TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta còn thiếu đơn vị tiên phong “giữ lửa”, thúc đẩy cải cách
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025”, ngày 21/1/2021.
Đây là hội thảo trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
11 bài học kinh nghiệm trong cải cách môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2020
TS. Nguyễn Đình Cung, nhìn nhận, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới có một số thách thức như các vấn đề và lĩnh vực cải cách khó khăn, phức tạp hơn, dư địa để cải cách ngày càng hạn hẹp.
Trong khi đó, chúng ta còn thiếu đơn vị tiên phong “giữ lửa”, thúc đẩy cải cách, thiếu nguồn lực và hỗ trợ cần thiết từ các nhà tài trợ, thiếu các nghiên cứu có chất lượng bổ trợ cho các đề xuất giải pháp cải cách.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, từ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2020, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học giúp việc đề xuất các chính sách, giải pháp có hiệu quả hơn, định hướng của Chính phủ về việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định rõ.
Bài học số 1: Sử dụng xếp hạng toàn cầu, thông lệ quốc tế tốt; áp dụng linh hoạt theo bản chất và tinh thần, hơn là lời văn, phù hợp nhất với thực tiễn và yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia.
Bản chất của Doing Business (WB) là tạo thuận lợi, dễ dàng nhất có thể cho hoạt động đầu tư kinh doanh (điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành là những nội dung theo tinh thần bám sát yêu cầu và thực tiễn Việt Nam).
Đối với các xếp hạng khác, sử dụng các mục tiêu, chỉ số phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta.
Theo TS. Cung, tư duy cùng thời đại, tạo sức ép để thay đổi; đồng thời, giải quyết trúng, đúng các vấn đề thực tiễn của môi trường kinh doanh Việt Nam; vừa thăng hạng vừa tạo tác động thực tiễn lớn, hữu ích đối với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, thu hút sự ủng hộ, sự can dự của cộng đồng doanh nghiêp, tạo thêm sức ép cho sự thay đổi.
Bài học số 2: Kế thừa, phát triển, năng động, sáng tạo, phù hợp và nhất quán.
Đối với mỗi vấn đề hay lĩnh vực cũng như toàn bộ nội dung nghị quyết, thì các giải pháp vừa kế thừa, vừa phát triển (cả chiều rộng và chiều sâu) trong thời hạn đủ dài (từ 3-5 năm) để có thể tạo ra sự thay đổi khác biệt so với trước, tạo thuận lợi và tăng đáng kể mức độ dễ dàng đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
“Cách làm này vừa đảm bảo tính liên tục, nhất quán, vừa đảm bảo tính mới mẻ, tính năng động, tính sáng tạo và phù hợp trong từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp; và qua đó, làm cho nội dung nghị quyết luôn sống động, có sức sống để tạo động lực và áp lực cho thay đổi. Về hình thức, nghị quyết là hàng năm, nhưng mục tiêu, vấn đề và nhiệm vụ, giải pháp là trung hạn”, TS. Cung nói.
Bài học số 3: Khởi đầu gian nan, sự phản kháng luôn mãnh liệt, vì vậy, ông Cung cho rằng, phải có chỉ đạo liên tục (trực tiếp hoặc gián tiếp) của Thủ tướng, áp đặt từ trên xuống và liên tục có áp lực từ ngoài vào; khi có kết quả, hình thành động lực nội sinh (thuế, bảo hiểm, tiếp cận điện năng…).
Bài học số 4: Từ đơn giản đến phức tạp; từ rõ ràng, cụ thể đến ít rõ ràng, cụ thể nhưng phải tiếp tục hoàn thiện; tức là vừa làm, vừa phát triển, hoàn thiện đảm bảo đủ mức cụ thể, rõ ràng để thực hiện.
Bài học số 5: Phải có đánh giá độc lập, khách quan với sự tham gia các chuyên gia (vừa có lý luận, có thực tiễn và uy tín) và các hiệp hội doanh nghiệp…; đánh giá được kết quả đạt được, phát hiện và xác định được vấn đề, vướng mắc khó khăn của môi trường kinh doanh, đề xuất được giải pháp.
“Đây là chất liệu bổ sung, hoàn thiện và phát triển nội dung cho nghị quyết năm tiếp theo”, ông Cung chỉ rõ.
Vì nỗ lực này phải duy trì liên tục và phải có kết quả tương xứng, nên theo ông Cung, cơ quan đánh giá độc lập phải là người tiên phong, phải gắn chặt với ban soạn thảo, tạo niềm tin và sự sẵn sàng đóng góp của các bên có liên quan.
Bài học số 6: Bài học về đôn đốc, giám sát thực hiện… không chỉ là hành chính đầu việc, mà còn nội dung công việc.
Bài học số 7, về “ What works and what doesn’t work” (tạm dịch là cái gì cần làm, cái gì không cần làm).
Theo ông Cung, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà không có cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm hầu như không thể thực hiện được.
Bài học số 8: Phải có nguồn lực tổi thiểu đủ mức để: (i) huy động và sử dụng được đội ngũ chuyên gia độc lập (số lượng tùy thuộc vào quy mô, phạm vi và độ bao phủ của nghị quyết); (ii) khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan khác; (iii) thực hiện các nghiên cứu chuyên đề có liên quan; và (iv) soạn thảo báo cáo, hội nghị, hội thảo và truyền thông.
“Phương án tốt nhất là dự án hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện theo phương thức quốc gia điều hành”, vị chuyên gia này đề xuất
Bài học số 9: Về đối xử và quan hệ với truyền thông: Quan điểm truyền thông, báo chí rất đa dạng, rất khác nhau; bị chi phối khá mạnh bởi các các nhóm lợi ích liên quan đến vấn đề, lĩnh vực cải cách. Ngay cả một cơ quan báo chí cũng đưa tin không nhất quán về vấn đề chính sách đang thảo luận.
“Bài học ở đây là tập hợp được các phóng viên có kinh nghiệm, (uy tín), có thiên hướng cải cách và thúc đẩy cải cách; đưa tin theo kiểu case study thường có hiệu ứng tốt. Nên có bộ phận truyền thông chuyên trách?”, ông Cung gợi ý.
Bài học số 10: Theo ông Cung là phải có bộ phận thường trực, chuyên trách về soạn thảo, theo dõi, đánh giá, báo cáo và liên tục hoàn thiện nôi dung và cách thực tổ chức thực hiện.
Bài học cuối cùng, ông Cung chỉ rõ, là các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nổ lực cải cách không tiếp tục được duy trì thường xuyên và đủ mạnh…
Cần thay đổi phương thức quản lý về ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vẫn chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Đó cũng là những điểm nghẽn của sự phát triển kinh tế.
“Cần có định hướng rõ ràng từ trên xuống, các nước làm được thì ta làm được!”, ông Đậu Anh Tuấn phát biểu: “Các nước làm trước cho thấy sự thuận lợi, tại sao Việt Nam lại muốn làm khác?! Vì muốn khác đi, nên mới nảy sinh khó khăn và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện, điểm nghẽn cũng theo đó xuất hiện nhiều lên”.
“Văn hóa thực thi ở mình chưa cao, khoảng cách giữa lời nói và hành động còn xa nhau. Suy cho cùng, kết quả của cải cách là người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi. Nếu để các bộ ngành tự đánh giá thì luôn tốt! Đó chỉ là cải cách trên tivi, cải cách hình thức trong phòng họp”,ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh ở cải cách thể chế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, luật pháp không phải để quản lý xã hội mà là giải quyết các vấn đề xã hội nhằm thúc đẩy xã hội phát triển thịnh vượng hơn, công bằng hơn, văn minh hơn…
Văn bản quy phạm pháp luật cần linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển.
“Không nhất thiết phải đầy đủ và toàn diện; không nhất thiết phải có hàng chục, hàng trăm điều khoản; mà chỉ cần đủ để giải quyết một hoặc một số vấn đề đang cản trở quá trình phát triển xã hội”, ông Cung lưu ý
Quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải liên tục, hàng ngày; linh hoạt và thích ứng với yêu cầu phát triển; không thể làm luật, lập quy theo lối xuân thu nhị kỳ và thiếu chuyên nghiệp như hiện nay.
Tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định về điều kiện kinh doanh; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách toàn diện, thuận lợi hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và dịch vụ số.
“Tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức hạn chế, làm thui chột tự do kinh doanh (phát hiện, nhận biết qua rà soát quy định pháp luật, áp dụng và thực thi luật pháp, và cả trong soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật)”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.
Ông cũng đề nghị xem xét, sửa đổi căn bản chế độ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (nhất là chế độ thanh tra chấp hành pháp luật theo kế hoạch); bãi bỏ chế độ kiểm tra doanh nghiệp.
Tiếp tục cải cách, cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân và doanh nghiệp.
Cải cách thể chế về quyền tài sản, tập trung vào các khâu đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, xử lý tài sản thế chấp ngân hàng, thủ tục phá sản.
Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, nâng cao hiệu lực thi hành án trong lĩnh vực dân sự, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng. Và các chỉ số khác.
Đặc biệt, ông Cung cho rằng, cần sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, giải quyết các vấn đề sau đây:
- Xác định quyền sử dụng đất nông nghiệp là tài sản, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí.
- Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn.
- Bãi bỏ các giới hạn về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
- Tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.
- Khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp.
- Phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất./.
Bình luận