Nông dân, anh là ai

Ở Việt Nam, hình ảnh người nông dân đã trở nên rất quen thuộc, nếu không, phải nói là rất thân thuộc, gần gũi như máu thịt. Chân chất, thật thà, cần cù, chăm chỉ, chịu khó, lam lũ và nghèo khổ… là những gì cơ bản nhất để nói về đặc tính của người nông dân Việt Nam.

Ông bà xưa thường nói “nông tri điền”, nông dân chỉ biết gắn bó với làng quê, sau luỹ tre làng, “con trâu đi trước cái cày”, quen làm ăn “chân chì hạt bột”, thật thà như củ khoai, củ sắn. Ấy thế mới có giai thoại về “thằng Bờm có cái quạt mo”, chỉ khoái đổi nắm xôi, để ăn no cái bụng trước đã.

Hình ảnh người nông dân đã trở nên rất quen thuộc - Ảnh: TL

Xã hội Việt trước kia, nghề nông là trụ cột. “Sĩ nông công thương”, nông dân tuy không được xã hội trọng vọng, nhưng lại rất quan trọng. Câu châm ngôn: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” vừa chứng tỏ vị thế của nghề nông trong xã hội xưa, vừa cho thất cái sự bấp bênh, thất bát. “Nắng mưa là việc của giời”, ông trời mà tức giận nổi mưa gió hay kéo nắng hạn là mùa màng đói kém, theo đó thế gian cũng lao đao, liên luỵ. Nghề nông tang ở ta, người dân chỉ mong đừng nắng hạn, mưa dầm để trúng vụ mùa, dư dả thóc lúa là tốt rồi. Đối với họ, thóc lúa đầy bồ mới có thể vô ưu, đâu dám mong ước gì nhiều hơn.

Thời phong kiến thực dân, ngoài thiên tai nắng hạn, lũ lụt, sưu cao thuế nặng còn đổ lên đầu người nông dân trăm ngàn nỗi khổ. Cổ mang mấy thứ gông cũng phải è ra để chịu, uất ức quá cũng đến như “chị Dậu”, dám đánh “quan xã” một lần, rồi lại phải khóc lóc van xin “quan trên phụ mẫu” thứ tội, bán cả chó lẫn con để mà nộp thuế, nộp sưu.

Đã bao đời, người nông dân quen khổ, quen nghèo rồi. Và cũng quen ngu ngơ, ngù ngờ. Có ai nói: “khôn như nông dân” đâu?

Bây giờ, rõ ràng là nông dân sướng hơn xưa nhiều, hết còn phải chịu sưu cao, thuế nặng. Nhưng vẫn còn khổ lắm. Mưa gió vẫn tơi bời, bão lũ hàng năm vẫn càn quét, sức người có hạn, chống đỡ không xuể. Cơ cấu ngành nông nghiệp tuy rằng có được sắp xếp lại, nhưng rồi lúa gạo vẫn là quan trọng nhất. Mặc dù ta là nước xuất khẩu gạo hàng top ten thế giới, nhưng không vì thế mà nông dân đã thoát khỏi khổ. Các hộ đói, hộ nghèo, phần lớn vẫn là nông dân. Mà nghèo đói là cái vòng luẩn quẩn. Khó bứt lên mà giàu có sung sướng lắm. Nghe báo đài nói, nơi này, nơi kia có nông dân sáng kiến, chủ trang trại, chủ vựa lúa, chủ đầm cá, đầm tôm kiếm bạc triệu, bạc tỷ… nhưng cơ hồ đếm đầu ngón tay mà thôi.

Rốt cuộc, các bậc phụ huynh bây giờ vẫn hàng ngày đe nẹt con cái: “Mày không chịu học, lớn lên cũng đến làm nông dân. Mà ruộng cũng không còn để cày cấy đâu”. Thì ra, trong thời buổi nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đâu, chứ nông thôn thì chờ đấy. Làm gì có được anh công nhân nông nghiệp, anh công nhân làm ruộng. Vẫn chỉ là anh nông dân cày cuốc mà thôi. Thế nên, nông dân vẫn là cái tiêu điểm để người ta so sánh mặt bằng xã hội. Vẫn là, nghèo nhất, khổ nhất.

Giờ đây, nói đến hội nhập WTO, nghĩ đến nông dân, nhiều người phải giật mình. Vì ngay đến những thương gia lão luyện, những doanh nghiệp có máu mặt, thế mà còn mắc lỡm, chịu thua cái mánh khóe , cái luật lệ của mấy anh ngoại quốc, huống chi mấy chú nông dân, “lúa” một cục!

Nhưng có lẽ nông dân, đa số chẳng ai trằn trọc nghĩ suy nhiều về cái gọi là hội nhập kinh tế, vì mấy ai biết được WTO là gì. Có cần làm gì không?

Thực tế là: người nông dân chưa biết phải làm gì?

Nông dân thời hiện đại Ảnh: TL

Loay hoay đi đường WTO

Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong hội nhập WTO, vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Nghèo khó, thiếu kiến thức là vấn đề của nông dân trong hội nhập. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng là vựa lúa của cả nước, nhưng số hộ nghèo vẫn còn tới 7,41%, cao hơn đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ (kết quả điều tra của Bộ Lao động Thương binh Xã hội năm 2013).

Nếu chỉ lấy riêng những con số trong ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng có thể thấy được sự khó khăn của người nông dân, đi liền với một thực tế khá “bất công” là, chênh lệch quá lớn giữa đóng góp và thụ hưởng.

Cụ thể là đóng góp cho cả nước, thường xuyên từ 85 đến 90% sản lượng lương thực, từ 60 đến 70% thuỷ sản. Ngược lại, người nông dân được gì: Tỷ lệ mù và tái mù còn rất cao, 50 - 70% dân số chưa qua đào tạo.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, thu nhập bình quân của nông dân ở vùng “vựa lúa” chỉ là trên dưới 1 USD/ngày. Con số này thật đáng nghĩ suy. Vì nếu thiên tai, bão lũ, dịch bệnh xảy ra, đời sống người nông dân còn bi đát hơn.

Có chuyên gia còn cho rằng, khó khăn của người nông dân là cấp số nhân, chứ không phải là số cộng. Giá lúa tăng chậm, giá xăng gần đây, tuy giảm nhiều lần, nhưng vẫn ở mức cao, giá phân bón cũng tăng không kém. Hơn nữa, việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp chưa cao, trong khi sản xuất nông nghiệp tại đây chiếm tỷ trọng rất lớn, hơn 39%. Chính vì thế đã dẫn đến thực trạng, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định và ngày càng có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất”.

Nhà nông quá khó khăn

Quanh năm đầu tắt mặt tối với miếng ruộng gần 3 ha nhưng gia đình anh Mười ở huyện Tân Thạnh (Long An) vẫn thuộc diện top nghèo của xã. Hầu như tất cả chi tiêu trong gia đình từ ma chay, cưới hỏi, học hành con cái… đều trông mong vào mỗi kỳ thu hoạch lúa. Vụ vừa qua, niềm vui trúng mùa chưa được bao lâu, nỗi buồn giá thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao đã làm anh nhiều đêm mất ngủ. “Giá chẳng những không cao mà tiêu thụ cũng khó khăn lắm. Nhiều hộ tuy đã có hợp đồng ký kết tiêu thụ nhưng chỉ có một diện tích rất khiêm tốn được doanh nghiệp thu mua. Nguyên nhân do họ không có kho chứa lớn để tạm trữ hoặc thụ động lò sấy lớn…”, anh Mười cho biết.

Nhìn sang người láng giềng Đồng Tháp, đã lâu rồi các hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Hồng Ngự, cũng đang “mất ăn mất ngủ” do giá thu mua thủy sản tụt dốc không phanh. Hiện giá cá tra thu mua chỉ dao động từ 21.000-22.000 đồng/ kg và là mức giá thấp nhất trong thời gian qua. Nếu tính đúng tính đủ các khoản chi phí đầu tư, người nông dân lỗ nặng. Ví dụ như với trường hợp gia đình anh Sơn, vừa bán khoảng 150 tấn cá tra đã bị thua lỗ hơn 300 triệu đồng. Tính toán của nhà nông, giá thành nuôi hiện nay trung bình từ 24.000 - 25.000 đồng/kg và với giá trên sẽ lỗ ít nhất cũng 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, do doanh nghiệp mua cá trả chậm, không ít người còn gánh thêm lãi suất của ngân hàng.

Tỉnh Tiền Giang là “Xứ trái cây”, có gần 68.000 ha cây ăn quả và là nguồn thu chính cho hàng vạn hộ dân. Như các tỉnh thành khác trong khu vực, do diện tích chuyên canh thấp, đã dẫn đến chất lượng không đồng đều; thị trường không ổn định. Và như vậy, "được mùa, mất giá" hoặc “mất mùa được giá” là điệp khúc cửa miềng của người dân nơi đây. Vòng luẩn quẩn này đã làm cho nhà nông chưa yên tâm sản xuất, “hóng” chạy theo phong trào, làm mất tính ổn định về sản lượng cây trái trong khu vực. Khó khăn trên đã làm cho đời sống của người sản xuất và kinh doanh trái cây thấp, quy mô sản xuất cây ăn trái dần bị thu hẹp, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của vùng.

Thử ngược lên Tây Nguyên xem sao? Mới đây nhất, việc nông dân ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đem đổ bỏ sữa bò (một thực phẩm cao cấp đối với đa số người dân hiện nay, chứ không nói riêng nông dân), đã cho thấy khó khăn của nông dân còn lớn lắm thay.

Nông dân nghĩ gì

Lo ngại là tâm lý phổ biến của những nông dân có đầu óc làm ăn, muốn thoát khổ, thoát nghèo. Không muốn làm anh nông dân, suốt đời gò lưng cày ruộng, để rồi chỉ biết có hạt thóc, củ khoai.

Cái khó đầu tiên của người nông dân là vốn. Vốn liếng của người nông dân chỉ là mảnh ruộng, cày cấy suốt năm may ra chỉ đủ nuôi gia đình. Bây giờ muốn làm ăn lớn hơn, dù chỉ tí chút, cũng phải có vốn. Muốn có vốn thì phải đi vay, mà khả dĩ nhất là vay ngân hàng. Nhưng khổ nỗi, theo các chuyên gia tín dụng của ngân hàng, thì một trong những đối tượng khách hàng ít được tin tưởng nhất, khó được cho vay nhất chính là nông dân. Nếu nông dân được vay, thường chỉ là vay thế chấp. Nhưng nông dân vốn nghèo, chẳng có gì thế chấp đáng giá cả, ngoài mảnh ruộng, khu vườn. Thế chấp đi rồi, nếu làm ăn thất bát, chẳng nhẽ cán bộ ngân hàng xuống “xiết nợ”, đuổi nông dân khỏi mảnh đất họ ở hay sao?

Vay vốn đã khó. Có vốn rồi thì làm gì, làm có hiệu quả mới là khó hơn. Không khéo, bao nhiêu vốn liếng vay ngân hàng tiêu tán hết thì tay trắng. Người nông dân hiểu biết ít, tìm ra hướng làm ăn khác nào anh học trò kém phải giải bài toán khó.

Cái khó nữa là nhu cầu liên kết, sản xuất, buôn bán. Cái này rất cần, vì vốn nhỏ nên phải liên kết. Nhưng thực tế rất ít được đáp ứng. Không chỉ có vậy, nhu cầu thông tin, giá cả thị trường, nhu cầu hỗ trợ bán hàng, công nghệ bảo quản sản phẩm..., cũng là tối cần thiết.

Nông dân cần làm gì để hội nhập kinh tế là vấn đề lớn. Với những nông dân giỏi, những nông dân “thương nghiệp hóa”, bài toán hội nhập còn chưa có lời giải, huống gì hàng triệu nông dân nghèo khó, sản xuất manh mún khác.

Thật là khó khăn, nếu không nói là cực kỳ khó khăn! Nhưng không phải vì thế mà buông tay. Bởi vì nông dân, như trên đã nói, là lực lượng lao động cơ bản ở Việt Nam. Nếu không giải được bài toán nông dân làm gì để hội nhập kinh tế, thì việc gia nhập WTO coi như thất bại đến phân nửa.

Người nông dân đang rất cần được hỗ trợ, rất cấp thiết, cụ thể. Và cũng phải có những chính sách dài hơi, mang tính chiến lược. Nâng tầm nông dân lên, đồng thời tạo điều kiện để họ tự nâng tầm mình lên./.