Tóm tắt

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với kinh tế thế giới và thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia. Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố báo cáo chi tiết về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với 3 nguyên tắc hợp tác là: Bao trùm, Tin cậy và Có đi có lại; cam kết tăng cường vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau trong khu vực và xây dựng một trật tự khu vực tích cực và 9 nội dung cốt lõi. Bài viết này sẽ phân tích chiến lược Ấn Độ Đương, Thái Bình Dương mới của Hàn Quốc, đưa ra một số nhận định, đánh giá về chiến lược, phân tích triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, sau khi quốc gia này công bố chiến lược mới, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên phù hợp với bối cảnh chiến lược mới.

Từ khóa: Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hàn Quốc, hợp tác

Summary

The Indo-Pacific region plays an increasingly important role in the world economy and attracts the attention of many countries. Recently, the Korean Government has also published a detailed report on the Indo-Pacific Strategy with 3 cooperation principles: Inclusion, Trust and Reciprocity; committed to strengthening its role in solving various regional issues and building a positive regional order with nine core contents. This article analyzes Korea's new Indo-Pacific strategy, make some comments, evaluate the strategy, analyze the prospects for cooperation between Vietnam and Korea after Korea’s announcement of the new strategy, thereby proposing solutions to enhance cooperation between the two sides in accordance with the new strategic context.

Keywords: Indo-Pacific strategy, Korea, cooperation

GIỚI THIỆU

Thời gian qua, Indo-Pacific ngày càng gia tăng tầm quan trọng chiến lược trên bản đồ địa chính trị, kinh tế - xã hội thế giới và thu hút sự quan tâm đặc biệt của những nước lớn, nhất là các cường quốc. Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh đều đã hoặc đang cân nhắc gia tăng hiện diện ở Indo-Pacific trên cơ sở lợi ích và chiến lược riêng của mỗi nước. Việc Hàn Quốc chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua chiến lược mới sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là thông qua cơ chế hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ (KHCN) giữa Hàn Quốc với các nước trong khu vực trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó tận dụng tốt hơn các mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay.

CHIẾN LƯỢC INDO-PACIFIC CỦA HÀN QUỐC

Ngày 28/12/2022, Hàn Quốc đã công bố báo cáo chi tiết về Chiến lược mới của nước này tại Indo-Pacific. Theo đó, Hàn Quốc sẽ theo đuổi 9 nội dung cốt lõi, với 3 nguyên tắc hợp tác là: Bao trùm, Tin cậy và Có đi có lại; cam kết tăng cường vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau trong khu vực và xây dựng một trật tự khu vực tích cực. Chín nội dung cốt lõi của chiến lược có thể được tóm tắt như sau:

1. Xây dựng trật tự khu vực dựa trên các chuẩn mực và quy tắc: Hàn Quốc cam kết hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng chia sẻ các giá trị tự do, pháp quyền và nhân quyền cũng như các chuẩn mực quốc tế để đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Indo-Pacific.

2. Thúc đẩy pháp quyền và quyền con người: Là một nền dân chủ kiểu mẫu, Hàn Quốc sẽ tiếp tục cam kết thúc đẩy tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền. Tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặt nền móng cho nền dân chủ thông qua đào tạo và giáo dục, giao lưu nhân dân trong lĩnh vực quản trị và quản lý bầu cử.

3. Tăng cường các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố trên toàn khu vực: Hàn Quốc sẽ góp phần gìn giữ hòa bình ở Indo-Pacific bằng cách tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác quan trọng trong khu vực.

4. Tăng cường hợp tác an ninh toàn diện: Hàn Quốc tìm kiếm sự hợp tác an ninh khu vực toàn diện bao gồm các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đối với an ninh, như: vấn đề biển Đông, Eo biển Đài Loan, tăng cường hợp tác với các đối tác, như: ASEAN, NATO, nhóm Bộ tứ QUAD để duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực.

5. Xây dựng mạng lưới an ninh kinh tế: Hàn Quốc sẽ mở rộng mạng lưới an ninh kinh tế khu vực để quản lý chuỗi cung ứng ổn định và linh hoạt, đồng thời thúc đẩy thương mại tự do và trật tự kinh tế dựa trên luật lệ ở khu vực Indo-Pacific; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và chuỗi cung ứng bền vững của các ngành, mặt hàng trọng điểm; tham gia khởi động Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific vì sự thịnh vượng (IPEF) của Mỹ. Thúc đẩy thương mại tự do thông qua thực hiện RCEP và dự định tham gia CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ tăng quy mô đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

6. Hợp tác trong các lĩnh vực KHCN và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số: Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử, sinh học tiên tiến, viễn thông và không gian thế hệ tiếp theo, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong khu vực. Hàn Quốc sẽ sử dụng hợp tác công nghệ như một phương tiện để tăng cường quan hệ đối tác khu vực; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các nước đang phát triển.

7. Dẫn đầu hợp tác khu vực về biến đổi khí hậu (BĐKH) và an ninh năng lượng: Hàn Quốc sẽ đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu bằng cách theo đuổi các hình thức hợp tác đa phương với các nước trong và ngoài khu vực.

8. Đóng góp tích cực về ngoại giao: Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giúp đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia trong khu vực nhằm đạt được sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.

9. Thúc đẩy sự hiểu biết và trao đổi lẫn nhau: Với mục tiêu trở thành một Quốc gia quan trọng toàn cầu, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy trao đổi hai chiều ở Indo-Pacific. Đặc biệt, Hàn Quốc sẽ nỗ lực để tăng cường trao đổi giữa những người trẻ tuổi.

Đây là chiến lược khu vực toàn diện đầu tiên của Hàn Quốc, cùng với đó thể hiện cam kết của Hàn Quốc trong việc mở rộng không gian ngoại giao, tăng cường vai trò và đóng góp cho Indo-Pacific.

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ CHIẾN LƯỢC INDO-PACIFIC CỦA HÀN QUỐC

Với việc lần đầu tiên đưa ra chiến lược khu vực toàn diện, Hàn Quốc đã khẳng định cam kết của mình trong việc mở rộng không gian ngoại giao, tăng cường vai trò và đóng góp cho khu vực phù hợp với vị thế cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Chiến lược này mở rộng phạm vi chính sách đối ngoại của Hàn Quốc sang khu vực Indo-Pacific, nơi có tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng, thay vì chỉ giới hạn ở vấn đề bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á, hay các sáng kiến khu vực bó hẹp ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại; từ đó, tăng cường hợp tác chiến lược tích cực hơn nữa trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. Bước chuyển này phản ánh nhận thức rằng sự ổn định và phát triển của khu vực Indo-Pacific có quan hệ mật thiết với lợi ích lâu dài của Hàn Quốc, vì nếu tiếp tục đứng “ngoài cuộc chơi”, Hàn Quốc sẽ bỏ qua những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng cũng như xác lập một vị trí xứng đáng trong cấu trúc khu vực Indo-Pacific đang thay đổi mạnh mẽ.

Trên phương diện kinh tế, bên cạnh những tiềm năng thương mại và đầu tư rất lớn, Indo-Pacific hiện là nơi Mỹ thúc đẩy sáng kiến mới mang tên Khuôn khổ Kinh tế Indo-Pacific (IPEF); trong đó, vấn đề cốt lõi là thiết lập các kênh cung ứng ổn định những nguồn nguyên liệu công nghiệp quan trọng, như: chất bán dẫn và pin. Đây cũng là thế mạnh của Hàn Quốc khi quốc gia này hiện là nhà xuất khẩu chủ yếu chất bán dẫn, các sản phẩm công nghệ cao và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với việc tham gia IPEF mà Mỹ đề xướng, và việc công bố chiến lược Indo-Pacific của mình, Hàn Quốc sẽ thiết lập được mạng lưới giữa Mỹ và các đồng minh trong sản xuất các sản phẩm chiến lược, như: chip và pin – 2 trong số những sản phẩm trọng yếu đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trở thành trụ cột trong liên minh kinh tế, an ninh và công nghệ toàn cầu.

Chiến lược của Hàn Quốc cũng đánh dấu sự thay đổi chính sách đối ngoại của Hàn Quốc theo hướng rõ ràng hơn. Trước đây, các chính phủ tiền nhiệm của Hàn Quốc thường cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc - đối tác xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, khi thúc đẩy chiến lược mới, Hàn Quốc đã thể hiện rõ nỗ lực đa dạng hóa những mối quan hệ kinh tế, thương mại, giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thay vì duy trì chính sách “hợp tác an ninh với Mỹ, hợp tác kinh tế với Trung Quốc”, chính phủ mới của Hàn Quốc đã xây dựng lộ trình để “hợp tác an ninh với Mỹ, hợp tác kinh tế với thế giới”.

Chiến lược mới đã đưa Hàn Quốc đồng bộ với Hoa Kỳ bằng cách đặt tầm nhìn chiến lược của mình vào các chuẩn mực quốc tế và giá trị phổ quát, đồng thời phù hợp với cam kết có chủ đích nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chiến lược của Hàn Quốc cũng cho thấy ý định hợp tác với các quốc gia khác có chung lợi ích và giá trị, bao gồm Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên, như: Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Chiến lược Indo-Pacific của Hàn Quốc cũng mang đến cả cơ hội và thách thức cho nước này. Một mặt, chiến lược này sẽ mở ra cơ hội để Hàn Quốc hợp tác tích cực hơn với các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều vấn đề, từ y tế đến biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, an ninh mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên. Hiện tại, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để kết nối lại đất nước với mạng lưới các thể chế khu vực và mở rộng phạm vi ngoại giao khu vực, thể hiện qua việc tham gia vào Khuôn khổ IPEF, cam kết đối thoại an ninh kinh tế ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản, quan tâm đến Quad, tham gia Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) và khởi động Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN vào năm 2022. Tuy nhiên, chiến lược này cũng sẽ mang đến những thách thức đối với Hàn Quốc vì nước này sẽ phải chứng minh các cam kết của mình đối với trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi, ví dụ như tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và ở eo biển Đài Loan.

TRIỂN VỌNG HỢP TÁC VIỆT NAM - HÀN QUỐC THÔNG QUA CHIẾN LƯỢC INDO-PACIFIC CỦA HÀN QUỐC

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc vừa được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Đây là kết quả của quá trình hợp tác song phương trong vòng hơn 30 năm qua. Quan hệ thương mại - đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong những năm qua không chỉ có sự cải thiện nhanh về số lượng mà còn thay đổi lớn về chất lượng. Với Chiến lược mới của Hàn Quốc, sự hợp tác giữa hai bên dự kiến tiếp tục được thắt chặt và cái thiện về chất lượng.

Tăng cường hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Việt Nam  trong kỷ nguyên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chủ tịch nước và Tổng thống Hàn Quốc tiến hành hội đàm

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Về đầu tư, theo cơ sở dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc là nhà cung cấp vốn FDI lớn nhất cho Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng từ mức lũy kế 9,156 tỷ USD năm 2013 lên 81 tỷ USD vào năm 2022. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, như: Samsung, LG, SK, Lotte... đã triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt các dự án đầu tư của Hàn Quốc đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao.

Về hỗ trợ phát triển chính thức và hợp tác lao động, Hàn Quốc cũng cung cấp hàng tỷ vốn ODA dành cho Việt Nam, đóng góp quan trọng cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam (HA.NV, 2020). Đầu năm 2023, trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (Viện VKIST) đã được khánh thành. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong các dự án viện trợ không hoàn lại mà Hàn Quốc đã và đang triển khai trên thế giới. Về lao động, Việt Nam là đối tác hợp tác phát triển và đối tác hợp tác lao động lớn thứ nhất của Hàn Quốc.

Về thương mại, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam năm 2022. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 160 lần so với thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao (Thế Hải, 2023). Quan trọng hơn, chất lượng thực thi các FTA với Hàn Quốc thể hiện ở tỷ lệ hưởng ưu đãi thuế quan cũng nổi trội hơn nhiều thị trường có FTA khác.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tỷ lệ sử dụng ưu đãi theo C/O VK theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 26,35%; mẫu AK theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc AKFTA đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 24,58%. Tổng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc tại 2 FTA trong năm 2022 đạt gần 51% tổng kim ngạch xuất sang thị trường này, chỉ sau các hiệp định với Ấn Độ và Chi Lê (Hoàng Trung 2023).

Chiến lược Indo-Pacific mới không chỉ thúc đẩy vai trò, vị thế của Hàn Quốc trong khu vực Indo-Pacific, mà còn phù hợp với chiến lược đa dạng hóa đối tác kinh tế của Việt Nam, phù hợp với các nỗ lực tham gia Khung hợp tác kinh tế IPEF của Mỹ (trong đó hai nước đều là thành viên) và được kỳ vọng sẽ giúp cho hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều đột phá mới.

Trong số 9 nội dung của Chiến lược Indo-Pacific của Hàn Quốc, có 2 nội dung quan trọng mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm, đó là nội dung thứ 5 về Xây dựng mạng lưới an ninh kinh tế, và nội dung thứ 6 về Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực KHCN quan trọng và thu hẹp khoảng cách số. Nội dung thứ 5 tập trung vào nhiều vấn đề khác nhau, như: tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, đẩy mạnh hội nhập khu vực thông qua các FTA, tăng cường đầu tư của Hàn Quốc vào phát triển hạ tầng trong khu vực. Cùng với các trụ cột khác, việc thực thi trụ cột này giúp Việt Nam tăng cường hội nhập khu vực và có thể giúp cả hai đối phó với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng đã diễn ra trong thời gian qua do những thay đổi mạnh mẽ của tình hình địa chính trị thế giới.

Nội dung 6 tập trung vào tăng cường hợp tác phát triển KHCN của Hàn Quốc với các nước trong khu vực, trong đó gồm cả hợp tác với các nước lớn và hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc phát triển nhân lực, thu hẹp khoảng cách công nghệ. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với 3 đột phá chiến lược là: Thể chế; Nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng KHCN; và Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Với sự phù hợp giữa cả 2 chiến lược, triển vọng hợp tác phát triển KHCN giữa Việt Nam và Hàn Quốc thời gian tới có rất nhiều hứa hẹn. Sự ra đời của VKIST và Trung tâm nghiên cứu R&D của Samsung tại Việt Nam - trung tâm nghiên cứu đầu tiên của tập đoàn này đặt tại nước ngoài, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối - cho thấy cam kết mạnh mẽ của Hàn Quốc trong ưu tiên hợp tác công nghệ với Việt Nam, đồng thời có thể làm thay đổi về chất quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước thời gian tới, giúp Việt Nam đạt được giá trị gia tăng cao hơn từ hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI.

Ngoài ra, về phát triển hạ tầng, các nhà đầu tư hạ tầng của Hàn Quốc như Công ty Phát triển hạ tầng THT và Tập đoàn Daewoo E&C đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ vào Việt Nam để đón các tập đoàn lớn nhằm tận dụng ưu thế vị trí địa lý của Việt Nam và các FTA mới được ký kết. Nội dung hợp tác hạ tầng của Hàn Quốc trong chiến lược Indo-Pacific cũng sẽ là cú hích để quan hệ hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước về phát triển hạ tầng tiếp tục được nâng tầm.

MỘT SỐ NGỤ Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Rõ ràng cơ hội cho tăng cường hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới là rất lớn và phù hợp với bối cảnh, chiến lược của cả 2 bên. Để biến những cơ hội đó thành hiện thực, Việt Nam cần phải thực hiện một số chính sách có tính đột phá hơn nhằm tận dụng cơ hội mà bên ngoài mang lại.

Một là, cần tận dụng hợp tác lao động với Hàn Quốc với chuyển giao, học hỏi về khoa học kỹ thuật và cải thiện kỹ năng lao động. Có thể nghiên cứu ban hành các khuyến khích tài chính với lao động đi làm việc ở Hàn Quốc nếu học hỏi được những kỹ năng mới, kỹ thuật mới sau khi hoàn thành hợp đồng lao động. Cho đến nay, vẫn chưa có một đánh giá toàn diện nào về hiệu quả của hợp tác lao động sang Hàn Quốc, đặc biệt là vấn đề học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật từ công nhân làm việc ở Hàn Quốc, cũng như tác động lan tỏa về kỹ thuật của các chuyên gia Hàn Quốc ở Việt Nam.

Hai là, gắn tăng trưởng thương mại với nâng cấp sự tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của Hàn Quốc. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu như các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc mở rộng các nhà cung ứng ở Việt Nam. Chính phủ cần tận dụng khuôn khổ hợp tác khoa học kỹ thuật và viện trợ khác của Hàn Quốc với việc thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm, nâng cấp các nhà cung ứng cấp I và cấp II từ Việt Nam

Ba là, cần tiếp tục phát huy tính “toàn diện” trong quan hệ chiến lược toàn diện với Hàn Quốc thông qua việc thúc đẩy các hợp tác về quân sự, địa chính trị, văn hóa, thể thao, nghệ thuật với Hàn Quốc, chú trọng ngoại giao nhân dân trong quan hệ giữa 2 quốc gia./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc (2023), Báo cáo Chiến lược Indo-Pacific của Hàn Quốc, công bố tháng 2/2023, truy cập từ https://overseas.mofa.go.kr/us-honolulu-en/brd/m_22613/view.do?seq=761566.

2. Ellen Kim (2023), Assessment of South Korea’s New Indo-Pacific Strategy, Central for Strategic and International Studies CSIS.

3. Kim Khánh (2022), Trọng tâm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc, truy cập từ https://cand.com.vn/quoc-te/trong-tam-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-han-quoc-i679247/.

4. HA. NV (2022), Việt Nam và Hàn Quốc đánh dấu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/viet-nam-va-han-quoc-danh-dau-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-568091.html.

5. Hoàng Trung (2023), Để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc,truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/de-giam-nhap-sieu-tu-han-quoc-106585.htm.

6. Thế Hải (2023), Thương mại Việt Nam- Hàn Quốc tăng thêm gần 9 tỷ USD, truy cập từ https://baodautu.vn/thuong-mai-viet-nam--han-quoc-tang-them-gan-9-ty-usd-d182326.html.

TS. Trần Toàn Thắng, TS. Nguyễn Đoan Trang

Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25/2023)