Tỉnh Cà Mau cần giải thể dứt điểm các hợp tác xã đã ngưng hoạt động, chờ giải thể
Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Cà Mau cùng đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh Cà Mau và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển kinh tế tập thể, HTX với tỉnh Cà Mau |
Về phía đoàn công tác có đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ Tài chính; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Kinh tế hợp tác – Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên Văn phòng Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, tính đến cuối quý III/2022, toàn Tỉnh có 1 liên hiệp HTX, 281 HTX và 961 tổ hợp tác. Trong đó, thành lập mới 24 HTX và 1 liên hiệp HTX. Khu vực kinh tế hợp tác thu hút gần 20 thành viên (trong đó 4.664 thành viên HTX và 14.190 thành viên tổ hợp tác) tạo việc làm cho gần 5.000 lao động thường xuyên. Trên địa bàn Tỉnh có 1 số HTX hoạt động hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên, như: HTX Hòn than, Đồng Khởi...
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể cho biết, HTX trên địa bàn Tỉnh còn ít điểm sáng. Nguyên nhân là do các thành viên, người dân chưa thực sự hiểu và tự nguyện tham gia HTX, dẫn đến trên thực tế vẫn còn tình trạng thành lập HTX mong chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; năng lực quản lý và bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước chưa mạnh, thiếu bộ máy, vẫn làm kiêm nhiệm; nhiều chính sách hỗ trợ ban hành nhưng còn thiếu nguồn lực triển khai thực hiện.
“Thời gian tới, Trung ương cần có chủ trương xem xét, cho phép thí điểm phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện một số đề án, chính sách đặc thù; đồng thời cũng cần phát huy vai trò của người đứng đầu, có thể đưa nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể vào đánh giá kiểm điểm hàng năm của người đứng đầu”, ông Lê Văn Sử kiến nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Chu Thị Vinh đồng tình và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc nêu tại Hội nghị. Đồng thời, cho biết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn rất tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để tìm kiếm nguồn vốn riêng cho các HTX, không phải lồng ghép trong các chương trình khác. Tuy nhiên, rất khó khăn, thời gian qua vẫn phải lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, khó khăn trong việc hướng dẫn, cũng như triển khai thực hiện.
Tỉnh Cà Mau cần giải thể dứt điểm các HTX đã ngưng hoạt động, chờ giải thể |
“Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hộ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030. Theo kế hoạch, tới khi trình Dự thảo Luật sẽ trình kèm theo phụ lục Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030”, bà Vinh chia sẻ.
Để phát huy những mặt đạt được, cũng như khắc phục những mặt còn hạn chế về khu vực kinh tế tập thể, HTX của Tỉnh, theo bà Vinh, thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau cần quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế tập thể, HTX được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tuyên truyền mô hình HTX điển hình tiên tiến; giới thiệu kinh nghiệm các HTX sản xuất, kinh doanh giỏi, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước. Để lành mạnh hóa khu vực HTX, tạo dư địa cho HTX mới thành lập, phát triển, Tỉnh cần chỉ đạo giải thể dứt điểm các HTX đã ngưng hoạt động, chờ giải thể, giải thể các HTX không vướng quy định về Luật, HTX vướng Luật thì chờ Luật sửa đổi được ban hành mới giải thể được; đồng thời củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX trên địa bàn theo đúng các quy định của Luật Hợp tác xã; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của HTX trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh cần chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác, cần tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; tiếp tục thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ HTX giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Cà Mau cần tiếp tục triển khai các nội dung hỗ trợ cho HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả của địa phương giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg, ngày 03/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chuẩn bị công tác tổng kết Quyết định số 445 về thí điểm mô hình HTX lúa, trái cây và thủy sản vào năm 2023, cũng như sơ kết Đề án 167, nếu có khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ.
Hiện nguồn kinh phí hỗ trợ hằng năm cho HTX đang được lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, UBND Tỉnh cần ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như dành một tỷ lệ nhất định trong tổng nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ phát triển HTX. Cần bổ sung vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, bởi hiện nay bố trí 17 tỷ đồng là quá nhỏ, trong khi nhu cầu vay vốn của HTX nhiều./.
Bình luận