Tăng trưởng GDP năm 2016 sẽ chỉ ở mức 6,1-6,2%
Tọa đàm về kinh tế Việt Nam quý I/2016 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì đã được tổ chức sáng 14/4/2016.
Nền kinh tế vẫn chưa thể vượt qua vùng trũng
Thay mặt nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS, TS. Tô Trung Thành cho biết, năm 2015, tăng trưởng kinh tế lên mức cao nhất trong 5 năm khi đạt 6,68% và được xem là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô khi đưa nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong vùng trũng suy giảm và thiếu nhiều động lực để vượt qua vùng trũng ấy.
Để làm rõ cho nhận định trên, ông Thành dẫn chứng là mức tăng trưởng năm 2015 dù cao, nhưng thực tế bình quân 5 năm (2011-2015) chỉ đạt 5,8% (thấp hơn mức bình quân 2006-2010) và kém xa mức 7,61% của giai đoạn trước khủng hoảng 2000-2006.
Điều đáng lo ngại là, dù GDP 2015 cao nhất 5 năm, nhưng chất lượng tăng trưởng hiện vẫn thấp, một bằng chứng là năng suất lao động đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực.
Ông Thành dẫn chứng số liệu cho thấy, giá trị gia tăng công nghiệp trên mỗi lao động (GDP trên một lao động) của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Philippines và một phần tư với Trung Quốc.
Sự thiếu bền vững của tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 tiếp tục được thể hiện trong quý I/2016.
Đánh giá về tình hình tăng trưởng quý I/2016, GS, TS. Ngô Thắng Lợi cho hay, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 có dấu hiệu sụt giảm sau 5 năm có xu hướng tăng liên tục. Mức tăng trưởng GDP quý I/2016 không chỉ thấp hơn năm 2015, mà còn thấp hơn năm 2011 (chỉ bằng 90%) – năm đầu tiên của giai đoạn suy giảm tăng trưởng giai đoạn 2011-2015, bằng 80% tốc độ tăng trưởng năm 2015 và thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,91%).
Điều đáng lo là tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 giảm mạnh ở 2 nhóm ngành trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp và công nghiệp.
Ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, còn công nghiệp chỉ còn ¾ so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả này đã làm cho đóng góp của 2 ngành này trong cấu trúc tăng trưởng theo ngành giảm sút: ngành nông nghiệp đã làm giảm số điểm phần trăm tăng trưởng toàn nền kinh tế, còn ngành công nghiệp, thì chỉ đóng góp 2,3 điểm phần trăm tăng trưởng – tương đương với 42% (giảm sút không chỉ so với 2015 mà cả những năm khác của thời kỳ 2011-2015)
Đã vậy, trong quý I/2016, tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao hơn so với quý I/2015 (32% và 30,5%), trong khi đó tăng trưởng lại chậm hơn so với năm quý1/2015, đã làm cho đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng tăng lên và đóng góp của TFP giảm xuống trong cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào.
Hiệu quả của sử dụng vốn đầu tư cũng sụt giảm. Quý 1/2016, tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP chiếm 32,2% và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,46%.
Như vậy, suất đầu tư tăng trưởng 3 tháng đầu năm 2016 lên tới 5,98 (cao nhất trong toàn giai đoạn 2011 đến nay)
Ngân sách đang rất căng
Hiện nay, nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ đã dần chạm ngưỡng trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, rất cần tiếp tục tăng cường đầu tư.
Theo PGS, TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đầu tư công đang rơi vào tình thế lưỡng nan. Nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, vốn đầu tư công có nguồn gốc ngân sách đang rất khó khăn do cân đối ngân sách đang luôn bị thâm hụt và có xu hướng năm sau thâm hụt cao hơn năm trước.
Hiện nay, tình trạng nợ công đã gần chạm trần. Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ chính phủ đã là 50,3% GDP vượt mức trần là 50%.
Nợ công đã chạm mức 61,3% (trong mục tiêu từng bước giảm dần nợ công, đến năm 2020 nợ công, bao gồm: nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương là không quá 65% GDP).
Vì thế, “mới chỉ 2 khoản là trả nợ (25%) và chi thường xuyên (67%) đã chiếm tới 92%, còn 8% dành cho tất cả các khoản đầu tư còn lại”, TS. Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội cung cấp thêm thông tin.
Nguồn vốn có tính viện trợ với lãi suất thấp đã sắp kết thúc, đi vào giai đoạn lãi suất cao hơn.
Mức thâm hụt ngân sách năm 2015 đã lên đến mức 6,1% GDP (từ mức dưới 5% những năm 2005-2010 và dưới 6% những năm 2011-2014).
“Nhiệm vụ đầu tư công ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách (và các nguồn có tính ngân sách) ngày càng khó khăn. Vấn đề là làm thế nào để đầu tư công vừa đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo nợ bền vững, đặc biệt là nợ công?”, ông Chung đặt vấn đề.
Năm 2016, tăng trưởng khó đạt kế hoạch
Sử dụng phương pháp ngoại suy giai đoạn 2011-2015, với tốc độ tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,46%, GS, TS. Ngô Thắng Lợi dự báo, con số tăng trưởng cả năm 2016 sẽ không đạt chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 (6,7-6,8%).
Theo tính toán của ông Lợi, thì bình quân giai đoạn từ 2010-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của quý 1 thường đạt xấp xỉ 90% mức tăng trưởng đạt được cả năm. Từ con số mang tính xu hướng này có thể ước tăng trưởng GDP cả năm 2016 sẽ chỉ có thể đạt mức từ 6,1-6,2% (so với mục tiêu đặt ra 6,7-6,8%)
Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, có trên 50% số doanh nghiệp cho rằng sẽ có khối lượng sản xuất và các đơn hàng hợp đồng sản xuất cao hơn (so với 3 tháng đầu năm chỉ số này là xấp xỉ 30%, có xấp xỉ 40% số doanh nghiệp nhận định sẽ có số đơn hàng xuát khẩu cao hơn (so với con số này quý 1 là 23%), điều đó cho thấy động lục tăng trưởng chủ đạo của Việt nam là khu vực sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo sẽ có xu hướng tăng trưởng tích cực hơn nhiều (đạt con số khoảng 9%) và như thế con số tăng trưởng đặt ra cho năm 2016 là 6,7-6,8% vẫn có thể đạt được với những biện pháp tích cực cho phát triển kinh tế.
Ở một góc độ khác, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại rất suy tư mà rằng: “Sao cứ phải loay hoay với mấy con số? Sao cứ phải đưa ra những con số không khả thi bắt quốc hội và cả Trung ương thông qua. Rồi sau đó là phải thay đổi, điều chỉnh?”.
Theo vị chuyên gia này, cần phải thay đổi cách tiếp cận về mục tiêu, bởi việc đặt ra những chỉ tiêu kiểu như vậy, thì mãi cứ loay hoay không giải quyết được vấn đề.
Nhìn tổng thể cả năm 2016, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, không thể hy vọng vào khả năng tạo được đột biến trong năm 2016. Bởi, sau 3 tháng đầu năm theo thông lệ là “quý ăn chơi”, đến 3 tháng tiếp theo là thời gian chuyển giao công việc giữa các thành viên cũ - mới trong Chính phủ và các ban Đảng; 3 tháng tiếp theo là dành cho việc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
TS. Hồ mong muốn, ngay sau khi bầu cử, Quốc hội nên tập trung xử lý vào những việc sau: Thứ nhất, xử lý những vướng mắc trong ngân sách, tập trung vào thực hiện các khoản thu hợp lý, chứ không nên tận thu, chi thì phải cắt giảm thật nghiêm; đồng thời, phải giảm bớt sự phá sản của doanh nghiệp.
Thứ hai, cần xử lý đến bộ máy nhà nước, phải tinh giản thế nào? Chất lượng ra sao? Và trả lương thế nào? Chứ vẫn bộ máy cồng kềnh hiện nay, hoạt động chưa hiệu quả mà cứ đòi tăng lương, thì tiền đâu ra.
Thứ ba là phải tập trung sàng lọc FDI, “nắn lại” FDI đưa FDI vận hành theo đúng định hướng đề ra.
Về góc độ ngân sách và đầu tư công, PGS, TS. Trần Kim Chung cho rằng, cần thực hiện triệt để quản lý thâm hụt ngân sách theo phê duyệt của Quốc hội. Gắn quản lý nợ công với đầu tư công và quản lý đầu tư công với nợ công. Gắn liền trách nhiệm quản lý thâm hụt ngân sách với hoạt động điều hành đầu tư công của Chính phủ, của các cấp chính quyền địa phương.
Quốc hội cần thực hiện triệt để vai trò giám sát tỷ lệ bội chi ngân sách (mức 4% GDP cả giai đoạn 2016-2020).
Ông Chung cũng lưu ý rằng, tuyệt đối không được phát sinh nợ chính phủ, nợ quốc gia cho mục tiêu tiêu dùng, cũng như tuyệt đối không phát sinh nợ quốc gia, nợ công mới để đầu tư phát triển nếu không có phương án trả nợ khả thi, đặc biệt các khoản vay nước ngoài và vay nợ mới của địa phương.
“Nó đòi hỏi phải có cả quyết tâm chính trị, năng lực bộ máy và sự kiên định cho mục tiêu phát triển bền vững”, ông Chung nhấn mạnh./.
Bình luận