Ngành kế toán trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
XU HƯỚNG VÀ TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH KẾ TOÁN KHI ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ 4.0
Thứ nhất, xu hướng tự động hóa các quy trình kế toán. Quá trình tự động hóa các bước thực hiện các quy trình kế toán ngày càng được phát triển, đặc biệt dưới ảnh hưởng từ công nghệ mới của CMCN 4.0. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể dễ dàng thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, tự động hóa giúp loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán.
|
Thứ hai, thay đổi phương thức lưu trữ kế toán. Luật Kế toán (năm 2015) đã có quy định về lưu trữ điện tử, chứng từ điện tử và hóa đơn nhằm phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ. Theo đó, chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng. Tuy nhiên, những quy định này chủ yếu đáp ứng với nền tảng công nghệ hiện nay. Trong khi đó, với sự bùng nổ của CMCN 4.0, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ blockchain và dữ liệu lớn giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này giúp khả năng xử lý số lượng dữ liệu đạt hiệu quả tốt nhất.
Thứ ba, sự gia tăng ngày càng nhanh của các giải pháp phần mềm kế toán. Trong thời đại 4.0, các phần mềm kế toán ngày càng được phát triển và cải thiện, chúng không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm thời gian cho chứng từ sổ sách, mà còn bảo đảm độ chính xác cao. Phần mềm kế toán online là một trong những phần mềm tốt nhất của cuộc CMCN 4.0. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh của công nghệ thông tin, lập trình website và hệ thống nghiệp vụ tài chính – kế toán – quản trị. Các nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, CMCN 4.0 với các ứng dụng: internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế (Trần Thị Ngọc Anh, 2019).
Thứ tư, hài hòa nguyên tắc, thông lệ chuẩn mực kế toán quốc tế. Theo Luật Kế toán (năm 2015), thì “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu đồng bộ các chuẩn mực kế toán quốc tế để cập nhật các chuẩn mực kế toán đã và sẽ ban hành mới, đặc biệt là giá trị hợp lý và công cụ tài chính vì nó liên quan đến nhiều chuẩn mực kế toán khác. Việc nghiên cứu để ban hành các chuẩn mực kế toán cần được tiến hành trên cơ sở tiếp cận, áp dụng các thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam theo lộ trình phù hợp để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin tài chính mà Việt Nam cần khẩn trương thực hiện.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG CUỘC CMCN 4.0 ĐỐI VỚI NGÀNH KẾ TOÁN
Cơ hội đem lại
Một là, thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên có thể dễ dàng thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Thông qua việc kết nối của cuộc CMCN 4.0, đã giúp cho các kế toán viên thu thập thông tin cần thiết một cách nhanh chóng và dễ dàng không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Hay nói một cách khác, kế toán có thể thu thập thông tin và làm việc ngay cả khi không cần đến văn phòng làm việc nếu có đường truyền và công cụ là máy tính. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn, giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán ngày càng có nhiều thuận lợi.
Hai là, CMCN 4.0 đã giúp cho các kế toán viên tiếp cận được những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiết kiệm chi phí.
Ba là, CMCN 4.0 tác động lớn đến lĩnh vực kế toán Việt Nam, không chỉ là công cụ giúp các công ty kế toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn là cơ hội tiếp cận với hệ thống kế toán quốc tế, từ đó có thể mở rộng thị trường dịch vụ kế toán nhờ kết nối internet. Cùng với đó, hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
Bốn là, CMCN 4.0 đã giúp cho việc tổ chức thực hiện công tác kế toán một cách dễ dàng, hiệu quả từ việc thu thập thông tin (chứng từ kế toán), xử lý thông tin (ghi sổ kế toán), cung cấp thông tin (báo cáo tài chính), lưu trữ bảo quản tài liệu, thông tin kế toán và tổ chức bộ máy kế toán gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Công nghệ đám mây giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn, không bị giới hạn. CMCN 4.0 cho phép kế toán có thể lưu trữ khối lượng lớn thông tin một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này có khả năng xử lý số lượng lớn dữ liệu (Big Data) và cũng thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, để đạt được kết quả mong muốn.
Năm là, những tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến việc học tập nâng cao tay nghề và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác chuyên môn của đội ngũ kế toán, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động của các kế toán viên.
Thách thức đi kèm
(i) Sự vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Chuẩn mực Kế toán Việt Nam – VAS (gồm 26 chuẩn mực) mặc dù đã được xây dựng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế cũng như tình hình doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, giữa VAS và IAS/IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) hiện nay vẫn còn một khoảng cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán, kiểm toán Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 hệ thống này được biểu hiện cụ thể ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu, nhưng lập theo VAS lại ghi là theo giá gốc. Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng như diễn biến thực tế của thị trường…
(ii) Bên cạnh việc đầu tư công nghệ, thì việc đào tạo đội ngũ nhân viên kế toán có thể tiếp cận nhanh chóng đến công nghệ mới, làm chủ công nghệ, biến công nghệ trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động kế toán và hoạt động doanh nghiệp cũng không hề đơn giản, dễ dàng. Theo đó, các doanh nghiệp không thể dễ dàng thay đổi một đội ngũ kế toán mới có hiểu biết về công nghệ thay cho đội ngũ hiện có, cần đào tạo nâng cao sự hiểu biết vận hành được hệ thống công nghệ. Trên thực tế, người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã qua đào tạo của Việt Nam mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu…, nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm (làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ…), tính tuân thủ kỷ luật chưa nghiêm…
(iii) Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế. Ở Việt Nam, công tác kế toán, kiểm toán hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi CMCN 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Do vậy, về lâu dài, nếu kế toán viên, kiểm toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ khó khăn trong thực hiện các công việc chuyên môn. Thực tế cho thấy, kiến thức, sự hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các kế toán viên, kiểm toán viên hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều; Công tác đào tạo cũng chỉ mới dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo…
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm tận dụng cơ hội, hóa giải những thách thức đối với ngành kế toán trong bối cảnh CMCN 4.0, theo tác giả, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có những biện pháp quyết liệt để thực hiện trong bối cảnh lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới, trong đó, cần chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ tương ứng. Sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng internet sẽ đặt ra những giới hạn cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây là bài toán nan giải của lĩnh vực kế toán, kiểm toán do việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng số không phải là việc có thể tiến hành nhanh, trong khi việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán có thể sẽ diễn ra rất nhanh chóng.
Bên cạnh đó, rất khó để tiếp cận công nghệ chỉ trong một thời gian ngắn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư vào công nghệ mới và đào tạo nhân viên kế toán. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ mới cũng phụ thuộc vào định hướng phát triển và tư duy của các nhà quản trị doanh nghiệp.
Thứ hai, chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Các nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin kế toán, kiểm toán là rất hiện hữu trong môi trường mạng. Đây là một nguy cơ lớn mà các kế toán, kiểm toán viên cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới. Do vậy, cần chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, bảo đảm bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Dưới sự tác động của CMCN 4.0, các dữ liệu về hồ sơ, giấy tờ kế toán sẽ dần được chuyển sang dạng số hóa. Điều này làm cho các kế toán, kiểm toán viên với những kỹ năng thông thường khó có thể nắm bắt được sự đa dạng về loại hình và hình thức giao dịch số. Các xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đặt ra yêu cầu phát triển mới các nhóm kỹ năng cần thiết cho các kế toán và kiểm toán viên. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu của các nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, các kế toán, kiểm toán viên trong tương lai cũng cần các kỹ năng và kiến thức về luật pháp, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý. CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác chuyên môn. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo và bản thân doanh nghiệp thay đổi các chương trình đào tạo và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Thứ tư, tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế. Tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán và các tổ chức phi chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán, kiểm toán và trong việc hỗ trợ các dự án đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ gắn với ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2015). Luật Kế toán, số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015
2. Đặng Văn Thanh (2021). Xu thế chuyển đổi số trong kế toán, kiểm toán và đào tạo cử nhân kế toán, tham luận Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số giảng dạy Kế toán trong bối cảnh đào tạo từ xa”, do Học viện Tài chính, phối hợp cùng MISA, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, ngày 25/8/2021
3. Trần Thị Ngọc Anh (2019). Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 9/2019
4. Nguyễn Thúy Hằng (2020). Xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới tác động của công nghệ, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 12/2020
5. Phan Nguyễn Hoàng Chánh, Lê Đức Thắng (2019). Phát triển ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 8/2019
ThS. Lê Thị Kim Triệu
Trường Đại học Đồng Tháp
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)
Bình luận