Phát triển du lịch nông thôn gắn với vùng chè tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên: Thực trạng và giải pháp
Tóm tắt
Nghiên cứu đưa ra những lý thuyết chung về du lịch nông thôn và sử dụng phương pháp phân tích số liệu thứ cấp và phỏng vấn trực tiếp để thu thập thông tin về hoạt động du lịch tại vùng chè xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ những kết quả thu được, nghiên cứu đã chỉ ra hoạt động du lịch tại La Bằng, dù mới được chú trọng phát triển, nhưng người dân đã biết tận dụng thế mạnh là một vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên cùng những tài nguyên tự nhiên, nhân văn khác của địa phương để phát triển du lịch địa phương. Căn cứ vào những thực trạng được phân tích, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp quan trọng cho địa phương với mong muốn hoạt động du lịch sẽ tận dụng được thế mạnh địa phương và dần biến vùng chè La Bằng trở thành một điểm đến du lịch nông thôn được du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Từ khóa: du lịch nông thôn, du lịch bền vững, vùng chè, La Bằng, Thái Nguyên.
Summary: The research presents general theories about rural tourism and uses secondary data analysis, and direct interviews to collect information about tourism activities in the tea area of La Bang Commune, Dai Tu District, Thai Nguyen Province. From the results, the research has suggested that although tourism activities in La Bang have recently been focused on development, local people have known how to take advantage of the strength of a famous tea area, local natural and humanities resources to develop local tourism. Based on research findings, the study has proposed significant solutions with the hope that tourism activities will take advantage of local strengths to make the La Bang Tea Area as a rural tourism which attracting domestic and international tourists.
Keywords: Rural tourism, Sustainable tourism, Tea area, La Bang, Thai Nguyen.
GIỚI THIỆU
Trong những năm gần đây, du lịch nông thôn đã có những bước phát triển mạnh mẽ không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Theo thống kê, cả nước hiện có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn [1].
Trong công trình “Rural Tourism: An Overview”, Humaira Irshad (2010) định nghĩa, du lịch nông thôn là trải nghiệm nông thôn bao gồm một loạt các điểm tham quan và hoạt động diễn ra trong các khu vực nông nghiệp hoặc phi đô thị; các đặc điểm thiết yếu của nó bao gồm không gian rộng mở, mức độ phát triển du lịch thấp và cơ hội cho du khách trực tiếp trải nghiệm môi trường nông nghiệp và/hoặc tự nhiên [7].
Còn trong “Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) thuộc Tổng cục Du lịch tổng hợp các khái niệm khác nhau về du lịch nông thôn trên thế giới và định nghĩa du lịch nông thôn, như sau: Du lịch nông thôn là loại hình khai thác các vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên và đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị trong việc tìm kiếm không gian yên tĩnh và giải trí ngoài trời hơn là chỉ liên quan đến thiên nhiên. Du lịch nông thôn bao gồm các chuyến thăm vườn quốc gia và các công viên công cộng, du lịch di sản trong khu vực nông thôn, các chuyến đi tham quan danh lam thắng cảnh và thưởng thức cảnh quan nông thôn và du lịch nông nghiệp [8].
Hiểu theo cách khác, du lịch nông thôn là chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn, để khai thác các giá trị ở vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của cư dân không ở nông thôn hoặc ở những vùng nông thôn khác. Các giá trị tài nguyên ở vùng phát triển du lịch nông thôn mang tính đặc trưng về văn hóa, lối sống truyền thống làng quê gắn với lao động sản xuất nông nghiệp... [5].
Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, theo Henry (2015), thì có các loại hình du lịch nông thôn sau đây: Du lịch nông nghiệp, Du lịch nông trại, Du lịch di sản và văn hóa, và Du lịch sinh thái. Tại Việt Nam, có thể xếp du lịch nông thôn vào 3 loại hình cơ bản là: Du lịch cộng đồng, Du lịch canh nông và Du lịch sinh thái [5].
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương được mệnh danh “đệ nhất danh chè” đã xác định cây chè là thế mạnh đặc biệt của tỉnh. Toàn Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đạt 23.500ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha. Bên cạnh việc khai thác cây chè như một giá trị của sản phầm nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển loại hình du lịch canh nông bao gồm các hoạt động trải nghiệm tại các khu vực trồng chè [5, 6].
Theo Đề án Phát triển Du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa chè, du lịch về nguồn [6]. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng. Trong 6 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) do Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng tổ chức quản lý là điểm mới nhất được UBND Tỉnh công nhận theo Quyết định số 1866/QĐ-UBND. Tham gia cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn là các hộ gia đình, cá nhân trong xóm. Các sản phẩm du lịch được hình thành trên cơ sở khai thác thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đồi chè cùng hệ thống suối, thác nước dọc sườn Đông dãy Tam Đảo. Cùng với đó là các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại địa phương [4].
La Bằng là một trong những vùng chè thơm ngon nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nằm cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 10 km, giáp với sườn phía Đông của dãy núi Tam Đảo. Vùng chè này có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất đai màu mỡ. Chính những điều kiện tự nhiên phù hợp với cây chè như vậy đã tạo ra hương vị chè nơi đây đặc biệt thơm ngon, đậm đà.
Sở hữu địa hình rộng và kéo dài đã tạo nên sự đa dạng về cảnh quan cho xã La Bằng. Đây là vùng có sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên khi sở hữu những nương chè xanh trải dài, những dòng suối trong vắt, không khí trong lành. Tất cả những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho động thực vật phát triển phong phú.
Bên cạnh những tài nguyên thiên nhiên, La Bằng còn có những tài nguyên nhân văn phong phú, đặc sắc. Xã La Bằng hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, việc giao tiếp hàng ngày của bà con vẫn sử dụng bằng nhiều thứ tiếng dân tộc, các làn điệu hát Then, đàn tính, làn điệu dân ca mượt mà của dân tộc Tày, Nùng. Những nét văn hoá truyền thống còn được thể hiện rõ nét qua những bộ trang phục của đồng bào Dao, các phong tục tập quán của đồng bào Dao vẫn còn lưu truyền đến nay như nghi lễ Cấp Sắc của người Dao.
Huyện Đại Từ nói chung, xã La Bằng nói riêng là mảnh đất an toàn xưa kia đã từng đùm bọc, che chở cho cán bộ và các cơ quan hoạt động cách mạng. Trên địa bàn xã La Bằng có quần thể di tích lịch sử văn hoá gồm 4 di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh. La Bằng tự hào là nơi đầu tiên ghi nhận sự ra đời của Cơ sở Đảng Cộng Sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên với di tích “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Tỉnh Thái Nguyên năm 1936 tại Xóm Lau Sau, xã La Bằng”. Vùng chè xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NÔNG THÔN TẠI VÙNG CHÈ LA BẰNG
Sản phẩm du lịch
La Bằng tận dụng chính các sản phẩm từ chè của địa phương để tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Các sản phẩm từ chè tại La Bằng tiêu biểu là: trà búp chè vàng, Thanh Hải trà, chè Móc câu đặc biệt, chè sen, bột chà matcha, kẹo lạc matcha, bánh trà lam…
Một số tour du lịch đã được thực hiện trên địa bàn xã La Bằng, trong đó có đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu mô hình du lịch nông thôn gắn với phát triển vùng chè miền núi phía Bắc” của PGS.TS Nguyễn Thị Gấm đã xây dựng và đưa vào thực hiện 3 tour thăm quan 1 ngày và 2 ngày đối với khách ngoại tỉnh. Các tour này kết hợp cả tài nguyên tự nhiên và nhân văn của La Bằng và tập trung vào những trải nghiệm hoạt động sản xuất và chế biến chè của người dân. Bên cạnh đó, các tour cũng đã có kết nối với các điểm du lịch trong địa bàn huyện Đại Từ để tăng tính hấp dẫn.
Hoạt động kinh doanh du lịch tại vùng chè La Bằng
Hoạt động kinh doanh du lịch tại Hợp tác xã (HTX) Chè La Bằng
HTX Chè La Bằng đi vào hoạt động từ năm 2006 cùng 13 thành viên. Đến năm 2007, HTX đã chuyển từ chế biến sản phẩm chè từ sản xuất thủ công, theo quy trình thông thường sang áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ việc chăm sóc, chế biến, bảo quản chè. HTX lấy thương hiệu Thanh Hải trà với khao khát đưa chè La Bằng lên “bản đồ” các vùng chè có tiếng của tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh việc sản xuất và chế biến chè, HTX chè La Bằng còn phát triển hoạt động du lịch. Cụ thể kết quả hoạt động du lịch của HTX chè La Bằng 8 tháng đầu năm như Bảng.
Bảng 1: Du khách đến thăm quan và trải nghiệm tại HTX Chè La Bằng
Thời gian | Số lượng (Đoàn khách) | Doanh thu (Triệu đồng) |
Tháng 1/2023 | 6 | 99 |
Tháng 2/2023 | 5 | 60 |
Tháng 3/2023 | 15 | 482 |
Tháng 4/2023 | 14 | 274 |
Tháng 5/2023 | 8 | 292 |
Tháng 6/2023 | 8 | 217 |
Tháng 7/2023 | 5 | 133 |
Tháng 8/2023 | 14 | 385 |
Tổng | 75 | 1.942 |
Nguồn: Tổng hợp báo cáo của HTX Chè La Bằng, năm 2023.
Từ Bảng 1 có thể thấy, du lịch mang lại cho hợp tác xã chè La Bằng doanh thu 1,94 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023. Số lượng đoàn khách cũng như doanh thu tập trung chủ yếu vào tháng 3, tháng 4 và tháng 8. Theo báo cáo của hợp tác xã Chè La Bằng, doanh thu từ bán chè 8 tháng đầu năm của hợp tác xã đạt gần 3 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, mặc dù doanh thu từ hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách còn thấp hơn doanh thu từ chè (1,94 tỷ đồng so với gần 3 tỷ đồng), tuy nhiên, với một hoạt động kinh doanh mới được chú trọng đầu tư phát triển, mức doanh thu đạt được từ du lịch cho thấy triển vọng lớn trong tương lai.
Hoạt động kinh doanh du lịch tại một số hộ gia đình khác tại vùng chè La Bằng
Nhóm nghiên cứu tập trung khảo sát bốn hộ gia đình có hoạt động kinh doanh du lịch đầu tiên và phát triển nhất tại La Bằng. Đó là các hộ của ông Tới, ông Quyền, ông Phương, và ông Thư. Kết quả điều tra cho thấy, doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch từ 4 hộ dân chủ yếu là doanh thu của hoạt động ăn uống (11,362 tỷ đồng, chiếm 90,2%), trong khi doanh thu từ hoạt động lưu trú là 1,237 tỷ đồng, chiếm 9,8%. Điều đó chứng tỏ khách chủ yếu đi tham quan trong ngày và lượng khách ở qua đêm còn hạn chế do sản phẩm du lịch của địa phương chưa đủ sức hấp dẫn để níu chân khách du lịch (Bảng 2).
Bảng 2: Kết quả hoạt động kinh doanh lưu trú và ăn uống 7 tháng đầu năm 2023 của 4 hộ dân xã La Bằng
ĐVT: Tỷ đồng
Thời gian | Doanh thu từ hoạt động ăn uống | Doanh thu từ kinh doanh lưu trú | Tổng |
Tháng 1/2013 | 1.494.000.000 | 41.750.000 | 1.535.750.000 |
Tháng 2/2023 | 1.551.600.000 | 36.750.000 | 1.588.350.000 |
Tháng 3/2023 | 1.566.000.000 | 101.500.000 | 1.667.500.000 |
Tháng 4/2023 | 1.854.000.000 | 247.000.000 | 2.101.000.000 |
Tháng 5/2023 | 1.848.000.000 | 274.550.000 | 2.122.550.000 |
Tháng 6/2023 | 1.572.000.000 | 261.900.000 | 1.833.900.000 |
Tháng 7/2023 | 1.476.000.000 | 273.750.000 | 1.749.750.000 |
Tổng | 11.361.600.000 | 1.237.200.000 | 12.598.800.000 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, tháng 8/2023.
Đánh giá chung
- Sản phẩm du lịch của La Bằng được xây dựng dựa trên lợi thế về vùng chè, tuy nhiên chưa đa dạng và tạo sự khác biệt.
- Các tour được xây dựng và đã đi vào thực hiện là một bước tiến lớn với du lịch địa phương, tuy nhiên các tour này còn chưa được biết đến rộng rãi.
- Các hộ dân đã có sự liên kết trong hoạt động du lịch, tuy nhiên số lượng các hộ tham gia còn ít và chỉ một số hộ gia đình nhận được lợi ích từ hoạt động du lịch. Theo thuyết trao đổi xã hội (Social Exchange) thì khi người dân không nhận được lợi ích từ du lịch, họ thường không ủng hộ và tham gia phát triển hoạt động này. Đây là một khó khăn trong phát triển du lịch bền vững.
- Mặc dù nhận được sự quan tâm của chính quyền và một số dự án phát triển du lịch, song sự quan tâm và những dự án này chưa đủ để thúc đẩy hoạt động du lịch tại địa phương phát triển mạnh mẽ, từng bước đưa du lịch trở thành nguồn thu nhập chính của địa phương và giúp thay đổi diện mạo của địa phương.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI VÙNG CHÈ XÃ LA BẰNG, HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN
Từ những đánh giá chung về hoạt động du lịch nông thôn tại vùng chè xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp để từng bước phát triển du lịch tại đây như sau:
Thứ nhất, La Bằng cần thực hiện việc thống kê các số liệu về du lịch thường xuyên và chi tiết hơn như về cơ cấu khách, phân chia chi tiết hơn các tiêu dùng du lịch. Việc thống kê thường xuyên và chi tiết này là căn cứ rất quan trọng để địa phương thực hiện các giải pháp tiếp theo.
Thứ hai, theo các dữ liệu thống kê về du lịch cho thấy, khách du lịch lưu trú càng lâu tại điểm du lịch thì chi tiêu trung bình của họ càng cao. Trong khi tại La Bằng, lượng khách và doanh thu lưu trú qua đêm thấp hơn rất nhiều so với lượng khách và doanh thu từ đối tượng khách đi trong ngày. Do vậy, La Bằng cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng để thu hút và giữ chân khách du lịch lâu hơn. Việc tạo ra những sản phầm này cần có sự hiểu biết về nhu cầu của đối tượng khách mà địa phương nhắm tới. Bên cạnh đó, địa phương có thể kết hợp với các chuyên gia, các công ty du lịch và tham khảo các mô hình du lịch vùng chè thành công trên thế giới và Việt Nam để xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Thứ ba, địa phương rất cần quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước về tài chính, về cách thức vận hàng mô hình du lịch cộng đồng bền vững, về hoạt động quảng bá hình ảnh và sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, sự kết nối đặc biệt quan trọng và cần thiết không chỉ trong cộng đồng xã La Bằng mà còn giữa cộng đồng xã La Bằng với các cộng đồng lân cận, với các bên liên quan.
KẾT LUẬN
Du lịch nông thôn đang là một xu thế trên thế giới và tại Việt Nam. Rất nhiều địa phương đã thực hiện thành công mô hình này mà nhờ đó đã mang lại những lợi ích to lớn không chỉ vất chất mà còn về lợi ích tinh thần cho cộng đồng. Thái Nguyên cũng không nằm ngoài xu thế này khi tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch một số vùng chè nổi bật, trong đó có vùng chè xã La Bằng, huyện Đại Từ.
Từ một địa phương chỉ tập trung vào sản xuất và chế biến các sản phẩm chè truyền thống, người dân xã La Bằng đã nhạy bén hơn trong việc khai thác vùng chè và các tài nguyên tự nhiên và nhân văn khác để phát triển du lịch. Mặc dù mới phát triển du lịch trong một thời gian ngắn, nhưng những lợi ích từ du lịch mang lại là động lực khiến người dân, chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc đưa du lịch gắn với vùng chè trở thành trọng tâm phát triển trong tương lai. Việc lựa chọn phát triển mô hình du lịch nông thôn gắn với vùng chè chính là một bước đi cho thấy chính quyền, người dân La Bằng đã đặt niềm tin vào mô hình này với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với phát triển bền vững./.
Tài liệu tham khảo
1. Mỹ An (2022), Du lịch nông thôn sẽ là xu thế tất yếu, Báo Hà Nội mới, truy cập từ https://hanoimoi.vn/du-lich-nong-thon-se-la-xu-the-tat-yeu-14750.html
2. HTX Chè La Bằng (2022), Báo cáo hoạt động năm 2022.
3. Nguyễn Quang Hợp (2020), Tổng quan nghiên cứu về du lịch nông thôn và du lịch văn hóa trà, truy cập từ Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên (tueba.edu.vn)
4. Dân Hùng (2023), 6 điểm du lịch cộng đồng được công nhận tại Thái Nguyên, truy cập từ 6 điểm du lịch cộng đồng được công nhận tại Thái Nguyên - Vietnam.vn.
5. Nhật Quân (2021), Nhận diện các loại hình du lịch nông thôn, truy cập từ Nhận diện các loại hình du lịch nông thôn (vietnamtourism.gov.vn).
6. UBND tỉnh Thái Nguyên (2023), Thái Nguyên, phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hoá chè, truy cập từ Thái Nguyên: Hấp dẫn du lịch cộng đồng gắn với văn hóa chè - Bài viết về Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyen.gov.vn)
7. Umaira Irshad (2010), Rural tourism: An Overview, truy cập từ https://www1.agric.gov.ab.ca/$Department/deptdocs.nsf/all/csi13476/$FILE/Rural-Tourism.pdf.
8. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam.
Nguyễn Thị Gấm
Trưởng khoa Marketing, Thương mại và Du lịch - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên
Phạm Minh Hương
Giảng viên Khoa Marketing, Thương mại và Du lịch - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Mai Hương
UBND huyện Đại Từ
Bình luận