Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19
LÝ THUYẾT VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế được hiểu là sự gia tăng về quy mô kinh tế của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ từ thời kỳ này so với thời kỳ trước. Quy mô kinh tế thông thường được đo lường thông qua chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP). Tăng trưởng kinh tế chịu sự tác động bởi rất nhiều yếu tố. Theo quan điểm của các nhà kinh tế học cổ điển, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cung. Trong cuốn “Của cải của các dân tộc”, Adam Smith (1997) cho rằng, sự giàu có của các quốc gia phụ thuộc vào nhiều nhân tố, nhưng trong đó có 2 nhân tố quan trọng là: (i) Số lượng lao động làm việc trong nền sản xuất vật chất; (ii) Trình độ của phân công lao động. Thị trường sẽ quyết định sự phát triển của nền kinh tế, Chính phủ không cần can thiệp vào nền kinh tế.
|
Theo các nhà kinh tế học thuộc trường phái “Tân cổ điển”, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: lao động, vốn, tài nguyên, khoa học công nghệ… Trong đó, yếu tố khoa học kỹ thuật và công nghệ là yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo quan điểm của trường phái này, vai trò của Chính phủ cũng không được đề cao.
Theo lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Keynes (1936), thì sự cân bằng của nền kinh tế không nhất thiết phải ở mức sản lượng tiềm năng, thông thường sản lượng đạt ở mức cân bằng nhỏ hơn sản lượng tiềm năng. Tổng cầu có vai trò quan trọng trong việc xác định sản lượng, chính phủ có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng.
Lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại dựa trên mô hình cân bằng của Keynes (1936) và thừa nhận vai trò của các yếu tố sản xuất, như: lao động, vốn, đất đai, tài nguyên tới tăng trưởng kinh tế.
Bài viết này sẽ sử dụng mô hình tổng cầu, tổng cung của Keynes (1936) để phân tích tác động của đại dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế sẽ được đo lường thông qua tốc độ tăng GDP do Tổng cục Thống kê công bố.
TOÀN CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Ở VIỆT NAM
Theo số liệu từ Trang tin Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2021, diễn biến đại dịch Covid-19 có thể được chia làm 4 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Từ 23/01/2020 đến cuối tháng 04/2020
Ngày 23/01/2020, Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 01/02/2020, xuất hiện trường hợp truyền nhiễm nội địa đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, dịch bệnh đã lan rộng sang các địa phương khác, như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh… Từ 00h00 ngày 01/4/2020, cách ly xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống đại dịch Covid-19. Ngày 15/4/2020, việc cách ly xã hội được kéo dài với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành có nguy cơ cao. Từ ngày 23/4/2020, cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội, nhưng vẫn tiếp tục đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã công bố các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Giai đoạn 2: Từ ngày 25/7/2020 đến ngày 27/01/2021
Trong giai đoạn này, dịch bệnh diễn ra cao điểm trong 36 ngày (từ ngày 25/7/2020 đến ngày 29/8/2020) tại Đà Nẵng. Ngày 28/7, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội; ngày 11/9, giãn cách xã hội được gỡ bỏ.
Giai đoạn 3: Từ ngày 28/01/2021 đến ngày 26/4/2021
Sau gần 2 tháng không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng thì dịch bệnh lại bùng phát tại Hải Dương từ một người xuất khẩu lao động được phát hiện dương tính khi nhập cảnh Nhật Bản, cũng chưa rõ nguồn lây. Đợt dịch này chủ yếu tại ổ dịch Hải Dương (726 ca, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh). Hải Dương giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 16/02 đến ngày 01/04.
Giai đoạn 4: Từ ngày 27/4/2021 đến nay
Đây là giai đoạn dịch bệnh đang diễn ra, lây lan ở nhiều tỉnh/thành, với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ dài hơn và tấn công nhiều bệnh viện hơn, chủng vi rút lây lan nhanh hơn. Đợt dịch này diễn ra với tâm điểm là Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh…, đặc biệt là tại các khu công nghiệp - nơi tập trung rất nhiều công nhân gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất. Nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.
TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM
Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra tác động xấu đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bài viết phân tích tác động của đại dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo 4 giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19 nói trên. Cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Tác động tiêu cực từ cả 2 phía tổng cầu và tổng cung, ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng kinh tế trong quý I và quý II/2020
Đây là giai đoạn đầu tiên trong chiến dịch đối phó với đại dịch Covid-19. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều chưa có kinh nghiệm ứng phó, chưa lường trước được diễn biến của dịch bệnh. Covid-19 dường như vẫn là một bí ẩn, chưa có thuốc đặc trị và vắc xin. Do đó, trước làn sóng lây lan và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe của người dân, nhiều quốc gia đã có những phản ứng rất quyết liệt để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Về phía tổng cầu, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới cả các thành tố là tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu ròng. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe và an toàn của nhân dân. Đây là giai đoạn mà Việt Nam đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước trong 15 ngày và một số địa phương trong thời gian lâu hơn. Các chính sách này đã khiến cho nhu cầu đi lại, nhu cầu mua sắm của người dân sụt giảm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên rất nhiều người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp cộng với tâm lý lo sợ dịch bệnh kéo dài, nên người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,69%, tích lũy tài sản tăng 1,93%, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ giảm 0,31%, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ giảm 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, do các biện pháp đối phó với dịch bệnh và suy thoái kinh tế xảy ra ở các quốc gia là đối tác thương mại chính của Việt Nam, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng đồng chung Châu Âu, Trung Quốc… làm cho kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh.
Về phía tổng cung cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%. Trong 3 khu vực, thì khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi đại dịch. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Nhìn chung, phía tổng cầu của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm mạnh, nhưng có dấu hiệu phục hồi vào tháng 5, tháng 6 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này.
Về phía tổng cung, các biện pháp giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, sản xuất bị ngưng trệ. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần có sự tham gia trực tiếp của người lao động. Đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị “đứt gẫy”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Bên cạnh tác động của dịch Covid-19, các ngành sản xuất của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch cúm gia cầm.
Do ảnh hưởng tiêu cực từ cả 2 phía tổng cung, tổng cầu, nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã bị tác động rất mạnh. Theo đó, 6 tháng năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 1,81% - đây là mức thấp nhất kể từ năm 2016 (Biểu đồ 1). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy, Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng kinh tế toàn cầu khi vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế dương.
Giai đoạn 2: Tổng cầu và tổng cung vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV/2020 có dấu hiệu khởi sắc
Tổng cầu của nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng do chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh của Chính phủ, nên tổng cầu trong quý III và quý IV/2020 có khởi sắc hơn so với 2 quý đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,79%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,88%. Quý IV/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,29%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,25%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%. Như vậy, tổng cầu của nền kinh tế đã có sự phục hồi một cách rõ rệt, đặc biệt xuất khẩu đã có sự bứt phá mạnh mẽ so với giai đoạn trước.
Về phía tổng cung, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng do dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là những tháng cuối năm. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%.
Cùng với sự tăng lên của tổng cầu và tổng cung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng cuối năm đã cao hơn so với đầu năm. Số liệu ở Biểu đồ 2 cho thấy, GDP quý III/2020 ước tính tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng cao hơn quý II. GDP quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng là mức tăng cao nhất trong 4 quý năm 2020.
GDP năm 2020 tăng 2,91% (Tổng cục Thống kê, 2020), tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Giai đoạn 3: Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn phục hồi tốt
Trong 3 tháng đầu năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa được ngăn chặn, nhưng một số quốc gia đã nghiên cứu và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19. Tại Việt Nam, dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương và một số địa phương khác. Tuy nhiên, với chính sách vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 đã phục hồi đáng kể.
Về tổng cầu trong quý I/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,08%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38% (Tổng cục Thống kê, 2021). Quý I/2021 thể hiện sự tăng rõ rệt của tiêu dùng cuối cùng, xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với quý I/2020 và quý IV/2020, cho thấy hoạt động mua - bán của người dân, hoạt động xuất, nhập khẩu đã dần trở lại bình thường sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Về phía tổng cung, giá trị sản xuất của hầu hết các ngành đều tăng. Quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, là mức tăng mạnh nhất kể từ khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; khu vực dịch vụ tăng 3,34% thấp hơn so với quý IV/2020 do vận tải hành khách và hoạt động du lịch trong quý I/2021 vẫn gặp nhiều khó khăn do hạn chế đi lại và Việt Nam tiếp tục chưa mở cửa du lịch quốc tế (Tổng cục Thống kê, 2021).
Như vậy, nhìn về phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế trong quý I/2021 đều có sự phục hồi mạnh mẽ mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tăng trưởng trong quý I/2021 đạt 4,48% (Tổng cục Thống kê, 2021) cao hơn so với quý I/2020 và bằng mức tăng trưởng của quý IV/2020.
Giai đoạn 4: Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng tới nhiều khu công nghiệp, tăng trưởng kinh tế quý II/2021 khá cao, nhưng tiềm ẩn nguy cơ trong những tháng cuối năm
Đây là đợt bùng phát mạnh nhất trong 4 đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội hoặc tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tổng cầu và tổng cung của nền kinh tế trong các tháng nửa cuối năm 2021.
Về phía tổng cầu, theo Tổng cục Thống kê, nếu như quý II/2021 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa (xuất khẩu tăng 29,81%, nhập khẩu tăng 28,53%), thì tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức tăng tiêu dùng của quý I/2021 (4,59%); tích lũy tài sản tăng 6,05% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía tổng cung, giá trị sản xuất các ngành tăng trưởng khá tốt. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Đây đều là những mức tăng khá tốt so với các quý năm 2020 và quý I/2021. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên ảnh hưởng nhiều đến ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,39%) và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 5,02%).
Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, nhưng với chính sách vừa tăng cường dập dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ cùng với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, tăng trưởng kinh tế trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021 vẫn phục hồi tốt. GDP quý II/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, thì tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu đại dịch Covid-19 không được kiểm soát tốt. Mặc dù Việt Nam đã và đang triển khai tiêm phòng vắc xin cho toàn dân, nhưng kể cả khi tiêm phòng, thì đây cũng không phải là “tấm lá chắn” an toàn tuyệt đối. Bởi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và có nhiều biến chủng mới.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Để thực hiện thành công những mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau đối với Chính phủ:
Một là, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, nhưng chắc chắn muốn kiểm soát được hoàn toàn đại dịch Covid-19, cần phải có thời gian rất dài, thậm chí có thể kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu phòng, chống dịch, cần phải nỗ lực phục hồi kinh tế để đảm bảo đời sống của nhân dân cũng như tạo điều kiện, nền tảng vững chắc cho nguồn lực có thể phòng, chống dịch lâu dài.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, nhập khẩu vắc xin phòng, chống Covid-19 có chất lượng để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin toàn dân, đồng thời Chính phủ nên tiếp tục kêu gọi đóng góp của xã hội trong công cuộc phòng, chống dịch.
Ba là, trong thời gian tới, Chính phủ nên có chính sách giảm lãi suất cho vay đối với các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp với các khoản vay phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra những chính sách thuế ưu đãi hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Bốn là, trong giai đoạn 4 của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều dẫn tới sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đó thu nhập bị ảnh hưởng. Vì vậy, nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp này. Về phía tổng cầu, cần có những chính sách kích thích tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu./.
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các quý và cả năm 2020
2. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I, quý II và 6 tháng đầu năm 2021
3. Adam Smith (1997). Của cải của các dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội
4. Trang tin Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 - Bộ Y tế (2021). Diễn biến dịch, truy cập từ https://ncov.moh.gov.vn/
5. Keynes, John M. (1936). The General Theory of Employment, Interest, and Money, The Glasgow University Press
ThS. Vũ Huyền Trang - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)
Bình luận