Kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của một số nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam
KHÁI QUÁT KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
(1) Chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp
Isarel là quốc gia được thế giới biết đến với thương hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”. Để làm được điều này, bên cạnh việc tinh thần khởi nghiệp luôn được người dân và cộng đồng Israel đề cao, thì Chính phủ Israel luôn hướng đến phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp trong nước lẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại vườn ươm khởi nghiệp Israel, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm, các ngành công nghiệp công nghệ cao, gồm: nhiều công ty khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và cả quân sự được đặt gần nhau, tạo điều kiện hiểu biết và thân thiết lẫn giữa nhà đầu tư và nhà khởi nghiệp. Cụ thể: Về phía nhà đầu tư, họ có cơ hội được kiểm chứng năng lực của ứng viên thông qua quá trình làm việc và cách ứng viên đó đối mặt với khó khăn. Ngược lại về phía nhà khởi nghiệp, họ có thêm mục đích để luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập và lao động, cũng như phát triển được kinh nghiệm và quan hệ của bản thân nhằm phục vụ các ý tưởng khởi nghiệp nảy sinh sau này.
Đức là một quốc gia có chính sách cởi mở trong việc thu hút lao động nhập cư. Chính sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ đã giúp các doanh nghiệp Đức dễ dàng tiếp cận và làm việc với các đối tác quốc tế, thu hút thêm nguồn lực để đầu tư phát triển đất nước.
Đức có thể được coi là một trong những hình mẫu lý tưởng nhất khi cho phép tận dụng tối đa nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm phục vụ sự phát triển chung của đất nước tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp năng nổ và tự duy trì được hoạt động đầu tư khởi nghiệp, qua đó tạo nền tảng nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế.
(2) Chính sách về tạo môi trường, hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả
Tại Singapore, Chính phủ tiến hành đầu tư vào các công ty nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước này bằng cách tạo ra không gian startup để hình thành mạng lưới và trao đổi ý tưởng. Hơn nữa, các chương trình khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như các vườn ươm, lồng ấp khởi nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng thông qua các hoạt động cố vấn, đào tạo và giáo dục. Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng việc đa dạng hóa mô hình nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Mô hình nôi khởi nghiệp giúp các start-up nhanh chóng phát triển bằng cách tận dụng nhân lực chất lượng cao, kết hợp với các mô hình kinh doanh khả thi và có thể mở rộng. Antler là một ví dụ. Antler được thành lập năm 2017 bởi các nhà lãnh đạo công nghệ đã xây dựng các doanh nghiệp thành công trên thế giới. Họ đào tạo các tài năng địa phương và đưa các doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới về làm việc. Các "tinh hoa hội tụ" này được dùng để thực hiện những ý tưởng nhằm "giải quyết các cơ hội và thách thức lớn nhất thế giới, tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp và xã hội".
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đức có sức hấp dẫn rất lớn, cả về sự đa dạng lẫn toàn diện ở châu Âu, đặc biệt là tại Berlin. Tất cả các nhà khởi nghiệp lẫn đầu tư trên thế giới đều có thể tìm thấy cơ hội cho mình tại đây. Môi trường năng động của Berlin cung cấp đầy đủ các điều kiện cần thiết giúp cung cấp cơ hội đào tạo, khả năng tiếp cận vốn và mở rộng quy mô cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Các công ty khởi nghiệp có xu hướng tập trung xung quanh các trường đại học, nơi sản sinh ra các chuyên gia có trình độ cao và các nghiên cứu tập trung vào thực tiễn, đã tạo ra một môi trường tuyệt vời cho đổi mới sáng tạo. Thống kê cho thấy, Đức là quốc gia đứng đầu châu Âu về sáng tạo với 67.899 đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2016 (Nguyễn Văn Hùng, 2018).
Kết hợp với kết cấu hạ tầng tiên tiến, trải rộng trên toàn lãnh thổ, nước Đức đã cho phép mọi ý tưởng kinh doanh tìm được nơi phù hợp để triển khai thuận tiện và dễ dàng. Doanh nghiệp tại Đức được bảo trợ bởi một môi trường kinh tế, chính trị rất ổn định. Hệ thống luật bản quyền, luật sáng chế và luật thương hiệu được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất tốt. Chính sách kinh tế của Đức cũng tập trung vào việc bảo vệ các ý tưởng xuất sắc. Đơn cử là Luật Cạnh tranh, cho phép đảm bảo các đối thủ không được phép tung các thông tin sai sự thật về nhau để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, mạng lưới hỗ trợ doanh nhân cũng làm việc hết sức hiệu quả. Các công ty khi thành lập cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về thông tin, cách tiếp cận và xử lý hiệu quả nguồn vốn, cùng mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) lẫn các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ.
Tại Mỹ, thung lũng Silicon là môi trường khởi nghiệp bậc nhất thế giới với hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ và đồng bộ tại Silicon và San Francisco giúp triển khai mọi hoạt động kinh doanh, nơi gặp mặt tiện lợi với chi phí hấp dẫn. Hệ sinh thái hiện đại và phức tạp cũng cho phép khu vực trở thành thị trường thử nghiệm hoàn hảo cho nhiều loại sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới. Người dân sinh sống trong khu vực đa phần có thu nhập cao và dễ thích nghi với các xu hướng công nghệ mới. Họ chính là những khách hàng đầu tiên và quan trọng giúp các ý tưởng khởi nghiệp có môi trường phát triển. Sự thành công của thung lũng Silicon hiện nay có đóng góp không nhỏ từ những công ty lớn khởi nghiệp thành công từ nhiều thập kỷ trước. Các kỳ tích công nghệ, như: Microsoft, Apple, Facebook... sản sinh tại đây như hình mẫu thành công đã tạo nên nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp trẻ. Các doanh nhân thành công từ thung lũng Silicon cũng rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình tới các doanh nghiệp trẻ họ sẵn sàng tư vấn miễn phí và cấp vốn cho các ý tưởng mới.
Những yếu tố này đã góp phần tạo nên một cộng đồng khởi nghiệp tích cực và luôn thúc đẩy nhau nỗ lực vượt qua những thất bại liên tục trên bước đường thành công của các start-up.
(3) Chính sách hỗ trợ về tài chính cho khởi nghiệp
Singapore là một quốc gia có nhiều chính sách hấp dẫn cho các doanh nhân thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh mức thuế thấp và điều kiện kinh doanh dễ dàng, một yếu tố quan trọng khác thu hút các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến nước này là sự đa dạng của các nguồn tài chính cho khởi nghiệp. Theo đó, Chính phủ Singapore sẽ cung cấp một số khoản tài trợ tiền mặt và chương trình tài trợ hấp dẫn giúp doanh nghiệp phát triển qua các giai đoạn đầu tiên. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, còn có nhiều mạng lưới đầu tư thiên thần, công ty đầu tư mạo hiểm, công ty cổ phần tư nhân, vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình tăng tốc hỗ trợ các doanh nhân huy động vốn.
Singapore đã triển khai các chương trình tài trợ thành nhiều giai đoạn, tùy theo đặc điểm của các công ty khởi nghiệp. Đa số ở giai đoạn đầu, khi mà các DNKN cần vốn, thì các quỹ, như: Quỹ Tài trợ khởi nghiệp của ACE (ACE Satrt-up Grant), Quỹ Tài trợ khởi nghiệp I.JAM, hay Chương trình thương mại hóa doanh nghiệp công nghệ - Technology la Enterprise Commercialisation Scheme sẽ tài trợ cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu[8]. Tất nhiên, để nhận được các khoản tài trợ và các chương trình này phải đủ các điều kiện và tiêu chí cho Chính phủ đặt ra.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore chủ động tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia với hình thức hợp tác đầu tư để thành lập các công ty khởi nghiệp.
Chính phủ Israel đứng ra thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng để cho tư nhân quản lý hoạt động, bộ phận tư nhân sẽ giám sát và điều phối việc đầu tư các quỹ này. Trong trường hợp hoạt động đầu tư có hiệu quả, tư nhân sẽ mua lại các quỹ đầu tư này còn nếu thua lỗ, Nhà nước sẽ gánh phần rủi ro. Chính phủ không quyết định sẽ đầu tư vào dự án nào và cũng không can thiệp vào hoạt động của các dự án này mà để các cấp quản lý tư nhân tự do lựa chọn. Những dự án về công nghệ sinh học sẽ nhận được khoản đầu tư lớn hơn so yêu cầu.
Nếu DNKN thành công, họ có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không thành công, họ thậm chí không phải chi trả khoản tiền nào mà còn được tiếp tục nộp hồ sơ xin đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thực tiễn tại Israel cho thấy, kinh phí đầu tư của Nhà nước tăng không nhiều, nhưng chính sách này lại kích thích được các công ty tư nhân tăng cường đầu tư cho DNKN, với số vốn lớn gấp nhiều lớn so với đầu tư từ Nhà nước.
Quỹ Đổi mới CSIRO Australia: Được thành lập vào tháng 12/2016 với mục tiêu là cầu nối giúp các DN phát triển các ý tưởng nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm của mình. Đối tượng được Quỹ Đổi mới CSIRO hướng đến đầu tư là các DNKN, các công ty spin-off và các DN vừa và nhỏ. Thông qua Quỹ Đổi mới CSIRO, các công ty khởi nghiệp có thể nhận được tới 50.000 USD tài trợ để phát triển kinh doanh nếu thỏa mãn các điều kiện do Quỹ đưa ra. Ví dụ như: Công ty phải có doanh thu hiện tại hoặc trong vòng 2 năm gần nhất trong khoảng 1,5 triệu USD và đăng ký kinh doanh không quá 3 năm… Kinh phí hỗ trợ từ 10.000-50.000 USD được sử dụng để trang trải chi phí thực hiện dự án, như: trả tiền lương cho các nhà nghiên cứu và không bao gồm chi phí xây dựng các công trình hay cơ sở vật chất hạ tầng… (Dương Hồng Anh, Hoàng Minh Thúy, 2017).
(4) Chính sách về đa dạng hóa mô hình và tăng cường liên kết quốc tế trong vấn đề khởi nghiệp
Một yếu tố đặc biệt giúp hệ sinh thái startup phát triển mạnh tại Singapore là sự đa dạng quốc tế thông qua việc kết hợp các đối tác nước ngoài từ Australia, Pháp, Israel… nhằm trao đổi doanh nghiệp hai chiều. Điểm nổi bật gần đây là sự hợp tác của Singapore với German Accelerator Southeast Asia (GASEA). GASEA sẽ hợp tác với Enterprise Singapore và EDB để tổ chức chương trình “Scalerator”, hỗ trợ hơn 40 doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore tiếp cận thị trường Đức và mở rộng ở châu Âu. Tại Singapore, thị trường vốn đầu tư cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm đang phát triển nhanh chóng. Hiện tại có hơn 220 nhà quản lý vốn đầu tư tại Singapore. Trong vòng 5 năm qua, tài sản của các nhà đầu tư tăng trưởng 28%, đạt 190 tỷ đôla Singapore (Tạp chí Tài chính, 2019).
Đức coi trọng mô hình hợp tác quốc tế. Tính riêng trong năm 2016, đã có hơn 1,5 triệu người nước ngoài chuyển đến Đức để làm việc. Sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ đã giúp các doanh nghiệp Đức dễ dàng tiếp cận và làm việc với các đối tác quốc tế, thu hút thêm nguồn lực để đầu tư phát triển đất nước (Nguyễn Trần Minh Trí, 2019). Đức có thể được coi là một trong những hình mẫu lý tưởng nhất khi cho phép tận dụng tối đa nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm phục vụ sự phát triển chung của đất nước.
(5) Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DNKN
Chính sách thông thoáng cũng là một trong những nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển DNKN đổi mới sáng tạo ở Singapore. Singapore đang phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp bằng cách tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới sẵn có, không gian cộng tác, luật bảo vệ IP mạnh mẽ và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Gần đây, để giảm chi phí giao dịch và rút ngắn thời gian cần thiết để rót vốn đầu tư, Học viện Luật Singapore (The Singapore Academy of Law), cùng với Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm và cá nhân Singapore (Singapore Venture Capital and Private Equity Association), cùng nhau phát triển Thỏa thuận mô hình đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Investment Model Agreement - VIMA) cho các giao dịch vốn mạo hiểm giai đoạn đầu. Đây là tập hợp các tài liệu đầu tư được chuẩn hóa, có thể sử dụng trong vòng tài trợ hạt giống (Seed round) và cấp vốn giai đoạn đầu, giúp các startup tập trung thời gian vào kinh doanh hơn là lo thủ tục.
Tại Singapore, chính ở Fintech Festival 2018, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cũng công bố triển khai một chương trình cổ phần tư nhân trị giá 5 tỷ USD nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho phát triển tài chính và cơ sở hạ tầng[8]. Số tiền này sẽ dành cho các nhà quản lý quỹ toàn cầu về vốn đầu tư cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng có cam kết tăng cường hiện diện hoặc sẽ thiết lập một sự hiện diện đáng kể ở Singapore thời gian tới.
Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ, áp dụng và quản lý các cải tiến công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Các tòa án quyền sở hữu trí tuệ đã được thành lập ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu vào năm 2014. Các tòa án này có quyền phân xử trong các vụ kiện dân sự và hành chính liên quan đến bằng sáng chế, loại cây trồng mới, thiết kế mạch tích hợp, bảo hộ nhãn hiệu công nghệ và phần mềm máy tính. Ngoài ra, chính sách và môi trường pháp lý được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn đã tạo ra động lực chưa từng có cho sự đổi mới và tinh thần kinh doanh (Nguyễn Trần Minh Trí, 2019).
NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆT NAM
Xuất phát, từ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước hỗ trợ khởi nghiệp thành công, tác giả xin rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò đặc biệt quan trọng dẫn đến thành công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi việc đào tạo, thu hút nhân tài là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Nếu như Israel chú trọng khuyến khích trí tò mò, sáng tạo và tinh thần lãnh đạo được nhen nhóm từ trong quân đội điều này do tính đặc thù ở quốc gia, thì Singapore thực thi chính sách tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài đồng thời phát triển nguồn nhân lực nội địa thông qua giáo dục, nâng cấp tay nghề và chuyển giao năng lực… Còn Chính phủ Australia chú trọng thành lập các quỹ thúc đẩy giáo dục, khuyến khích đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán, nhằm khởi động một văn hóa đổi mới trong giới trẻ tại các trường đại học.
Vì thế, Việt Nam cũng cần phát triển các chương trình hỗ trợ khởi ngiệp và các trung tâm nghiên cứu và hợp tác nhằm thúc đẩy các công trình nghiên cứu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và đào tạo các sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm làm việc thực tiễn, tăng cường liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để học hỏi, trao đổi chuyên môn, mời các chuyên gia về khởi nghiệp đến chia sẻ kinh nghiệm. Đưa vào chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trường cần thành lập trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và sản xuất, thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ. Mở các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”, “Sản phẩm sáng tạo khoa học, công nghệ” và cấp học bổng cho các sinh viên đạt giải.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả: Để các DNKN đổi mới sáng tạo có thể tồn tại và phát triển được trong môi trường phải cạnh tranh với các công ty đi trước, thì các vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là rất quan trọng. Trong đó, cần tập trung xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp có sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ và một mạng lưới liên kết chặt chẽ để phát triển các DNKN, bao gồm: các doanh nghiệp khoa học, công nghệ mới khởi nghiệp; các doanh nghiệp khoa học, công nghệ đã thành công; các nhà đầu tư thiên thần; các viện nghiên cứu; trường đại học; các quỹ đầu tư; các cơ sở ươm tạo; các tổ chức thúc đẩy kinh doanh; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác.
Nhà nước sẽ nắm vai trò kết nối các chủ thể và điều phối, thường xuyên hỗ trợ cho các chủ thể trong mạng lưới này để hệ thống sinh thái khởi nghiệp có thể hoạt động tự chủ và phát triển một cách bền vững. Xây dựng các sàn giao dịch khoa học, công nghệ để cung cấp các thông tin về sản phẩm, các ý tưởng sáng tạo cho các doanh nghiệp lựa chọn.
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ về tài chính. Israel đã hỗ trợ về mặt tài chính trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp và thành công. Kinh nghiệm này cần được nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi quan niệm theo hướng coi việc chấp nhận thất bại trở thành văn hóa và tạo cơ hội cho các startup đã thất bại có thể tiếp tục làm hồ sơ xin tài trợ.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, khu vực tư nhân hoạt động rất hiệu quả và có khả năng giúp Chính phủ giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội đặc biệt việc làm cho nền kinh tế.
Bản thân các doanh nghiệp khi mới khởi nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm và nguồn lực để tiến hành sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời, những người làm chủ các doanh nghiệp tư nhân cũng chính là những người khởi nghiệp thành công. Do vậy, cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn đầu tư ban đầu, cũng như chuyên môn và chia sẽ rủi ro với các startup. Đồng thời, có các cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân hỗ trợ thành lập DNKN.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ về môi trường đầu tư kinh doanh, về pháp lý, thủ tục hành chính và thuế cho hoạt động liên quan đến khởi nghiệp. Các điều kiện, chính sách của Nhà nước cần được cải cách theo hướng giảm bớt các rào cản về vốn, rút ngắn thời gian để hình thành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong cơ chế và chính sách đầu tư; áp dụng chính sách ưu đãi về thuế cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhằm khuyến khích sự đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần có các cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp.
Thứ năm, chính sách về đa dạng hóa mô hình và tăng cường liên kết quốc tế. Sự thành công của Singapore trong việc áp dụng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp cũng là một bài học đáng chú ý.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, Chính phủ cần nghiên cứu lựa chọn các mô hình liên kết hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với đó là tăng cường liên kết, hợp tác với các quốc gia phát triển mạnh mô hình này để nhằm tạo cầu nối cho các start-up trong nước.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm thu hút các doanh nghiệp thành công ở nước ngoài tham gia đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong nước./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2016). Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
2. Dương Hồng Anh, Hoàng Minh Thúy (2017). Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm từ Australia, JSTPM, số 4/2017
3. Nguyễn Văn Hùng (2018). Một số giải pháp thúc đẩy hỗ trợ DNKN đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam, Đề tài cấp bộ, Học viện Chính sách và phát triển
4. Đàm Vân (2015). Mô hình “quốc gia khởi nghiệp” Israel và bài học cho startup Việt Nam, Trí thức trẻ/DealStreetAsia, ngày 18/05/2015
5. Tạp chí Tài chính (2019). Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/kinh-nghiem-quoc-te-ve-chinh-sach-ho-tro-von-cho-khoi-nghiep-306041.html
6. Nguyễn Trần Minh Trí (2019). Kinh nghiệm tạo lập quốc gia khởi nghiệp ở một số nước, truy cập từ http://doanhnghiephoinhap.vn/kinh-nghiem-tao-lap-quoc-gia-khoi-nghiep-o-mot-so-nuoc.html
TS. Trần Thị Minh Trâm
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 7 tháng 3/2021)
Bình luận