Nhiều chính sách hỗ trợ không tới được với hợp tác xã
Điều này đã được nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo với chủ đề “Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết kinh doanh để phát triển bền vững” sáng 27/10. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức.
Thu hoạch rau màu tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Mô hình quan trọng
Thực tế trên thế giới cho thấy, hợp tác xã (HTX) vẫn là mô hình quan trọng đóng góp tới 10% GDP toàn cầu và tác động tới ½ dân số toàn cầu và là trung tâm liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Minh Điển – Phó trưởng ban Ban Chính sách và phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, trên thế giới đang có hơn 3 triệu HTX với 1,2 tỷ thành viên. 3 triệu HTX này có doanh thu vào khoảng 3.000 tỷ USD, đóng góp tới 10% GDP toàn cầu, tác động tới ½ dân số toàn cầu.
Ở Việt Nam, HTX được xác định là công cụ xóa đói giảm nghèo, là giải pháp thực hiện phát triển biền vừng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyến Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện Việt Nam có 17.462 HTX nông nghiệp và 57 Liên hiệp HTX nông nghiệp với 3,78 triệu thành viên đóng góp 4% GDP. Doanh thu bình quân của HTX vào khoảng 2,44 tỷ đồng và lợi nhuận là 383 triệu đồng.
“Vai trò quan trọng của HTX không chỉ là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là nó tăng thu nhập cho 30% dân số cả nước”, ông Định nhấn mạnh.
Chính sách đã khá đầy đủ, nhưng đi vào cuộc sống chưa nhiều
Hiện nay, hệ thống chính sách cho việc phát triển KTTT đã khá đầy đủ. Trong đó, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có sáu chính sách hỗ trợ như ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn,… Ngoài ra còn có hai chính sách ưu đãi đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và lệ phí đăng ký HTX. Riêng với Liên hiệp HTX, ngoài hưởng những ưu đãi nêu trên còn hưởng những ưu đãi khác như: tín dụng, vốn, giống, chế biến sản phẩm…
Đó là chưa kể, nhiều địa phương cũng ban hành chính sách riêng phù hợp khả năng và tình hình thực tế. Theo ông Phạm Minh Điển, trong 5 năm 2015-2020 có 19.000 lượt HTX được hưởng chính sách hỗ trợ với 3.426 tỷ đồng. Mỗi năm có 3.000 HTX được hỗ trợ, mức bình quân là 180 triệu đồng/HTX.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy các chính sách này đi vào cuộc sống chưa nhiều, có chính sách đến năm 2018 mới chính thức được thực hiện như chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, việc chưa bố trí được nguồn vốn riêng cho khu vực kinh tế tập thể, cho nên công tác triển khai các chính sách hỗ trợ cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Đơn cử như công tác đào tạo, tập huấn, trong giai đoạn 2012 - 2018, mỗi năm tăng 20% với hơn 391 nghìn lượt đào tạo, gần 35 nghìn cán bộ được đào tạo từ sơ cấp đến đại học, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 6% so với tổng số sáu triệu cán bộ thành viên HTX trong cả nước.
Hay như với hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nơi được xem là “điểm tựa” vốn cho các HTX, đến nay cũng mới chỉ có 50 trong số 63 tỉnh, thành phố xây dựng được quỹ với tổng nguồn vốn là 1.554 tỷ đồng. Riêng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương cũng chỉ có 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ được quy định trong Luật HTX vẫn chưa được thể chế hóa, đơn cử như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và một số loại thuế, phí khác hay ưu đãi hỗ trợ về giao đất, cho thuế đất, vay vốn ưu đãi thông qua quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Đến nay, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương, mới có 55/63 tỉnh, thành phố có quỹ; quy mô, vốn hạn chế (phổ biến 05-20 tỷ đồng); mô hình và cơ chế thiếu thống nhất, chưa liên kết hệ thống, chưa khai thác được nguồn lực từ thị trường để hỗ trợ HTX, mới có 10% số HTX được vay vốn ưu đãi.
“Chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ có 2% số HTX tiếp cận được”, ông Điển cho hay.
Các chính sách về thuế đối với HTX còn phân tán và được lồng ghép theo chính sách thuế đối với doanh nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi về thuế riêng cho các HTX, nên số HTX tiếp cận chính sách này còn ít.
Một số quy định về thuế vẫn chưa phù hợp với bản chất của HTX (thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vốn góp của thành viên, thuế doanh thu của HTX với thành viên…).
Mặt khác, nguồn ngân sách hạn hẹp cũng phần nào khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư thương mại, mở rộng thị trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo thống kê, 5 năm qua, mới chỉ có hơn 3.800 lượt HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới với tổng kinh phí 95 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách trung ương là 23 tỷ đồng.
Số HTX tiếp cận và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm ở nước ngoài. Cụ thể 5 năm qua, mới chỉ có khoảng 4.500 HTX tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và mở rộng thị trường…
“Mới chỉ có 4% HTX được hỗ trợ đào tạo nhân lực, 6% HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, 4,1% HTX tiếp cận được chính sách về khoa học công nghệ…”, ông Điển dẫn số liệu.
Để phát huy vai trò liên kết của HTX
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với quan điểm rằng, hiện nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Do đó, thúc đẩy liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Vì vậy, phát huy được vai trò của HTX sẽ là trung tâm liên kết, kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, liên kết kinh doanh hợp tác xã sẽ đảm bảo ổn định về quá trình sản xuất giữa các bên gồm người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
"Người nông dân chỉ sản xuất và tiêu thụ ra thị trường ngay thì sẽ là sản phẩm thô; Khi có liên kết thì sẽ có khâu chế biến tùy từng mức độ, nhu cầu của thị trường sẽ phân cấp cho các loại sản phẩm cuối cùng khác nhau. Theo đó, vai trò của liên kết kinh doanh và hợp tác xã được thể hiện trong quá trình tăng giá trị gia tăng cũng như chất lượng của sản phẩm trong từng khâu công đoạn liên kết. Ngoài ra, sẽ đảm bảo chia sẻ lợi ích về rủi ro giữa các bên khi có biến động xảy ra" - bà Luyến cho biết.
Bà Nguyễn Thị Luyến cho hay, thực tiễn và kinh nghiệm thế giới đã cho thấy HTX đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. HTX cũng là cầu nói giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Nhấn mạnh vai trò liên kết của HTX trong phát triển bền vững, ông Định lý giải thông qua 4 điểm nhấn:
Thứ nhất là tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn và phát triển vùng sản xuất hàng hóa: HTX thúc đẩy tích tục ruộng đất, dồn điển đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào, ứng dụng công nghệ cao kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cao và giá thành hạ. HTX chính là người giám sát các hộ sản xuất sản xuất theo đúng quy trình tuân thủ quy định kỹ thuật…
Thứ hai, HTX thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. HTX cũng là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, kết nối với bên bán sản phẩm, cá nhân nông dân bán sản phẩm sẽ bị ép giá, lật kèo…, nhưng HTX là đại diện đứng ra đàm phán sẽ nâng cao vị thế của người nông dân…
“HTX cũng là đầu mối cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. HTX cũng là nơi tích tụ vốn để kết nối liên kết, đơn cử như doanh nghiệp rót vốn vào HTX, người nông dân góp vốn vào HTX để làm nên kho chứa lúa gạo”, ông Định dẫn chứng.
Thứ ba, HTX là đầu mối tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác tới các hộ. , đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa mà doanh nghiệp không muốn vào HTX.
Thứ tư, HTX thúc đẩy trách nhiệm xã hội và bình đẳng giới. Hiện có 10% các HTX đã xuất hiện ở vùng sâu vùng xa.
Lấy ví dụ Sơn La là một tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất nước, lớn hơn Tiền Giang, trong đó 345 HTX ở tỉnh đóng vai trò quan trọng, ông Định cho hay, “HTX là nơi cung cấp giống, hỗ trợ sản xuất, tổ chức sản xuất thành vùng… từ đó đã kéo được 37 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hoa quả ở Sơn La”.
Để phát triển HTX
Do vai trò quan trọng của HTX trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững, liên kết kinh doanh trong chuỗi giá trị, các chuyên gia tại Hội thảo đồng tình rằng, đây cũng là cách tái cơ cấu HTX. Vì vậy, cần có chính sách pháp luật thuận lợi đối với HTX.
HTX cần thuận lợi trong thu hút vốn của nhà đầu tư và được mở rộng phục vụ tới đối tượng khác không chỉ là thành viên HTX – điều này tạo thuận lợi cho HTX mở rộng hoạt động và tăng sức cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác.
Ông Phạm Minh Điển nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ đối với HTX phải thiết thực, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm từng thời kỳ phát triển, tránh dàn trải. Việc hỗ trợ phải đúng mục tiêu, đối tượng, tiêu chí, có căn cứ khoa học để có thể đánh giá được hiệu quả của chính sách. Kinh phí hỗ trợ phải kịp thời, đúng mức để vừa phát huy vai trò hỗ trợ, “bà đỡ” của Nhà nước, vừa phát huy vai trò chủ động, tự chủ của HTX.
Đồng thời HTX vẫn rất rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng hạ tầng, và quảng bá tuyên truyền cho HTX. Các chính sách hỗ trợ HTX phải thiết thực hơn, nên cần sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ ưu đãi kinh tế cho HTX.
Đúc rút kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Thị Luyến cho rằng, để phát huy được vai trò của HTX cũng như đảm bảo chuỗi liên kết kinh doanh bền vững phải dựa vào các yếu tố là: lòng tin, tài chính, quản trị và thị trường. Bản thân các HTX phải tổ chức cung ứng được cá dịch vụ đầu vào có chất lượng để phục vụ cho các hộ thành viên.
“Nhân tố tạo nên sự thành công của HTX trong vai trò liên kết kinh doanh phát triển bền vững chính là đội ngũ quản lý HTX có năng lực, có tầm nhìn và đưa ra được chiến lược phát triển đúng đắn cho HTX, tạo được lòng tin với các hộ thành viên”, bà Luyến nhấn mạnh./.
Bình luận