Triển vọng sáng sủa, song vẫn đáng lo

Mở đầu báo cáo, HSBC cho rằng, với tất cả những bất ổn đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam dường như đang đứng ngoài với các dòng tin tức và chỉ số kinh tế lạc quan hơn. Bất chấp những lực trì kéo, hoạt động xuất khẩu trong tháng 6 đã tăng 18% so với năm ngoái và đưa mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt gần 10%.Tăng trưởng tín dụng cũng đã tăng 17% so với năm ngoái nhờ vào nhu cầu đang dần cải thiện.

Triển vọng kinh tế Việt Nam thêm phần sáng sủa khi cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng. Ngày 29/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã ký ban hành luật về Quyền xúc tiến thương mại (TPA) cho thấy các cuộc đàm phán đối với Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ kết thúc trong những tháng tới. Đối với Việt Nam, đây là một tín hiệu tích cực khi trước giờ vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Song, câu hỏi được các chuyên gia của HSBC đặt ra là liệu Việt Nam có thể tiến xa hơn những thành công đang được gặt hái dễ dàng nhờ vào việc sử dụng nguồn lao động giá rẻ để tăng trưởng?

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình cổ điển: sử dụng lợi thế cạnh tranh của một quốc gia về yếu tố cường độ sản xuất và nguồn lực tự có để nổi trội trong hoạt động giao thương quốc tế. Nguồn lực rõ ràng của nền kinh tế Việt Nam là: chi phí nhân công lao động giá rẻ và quỹ đất canh tác dồi dào.

Mặc dù Việt Nam có dân số ít hơn so với Philippines, nhưng lực lượng lao động của Việt Nam lại lớn hơn, chỉ đứng thứ hai sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Khoảng 70% dân số vẫn còn ở các vùng nông thôn làm nông nghiệp tự cung tự cấp.

Tỷ lệ độ tuổi phụ thuộc của Việt Nam giảm mạnh và sẽ ở mức thấp trong hai thập niên tới. Điều này kết hợp với tăng trưởng dân số độ tuổi lao động khá tích cực cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi thông qua lợi thế cạnh tranh tương đối từ góc độ chi phí lao động, đặc biệt là khi so với các quốc gia khu vực Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc).

Lợi thế so sánh này chắc chắn đã được lưu ý khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI rất mạnh mẽ và bền vững. Ở khu vực châu Á đang nổi, Việt Nam chiếm thị phần FDI so với GDP cao nhất, hỗ trợ cho dòng vốn của mình nằm trong những nước có tính bền vững nhất. Các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu tham gia đầu tư ở các lĩnh vực “màu mỡ” trong khu vực sản xuất để tận dụng lợi thế về chi phí lao động tương đối, đặc biệt là đối với các ngành cần nhiều lao động.

Sản lượng trung bình tăng mạnh trong khi chỉ số PMI đạt mức trung bình 53,5 điểm.

“Dù cho nhu cầu bên ngoài trì trệ trong tháng 6, chúng tôi vẫn tin rằng sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam sẽ tăng trưởng trong những tháng tới khi chỉ số hàng đầu đơn hàng mới trừ đi hàng tồn kho vẫn tăng mạnh”, các chuyên gia HSBC nhận định.

Song, cần phải thấy rằng, Việt Nam có mức tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong vài năm gần đây đơn giản thông qua việc tận dụng nguồn lao động ở khu vực nông thôn cho các công việc sản xuất đơn giản.

“Điều này có nghĩa rằng, trong khi có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc cần cù ở những cánh đồng và nhà máy, họ đang không sản xuất nhiều giá trị sản lượng như các nhân công lao động khác ở trong khu vực ASEAN”, các chuyên gia của HSBC đánh giá.

Doanh nghiệp “nội” đang mất dần năng lực cạnh tranh

Một thực tế đáng buồn là hiện nay, phần lớn tăng trưởng xuất khẩu đều do các doanh nghiệp nước ngoài dẫn dắt.

Các doanh nghiệp trong nước không thể tận dụng nguồn lực chi phí lao động sẵn có của Việt Nam. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực tăng trưởng thị phần của mình trên thị trường toàn cầu.

“Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả, đặc biệt là do các doanh nghiệp nhà nước và nguồn cung dư thừa trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp nội địa”, báo cáo nêu nhận định.

Kết quả là quỹ đạo thay đổi, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài do phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, có sự hỗ trợ về kỹ thuật tốt hơn và được hưởng ưu đãi thuế đã có kết quả hoạt động tốt hơn hẳn. Hoạt động của các doanh nghiệp trong nước ngày một suy giảm và có đóng góp tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu.

Khối doanh nghiệp bhà nước mặc dù hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn được phân bổ nguồn vốn khá lớn. Mặc dù tỷ lệ giảm liên tục từ đầu những năm 2000 thì phần chia cho khối này vẫn luôn là khoảng 40%. Trong khi đó tỷ lệ sản lượng của khối quốc doanh đã giảm đều, với phần tăng tới từ khối nước ngoài và tư nhân.

“Điều này về cơ bản có ý nghĩa là trong khi khối quốc doanh nắm giữ một phần đáng kể về đầu tư từ nhà nước thì sản lượng sinh ra ít hơn trong suốt thời gian qua”, báo cáo nêu rõ.

Nới “room” khối ngoại: Quyết định đúng đắn

Vào ngày 29/6/2015, cùng ngày với việc Tổng thống Obama ký ban hành Quyền xúc tiến thương mại TPA, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông báo trên trang web của mình rằng họ sẽ tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài 49% ở đa số các lĩnh vực và điều này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9/2015. Những lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng vẫn sẽ duy trì sở hữu nước ngoài ở mức trần 30%. Chưa có thông tin cụ thể về các lĩnh vực trọng yếu nào cùng với ngân hàng sẽ duy trì mức trần cũ này.

Các chuyên gia HSBC nhìn nhận, nghị định này là một bước đi đúng hướng, nhưng việc vẫn còn thiếu các chi tiết cụ thể, cũng như việc duy trì trần sở hữu đối với lĩnh vực ngân hàng cho thấy tiến độ cải cách vẫn còn diễn ra khá chậm.

Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) có mức vốn hoá thị trường khoảng 49 tỷ USD trong khi sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ớ mức 6 tỷ USD, tổng cộng hợp thành 55 tỷ USD cho cả nước. Ở sàn HSX, các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức trần 30% hiện đang chiếm 23%. Điều này có nghĩa rằng lĩnh vực được lợi khi có tự do hoá thêm nữa để nâng cao quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động là không giới hạn.

Cùng với đó, các lĩnh vực được áp dụng sở hữu trần 49% có thể sẽ không có khả năng bán cho khối nước ngoài khi Nhà nước đang nắm giữ gần như 100% kiểm soát (ví dụ như mã BID của Ngân hàng BIDV và GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam). Ở sàn HSX, các doanh nghiệp có chủ sở hữu nhà nước hơn 50% đang chiếm 36% tổng nguồn vốn hoá thị trường.

“Chúng tôi tin rằng các yếu tố đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới sẽ là thương mại nhờ vào các thoả thuận thương mại quan trọng như TPP và nguồn lực chi phí lao động. Những nguy cơ lớn nhất sẽ xuất phát từ chính Việt Nam khi việc phân bổ các nguồn lực thiếu hiệu quả sẽ khiến cho năng suất suy yếu dần và khiến Việt Nam rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình thấp”, các chuyên gia của HSBC nhận định.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy thoát ra khỏi điều này là khó có thể và đòi hỏi những nỗ lực tích cực để thúc đẩy đầu tư hiệu quả cho dù có ở đầu tư cơ sở hạ tầng phần cứng hay mềm./.