Tóm tắt

Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế xanh của các quốc gia cho thấy vai trò quan trọng của việc sử dụng các nguồn vốn huy động được từ hệ thống tài chính xanh nhằm mục tiêu xanh hóa nền kinh tế. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích thực trạng tài chính xanh ở Việt Nam, cũng như đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp cho việc phát triển tài chính xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, Việt Nam

Summary

The green economic growth model transformation process of countries indicated the important role of using capital sources mobilized from the green financial system to aim at greening the economy. This study was conducted to analyze the current status of green finance in Vietnam, thereby proposing some recommendations and solutions for green finance development in Vietnam in the near future.

Keywords: green finance, green credit, green bonds, green stocks, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tài chính xanh là xu hướng trên toàn thế giới với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Thuật ngữ “tài chính xanh” đề cập đến sự phát triển đồng bộ của ngành tài chính song song cải thiện môi trường và tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu huy động các nguồn tài chính để mang lại lợi ích cho môi trường đồng thời giảm thiểu tác hại và quản lý rủi ro môi trường.

Theo Sachs và cộng sự (2019), tài chính xanh đề cập đến một danh mục rộng lớn các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ (bao gồm: rủi ro tài chính, quản lý liên quan đến khí hậu và môi trường), các công cụ và cơ chế trong lĩnh vực tài chính được liên kết với các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và công nghiệp có thể tạo ra các hoạt động bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường, bao gồm đất, nước, đa dạng sinh học, không khí và con người.

Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Do đó, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xem xét lại các cơ sở lý thuyết của tài chính xanh, thực trạng tình hình tài chính xanh ở Việt Nam, cũng như đưa ra một số khuyến nghị cho việc phát triển tài chính xanh ở Việt Nam.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH CHÍNH XANH Ở VIỆT NAM

Về chính sách

Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh và đạt được những thành tựu nhất định. Ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược này nối tiếp những thành công của Chiến lược giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2030,

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 06/8/2015; Rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; trước đó, Thống đốc NHNN ký Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07/8/2018 ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Mới đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật gồm một số nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn của các bộ, ngành và NHNN về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ, như: trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.

Những kết quả đạt được trong phát triển tài chính xanh ở Việt Nam

Tín dụng xanh

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo báo cáo NHNN, giai đoạn 2016-2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế). Theo Bảo Ngọc (2023), nguồn vốn quốc tế có lãi suất thấp hơn, lại được ưu tiên giải ngân, tín dụng xanh đang thực sự hấp dẫn. Hiện nay, ngày càng nhiều các ngân hàng đưa ra các gói vay xanh và tính đến 6/2023 tổng dư nợ tín dụng xanh mới đạt 528 nghìn tỷ đồng, chiếm 5% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng dư nợ bình quân đạt tích cực khoảng 26%/năm với tín dụng xanh, nhưng đến năm 2050 đòi hỏi tiến tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0), vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng là nguồn lực chính, do đó tốc độ này chưa hẳn đáp ứng được yêu cầu chính đặt ra.

Tài chính xanh tại Việt Nam hiện đáng tập trung ở các tổ chức tín dụng lớn, mà chưa có nhiều tổ chức tín dụng nhỏ quan tâm đến danh mục cho vay này. Lý do là nguồn vốn dài hạn và lớn của các tổ chức tín dụng nhỏ không đồng đều, ổn định để phục vụ các dự án, như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... Bên cạnh đó, những dự án lớn, phức tạp, đòi hỏi quy trình bảo lãnh phức tạp mà các ngân hàng nhỏ chưa áp dụng được. Các tổ chức tín dụng đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh, như: (i) Dự án chuyển hóa carbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (Dự án GIF); (ii)Sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn vốn World Bank (Dự án REDP); (iii) Sản phẩm cho vay dự án hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (nguồn vốn WB); (iv) Sản phẩm cho vay lại các Dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản...

Các tổ chức tín dụng cho vay các dự án xanh, như: nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm chủ yếu dư nợ tín dụng xanh. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

Trái phiếu xanh

Cùng với sự phát triển của thế giới, tại Việt Nam, xu hướng đầu tư phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng đang dần được hình thành và phát triển, tạo động lực cho sự phát triển và sử dụng trái phiếu xanh để thu hút đầu tư vào các dự án liên quan tới năng lượng sạch, giảm tác động có hại tới môi trường. Từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương, theo thống kê, từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD [5].

Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh”, như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC, ngày 17/11/2021 hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán…

Theo số liệu nhóm nghiên cứu thống kê từ một số trang thông tin chính thống, như: Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thì từ năm 2018 đến năm 2022, tại Việt Nam đã có tổng cộng 18 đợt phát hành trái phiếu xanh ra công chúng. Và phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.

Đáng chú ý là năm 2020 với 6 đợt phát hành đạt tổng cộng 770 triệu USD và năm 2021 cũng với 6 đợt phát hành đạt tổng cộng 2.858,5 triệu USD, mặc dù đây là hai năm mà nền kinh tế thế giới nói chung cũng như nền kinh tế Việt Nam nói riêng gặp khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đạt được thành tựu như vậy là nhờ quá trình cải thiện hiệu quả đầu tư được tích lũy lâu dài trong giai đoạn 2011-2020, đó là: (i) Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo chiều hướng tích cực với sự gia tăng của tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI; (ii) Nhà nước đã sớm ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh, chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường trái phiếu xanh hướng đến nền kinh tế bền vững. Nhờ đó mà trong năm 2020-2021, số lượng phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn tăng cao dù nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Và đến tháng 7/2022, lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên nguyên tắc do ICMA công bố năm 2018. Theo đó, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kì hạn 10 năm, được Công ty Dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia (GuarantCo) bảo lãnh một phần. Động thái của EVNFinance được đánh giá là "cú hích" lớn đối với thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vốn còn khiêm tốn và mới mẻ.

Cổ phiếu xanh

Một số hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của cổ phiếu xanh. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC, tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG (Environmental - Social - Governance, là một trong những bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá rủi ro và thông lệ của các doanh nghiệp), công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết.

Một số cổ phiếu xanh ESG điển hình tại Việt Nam như: (i) Vinamilk với mã cổ phiếu VNM - doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động phát triển bền vững ESG. Năm 2021, VNM cho ra mắt 3 trang trại Vinamilk Green Farm, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Công ty hạn chế lượng phát thải, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường xung quanh. (ii) Vinfast với mã cổ phiếu VIC - doanh nghiệp chú trọng đến việc sản xuất các phương tiện di chuyển chạy bằng điện nhằm giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường. Nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc áp dụng các kỹ thuật công nghệ thông minh và thân thiện. Năm 2022, VinFast được ESG của Morningstar Sustainalytics đánh giá 23,3 điểm, lọt top 10 hãng xe có xếp hạng ESG cao nhất toàn cầu. (iii) FPT với mã cổ phiếu FPT - doanh nghiệp đóng góp tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cung cấp nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác. Từ đó, nâng cao chất lượng người lao động, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, chỉ số phát triển bền vững (VNSI) chính thức được đưa vào vận hành cuối tháng 7/2017, hướng đến các mục tiêu xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết, hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính xanh để đầu tư, tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế, bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới. Hiện nay, chỉ số VNSI bao gồm 20 doanh nghiệp có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên HOSE thuộc Top VN100 và được tính theo thời gian thực 5 giây/lần.

Những khó khăn, thách thức trong phát triển tài chính xanh ở Việt Nam

Tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam còn khá thấp. Về phía nguồn cầu, do nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm tới sản phẩm này. Thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và không hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành. Hơn nữa, khi tính thanh khoản của thị trường thấp và các thông tin không sẵn có, những người mua tiềm năng trên thị trường khó có thể gặp được những người bán tiềm năng, dẫn đến sự kém hiệu quả của thị trường. Thực tế cho thấy, động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường.

Mặc dù sự phát triển của thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước khởi động tích cực, nhưng quá trình phát triển này vẫn còn một số rào cản. Theo đó, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước đã gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh giai đoạn vừa qua cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn là vốn ngắn hạn. Đặc biệt, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế, đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, tín dụng xanh hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các tổ chức tín dụng lớn. Các khoản tín dụng xanh có thủ tục phức tạp, quy định không rõ ràng gây khó khăn cho việc vay vốn để triển khai dự án xanh. Triển khai tín dụng xanh đòi hỏi lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, quy trình thẩm định phức tạp trong khi hiệu quả tài chính chưa cao trong khi đó mục tiêu chính của các ngân hàng thương mại là lợi nhuận. Giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam là không đáng kể.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên:

Một là, hiện nay Việt Nam còn thiếu những quy định cụ thể về khái niệm xanh và khái niệm trái phiếu xanh.

Hai là, số liệu liên quan trái phiếu xanh tại Việt Nam chưa dễ dàng tiếp cận. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin và sự tham gia của các nhà đầu tư vào công cụ tài chính này.

Ba là, Việt Nam chưa có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu xanh. Tuy nhiên, năm 2022 FiinGroup đã chính thức được CBI chứng nhận là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh được phát hành bởi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chương trình của tổ chức này. Như vậy, Việt Nam đã chính thức có tổ chức gắn nhãn “xanh” cho trái phiếu xanh, đây chính động lực thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH XANH Ở VIỆT NAM

Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế về phát triển bền vững… Trong thời gian tới, để phát triển tài chính xanh ở Việt Nam, nhóm tác giả kiến nghị như sau:

Đối với Chính phủ

Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện phát triển tài chính xanh. Đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực xanh và ban hành chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh như ưu đãi về thuế, phí…

Chính phủ nên đóng một vai trò lớn hơn bằng cách ban hành các chính sách môi trường thích hợp phải mang tính chất bắt buộc khu vực tài chính để giúp thị trường tài chính trở nên bền vững hơn.

Đối với NHNN và Bộ Tài chính

NHNN và Bộ Tài chính cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính.

NHNN và Bộ Tài chính cần đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng nhu cầu cung ứng và phân bổ vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn; tăng năng lực quản trị, tài chính, chuyển đổi số, quản lý rủi ro; quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, nhất là rủi ro liên thông giữa tài chính và bất động sản…

Cùng với đó, một số giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính xanh được đề xuất như sau:

Thứ nhất, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh thống nhất áp dụng trên toàn thị trường. Tăng cường hoạt động của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm xanh, công khai và minh bạch các chỉ số xếp hạng xanh. Cần tập trung phát triển tổ chức tư vấn trong nước cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ cổ phiếu xanh hay trái phiếu xanh.

Thứ hai, Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội. Tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các ngân hàng thương mại vào thị trường tài chính xanh với vai trò là chủ thể cung cấp tín dụng và là nhà đầu tư trái phiếu xanh. Các ngân hàng thương mại cần xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Các ngân hàng cần được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Thứ ba, nâng cao tính minh bạch thông tin, giảm thiểu sự bất cân xứng về thông tin trên thị trường tài chính, từ đó có thể thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, và nâng cao tính thanh khoản của các kênh đầu tư tài chính xanh. Đặc biệt, việc phát triển sàn giao dịch điện tử trái phiếu cũng là một phương án được nhiều quốc gia lựa chọn để tạo thanh khoản, tăng tính minh bạch và đảm bảo thuận lợi trong việc quản lý thị trường.

Thứ tư, để thúc đẩy cung và cầu thị trường đối với tài chính xanh, trước mắt, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm tài chính xanh tới công chúng đầu tư... Đồng thời, minh bạch thông tin liên quan tới hoạt động đầu tư xanh, các sản phẩm tài chính xanh cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với tài chính xanh.

Cuối cùng, thực hiện kết hợp các giải pháp phát triển tài chính xanh một cách đồng bộ, có hệ thống sẽ góp phần tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú- Trần Kim Anh, Nguyễn Th Yến Hạnh, Nguyễn Th Quỳnh Hương

Bộ môn Kinh tế học - Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)


Tài liệu tham khảo

1. Bảo Ngọc (2023), Dư nợ cấp cho tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng nhanh, truy cập từ https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/du-no-cap-cho-tin-dung-xanh-tai-viet-nam-tang-truong-nhanh-post1017305.vov.

2. Pietsch, A., and Salakhova, D. (2022), Pricing of green bonds: drivers and dynamics of the greenium, ECB Working Paper.

3. Sachs, J., Woo, W. T., Yoshino, N., and Taghizadeh-Hesary, F. (Eds.) (2019), Handbook of green finance: Energy security and sustainable development.

4. Thompson, S. (2021), Green and Sustainable Finance: principles and practice (Vol. 6), Kogan Page Publishers.

5. Vũ Mai Chi, Nguyễn Hồng Gấm (2023), Kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu xanh và một số đề xuất đối với Việt Nam, truy cập từ https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?centerWidth=80%25&dDocName=SBV570649&leftWidth=20%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=9ukyqwkvu_9&_afrLoop=40524444594323466.

6. Wang, H., Qi, S., Zhou, C., Zhou, J., and Huang, X. (2022), Green credit policy, government behavior and green innovation quality of enterprises, Journal of Cleaner Production, 331.