Doanh nghiệp là một trong những phát kiến vĩ đại của loài người, lần đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 tại Anh và Mỹ, được đánh dấu khi Quốc hội Anh thông qua “Đạo luật Công ty năm 1862” với các đặc tính là độc lập và trường tồn về mặt pháp lý và các sáng lập viên chỉ chịu trách nhiệm hạn chế trong phạm vi vốn góp của mình.

Từ khi ra đời, loại hình doanh nghiệp đã được xem là một tạo vật tuyệt vời của hệ thống chính trị hiện đại và đã trở thành đơn vị hạt nhân cơ bản của xã hội trong quản lý dòng chảy tài sản, là pháp nhân chính yếu tạo ra và phân chia của cải xã hội. Tổng thống thứ 19 của Mỹ là Ngài Rutherford B. Hayes từng phát biểu đầy say mê rằng: “Chính phủ là của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp và vì doanh nghiệp”.

TỪ TÌM KIẾM LỢI NHUẬN CHUYỂN SANG TÌM KIẾM LỢI THẾ CẠNH TRANH BỀN VỮNG

Với người dân, sự ra đời của mô hình doanh nghiệp/công ty đã thay đổi cách thức sinh hoạt của họ, từ công việc, vui chơi cho tới các mối quan hệ xã hội. Với các nhà quản lý, cùng với tiến trình hoàn thiện các thể chế luật pháp để quản lý doanh nghiệp, họ còn phát triển các học thuyết quản trị doanh nghiệp, như Robert Owen (1771-1858) - nhà quản lý công nghiệp người Anh đầu tiên nhận ra sự quan trọng của nguồn lực nhân sự và vai trò tiền lương cho công nhân. Charles Babbage (1792-1871) - nhà toán học người Anh đã cố gắng giải quyết tính hiệu quả của sản xuất thông qua phân công lao động và ứng dụng toán học vào các vấn đề quản lý. Dần dần, sự phát triển các học thuyết quản trị doanh nghiệp đòi hỏi người đứng đầu phải có đường hướng kế hoạch rõ ràng, nhằm tìm cách đạt được mục tiêu đã hoạch định ra trước đó. Và người ta gọi đó là chiến lược.

Từ đây, các khung học thuyết quản trị ra đời nhằm bổ sung các cơ sở lý luận cho việc lập chiến lược cho một doanh nghiệp. Học thuyết ngành (industry-based view) đôi khi còn được kết hợp với học thuyết cạnh tranh (Competitive-based view), nhấn mạnh vị thế của một ngành trong nền kinh tế và cấu trúc của ngành đó, từ đó cần xác lập vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. Học thuyết thị trường (market-based view) nhấn mạnh vai trò, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường khi xác lập chiến lược. Năm 1994, học thuyết nguồn lực (Resource-based view-RBV) được phát triển bởi Barney và được ứng dụng nhiều từ đó tới nay. Học thuyết RBV được phát biểu rất trong sáng rằng: Nhiệm vụ của một doanh nghiệp không có gì hơn là “xác định ra các nguồn lực có tính chiến lược, tận dụng và phân bổ các nguồn lực đó nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh cốt lõi, vượt trội và bền vững”.

Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Hình 1: Các nguồn lực có tính chiến lược tại doanh nghiệp
Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Hình 2: Hai mô hình xây dựng Lợi thế cạnh tranh bền vững

Hiểu theo RBV, doanh nghiệp là một tập hợp các nguồn lực. Nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo là cần khai thác và phân bổ các nguồn lực này để tìm kiếm ra lợi nhuận. Tuy nhiên, cụm từ “tìm kiếm lợi nhuận” đã được Barney thay thế bằng “lợi thế cạnh tranh bền vững”, nhằm tránh tư duy có tính chất ăn đong ngắn hạn để tiến tới một bài toán dài hạn hơn cho doanh nghiệp, đó là lợi thế cạnh tranh bền vững.

Nguồn lực của doanh nghiệp bao gồm 2 loại. Thứ nhất là các nguồn lực hữu hình là Nguồn vốn (dưới hình thái tiền, bất động sản, máy móc, nguyên liệu, nhà máy, hàng tồn, kiểu dáng, nhãn hiệu, thương hiệu) và Con người. Thứ hai là các nguồn lực vô hình là những gì được nhúng vào trong Tập quán và Thực tiễn của doanh nghiệp, như danh tiếng, văn hóa, hiểu biết hoặc bí quyết, tổng kết trải nghiệm, mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp, cổ đông, cơ quan quản lý, đối thủ cạnh tranh…

Có hai mô hình xác định quan hệ giữa nguồn lực có tính chất chiến lược trong xây dựng Lợi thế cạnh tranh bền vững là mô hình VRIO hoặc VRIN, hai mô hình này cũng hay được sử dụng kết hợp. Hình 2 là một cách mô phỏng có tính chất gợi ý.

Ví dụ phân tích về lợi thế cạnh tranh của Starbucks

Doanh nghiệp chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Nguồn: Tác giả tự xây dựng
Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?

Bài viết “Chiến lược trong kỷ nguyên siêu dư thừa nguồn vốn tư bản” của Michael Mankins, Karen Harris và David Harding trên Tạp chí HBR Magazine March-April/2017 cho rằng, sự tích tụ tư bản ngày càng cao tới ngưỡng gần bão hòa ở trên thế giới khiến Nguồn vốn tài chính không còn đóng vai trò tối thượng trong việc hình thành và thúc đẩy hoạt động của một doanh nghiệp.

Cách đây 3 thập kỷ, tổng nguồn tài sản tài chính gấp 3 lần GDP toàn cầu, tuy nhiên tới nay, tổng tài sản tài chính toàn cầu đã gấp 10 lần GDP toàn cầu. Giá của nguồn vốn ngày càng giảm vì sự dư thừa vốn tới mức, với nhiều doanh nghiệp lớn thì chi phí vốn đã tiệm cận với lạm phát của nền kinh tế. Các doanh nghiệp có mức lợi nhuận hợp lý dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị, phát triển sản phẩm mới, thâm nhập thị trường mới và thậm chí mua thâu tóm một ngành nghề kinh doanh mới. Tất nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp này vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cẩn trọng trong quản trị đồng vốn, vì thất thoát luôn là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng “giờ đây các doanh nghiệp không thể duy trì năng lực cạnh tranh bằng cách đơn giản là phân bổ khéo léo nguồn lực tài chính nữa”.

GIẢI PHÓNG NĂNG LỰC CON NGƯỜI LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

Các nguồn lực vô hình là kết quả lao động của nguồn lực Con người, tuy nhiên được xúc tác và thúc đẩy bởi các nguồn lực Tư bản để đạt được kết quả cao hơn mỗi ngày. Xu hướng cạnh tranh thu hút nguồn lực Con người ở các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, thể hiện qua việc chi phí cho lương tăng mạnh trong các năm qua.

Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Nguồn: Tác giả chọn lọc

Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng thu nhập (compensation) của người lao động gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP, tức là trong cùng một mức độ tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, chi phí các ông chủ bỏ ra cho nguồn lực nhân sự tốn kém gấp hơn 2 lần trong 2 thập kỷ qua. Đồng thời, khi xem xét với chỉ tiêu lạm phát các năm so với năm gốc là năm 2000, tốc độ tăng trưởng về thu nhập của người lao động cũng là thực dương. Năm 2020 so với năm 2000, thu nhập người lao động tăng 84.14%, trong khi GDP chỉ tăng 40% và lạm phát tăng 45.96%. Có thể nói, nguồn lực nhân sự đang ngày càng trở nên khan hiếm, tốn kém và đắt đỏ hơn đối với các ông chủ.

Cũng trong bài viết “Chiến lược trong kỷ nguyên siêu dư thừa nguồn vốn tư bản”, các tác giả Michael Mankins, Karen Harris và David Harding cho rằng: “Các lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra nguồn lực con người ngày càng trở nên quý hiếm, họ quản trị nhân lực với sự cẩn trọng và khắt khe như cách họ đã từng làm với các tài sản tài chính, nhằm giải phóng và nâng đỡ các nhân tài trong tổ chức của mình”.

Mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình cho thấy rõ cách thức hợp tác giữa doanh nghiệp với nguồn lực Con người đã thay đổi mạnh mẽ tới mức độ nào. Trong đó, các doanh nghiệp là nơi lập ra các Nền tảng kinh doanh, còn mỗi cá nhân có thể tự quyết định việc có hợp tác để trở thành nguồn lực lao động cộng tác với Nền tảng kinh doanh đó hay không.

Các doanh nghiệp startup vẫn còn phụ thuộc vào nguồn lực là Nguồn vốn khá lớn, đặc biệt trong một số mô hình kinh doanh cần xây dựng nên thói quen tiêu dùng mới cho khách hàng. Tuy nhiên, ở mô hình kinh doanh nào đi nữa, việc khởi tạo được một doanh nghiệp Startup lại phụ thuộc tiên quyết và quan trọng nhất là sự sáng tạo và các kỹ năng triển khai nghiệp vụ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sự kiên định, quyết tâm, bền bỉ… của từng cá nhân sáng lập. Nó cho thấy nguồn lực Con người quan trọng hơn rất nhiều và khi đó, nguồn lực tiên quyết xưa nay là Nguồn vốn trở nên thứ yếu, nhất là khi có thể huy động dễ dàng hơn.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

Trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản có ý thức” của tác giả John Mackey và Raj Sisodia, ngoài việc chỉ trích các nhóm tư bản thân hữu, các tác giả còn nêu lên mô hình doanh nghiệp với tinh thần kinh doanh anh hùng, được xây dựng bởi sự tổng hòa, tương thuộc của bốn yếu tố:

Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Tổng hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội

Một là, mục đích cao đẹp và các giá trị cốt lõi;

Hai là, sự tích hợp các bên có lợi ích liên quan;

Ba là, sự lãnh đạo có ý thức;

Bốn là, nền văn hóa và sự quản trị có ý thức.

Bên cạnh đó, các tác giả cũng đề cao việc tích hợp các quyền lợi và giá trị của các bên liên quan trong một doanh nghiệp, trong đó không thể không kể đến vai trò của người lao động và cộng đồng. Các tác giả nói: “Các công ty có ý thức được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo chín chắn về cảm xúc và tinh thần. Những nhà lãnh đạo có ý thức như thế chủ yếu được tạo động lực bởi việc phụng sự cho mục đích của doanh nghiệp và các bên có lợi ích liên quan của nó, chứ không phải bởi việc theo đuổi quyền lực hay sự giàu có cá nhân".

Như vậy, nền tảng lý luận và thực tiễn đều cho thấy, năng lực sản xuất tại các nước giàu có đáp ứng dễ dàng mọi nhu cầu vật chất đã đồng thời khiến nhu cầu tiêu thụ vật chất trên toàn cầu ở các nước giàu giảm đi rõ rệt khi so sánh với tổng nhu của họ. Do vậy, tính chất tư hữu cá nhân thiên về chiếm hữu các nguồn lực sản xuất đang dần bị thay thế bởi tính chất sở hữu ở quy mô toàn dân. Các ví dụ về nền kinh tế chia sẻ nhằm khai thác triệt để các tài sản dư thừa, ít nhất ở mặt thời gian khai thác sử dụng, chẳng hạn như AirBnB, ZipCar hay Grab là một minh chứng. Thống kê của Viện Brookings cho thấy, có tới 95% thời gian các phương tiện cá nhân là không khai thác và đây là nền tảng cho nền kinh tế chia sẻ.

Cùng với đó, sự dư thừa về tài sản vật chất, trong đó rất nhiều loại tài sản vật chất lại là nguyên liệu đầu vào của một ngành dịch vụ nào đó, hoặc sự quá dư thừa nguồn vốn đã khiến dòng chảy của các tài sản vật chất và nguồn vốn này dễ dàng được tái định hướng vào các lĩnh vực cần thiết nào đó khi có sự can thiệp bởi bàn tay mềm mại của nhà nước. Đặc biệt, sự giải phóng tối đa năng lực của con người là điểm dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn hiện nay ở nhiều nước đã trở nên giàu có. Khi mà mọi ý tưởng bay bổng đều có thể dễ dàng thu hút được các nhà đầu tư thiên thần và mọi tài năng đều được trân trọng và giữ gìn hơn bao giờ hết thì đó là lúc, những tài năng có nhiều quyền lên tiếng và lựa chọn hơn, chứ không phải khư khư giữ thái độ “gọt chân cho vừa giầy” trước yêu sách của những người nắm quyền lực đồng vốn.

Trong nhiều tác phẩm để lại cho nhân loại, Nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác đã khẳng định vị thế và vai trò của con người trong tiến trình lịch sử như sau: “Trình độ giải phóng xã hội luôn được thể hiện ra ở sự tự do của cá nhân con người, vì cá nhân được giải phóng sẽ tạo ra động lực cho giải phóng xã hội và đến lượt mình, giải phóng xã hội lại trở thành điều kiện thiết yếu cho sự giải phóng cá nhân. Con người tự giải phóng cho mình và qua đó, giải phóng xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội”.

Sự chuyển dịch vai trò NGUỒN VỐN sang CON NGƯỜI trong doanh nghiệp: Một tiền đề của Chủ nghĩa xã hội?
Theo Các Mác, con người chính là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, tạo nên những nền văn minh trong lịch sử nhân loại

Cũng theo Các Mác, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là thước đo năng lực thực tiễn của con người và xã hội; là sự vận động chuyển giao lực lượng sản xuất giữa các thế hệ con người và nhờ sự chuyển giao ấy mà con người “hình thành nên mối liên hệ trong lịch sử loài người, hình thành lịch sử loài người” và “Lịch sử xã hội của con người luôn chỉ là lịch sử của sự phát triển cá nhân của những con người”. Bởi, thông qua hoạt động thực tiễn, con người đã để lại những dấu ấn sáng tạo của bản thân mình vào giới tự nhiên, vào xã hội và qua đó, phát triển, hoàn thiện bản thân mình. Với khả năng và năng lực của mình, con người chính là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, tạo nên những nền văn minh trong lịch sử nhân loại.

Quan sát sự vận động tại nhiều nền kinh tế phát triển cho thấy, về cả lý luận và thực tiễn, sự hình thành của loại hình doanh nghiệp cần vai trò nguồn lực Con người là trước tiên và quan trọng nhất, thứ đến mới là nguồn lực Nguồn vốn. Ở hình thái doanh nghiệp, khi nguồn lực Con người được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển, được giải phóng tối đa năng lực để phụng sự tinh thần kinh doanh anh hùng, phải chăng đó chính là tiền đề hình thành nên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn hình thái Chủ nghĩa tư bản, đó là Chủ nghĩa xã hội theo đúng quy luật khách quan mà Các Mác đã chỉ ra?

Danh sách tài liệu tham khảo:

1. TS Văn Thị Thanh Mai, TS Đinh Quang Thành: Tư tưởng Các Mác về con người, giải phóng con người và phát triển con người toàn diện ở Việt Nam, truy cập tại https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tu-tuong-cac-mac-ve-con-nguoi-giai-phong-con-nguoi-va-phat-trien-con-nguoi-toan-dien-o-viet-nam-111343

2. Phương Vinh: Chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa, Tạp chí tuyên giáo 05/2019, truy cập tại

https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/chu-nghia-xa-hoi-va-con-nguoi-xa-hoi-chu-nghia-121550

3. John Mackey & Raj Sisodia. (2017). Chủ nghĩa tư bản có ý thức. Nxb Tri Thức

4. Clive Crook (09/2003) A Short History of a Fabulous Invention: The Company

https://www.theatlantic.com/politics/archive/2003/09/a-short-history-of-a-fabulous-invention-the-company/377236/

5. Michael Mankins, Karen Harris and David Harding (03-04/2017 HBR Magazine) Strategy in the Age of Superabundant Capital-Money is no longer a scarce resource. That changes everything.

https://hbr.org/2017/03/strategy-in-the-age-of-superabundant-capital

6. VRIO analysis – Starbucks and Dunkin’ Donut

https://sites.google.com/site/starbucksanddunkindonuts/business-strategy/vrio-analysis

7. Thống kê lạm phát của Mỹ từ 1990-2020

https://www.statista.com/statistics/191077/inflation-rate-in-the-usa-since-1990/

8. Thống kê tổng thu nhập trung bình năm của người lao động toàn thời gian ở Mỹ từ 2000-2020

https://www.statista.com/statistics/243846/total-compensation-per-employee-in-the-us/

9. GDP thực ở Mỹ từ 1990-2020

https://www.statista.com/statistics/188141/annual-real-gdp-of-the-united-states-since-1990-in-chained-us-dollars/