TS. Ma Thị Hường

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên

Email: mahuong@tueba.edu.vn

Tóm tắt

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, mà trong đó chính quyền cấp xã và ngân sách xã (NSX) đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy yêu cầu đổi mới công tác quản lý NSX đang được đặt ra hết sức cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng các nguồn lực từ ngân sách phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết phân tích thực trạng, đánh giá và phát hiện tồn tại trong công tác quản lý ngân sách tại các xã trên địa bàn TP. Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) giai đoạn 2021-2023; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý NSX tại TP. Phổ Yên trong thời gian tới.

Từ khóa: quản lý nhà nước, ngân sách cấp xã, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Summary

In the current period of accelerating industrialization and modernization of the country, our Party and State have paid exclusive attention to the industrialization and modernization of agriculture and rural areas, in which commune-level authorities and commune budgets play a crucial role. Therefore, the requirement to innovate commune-level budget management is being raised urgently, contributing to improving the effectiveness and efficiency in managing and using resources from the socio-economic development budget. The article analyzes the current situation, evaluates and detects shortcomings in budget management in communes in Pho Yen City (Thai Nguyen Province) in 2022-2023, proposes several solutions to improve the effectiveness of commune budget management in Pho Yen City in the coming time.

Keywords: state management, commune-level budget, Pho Yen City, Thai Nguyen Province

GIỚI THIỆU

Quản lý ngân sách cấp xã là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng trong cộng đồng. Ngân sách không chỉ phản ánh khả năng tài chính, mà còn là công cụ thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh hội nhập và phát triển, quản lý NSX nói chung, tại TP. Phổ Yên nói riêng đối diện nhiều thách thức, như: nhu cầu chi tiêu công tăng, nguồn thu hạn chế và yêu cầu minh bạch. Vì vậy, việc đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý NSX tại Phổ Yên đóng vai trò quan trọng.

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NGÂN SÁCH CẤP XÃ TẠI TP. PHỔ YÊN, TỈNH THÁI NGUYÊN

Công tác lập dự toán NSX

Hàng năm, trên cơ sở các quy định về lập dự toán NSX, hướng dẫn của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên, UBND TP. Phổ Yên, Phòng Tài chính - kế hoạch của Thành phố đã hướng dẫn các xã, phường thực hiện công tác xây dựng dự toán cho năm kế hoạch.

Để có thêm các đánh giá khách quan về công tác lập dự toán NSX trên địa bàn TP. Phổ Yên, tác giả đã thực hiện khảo sát váo tháng 10/2023 đối với 72 cán bộ có liên quan đến công tác quản lý NSX trên địa bàn Thành phố với 7 tiêu chí đánh giá đối với công tác lập dự toán (Bảng 1).

BẢNG 1: KẾT QUẢ KHẢO SÁT VỀ CÔNG TÁC LẬP DỰ TOÁN NSX

TRÊN ĐỊA BÀN TP. PHỔ YÊN

Quản lý ngân sách cấp xã tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên:  Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát

Bảng 1 cho thấy, trong số 7 tiêu chí được đưa ra để đánh giá về công tác lập dự toán NSX, chỉ có duy nhất 1 tiêu chí được đánh giá ở mức Rất đồng ý, 2 tiêu chí ở mức Dồng ý, còn lại chỉ được đánh giá ở mức Bình thường. Tiêu chí “Công tác lập dự toán NSX được thực hiện đầy đủ hàng năm” là tiêu chí được đánh giá cao nhất với điểm trung bình đạt 4,33 điểm. Hầu hết các đối tượng khảo sát khi được hỏi đều cho rằng, công tác lập dự toán NSX luôn được thực hiện đầy đủ hàng năm.

Tiêu chí được đánh giá cao thứ hai là tiêu chí “Lập dự toán NSX dựa trên các căn cứ khoa học” với điểm trung bình là 3,36 điểm. Thực tế khảo sát cho thấy, phường đã xây dựng dự toán dựa trên các căn cứ khoa học như: Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội của thị xã; quy định của Nhà nước về thu NSNN, cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSX và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu do HĐND tỉnh Thái Nguyên quy định; Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; Số kiểm tra về dự toán NSX do UBND TP. Phổ Yên thông báo; Tình hình chấp hành dự toán NSX năm hiện hành và các năm trước…

Các tiêu chí được đánh giá ở mức bình thường lần lượt là: “Công tác lập dự toán NSX đảm bảo về mặt thời gian theo quy định”, “Quy trình lập dự toán tuân thủ theo quy định”, “Quá trình lập dự toán NSX có sự tham gia của các bên liên quan”, “Dự toán NSX bao quát hết nguồn thu trên địa bàn quản lý” và “Dự toán NSX được công bố công khai”.

Một số cán bộ được khảo sát cho biết, hiện nay, một số xã, phường chưa nghiêm túc trong việc thực hiện quy trình lập dự toán thu theo Thông tư số 344/2016/TT-BTC, ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính. Tại một số xã, phường, các đơn vị, bộ phận thuộc thị xã không xây dựng dự toán kinh phí để xã xây dựng dự toán chi, gây ảnh hưởng tới tổng hợp dự toán NSX. Điều này cho thấy, một số xã, phường chưa tuân thủ quy trình lập dự toán. Bên cạnh đó, một số xã, phường xây dựng dự toán còn chậm, thậm chí đến tháng 1 năm ngân sách vẫn chưa xây dựng xong dự toán.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa bộ phận tài chính - kế toán Thành phố với các đơn vị thuộc phường để lập dự toán chi và với các đội thuế Thành phố để lập dự toán thu NSX cũng chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả. Chính những điều này đã khiến cho công tác lập dự toán chưa sát với thực tế tại địa phương, gây ra những khó khăn trong việc điều hành ngân sách khi thường xuyên phải điều chỉnh dự toán, không kiểm soát hết nguồn thu cũng như nhiệm vụ chi.

Tình hình chấp hành dự toán ngân sách cấp xã

Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên, trong những năm qua, 100% khoản thu của các xã, phường trên địa bàn Thành phố đều tăng. Theo đó, năm 2021, khoản thu là 5.465,2 triệu đồng, bằng 792,1% so với dự toán; năm 2022 thực hiện là 5.567 triệu đồng, bằng 313,6% so với dự toán; năm 2023 thực hiện là 7.496,1 triệu đồng, bằng 832,9% so với dự toán. Mặc dù xét về tổng thể, thì khoản thu 100% trên địa bàn Thành phố đều vượt dự toán, nhưng nếu xét về từng địa phương, từng khoản mục thu thì có những địa phương, có những mục thu chưa hoàn thành kế hoạch đề ra. Có tỷ lệ cao như vậy, do dự toán đầu năm chưa lượng hóa, đưa phần kết dư ngân sách, chuyển nguồn ngân sách năm trước vào dự toán. Trong khi hai khoản thu này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu 100% tại các xã.

Đối với khoản thu từ phí, lệ phí: Đây là khoản thu rất ổn định và nó được thực hiện thu cùng các khoản thu điều tiết từ thuế và các khoản thu phí của xã, phường như: phí chợ, lệ phí chứng thực, phí trông giữ ô tô, xe máy, phí tư pháp… Các khoản thu này thường thu gọn vì phải thu trực tiếp của người dân, thu phải có biên lai thu phí hoặc vé (có tính chất như biên lai thu phí), vì vậy khoản thu này sẽ được thanh toán với cơ quan thuế và ban tài chính xã, phường theo hàng tháng và được nộp vào ngân sách. Số thu từ phí, lệ phí tuy không cao (nó chỉ chiếm khoảng 1% tổng thu NSX) nhưng đây là khoản thu ổn định dễ thu và dễ quản lý. Năm 2021, khoản thu này là 382,8 triệu đồng tăng 53,1% so với dự toán; năm 2022 thực hiện là 498,2 triệu đồng tăng 30,1% so với năm 2021, đạt 166,1% so với dự toán; năm 2023 thực hiện 511 triệu đồng tăng 2,6 % so với năm 2022, đạt 102,2% so với dự toán (Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên, 2021-2023). Điều này cho thấy, việc lập dự toán với khoản thu này của năm 2021, 2022 là chưa sát với thực tế dẫn tới khi thực hiện, giao khá thấp so với khả năng thu nộp của các xã, phường, không tạo được động lực trong thực hiện thu ngân sách.

Đối với khoản thu từ đất công ích và hoa lợi công sản bao gồm 2 khoản thu: khoản thu từ quỹ đất công, thu hoa lợi công sản; khoản thu từ tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất công, công ích: đây là khoản thu tương đối quan trọng đối với các xã trên địa bàn thành phố. Khoản thu từ hoa lợi công sản từ đất công năm 2021 thực hiện là 597,3 triệu đồng, đạt 149,3% so với dự toán ; năm 2022 thực hiện là 358 triệu đồng, đạt 89,5 % so với dự toán; năm 2023 thực hiện 375,8 triệu đồng, đạt 94,1% so với dự toán (Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên, 2021-2023).

Quyết toán ngân sách cấp xã

Hiện nay, TP. Phổ Yên thực hiện quyết toán NSX theo Thông tư số 146/2011/TT-BTC, ngày 26/10/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC, ngày 12/12/2005 của Bộ Tài chính. Hàng năm theo hướng dẫn của Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên, thì Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên tổ chức hướng dẫn khóa sổ và lập báo cáo quyết toán năm cho các đơn vị trên địa bàn.

Hàng năm, cuối niên độ kế toán hết 31/12 hàng năm Phòng Tài chính - Kế hoạch Thành phố tổng hợp khoá sổ kế toán NSX báo cáo Sở Tài chính theo quy định. Nhiệm vụ thu, chi NSX hàng năm được tổng hợp hòa chung vào thu chi ngân sách địa phương. Trong thời gian chỉnh lý quyết toán đến hết ngày 31/01 năm sau nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản vẫn được tiếp tục thanh toán, nhưng với điều kiện khối lượng hoàn thành của các công trình xây dựng cơ bản trước ngày 31/12 của năm ngân sách đó.

UBND các xã, phường căn cứ số liệu thu, chi NSX phát sinh đến hết ngày 31/01 tổng hợp quyết toán thu, chi NSX báo cáo thường trực HĐND xã và gửi về Phòng Tài chính – Kế hoạch của Thành phố trước ngày 10/02. Phòng Tài chính – Kế hoạch Thành phố tiến hành thẩm tra, tổng hợp quyết toán báo cáo Sở Tài chính Tỉnh trước ngày 15/03 theo quy định

BẢNG 2: TỔNG HỢP QUYẾT TOÁN NSX TRÊN ĐỊA BÀN TP. PHỔ YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2023

Đơn vị: Triệu đồng

Quản lý ngân sách cấp xã tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên:  Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên

Kết dư NSX là số chênh lệch lớn hơn giữa số thực thu và số thực chi. Toàn bộ kết dư năm trước (nếu có) được chuyển vào thu ngân sách năm sau. Bảng 2 cho thấy, hàng năm, NSX trên địa bàn TP. Phổ Yên đều có kết dư ngân sách. Năm 2021, kết dư 1.032 triệu đồng; năm 2022, kết dư 1.912 triệu đồng và năm 2023, kết dư 2.172 triệu đồng. Một số xã có kết dư ngân sách là do các khoản thu thường dồn về cuối năm, cho nên các xã, phường chưa kịp thực hiện phân bổ chi và thực hiện chi kịp thời, cũng như chưa kịp rà soát lại hết các nguồn thu, các nhiệm vụ chi trước ngày 31/12 năm tài chính.

Tình hình thanh tra, kiểm tra quản lý ngân sách cấp xã

Thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra NSX bước đầu được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Phần lớn các xã đã thành lập ban thanh tra nhân dân xã và ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết thắc mắc, khiếu kiện của nhân dân. Qua công tác kiểm tra, thanh tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh việc hạch toán chứng từ khống… để tham ô, tham nhũng tiền đóng góp của nhân dân.

Công tác kiểm soát thu - chi của Kho bạc Nhà nước TP. Phổ Yên trong những năm gần đây đã phát huy hiệu quả. Qua công tác kiểm soát thu - chi NSX của KBNN, nhiều khoản chi của NSX bị từ chối thanh toán do thanh toán vượt dự toán được duyệt, sai tiêu chuẩn định mức, không đúng mục lục NSNN, chứng từ không hợp lệ, thiếu hồ sơ chứng từ… đã hạn chế rất nhiều sai sót trong hạch toán kế toán NSX, giảm tải cho công tác thẩm định quyết toán NSX của Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố cũng như công tác thanh tra, kiểm toán.

BẢNG 3: TÌNH HÌNH KIỂM TRA, GIÁM SÁT THU NSX TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PHỔ YÊN QUA 3 NĂM (2021-2023)

Quản lý ngân sách cấp xã tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên:  Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên

Bảng 3 cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát thu NSX trên địa bàn TP. Phổ Yên năm 2021 là 35 đợt, năm 2022 là 42 đợt tăng 20% so với 2021; năm 2023 là 48 đợt, tăng 14,3% so với năm 2022. Kết quả cho thấy, công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên, định kỳ trong quá trình hoạt động của bộ phận quản lý NSX của các xã. Đối với các cơ quan nhà nước, với chức năng nhiệm vụ của mình vẫn thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động thu NSX. Các vi phạm trong thu NSX ở TP. Phổ Yên gồm: không nộp hoặc nộp chậm các khoản thu ngân sách, thu không đúng đối tượng hoặc vượt mức quy định, không ghi nhận đầy đủ các khoản thu vào ngân sách.

Đối với UBND xã thường xuyên nắm bắt, quản lý toàn diện các hoạt động về tài chính, ngân sách của xã để từ đó có những điều chỉnh trong quản lý ngân sách.

Đối với HĐND các xã về cơ bản đã thể hiện vai trò giám sát, vai trò quyết sách của mình. Thực hiện việc xem xét quyết định dự toán năm và ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán khi cần thiết và phê chuẩn báo cáo quyết toán năm của ban tài chính và UBND các xã.

BẢNG 4: TÌNH HÌNH KIỂM TRA, GIÁM SÁT CHI NSX TRÊN ĐỊA BÀN TP. PHỔ YÊN QUA 3 NĂM (2021-2023)

Chỉ tiêu

Năm

2022/2021

2023/2022

2021

2022

2023

Giá trị

%

Giá trị

%

Số đợt kiểm tra, giám sát định kỳ

51

55

62

4

7,84

7

12,73

Số đợt kiểm tra đột xuất

6

8

11

2

33,33

3

37,50

Số xã thực hiện đúng Luật NSNN

36

41

55

5

13,89

14

34,15

Số xã bị phát hiện vi phạm

15

14

7

-1

-6,67

-7

-50,00

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên

Bảng 4 cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát chi NSX trên địa bàn TP. Phổ Yên năm 2021 là 51 đợt; năm 2022 là 55 đợt tăng 7% so với 2021; năm 2023 là 62 đợt, tăng 12% so với năm 2022. Nhìn chung, công tác kiểm tra trong quá trình hoạt động của bộ phận quản lý chi NSX của các xã vẫn được thực hiện thường xuyên.

Qua công tác kiểm tra thời gian qua vẫn còn thấy nhiều vấn đề cần quan tâm: Qua những sai phạm ở một số xã cho thấy, vai trò giám sát của HĐND ở đây đối với công tác NSX thể hiện còn chưa cao, mới chỉ là hình thức. Thông qua các kỳ họp của HĐND chỉ quan tâm giải quyết nợ đọng, mức chi cho các ban ngành đoàn thể mà chưa chú trọng đi sâu vào chất vấn công tác quản lý, điều hành ngân sách, hạch toán, báo cáo quyết toán, điều này còn cho thấy trình độ của đại biểu HĐND còn nhiều bất cập, đặc biệt là chủ tịch HĐND ở một số xã. Bên cạnh đó các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân chưa thực sự vào cuộc với vai trò giám sát, phát hiện những bất hợp lý, những sai phạm trong công tác quản lý gân sách xã để có ý kiến kịp thời.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách cấp xã tại TP. Phổ Yên, cần triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, cần cải thiện công tác lập dự toán ngân sách

Công tác lập dự toán cần được thực hiện nghiêm túc hơn, với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Cần xây dựng một quy trình lập dự toán rõ ràng, tuân thủ các quy định hiện hành, đồng thời tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ về kỹ năng lập dự toán. Đặc biệt, việc áp dụng các phương pháp khoa học trong việc xác định các nguồn thu và nhiệm vụ chi sẽ giúp dự toán ngân sách sát với thực tế hơn.

Thứ hai, cần tăng cường giám sát và công khai thông tin

Công tác công khai dự toán ngân sách và quyết toán cần được thực hiện đầy đủ và kịp thời, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng giám sát. Việc công bố thông tin ngân sách trên các phương tiện truyền thông địa phương sẽ nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích họ tham gia vào quá trình quản lý ngân sách. Sự tham gia này không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch, mà còn tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra

Nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra ngân sách là rất quan trọng. Cần thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách và phát hiện kịp thời các sai phạm. Việc này cần được phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia giám sát.

Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị

Sự phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị liên quan trong việc lập dự toán và thực hiện ngân sách cần được cải thiện. Các đơn vị cần xây dựng cơ chế liên lạc và làm việc chặt chẽ để đảm bảo thông tin được chia sẻ và các hoạt động được thực hiện một cách đồng bộ.

Thứ năm, đánh giá định kỳ và điều chỉnh kịp thời

Thiết lập hệ thống đánh giá định kỳ về hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ giúp điều chỉnh kịp thời các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch. Qua đó, có thể phát hiện những vấn đề tồn tại và tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả hơn, đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất cho cộng đồng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2005), Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC, ngày 12/12/2005 về việc ban hành Chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã.

2. Bộ Tài chính (2009), Quyết định số 1027/QĐ-BTC, ngày 19/5/2009 về việc ban hành quy trình quản lý thu NSNN theo dự án hiện đại hóa thu, nộp NSNN.

3. Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 146/2011/TT-BTC, ngày 26/11/2011 về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC, ngày 12/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 344/2016/TT-BTC, ngày 30/12/2016 quy định về quản lý NSX và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.

5. Đảng bộ TP. Phổ Yên (2022), Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Phổ Yên lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2022-2021).

6. Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên (2021-2023), Báo cáo quyết toán thu chi ngân sách xã, các năm 2021, 2022, 2023.

7. Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Phổ Yên (2021-2023), Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát thu chi ngân sách xã trên địa bàn thành phố, các năm 2021, 2022, 2023.

Ngày nhận bài: 16/9/2024; Ngày phản biện: 18/9/2024; Ngày duyệt đăng: 30/9/2024