Số liệu mơ hồ, chỉ tiêu khó khả thi

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (tỉnh Bình Thuận) đánh giá, trước tác động không thuận của tình hình thế giới, thách thức của những khó khăn, yếu kém nội tại trong nền kinh tế, nhất là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng và phải lường trước những ảnh hưởng xấu do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, thì việc chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% là điều “còn phân vân”.

Dẫn Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) cho biết, trong những tháng đầu năm 2016 GDP, tăng 5,93% trên kế hoạch năm là 6,7%. Chính phủ đã đặt quyết tâm cao đến cuối năm 2016, GDP đạt từ 6,3 đến 6,5%. Như vậy, vẫn không đạt kế hoạch đầu ra từ đầu năm đã xác định là 6,7%.

“Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tăng trưởng nền kinh tế và các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, gây nhiều khó khăn, kể cả trong điều hành ngân sách quốc gia”, đại biểu Hạnh quan ngại.

Do đó, đại biểu cho rằng, với dự báo tình hình trong năm 2017 sẽ tiếp tục có những khó khăn mà dự kiến Chính phủ vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% sẽ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Hạnh, đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) thẳng thắn khẳng định ngay rằng, trong bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần này mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao.

“Dựa trên cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017”, đại biểu Lộc đặt câu hỏi.

Bởi, theo vị đại biểu này, vấn đề chính nằm ở chỗ thu chi ngân sách, nợ công đều được lập trên cơ sở tăng trưởng của GDP và nếu tăng trưởng không đạt chỉ tiêu thì sẽ có hiệu ứng domino đến các chỉ tiêu khác.

“Điều này chúng ta đã nhìn thấy trong vài năm gần đây, vậy Chính phủ đã có kịch bản xử lý cho tình huống này chưa?”, đại biểu Lộc quan ngại.

Đối với mục tiêu lạm phát, mấy năm nay chúng ta đặt mục tiêu lạm phát 5%, lãi suất cũng vì thế được gắn theo mục tiêu này nhưng cuối cùng lạm phát chỉ có 1% đến 2%, kết quả là lãi suất bị nêu ở mức quá cao so với lạm phát và những người chịu hậu quả chính là doanh nghiệp và nhà nước.

Hay như với mục tiêu cân đối xuất nhập khẩu, tại sao lại đưa ra mục tiêu nhập siêu 6,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2016 thì nền kinh tế xuất siêu gần 4 tỷ USD và trên cơ sở nào Chính phủ lập kế hoạch lập vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân là 750.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Để chỉ tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay sẽ gây nhiều hệ lụy

Về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù đồng tình với quan điểm được nêu trong dự thảo một số mục tiêu như thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là tương đối rõ ràng và cấp tiến, song đại biểu Lộc cũng cho rằng, có một số mục tiêu khác đặt ra chưa thấy rõ phải làm cách nào đạt được. Chẳng hạn mục tiêu đưa nợ xấu nền kinh tế xuống mức dưới 3% là cần thiết nhưng giải pháp lại rất mơ hồ. Có lẽ chỉ mục tiêu liên quan ngân sách và nợ công rõ ràng cụ thể là phù hợp nhất bởi chẳng có phương án nào khác để nợ công không vượt trần.

“Tôi cũng băn khoăn về mục tiêu tổng đầu tư toàn xã hội là 32 đến 34% GDP, hệ số ICO là 5 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 7% tổng đầu tư xã hội cần phải đạt mức này. Nhưng hiện tại, tiết kiệm nền kinh tế chỉ đạt 28 đến 29% GDP bởi vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra sẽ phải tăng vay nợ và điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm năm tới”, đại biểu Lộc trăn trở.

Chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6-6,5%

“Mọi kế hoạch kinh tế đều phải được tính toán trên cơ sở tiền tươi, thóc thật. Muốn phát triển bền vững phải căn cơ, phải liệu cơm gắp mắm. Vì vậy, theo tôi chúng ta nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 đến 6,5%, đồng thời cố gắng bảo đảm chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2007 - 2015 nền kinh tế chỉ tăng trưởng 6% một năm với hệ số ICOR hơn 6 nên nếu đạt được 6 đến 6,5% trong 5 năm tới với hệ số ICO là 5 thì đã là có sự tiến bộ rồi”, đại biểu Lộc đề xuất.

Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị, Quốc hội, Chính phủ xác định tăng trưởng GDP trong năm 2017, chúng ta xác định dao động từ 6,3 % đến 6,7%.

“Ứng với mỗi chỉ số tăng trưởng tương ứng sẽ có một kịch bản và phương án điều hành kinh tế phù hợp. Đồng thời, tôi đề nghị Chính phủ cần có sự linh hoạt hơn trong các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khu vực nông nghiệp, nông thôn qua đó phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam”, đại biểu Hạnh nói.

Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Chúng ta có quyền hỏi Chính phủ quyết liệt là vậy nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và nguyên nhân của nó là gì?”.

Theo đại biểu Cương, những vấn đề bức xúc đó đều có một điểm chung, có chung một nguyên nhân, đó là sự vận hành của bộ máy Nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức và viên chức. Rằng bộ máy nhà nước tự thân nó không làm nên điều gì mà nó được tạo nên bởi hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Thực tế những vấn đề xảy ra cái gì cũng có thể được giải thích là do buông lỏng quản lý. Sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng. Quản lý nhà nước lâu nay luôn chạy theo mọi vấn đề cần được quản lý, mà lẽ ra quản lý phải đi trước một bước”, đại biểu Cương thẳng thắn.

Điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ, công chức đông như thế, tinh giảm biên chế gần như dậm chân tại chỗ. “Thử hỏi số lượng cán bộ, công chức nhiều mà công việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì cán bộ, công chức làm gì?”, đại biểu Cương nhấn mạnh.

Do đó, theo đại biểu này, nếu không nâng cao được chất lượng quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và nhất là không chống được nhũng nhiễu và tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và nếu có đạt được thì cũng không bền vững./.