Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Trong đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các - bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Thu hút nguồn vốn ODA Nhật Bản để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Quảng Ninh
Các dự án ODA về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh được triển khai đã từng bước làm xanh, sạch, đẹp các khu du lịch của Quảng Ninh.

Nguồn vốn ODA đóng vai trò là công cụ chính sách đối ngoại - công cụ quan trọng nhất để duy trì quan hệ hợp tác. Viện trợ ODA từ lâu đã bao gồm tỷ lệ 70% viện trợ song phương và chỉ 30% viện trợ được chuyển qua các thể chế đa phương (Dadabaev, T. 2016). Bắt đầu từ năm 1954, ODA của Nhật Bản đã đóng góp cho sự phát triển của các quốc gia đối tác và tìm ra giải pháp cho các vấn đề mang tính quốc tế qua các thời kỳ. Các lợi ích của Nhật Bản chủ yếu là tập trung ở các nước châu Á, bởi khu vực này được coi là khu vực được Nhật Bản quan tâm hàng đầu. Vì thế, viện trợ ODA cũng chủ yếu được chuyển đến các nước châu Á (Togo, 2005). Việt Nam cũng là quốc gia thường xuyên nhận được tài trợ của ODA Nhật Bản. Nguồn vốn ODA đã tài trợ cho một số dự án tiêu biểu của Quảng Ninh, như: Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long với vốn đầu tư 143 triệu USD; Dự án xây dựng thể chế để thực hiện tăng trưởng xanh và tăng cường hệ thống quản lý môi trường nhằm bảo tồn bền vững Vịnh Hạ Long do JICA (Nhật Bản) tài trợ với tổng vốn trên 97.000 triệu đồng…

THỰC TRẠNG THU HÚT NGUỒN VỐN ODA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI QUẢNG NINH

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội, cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, điểm kết nối quan trọng của khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Ngoài ra, Quảng Ninh là điểm sáng về phát triển kinh tế, luôn là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh; tăng trưởng kinh tế của Tỉnh luôn ở mức ổn định trên 10%; thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 2 lần bình quân chung của cả nước; thu ngân sách đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước. Quảng Ninh là một trong ba tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, mối quan hệ giữa Quảng Ninh và Nhật Bản không ngừng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa, y tế... Tỉnh duy trì quan hệ hợp tác, trao đổi đoàn với một số tỉnh, thành phố của Nhật Bản, như: tỉnh Shizuoka, tỉnh Tottori, TP. Sakai (phủ Osaka), tỉnh Hokkaido. Trong đó, Quảng Ninh và tỉnh Tottori là thành viên của EATOF (Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á) cùng có các hoạt động hợp tác nằm trong khuôn khổ hợp tác chung giữa các tỉnh thành viên EATOF. Một số dự án, công trình sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trên địa bàn Tỉnh, như: Dự án cảng Cái Lân, dự án nâng cấp Quốc lộ 18A, dự án cầu Bãi Cháy, dự án bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long... đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển của Tỉnh. Đặc biệt, dự án xây dựng cầu Bãi Cháy với tổng nguồn vốn đầu tư 105 triệu USD đã nối liền hai bờ sông Cửa Lục, tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 18 và qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, có thể kể đến một số dự án, như: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ Đê Thôn 1, xã Hải Đông, TP. Móng Cái đã trồng được 88,1 ha (52,1 ha trồng mới và 36,0 ha trồng bổ sung); Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt với quy mô 1.444 ha (gồm: trồng rừng mới là 510 ha; trồng rừng bổ sung cải tạo phục hồi rừng chất lượng kém là 934 ha); Đến hết năm 2019, đã trồng được 855,64 ha (trồng mới 143,66 ha và trồng cải tạo, bổ sung, phục hồi rừng chất lượng kém 711,98 ha) đạt 59,25% so với tổng quy mô của dự án; Dự án nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn, huyện Vân Đồn trồng được 46,8 ha (bao gồm: trồng rừng mới là 26,8 ha; trồng rừng bổ sung là 20 ha); Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (vốn vay WB)… Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn...

Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình trồng mới, trồng bổ sung và khôi phục rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn toàn Tỉnh từ các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách tỉnh, kinh phí từ quỹ bảo vệ phát triển rừng với tổng diện tích là 3.315 ha, đã góp phần bảo vệ hệ thống đê, để gây dựng hệ thống sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ chắn sóng, chống sụt lún, tái tạo bãi bồi... ven sông, biển.

Quảng Ninh xác định cần nâng cao mức độ bảo vệ môi trường hơn nữa, nhất là môi trường Vịnh Hạ Long. Với sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan quốc tế, các quốc gia như Hoa Kỳ, gần đây nhất là Nhật Bản, tổ chức JICA đã hỗ trợ Quảng Ninh xây dựng và thực hiện (Bảng).

Bảng: Một số dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản

Tên dự án

Thời gian thực hiện dự án

Mục tiêu của dự án

Bảo vệ Môi trường vịnh Hạ Long

Tháng 3/2010 –tháng 02/2013

Nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường ở khu vực Hạ Long (khu vực vịnh Hạ Long và các vùng lân cận, khu vực Bãi Cháy, Cẩm Phả và Hoành Bồ) cho các cơ quan liên quan của tỉnh về công tác quan trắc và thanh tra môi trường, quản lý sử dụng đất, quy hoạch du lịch bền vững và giáo dục môi trường.

Hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên dựa vào cộng đồng ở vịnh Hạ Long

Tháng 10/2009 - tháng 10/2012

Nhằm nâng cao nhận thức cho các cộng đồng mục tiêu (dân cư làng chài) và chủ các tàu du lịch trong các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng một hệ thống tuần hoàn tài nguyên dựa vào những người dân địa phương ở khu vực vịnh Hạ Long

Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long

Giai đoạn 2015-2019

Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Quảng Ninh thông qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang xanh.

Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long

Tháng 3/2021 - tháng 6/2025

Bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long khỏi nguy cơ ô nhiễm do nước thải; giảm thiểu tình trạng ngập úng trong đô thị; cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt lĩnh vực kinh tế du lịch và thu hút đầu tư.

Dự án phổ biến công nghệ của các Công ty Nhật Bản trong lĩnh vực cải thiện môi trường sử dụng hệ thống Bio-Toilet “Bio Lux” và New Johka “Bio-Lux water”

Giai đoạn 2016-2020

Dự án góp phần mang lại lợi ích không chỉ cá nhân, khu vực được giới thiệu sử dụng hệ thống xử lý nước thải độc lập mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng. Cụ thể như: giảm lượng ô nhiễm được thải ra từ một thuyền là 20%; giảm mùi hôi trong phòng vệ sinh và cải thiện sự thoải mái khi sử dụng; sử dụng phân ủ an toàn với chi phí thấp giúp người nông dân có thể giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học; tạo ra nguồn thu nhập cho người dân từ việc bán giá thể đã qua sử dụng làm phân bón…

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đánh giá chung

Trong 5 năm (2015-2020), Tỉnh tiếp tục xúc tiến thành công các nguồn vốn hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, trong đó Nhật Bản vẫn là đối tác cung cấp ODA nhiều nhất thông qua việc tài trợ, hỗ trợ thực hiện các dự án. Nhờ có các nguồn lực nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết được một số vấn đề môi trường đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Tỉnh. Năm 2020, Chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh Quảng Ninh (bao gồm 3 chỉ số thành phần: Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, Chất lượng không khí và Chất lượng nước) đạt 4,96 điểm, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố và là 1 trong 8 chỉ số của Bộ chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) góp phần vào thứ hạng đứng đầu cả nước của tỉnh Quảng Ninh năm 2020.

Về cơ bản, các dự án được đánh giá vận hành tốt, có tác động tích cực đến các mặt về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái, người dân được hưởng lợi từ dự án và có những dự án đã được kết thúc từ 15-20 năm, nhưng vẫn đang được vận hành và sử dụng tốt. Điều này cho thấy, tính bền vững của các chương trình, dự án vay vốn ODA triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các dự án ODA về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh được triển khai đã từng bước làm xanh, sạch, đẹp các khu du lịch của Quảng Ninh; Góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, Tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình thu hút nguồn vốn ODA để thực hiện mô hình tăng trưởng xanh sau như:

Thứ nhất, thông tin về nguồn vốn ODA và cách tiếp cận vốn chưa thực sự rõ ràng, khó khăn cho việc khai thác và sử dụng. Đặc biệt, chưa khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các dự án ODA.

Thứ hai, thời gian chuẩn bị dự án và chuẩn bị thực hiện dự án kéo dài, bao gồm từ khâu đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký kết điều ước cụ thể về ODA thường mất khoảng từ 2-3 năm, dẫn đến việc dự án phải điều chỉnh thiết kế, thay đổi phương án thi công, công nghệ dự kiến, tổng mức đầu tư thay đổi do biến động về giá cả và chi phí giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, vẫn còn chậm trễ trong giải quyết các thủ tục, chậm thanh toán tại các dự án ODA.

GIẢI PHÁP THU HÚT NGUỒN VỐN ODA NHẬT BẢN NHẰM THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI QUẢNG NINH

Để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA Nhật Bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, thời gian tới, Quảng Ninh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể về vận động thu hút nguồn vốn ODA đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh...; Đồng thời, phổ biến sâu rộng đến các cấp, các ngành trong Tỉnh để phối hợp trong công tác vận động tài trợ, cũng như phát triển các mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, cần đa dạng hóa hình thức và các kênh xây dựng mối quan hệ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức đối tác trong và ngoài nước trong quá trình hợp tác.

Hai là, tỉnh Quảng Ninh cần có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm bằng sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Các cơ chế mới này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng vào Tỉnh.

Ba là, cần làm tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, đầu tư phát triển vốn tự nhiên. Quảng Ninh cũng cần tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin…

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương cần có cam kết rõ ràng và cụ thể về chỉ tiêu hoàn thành tiến độ giải ngân các dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; đồng thời gửi cam kết đó tới Bộ Tài chính để cùng giám sát thực hiện. Các chủ dự án về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh phải coi việc giải ngân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; Cơ quan chủ dự án có trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành kế hoạch giải ngân đã được Chính phủ giao.

Năm là, tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị sinh thái, cảnh quan; Vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế, bao gồm: tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác song phương và đa phương; tham gia các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh (2010-2020). Tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh các năm, từ năm 2010 đến 2020

2. Dadabaev, T. (2016). Japan’s ODA assistance scheme and Central Asian engagement: Determinants, trends, expectations, Journal of Eurasian Studies, 7(1), 24-38

3. Feasel, E. M. (2015). Japan’s Aid: Lessons for Economic Growth, Development and Political Economy, Oxson: Routledge

4. Momita, Y., and Matsumoto, T. (2018). Has ODA Contributed to Growth? An Assessment of the Impact of Japanese ODA, Japan and the World Economy

5. Togo, K. (2005). Japan’s foreign policy 1945-2003: the quest for a proactive policy, Leiden: Brill

Phạm Hồng Biên - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20, tháng 7/2021)