VAI TRÒ CỦA QUY ĐỊNH VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT ĐỐI VỚI HÀNG NÔNG SẢN

Các quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng có những vai trò sau:

Một là, trên nền tảng của lý thuyết về bảo vệ người tiêu dùng, các biện pháp kiểm dịch thực vật được thực hiện để bảo vệ sức khoẻ của con người. Kiểm dịch thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh do thực phẩm; đóng góp vào sự phát triển kinh tế bằng cách duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống thực phẩm và cung cấp nền tảng pháp lý hợp lý cho thương mại thực phẩm trong nước và quốc tế (FAO và WHO, 2000).

Quy định về kiểm dịch thực vật của Liên minh châu Âu và một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU cần lưu ý những quy định về kiểm dịch thực vật của thị trường này. Ảnh: Internet.

Hai là, ở góc độ quản lý nhà nước. Kiểm dịch thực vật được xem là giai đoạn hậu kiểm để kiểm tra lại việc tuân thủ các quy định pháp luật và khuyến cáo khoa học trong khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm qua đó đánh giá lại sự phù hợp và hiệu quả thực thi của quy định pháp luật về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người trực tiếp sử dụng thuốc, an toàn đối với thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và mục tiêu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc thực thi quy định về kiểm dịch thực vật còn thể hiện trách nhiệm của quốc gia xuất khẩu đối với sự an toàn về sức khoẻ của con người, động thực vật, môi trường và sự an ninh lương thực của các quốc gia khác trên thế giới.

Ba là, ý nghĩa về mặt kinh tế. Nếu việc kiểm dịch thực vật không được thực hiện một cách chặt chẽ sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Theo đó, nếu một lô hàng hóa được kiểm tra và phát hiện sớm các mối nguy về hóa học, vật lý và sinh học[1], thì có thể kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp nhằm giữ lại được lô hàng tránh bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển hoặc sử dụng về sau. Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu và cả cơ quan chức năng của quốc gia xuất khẩu đều xem nhẹ vấn đề kiểm dịch thực vật sẽ dẫn đến khả năng lô hàng bị nước nhập khẩu từ chối nhập khẩu hoặc thậm chí là tiêu hủy, điều này gây thiệt hại to lớn về mặt kinh tế cho doanh nghiệp xuất khẩu và đồng thời cũng gây ảnh hưởng xấu hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp khác. Do đó, kiểm dịch thực vật mang ý nghĩa bảo vệ lợi ích kinh tế và uy tín không chỉ cho riêng doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn cho cả quốc gia xuất khẩu. Bên cạnh đó, kiểm dịch thực vật còn giúp bảo vệ cả lợi ích kinh tế cho quốc gia nhập khẩu. Bởi vì, nếu hai hoạt động kiểm tra này không được thực hiện nghiêm túc, thì có thể dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh sang quốc gia nhập khẩu, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, như: công dân của quốc gia nhập khẩu bị nhiễm bệnh, phải đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa màu bị sâu bệnh, vật nuôi bị nhiễm bệnh, tốn nhiều chi phí để khắc phục hậu quả...

QUY ĐỊNH CỦA EU VỀ KIỂM DỊCH HÀNG NÔNG SẢN NHẬP KHẨU

Trước ngày 14/12/2019, vấn đề kiểm dịch thực vật ở EU được thực hiện theo Chỉ thị 2000/29/EC, tuy nhiên ngày 26/10/2016, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã thông qua Quy định (EU) 2016/2031 về các biện pháp bảo vệ chống lại dịch hại thực vật (Luật Sức khỏe thực vật). Quy định này có hiệu lực và được áp dụng vào ngày 14/12/2019. Quy định (EU) 2016/2031 được ban hành nhằm mục đích hiện đại hóa chế độ sức khỏe thực vật, tăng cường các biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ lãnh thổ và ngành nông nghiệp của EU, đồng thời cũng nhằm mục đích bảo đảm thương mại an toàn, cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của cây trồng[2].

Kể từ ngày 14/12/2019, các Phụ lục của Chỉ thị 2000/29/EC sẽ được thay thế bằng Quy định (EU) 2019/2072. Theo đó, tất cả thực vật (bao gồm cả các bộ phận sống của thực vật) sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để nhập cảnh vào EU, trừ khi hàng hóa đó được liệt kê trong Phụ lục XI của Quy định (EU) 2019/2072 (không yêu cầu kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật). Danh sách các loại thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác thuộc trường hợp phải kiểm dịch thực vật, được miễn kiểm dịch thực vật, không được phép vận chuyển vào lãnh thổ EU và các trường hợp đặc biệt khác được quy định từ Điều 3 đến Điều 14 của Quy định (EU) 2019/2072 và được thể hiện chi tiết trong các Phụ lục tương ứng của Quy định (EU) 2019/2072. Một số phụ lục quan trọng liên quan đến hoạt động nhập khẩu nông sản vào EU như: Phụ lục I: Quy định các tiêu chuẩn để đánh giá rủi ro của dịch hại đối với lãnh thổ EU; Phụ lục II: Danh sách dịch hại phải kiểm dịch; Phụ lục IV: Danh sách các loài gây hại không phải kiểm dịch do EU quản lý và các loài thực vật cụ thể để trồng, với các chủng loại và ngưỡng; Phụ lục V: Biện pháp ngăn chặn sự hiện diện của các loài gây hại không thuộc diện kiểm dịch và cây trồng cụ thể để trồng; Phụ lục VI: Danh sách thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác bị cấm đưa vào EU từ một số nước thứ ba; Phụ lục VII: Danh sách thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác có nguồn gốc từ các nước thứ ba hoặc trong lãnh thổ Liên minh và các yêu cầu đặc biệt tương ứng đối với việc đưa chúng vào hoặc di chuyển trong lãnh thổ Liên minh; Phụ lục XI: Danh sách các loại thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác phải được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; Phụ lục XIII: Danh sách thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác cần phải có hộ chiếu thực vật để di chuyển trong lãnh thổ EU.

Đối với những loại thực vật có nguy cơ cao về dịch hại, Quy định (EU) 2018/2019 quy định về thiết lập danh sách các loài thực vật có nguy cơ cao, việc du nhập vào lãnh thổ EU sẽ tạm thời bị cấm từ ngày 14/12/2019 cho đến khi thực hiện đánh giá rủi ro đầy đủ theo thủ tục quy định tại Quy định (EU) 2018/2018[3].

Theo Quy định (EU) 2016/2031, hoạt động nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật vào EU phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch thực vật nhất định và hàng hóa phải đáp ứng những yêu cầu sau:

(1) Phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp theo quy định tại khoản 1, Điều 71 Quy định (EU) 2016/2031. Ngoài ra, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật chỉ được EU công nhận khi đáp ứng đầy đủ quy định tại Điều 76 Quy định (EU) 2016/2031; trong đó, phải thỏa mãn tất cả 3 điều kiện: (i) Giấy chứng nhận sử dụng ít nhất 1 trong 24 ngôn ngữ chính thức của EU; (ii) Xác định rõ cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ thực vật của quốc gia nhập khẩu thuộc EU; (iii) Giấy chứng nhận được cấp không quá 14 ngày, kể từ ngày lô hàng rời khỏi quốc gia xuất khẩu.

(2) Việc nhập khẩu thực vật, sản phẩm thực vật và các đối tượng khác vào EU phải được thực hiện thông qua một “nhà điều hành chuyên nghiệp – professional operator” đã đăng ký hoạt động tại một quốc gia thành viên EU theo quy định từ Điều 65 đến Điều 70 của Quy định (EU) 2016/2031.

(3) Thực hiện thủ tục kiểm tra hải quan tại Trạm Kiểm tra biên giới được chỉ định tại điểm nhập khẩu vào EU và phải thông báo cho cơ quan hải quan trước khi đến điểm nhập khẩu[4].

Bên cạnh việc kiểm dịch bắt buộc đối với nông sản nhập khẩu, EU còn quy định cụ thể về việc sử dụng gỗ để đóng gói hàng hóa. Theo đó, Điều 43 và Điều 96 Quy định (EU) 2016/2031 quy định vật liệu đóng gói bằng gỗ được sử dụng trong việc vận chuyển hàng hóa sẽ chỉ được đưa vào lãnh thổ EU nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu sau:

(i) Gỗ đã được xử lý đúng theo một hoặc nhiều phương pháp xử lý đã được phê duyệt và tuân thủ các yêu cầu áp dụng nêu trong Phụ lục 1 của Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch động thực vật số 15, Quy định về vật liệu đóng gói bằng gỗ trong thương mại quốc tế (Regulation of Wood Packaging Material in International Trade - ISPM15);

(ii) Gỗ đã được đánh dấu bằng nhãn hiệu nêu trong Phụ lục 2 của ISPM15 để chứng nhận rằng vật liệu gỗ đã được xử lý theo các biện pháp xử lý nêu trong Phụ lục 1 của Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch động thực vật số 15.

Trường hợp các lô hàng thực vật hoặc sản phẩm thực vật có xuất xứ từ các nước thứ ba, có thể gây rủi ro cho lãnh thổ của EU, các quốc gia thành viên hoặc chính EU có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để phòng ngừa dịch hại[5]. Ngoài ra, rau quả và trái cây để được nhập khẩu và lưu thông trên thị trường EU cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếp thị được quy định tại Quy định (EC) 1234/2007 và Quy định (EU) 543/2011.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM KHI XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÀO EU

Do giữa Việt Nam và EU có hiệp định thương mại tự do, nên hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ngoài việc tuân thủ các điều kiện chung được quy định tại Quy định (EC) 2016/2031 và Quy định (EU) 2019/2072, thì còn phải tuân thủ theo các cam kết về việc kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (SPS) tại Chương SPS của EVFTA. Một số nội dung quan trọng của Chương SPS có liên quan trực tiếp đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật như sau:

Thứ nhất, theo khoản 7 Điều 6.6 Chương SPS, thì cả Việt Nam và EU đều phải thiết lập và cập nhật danh sách các loại sâu bệnh được kiểm soát, sử dụng các tên gọi khoa học và cung cấp các danh sách này cho bên kia để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm dịch thực vật và kiểm soát các mối nguy hại.

Thứ hai, theo Điều 6.8 Chương SPS thì theo yêu cầu của bên nhập khẩu, bên xuất khẩu phải lập danh sách các doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu của bên nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm để bên nhập khẩu phê duyệt danh sách này. Danh sách này gồm tên các doanh nghiệp và kèm theo mã số tương ứng với mặt hàng xuất khẩu do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Chỉ có những doanh nghiệp thuộc danh sách được phê duyệt mới được xuất khẩu hàng hóa sang bên nhập khẩu. Những doanh nghiệp thuộc danh sách đã được bên nhập khẩu phê duyệt sẽ được xuất khẩu hàng hóa tương ứng với mã số được cấp sang thị trường bên nhập khẩu mà không phải thực hiện việc kiểm tra doanh nghiệp[6]. Tuy nhiên, nếu bên nhập khẩu phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng các quy định về vệ sinh thực phẩm và không đáp ứng được các quy định về kiểm dịch, thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách.

Thứ ba, Uỷ ban về vệ sinh dịch tễ của hai bên sẽ thỏa thuận các nội dung chi tiết về các biện pháp liên quan đến sức khỏe động thực vật, trong đó đặc biệt là các vấn đề về công nhận khu vực phi sâu bệnh, khu vực có mức sâu bệnh thấp, khu vực được bảo vệ và vùng sản xuất không có sâu bệnh, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại nông nghiệp giữa hai bên.

Thứ tư, do điều kiện về kinh tế - xã hội của Việt Nam có sự khác biệt lớn so với EU, nên theo quy định tại Điều 6.15, Chương SPS, EU sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Tùy vào từng mặt hàng cụ thể và sự thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được hoàn toàn quy định của EU, EU có thể áp dụng các phương án sau:

(i) Dành cho Việt Nam một khoảng thời gian quá độ đủ để đáp ứng các quy định của EU;

(ii) Việt Nam đề xuất một biện pháp về vệ sinh dịch tễ để yêu cầu EU công nhận tương đương;

(iii) EU hỗ trợ cho Việt Nam các biện pháp kỹ thuật khác.

Như vậy, để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU, cần đáp ứng những điều kiện là: (i) Doanh nghiệp có tên trong danh sách được phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu sang EU với mặt hàng đã đăng ký; (ii) Hàng hóa phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật và Thông báo đáp ứng về an toàn thực phẩm; (iii) Vùng trồng phải được đăng ký và giám sát quá trình sản xuất - chế biến theo quy định của Việt Nam và EU; (iv) Phải tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ghi nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, do Việt Nam được ưu đãi về thuế quan và hạn ngạch xuất khẩu từ EVFTA, nên hàng nông sản của Việt Nam để được hưởng các ưu đãi từ Hiệp định, phải đáp ứng cả điều kiện về truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hoặc tự công nhận)./.

Tài liệu tham khảo:

1. EU (2021). Commission implementing regulation (EU) 2021/760 of 7 May 2021 amending Implementing Regulations (EU) 2020/761 and (EU) 2020/1988 as regards the management system of some tariff quotas with licences and repealing Implementing Regulation (EU) 2020/991

2. EC (2021). EU-Vietnam Free Trade Agreement, retrived from https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/eu-vietnam-free-trade-agreement

3. EC (2021). New EU plant health rules, retrived from https://ec.europa.eu/food/plants/plant-health-and-biosecurity/legislation/new-eu-plant-health-rules_en

4. EC (2021). Import conditions, retrived from https://ec.europa.eu/food/horizontal-topics/international-affairs/import-conditions_en

5. FAO và IPPC (2021). New EU plant health rules applicable from 14/12/2019, retrived from https://www.ippc.int/en/countries/belgium/reportingobligation/2019/12/new-eu-plant-health-rules-applicable-from-14122019/

6. FAO and WHO (2000). Assuring Food Safety and Quality: Guidelines for Strengthening National Food Control Systems, retrived from http://www.fao.org/3/y8705e/y8705e.pdf


[1] Theo TCVN 5603:2008, quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm, mối nguy trong thực phẩm bao gồm: (i) Mối nguy về vật lý là mối nguy về các dị vật có khả năng gây hại trong thực phẩm và thường không có trong quá trình sản xuất, như: các mảnh vỡ thuỷ tinh, mảnh kim loại, sạn đá… gây nguy hiểm cho người sử dụng; (ii) Mối nguy về hóa học là mối nguy có thể xảy ra việc nhiễm hóa học ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, như: thuốc trừ sâu, chất kháng sinh… (iii) Mối nguy về sinh học là mối nguy gây ra do vi khuẩn, virut, ký sinh trùng. Mối nguy ô nhiễm do vi khuẩn là mối nguy hay gặp nhất gây ô nhiễm thực phẩm. TCVN 5603:2008 hoàn toàn tương thích với Tiêu chuẩn HACCP và CAC/RCP 1-1969, REV.4-2003: Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn.

[2] Điều 1 Quy định (EU) 2016/2031.

[3] EC (2021). New EU plant health rules, retrived from https://ec.europa.eu/food/plants/plant-health-and-biosecurity/legislation/new-eu-plant-health-rules_en

[4] EC (2021). Import conditions, retrived from https://ec.europa.eu/food/horizontal-topics/international-affairs/import-conditions_en

[5] Điều 49 Quy định (EU) 2016/2031.

[6] Tính đến ngày 26/9/2021, Việt Nam có 49 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản được phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU. Thông tin chi tiết được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản công bố tại trang điện tử: http://nafiqad.gov.vn/danh-sach-doanh-nghiep-che-bien-thuy-san-viet-nam-du-dieu-kien-bao-dam-an-toan-thuc-pham-va-xuat-khau-vao-cac-thi-truong_t221c330n39, truy cập ngày 26/9/2021.

Trần Vang Phủ

Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 32 năm 2021)