thải phải trả tiền, trong điều hành phải theo nguyên tắc công bằng. Bổ sung các quy định để phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm công bằng, cùng có lợi trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.
Ngoài ra, cần hoàn thiện công cụ chính sách về nguồn lực cho tài nguyên nước, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, tài chính cho việc bảo vệ nguồn nước, khai thác, xử lý nước cho sinh hoạt, công nghiệp và bổ cập cho nước ngầm; các quy định liên quan đến tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, trường hợp miễn, giảm, các ưu đãi hỗ trợ... đảm bảo thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi. Nghiên cứu bổ sung yếu tố mức độ khan hiếm của tài nguyên nước để quy định các khoản thu, các khoản thuế, giá nước phù hợp với đặc điểm của từng khu vực./.
ThS. Nguyễn Thị Lan - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tháng 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Bộ Chính trị (2022), Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
3. Hồ Hương (2023), Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, truy cập từ https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76207.
4. Hùng Võ (2023), Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm an ninh tài nguyên nước, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/can-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-bao-dam-an-ninh-tai-nguyen-nuoc/851103.vnp
5. Quốc hội (2012), Luật Tài nguyên nước, số 17/2012/QH13, ngày 21/6/2012.
6. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống (2023), Tài liệu Tọa đàm “Ngày nước Thế giới năm 2023 Thúc đẩy sự thay đổi”, ngày 14/3/2023.
Bình luận