Tập trung triển khai quyết liệt nhiệm vụ quản lý và phát triển các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 |
Tham dự Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế; bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng các thành viên trong Khối thi đua đại diện cho 11 Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, Khối trưởng Khối thi đua (trái) và Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, Khối phó Khối thi đua (phải) chủ trì Hội nghị |
Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng gồm 11 đơn vị thành viên bao gồm: Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý KKT Hải Phòng; Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương; Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam; Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên; Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định; Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình; Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Bình; Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc; Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh; Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Đình Nhã, Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, Khối phó Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2023 (Khối thi đua) cho biết, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương và địa phương, các đơn vị đều xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động thi đua ngay từ đầu năm; tham gia ký kết giao ước thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và văn bản các cấp chính quyền về đẩy mạnh các phong trào thi đua; tập trung quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng...
Thực hiện phương châm điều hành năm 2023 của Chính phủ: "Đoàn kết kỷ cuơng, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” giai đoạn 2022-2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các phong trào thi đua do UBND tỉnh/thành phố phát động; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hàng năm…, Đảng bộ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tập trung chỉ đạo và thực hiện đổi mới công tác thi đua cả về nội dung và hình thức.
Các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Khối thi đua tham dự Hội nghị |
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, phong trào thi đua... gắn với công tác thi đua khen thưởng. Từ đó khuyến khích, động viên toàn thể công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua của đơn vị, để công tác thi đua khen thưởng góp phần thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngoài cùng, bên trái) và thành viên trong Khối thi đua tham dự Hội nghị |
Một số phong trào thi đua của các đơn vị trong Khối được triển khai hiệu quả trong 6 tháng đầu năm như: Phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; phong trào cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; xây dựng nội bộ cơ quan đoàn kết, vững mạnh; phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới ...
Các thành viên trong Khối thi đua tham dự Hội nghị |
Theo ông Hà Đình Nhã, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, Khối phó Khối thi đua, trong 6 tháng cuối năm 2023, Khối thi đua đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH), dự toán nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023; tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được phân cấp, uỷ quyền; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị trong Khối. Đặc biệt là động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay để lan toả tinh thần này sâu rộng đến các KCN, KCX, KKT trong toàn Khối thi đua.
Các thành viên trong Khối thi đua tham dự Hội nghị |
Để Hội nghị sơ kết thành công tốt đẹp, ông Nhã nhấn mạnh các thành viên trong Khối thi đua cần thảo luận tập trung vào những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT tại địa phương; đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm giải quyết công việc trong quá trình thực thi nhiệm vụ được phân cấp.
Các thành viên trong Khối thi đua tham dự Hội nghị |
Đẩy mạnh các phong thi trào thi đua, khen thưởng
Báo cáo về hoạt động cụ thể công tác thi đua khen thưởng trong 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Khối thi đua, ông Trịnh Thế Mạnh, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh đồng bằng Sông Hồng năm 2023 khẳng định, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của tình hình biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam, các đơn vị trong Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã hết sức cố gắng nỗ lực, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Cùng với đó là lãnh đạo Khối thi đua đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Khối tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động.
Ông Trịnh Thế Mạnh, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2023 trình bày báo cáo sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 |
Một số phong trào thi đua được triển khai hiệu quả trong các đơn vị Khối thi đua như: Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thi đua Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; xây dựng nội bộ cơ quan đoàn kết, vững mạnh; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới...
Triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX KKT
Ông Trịnh Thế Mạnh cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, Khối thi đua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hiệu quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, sự phối kết hợp của các sở, ngành liên quan trong các tỉnh, thành phố, cùng với sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của cả nước nói chung và tại các địa phương trong Khối thi đua nói riêng tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; cùng với việc các địa phương áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 giúp các Ban Quản lý phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan.
Các thành viên Ban tổ chức Hội nghị đến từ Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tham dự Hội nghị |
Phát huy hiệu quả những lợi thế trên, các đơn vị trong Khối đã cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT tại địa phương, nên đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển các KCN, KCX, KKT trên địa bàn quản lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH chung của địa phương.
Với những cố gắng lớn, tình hình thu hút đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023 tại các KCN, KCX, KKT của các địa phương trong Khối đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, cụ thể: Cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 207 dự án, gồm 161 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 46 dự án đầu tư trong nước (DDI); tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm của các đơn vị là: 4.93,1 triệu USD và 80.169,1 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị đạt kết quả nổi bật về thu hút đầu t là: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.
Tình tình phát triển các KCN, KCX, KKT tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 6/2023, tại các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng có 187 KKT, KCN, KCX được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích là 63.478,9 ha. Trong đó có 89 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 19.767,6 ha, số KCN đang xây dựng hạ tầng là 33 với tổng diện tích là 10.932 ha.
Các thành viên Khối thi đua đến từ Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tham dự Hội nghị |
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT tiếp tục duy trì ổn định, có tăng trưởng khá, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT cơ bản đạt so với kế hoạch năm.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN, KCX, KKT trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được như sau: Tổng doanh thu khối doanh nghiệp FDI đạt 370,69 tỷ USD; tổng doanh thu khối doanh nghiệp DDI đạt 74.010.519,4 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước: khối doanh nghiệp FDI đạt 2.406,6 triệu USD, khối doanh nghiệp DDI đạt 12.258,3 tỷ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT
Tại Hội nghị, đại diện các thành viên trong Khối thi đua đã phát biểu báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động và phát triển của các KCN, KCX, KKT tại địa phương; trong đó nêu bật những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay về thể chế, chính sách trong quá trình thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT (Nghị định số 35/NĐ-CP quy định về quản lý các KCN, KCX, KKT; các luật chuyên ngành trong lĩnh vực về môi trường, xây dựng, đất đai…), dẫn đến thực tế bộ máy các Ban Quản lý đang thiếu nhân lực, trong khi khối lượng công việc ngày một nhiều, do phát triển nhiều KCN nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức quản lý phải tăng thêm để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc; trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN (trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, đất đai…) bị ảnh hưởng bởi các luật chuyên ngành, nên việc cấp Giấy phép xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp, cấp Giấy phép về môi trường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của các Ban Quản lý.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị |
Đại diện các Ban Quản lý đến từ Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KCX, KKT tại các địa phương.
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó ban Quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT tại Hội nghị |
Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng, trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã khẳng định rõ vai trò, vị thế pháp lý của mình thông qua việc chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT (về thuế, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường, xây dựng...), đặc biệt là thường xuyên tham vấn Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về KCN, KCX, KKT. Đồng thời, luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của Ban Quản lý trong việc tham mưu cho lãnh đạo Thành phố xây dựng các chính sách phát triển KCN, KKT và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư (xây dựng KCN sinh thái; vấn đề nhà ở cho người lao động; chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…), và đã được lãnh đạo Thành phố đánh giá rất cao (nổi bật gần đây là Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã triển khai rất tốt nhiệm vụ phát triển KCN sinh thái và xây dựng nhà ở cho người lao động trong các KCN, cụm công nghiệp)
Hải Phòng đang đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thông qua các hình thức khuyến khích giao đất cho nhà đầu tư xây dựng ký túc xá, mời các doanh nghiệp vào xây dựng nhà ở xã hội; trong đó quy hoạch cả KCN và cụm công nghiệp thành một cụm nhà ở cho công nhân. Thông qua kinh nghiệm của Hải Phòng, ông Bùi Ngọc Hải cho rằng, để ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh và giải quyết được hiệu quả các khó khăn, vướng mắc trong các KCN, KCX, KKT, thì hơn hết các Ban Quản lý phải khẳng định được vai trò, vị thế “không thể thiếu” được của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT đối với lãnh đạo địa phương trong quá trình triển khai và thực thi các nhiệm vụ được phân cấp; cần chủ động chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan; nên thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại để hình thành chuỗi dự án phụ trợ đi kèm…
Góp ý về Báo cáo sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm2023 của Khối thi đua, ông Hải đề xuất nên có kết quả đánh giá các chỉ tiêu, đánh giá kết quả thực hiện giữa hai nhiệm kỳ của cấp uỷ để bình xét thi đua dễ dàng, khách quan.
Ông Vũ Quang Thắng, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công công tác quản lý và xây dựng hạ tầng tại các KCN tỉnh Hưng Yên |
Đồng quan điểm với đại diện Ban Quản lý KKT Hải Phòng, ông Vũ Quang Thắng, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên đã chia sẻ kinh nghiệm của Ban Quản lý trong việc triển khai thành công công tác quản lý và xây dựng hạ tầng các KCN tại Hưng Yên; trong đó triển khai tốt ký kết quy chế phối hợp với các ngành chức năng liên quan để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội cho biết, Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội đang học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình KCN sinh thái, mô hình doanh nghiệp hỗ trợ, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… nhằm tạo điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh với các địa phương trong khu vực có nhiều điểm tương đồng.
Ông Nguyễn Đức cao, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị |
Các thành viên Khối thi đua mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện Nghị định số 35/NĐ-CP để tạo sự đồng nhất giữa các địa phương, qua đó gắn kết các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn; có ý kiến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố để có chia sẻ, bổ sung thêm biên chế cho các Ban Quản lý, đưa các lãnh đạo Ban Quản lý có vai trò cao trong cấp uỷ của tỉnh, thành phố để nâng cao vai trò và vị thế của các Ban Quản lý, giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT được “khơi thông”, tạo động lực thúc đẩy phát triển các KCN, KCX, KKT trên địa bàn các địa phương trong Khối thi đua.
Ông Trần Mạnh Hiển, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị |
Phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của toàn Khối trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2023; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của Khối trong quá trình triển khai và thực thi nhiệm vụ chuyên môn.
Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị |
Bà Thu Hương cho rằng, càng khó khăn thì Khối thi đua càng cần quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực động viên khuyến khích cán bộ công chức, viên chức nỗ lực vượt khó, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao.
Theo bà Hương, cần phát động các phong trào thi đua yêu nước trong toàn Khối, cụm thi đua để tạo hiệu ứng tích cực động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong đơn vị có thành tích xuất sắc, tiêu biểu. Đồng thời chia sẻ tin vui, vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 15/6/2022 và có hiệu lực ngày 1/1/2024 với nhiều điểm mới đột phá, kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thục hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực thúc đẩy phát triểnKT-XH.
Về hoạt động phong trào của Khối, theo bà Hương, mỗi thành viên trong Khối thi đua có một đặc thù riêng nên các thành viên trong Khối thi đua cần thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm công tác để cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương bạn, từ đó áp dụng thực tế tại đơn vị. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Trưởng Khối, Phó Khối ngay từ những ngày đầu năm mới để công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của các thành viên trong Khối (chủ động đăng ký danh hiệu thi đua).
Bà Thu Hương nhấn mạnh, Khối thi đua cần quan tâm hơn nữa đến đời sống, việc làm của người lao động trong các KCN, KCX, KKT. Các chương trình hội nghị, hội thảo do Khối và các đơn vị thành viên tổ chức nên mời công đoàn các KCN của địa phương và công đoàn của các doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT tham dự để tạo hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn; từ đó có đề xuất các chính sách thiết thực quan tâm đối với người lao động. Mặt khác, bên cạnh công tác quản lý nhà nước các KCN, KCX, KKT, Khối thi đua cần thường xuyên tổ chức các hoạt động bề nổi để tạo sân chơi cho doanh nghiệp, tạo sự lan toả và gắn kết hơn nữa giữa các Ban Quản lý với các doanh nghiệp và người lao động trong KCN, KCX, KKT, qua đó động viên khuyến khích các doanh nghiệp tích cực vượt khó, duy trì ổn định và phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ví dụ như tổ chức hội thao và giao lưu văn nghệ giữa các KCN, KCX, KKT trong cùng địa phương và toàn Khối thi đua (bà Hương chia sẻ thành công của chuỗi sự kiện “Hội chợ triển lãm kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp gắn với Hội thao và giao lưu văn nghệ Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây nguyên - Duyên hải miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh năm 2023”, diễn ra từ ngày 6-8/7/2023 tại tỉnh Quảng Ngãi).
Song song với đó, Khối thi đua cũng cần thống nhất xây dựng và tổ chức các hội nghị chuyên đề để trao đổi, thảo luận, đảm bảo các nội dung gắn với các hoạt động chuyên môn cụ thể (trong các lĩnh vực: Lao động, môi trường, thu hút đầu tư, quy hoạch, cải cách hành chính…). Bà Hương thông tin thêm, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng kết 35 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các Ban Quản lý hoàn thiện các hồ sơ xét duyệt công tác thi đua khen thưởng.
Thẳng thắn nhìn nhận thực tế, bà Hương cho biết: Báo cáo sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2023 của Khối thi đua cho thấy khách quan do ảnh hưởng nghiêm trọng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn chính trị trên thế giới, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT trong Khối thi đua đang tăng trưởng âm. Vì vậy, Khối thi đua cần phát động các phong trào thi đua chuyên đề trong các Ban Quản lý và lan toả sâu rộng đến cả các doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT. Như vậy vừa động viên, vừa ghi nhận những thành tích vượt khó của các thành viên trong Khối và tạo động lực quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các thành viên trong Khối thi đua đã đạt được trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế đất nước.
Với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT ở Trung ương, ông Lê Thành Quân đánh giá khách quan các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các thành viên trong Khối thi đua. Ông cho rằng, các Ban Quản lý cần xem xét, nhìn nhận tổng thể về mô hình hoạt động của Ban Quản lý (cần hiểu rõ và hiểu đúng chức năng nhiệm vụ hoạt động của Ban Quản lý) để có giải pháp triển khai và thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất; cần chứng minh được vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý thông qua các hoạt động quản lý nhà nước của Ban (mà cụ thể là của các phòng chức năng trực thuộc Ban) để lãnh đạo tỉnh/thành phố và các ban, ngành chức năng trong tỉnh/thành phố tại địa phương hiểu và đánh giá cao năng lực chuyên môn và vai trò hết sức quan trọng của Ban Quản lý trong hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT.
Ông Quân nhấn mạnh, phát triển các KCN, KCX, KKT là “sứ mệnh” hết sức quan trọng của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT. Chức năng hoạt động của các Ban Quản lý đã được nêu cụ thể trong các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư). Do đó, nhiệm vụ của các Ban Quản lý là phải khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với các nhiệm vụ được phân cấp.
Ông Quân cho biết, việc tập trung xây dựng KCN, KCX, KKT nhằm đảm bảo giữ gìn môi trường, tạo quỹ đất sạch hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Vì vậy, Phòng Quản lý môi trường và các phòng chức năng của các Ban Quản lý cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này; cần chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc, những “nút thắt” trong các lĩnh vực này và đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các KCN, KCX, KKT.
Theo ông Quân, các phòng chức năng trong Ban cần phát huy cao vai trò hoạt động của mình; phối hợp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn được giao và trở thành “cánh tay nối dài” giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương với các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN, KCX, KKT.
“Các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do các tỉnh/thành phố và các ngành chức năng trong tỉnh/thành phố tổ chức nên tăng cường cử thêm các đồng chí lãnh đạo cấp phòng tham dự để tiếp thu các ý kiến, giải đáp những khó khăn, vướng mắc; kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý. Qua đó tạo được sự đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ lớn của lãnh đạo tỉnh//thành phố và các sở, ban, ngành trong tỉnh/ thành phố; đồng thời chứng minh được vai trò và sự cần thiết của Ban Quản lý trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong các KCN, KCX, KKT nói riêng”, ông Quân nhấn mạnh.
Kết thúc Hội nghị sơ kết, thay mặt Khối thi đua, Khối phó Khối thi đua Hà Đình Nhã phát biểu bế mạc Hội nghị. Ông Nhã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến phát biểu hết sức trọng tâm và sâu sắc của các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Khối thi đua đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai công tác thi đua, khen thưởng và các hoạt động quản lý nhà nước trong 6 tháng cuối năm đạt được nhiều kết quả khởi sắc hơn. Về các ý kiến, kiến nghị của các thành viên trong Khối thi đua phát biểu tại Hội nghị, ông Nhã cho biết ngay sau Hội nghị, lãnh đạo Khối sẽ bàn bạc, trao đổi, thống nhất để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT tại địa phương; góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động cuả các Ban Quản lý.
Các đại biểu và lãnh đạo các đơn vị trong Khối thi đua chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị |
Được biết, Hội nghị tổng kết Khối thi đua các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh đồng bằng Sông Hồng năm 2023 sẽ do Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, Khối trưởng Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2023 đăng cai tổ chức tại tỉnh Hà Nam./.
Bình luận