Nâng cao hiệu quả vay vốn ngân hàng hỗ trợ xuất khẩu lao động
Từ hỗ trợ của ngân hàng có vốn nhà nước…
Trước đây, những người muốn đi xuất khẩu lao động thường xoay sở, vay mượn từ gia đình, người quen, thậm chí có khi phải đi “vay nóng” với nhiều rủi ro, hệ lụy đi kèm.
Một giải pháp không mới, nhưng an toàn và giúp người lao động đảm bảo tài chính hiện nay là vay vốn tại các ngân hàng, bởi đây là nơi cho vay uy tín và minh bạch. Người vay có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin về lãi suất, quy trình vay cũng như phải trả nợ ra sao sau khi vay. Nhiều người cho rằng họ không đủ điều kiện để vay vốn tại ngân hàng, nên mới phải tìm đến những tổ chức cho vay bên ngoài. Tuy nhiên, gần đây, các ngân hàng lớn nhỏ đều đang rất quan tâm đến việc cho vay xuất khẩu lao động. Theo đó, các ngân hàng đã đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tiếp cận vốn vay.
Chẳng hạn, ở khối ngân hàng có vốn nhà nước, hiện tại có 3 ngân hàng hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động đó là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Agribank và Ngân hàng VietinBank.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn cho thành viên trong hộ đi lao động có thời hạn ở nước ngoài thuộc các đối tượng: hộ gia đình chính sách; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố; bộ đội xuất ngũ. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động được ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất cho vay là 6,6%/năm.
Qua thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 3 năm (2016-2018), hoạt động cho vay giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt hơn. Doanh số cho vay xuất khẩu lao động đạt 746 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm cho trên 535.000 lao động và giúp trên 11.000 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Trường hợp vay tại Agribank và VietinBank cũng khá đơn giản. Chẳng hạn tại Agribank, công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam có đủ điều kiện đi lao động ở nước ngoài theo quy định; có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp dịch vụ về việc đi làm việc ở nước ngoài, đang cần vay vốn để chi trả cho những hoạt động hợp pháp cần thiết để đi lao động hợp tác có thời hạn ở nước ngoài đều có thể sử dụng sản phẩm tín dụng "cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài" của ngân hàng này. Thời gian cho vay tối đa không vượt thời hạn của hợp đồng đi làm việc tại nước ngoài. Mức cho vay tối đa lên tới 80% tổng chi phí hợp pháp trong hợp đồng. Đặc biệt, Agribank áp dụng cả 2 phương thức lãi suất cố định và thả nổi.
VietinBank là một trong những ngân hàng hỗ trợ cho vay đối tượng xuất khẩu lao động
… đến các ngân hàng thương mại tư nhân
Ngoài các ngân hàng có vốn nhà nước, người lao động cũng có thể tìm đến các ngân hàng thương mại khác để được hỗ trợ về vốn. Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đều có sản phẩm cho vay hỗ trợ vốn xuất khẩu lao động.
Nhìn chung, các ngân hàng đều có giải pháp tương đối giống nhau ở lĩnh vực cho vay xuất khẩu lao động. Đó là số tiền được vay tối đa 80% chi phí cần thiết đi xuất khẩu lao động trong hợp đồng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Thời hạn vay tối đa bằng thời gian đi lao động tại nước ngoài. Hồ sơ thủ tục vay không quá phức tạp, chỉ cần mang theo giấy chứng minh đi xuất khẩu lao động và hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp và một số giấy tờ khác là người lao động sẽ được nhân viên ngân hàng hướng dẫn khi tới vay vốn…
Không chỉ vậy, một số ngân hàng ngoài việc hỗ trợ chi phí ban đầu cho xuất khẩu lao động, họ còn liên kết với các công ty, trung tâm cung ứng xuất khẩu lao động có uy tín để tư vấn các thủ tục pháp lý, lựa chọn thị trường lao động và công việc phù hợp cho các khách hàng có nhu cầu xuất khẩu lao động, giúp giảm thiểu các rủi ro về cơ chế, pháp lý, ngược đãi, trục xuất…
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động
Phải khẳng định rằng, chương trình cho vay xuất khẩu lao động mà các ngân hàng đang triển khai là kênh tín dụng giúp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình sinh sống tại các huyện nghèo và đặc biệt với đối tượng vay là người dân tộc thiểu số có điều kiện để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ.
Hơn nữa, nhờ phát triển được phong trào đi lao động ở nước ngoài đã đem về đất nước một lượng ngoại tệ đáng kể, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, giúp đất nước hội nhập và phát triển.
Nguồn vốn cho vay đi xuất khẩu lao động từ ngân hàng cũng được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo tại địa phương nói riêng và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nói chung.
Do đó, người vay khi cần vốn nên tìm đến ngân hàng trước tiên để được tư vấn một cách tốt nhất, thay vì chọn vay tại những công ty bên ngoài với lãi suất, phí cao…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của chương trình cho vay xuất khẩu lao động thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành có liên quan và địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đồng thời coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình cho vay vốn của các ngân hàng./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://tbck.vn/can-luu-y-khi-vay-von-de-xuat-khau-lao-dong-21678.html
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-10-28/danh-uu-tien-ho-tro-von-vay-cho-lao-dong-di-xuat-khau-63597.aspx
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tbnh/tbnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV354599&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=104339602579000#%40%3F_afrLoop%3D104339602579000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV354599%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Df5x8vqqtj_9
Bình luận