Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình nỗ lực phát triển các KCN
Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty Nissin Manufacturing Việt Nam tại KCN Lưong Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và tại các KCN trên địa bàn nói riêng, tuy nhiên với sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong Tỉnh, đặc biệt là tinh thần quyết tâm vượt khó của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình (Ban Quản lý) và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn, vì vậy công tác phát triển các KCN của Tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, 100% các chỉ tiêu phát triển các KCN năm 2021 đều đạt và vượt so chỉ tiêu UBND Tỉnh giao và so với kế hoạch đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các KCN được duy trì ổn định; công tác phòng chống dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả, trong năm 2021 chưa để xảy ra tình trạng dịch bệnh lây lan, mất kiểm soát tại các KCN.
Triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình Chu Văn Thắng kiểm tra tình hình đầu tư hạ tầng tại KCN Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Công tác cải cách hành chính, đặc biệt cải cách các thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh. Trong năm, Ban đã tiếp nhận và giải quyết 104 hồ sơ, trong đó 100% được giải quyết trước và đúng hạn theo quy định.
Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng được triển khai hiệu quả đúng theo quy định của pháp luật. Ban đã chủ trì, tham mưu xây dựng, trình UBND Tỉnh Chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; sửa đổi một số quy định, quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; tham mưu hoạt động có hiệu quả Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, CCN của Tỉnh. Ngoài ra, Ban Quản lý đã phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì tham mưu xây dựng, trình ban hành một số đề án của Tỉnh, trong đó có lĩnh vực phát triển các KCN của Tỉnh; triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số KCN: Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh, Bờ Trái Sông Đà.
Triển khai thực hiện 05 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo đúng kế hoạch, dự kiến đến 31/12/2021 giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao;
Cùng với đó, lĩnh vực quản lý doanh nghiệp được Ban Quản lý quan tâm chú trọng. Để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định và tăng trưởng, Ban Quản lý đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ thực hiện dự án trong các KCN; ban hành Kế hoạch và tổ chức làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh tổ chức hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; triển khai thực hiện các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; rà soát, đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19…
Tình hình an ninh kinh tế chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường tại các KCN được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự và giữ gìn môi trường an toàn, trong sạch trong các KCN. Năm 2021 Ban Quản lý đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập và ra mắt 02 Đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành KCN Lương Sơn, KCN Bờ Trái Sông Đà nhằm tăng cường, phát huy và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại các KCN của Tỉnh.
Lĩnh vực quản lý lao động được đặc biệt quan tâm sát sao, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến khó lường. Phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bênh Covid-19, Ban Quan lý đã kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phòng, chống dịch Covid -19 trong các KCN, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh, các KCN hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.
Năm 2021 Trung tâm Phát triển hạ tầng và dịch vụ KCN là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý đã thực hiện các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, với doanh thu từ công tác này đạt 1,25 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước 100 triệu đồng; bước đầu đáp ứng được nhu cầu hoạt động của đơn vị, làm cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện phương án tự chủ 100% kinh phí hoạt động từ năm 2022.
Các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hiệu quả
Nhà máy của Công ty Nissin Manufacturing Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại KCN Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Năm 2021, hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các chỉ tiêu về phát triển các KCN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Năm 2021, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút 08 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,5 triệu USD và 315,85 tỷ đồng, trong đó 01 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 6,5 triệu USD và 07 dự án DDI với tổng vốn đăng ký là 315,85 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 05 dự án, trong đó có 01 dự án FDI tăng 04 triệu USD và 04 dự án DDI tăng 88,9 tỷ đồng
Tổng số dự án đầu tư vào các KCN của Tỉnh đến nay là 103 dự án, trong đó 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 528,1 triệu USD và 76 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 11.084,45 tỷ đồng.
Các KCN tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư đạt 100 ha, tăng 400% so với năm 2020, đạt 100% so với kế hoạch; Tỷ lệ trung bình lấp đầy diện tích các KCN đạt 25,08 ha, tăng 1,99% so với năm 2020, đạt 100% so với kế hoạch; Tỷ lệ các KCN có chủ đầu tư hạ tầng đạt 50% (4/8 KCN), tăng 33,3% so với năm 2020, đạt 100% so với kế hoạch; Tỷ lệ các KCN được đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đạt 50% (4/8KCN), tăng 33,3% so với năm 2020, đạt 100% so với kế hoạch; Tỷ lệ các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 60% (3/5 KCN), đạt 100% so với kế hoạch.
Năm 2021, các doanh nghiệp KCN đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu đạt 17.989 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020; tăng 13,9% so với kế hoạch; Giá trị xuất khẩu đạt 690 triệu USD, tăng 7,8% so với năm 2020; tăng 11,2% so với kế hoạch; Nộp ngân sách nhà nước đạt 250 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; đạt 100% so với kế hoạch.
Triển khai nhiều giải pháp quan trọng phát triển các KCN
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình, năm 2022 Ban xây dựng một số chỉ tiêu chủ yếu cần thực hiện, cụ thể như sau:
(1) Thu hút 10 dự án đầu tư mới vào các KCN trên địa bàn.
(2) Tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư đạt 100 ha; Tỷ lệ trung bình lấp đầy diện tích các KCN đạt 27,08 ha; Tỷ lệ các KCN có chủ đầu tư hạ tầng đạt 75%.
(3) Tỷ lệ các KCN được đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đạt 62,5%.
(4) Tỷ lệ các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 66,6%.
(5) Các doanh nghiệp KCN phấn đấu: Doanh thu đạt 19.600 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 720 triệu USD; Nộp Ngân sách nhà nước đạt 255 tỷ đồng.
Để đạt được các chỉ tiêu chủ yếu trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình cho biết cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào 06 nhóm giải pháp sau:
Một là, tham mưu ban hành, hoàn thiện thể chế, chính sách,...liên quan đến phát triển các KCN của Tỉnh như: Tham mưu UBND Tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đất đai trong quy hoạch, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng tại các KCN của Tỉnh; dự thảo Báo cáo và Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh kết quả 05 năm thực hiện Kết luận số 76-KL/TU ngày 08/8/2017; 03 năm thực hiện Kết luận số 246-KL/TU ngày 29/9/2019 của Ban của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XVI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/5/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020 theo nội dung Chương trình số 07-CTr/TU ngày 13/12/2021 của Tỉnh ủy về Công tác trọng tâm năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Tham mưu cho UBND Tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2030...
Hai là, thu hút đầu tư; đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Cụ thể, tham mưu hoạt động có hiệu quả của Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trong đó tập trung thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch.
Ba là, hoàn thiện, sắp xếp tổ chức máy của Ban Quản lý sau khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Theo đó, triển khai việc xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy; xây dựng trình UBND Tỉnh quyết định về quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN có Nghị định mới thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, Ngành. Ổn định tổ chức bộ máy cơ quan; phân công chức năng nhiệm vụ các phòng; phân công cán bộ, công chức, viên chức, lao động theo đúng cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm; Lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyển dụng viên chức theo Đề án cơ cấu tổ chức bộ máy được phê duyệt; triển khai thực hiện phương án tự chủ kinh phí hoạt động của đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Bốn là, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp với công đoàn các KCN
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, các phòng xây dựng nhiệm vụ trọng tâm; các nhiệm vụ, giải pháp đột phá đối với từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, trong đó bám sát các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh giao để đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tổ chức thực hiện.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp với Công đoàn các KCN trong công tác vận động thành lập mới công đoàn cơ sở; xây dựng, phát triển đoàn viên; chăm lo, xây dựng đội ngũ công nhân KCN, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức, tác phong lao động công nghiệp; tăng cường các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho công nhân, lao động trong các KCN của tỉnh.
Năm là, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp: Thực hiện tốt việc quản lý, vận hành một số công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; thực hiện có hiệu quả và đa dạng các loại hình dịch vụ; chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị có chức năng tư vấn dịch vụ, nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị. Phấn đấu doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 100 triệu đồng/năm, đảm bảo tiền lương và các khoản đóng góp cho người lao động. Thực hiện việc tuyển dụng viên chức theo Đề án được phê duyệt (tối thiểu18 biên chế); tổ chức thực hiện phương án tự chủ kinh phí hoạt động của đơn vị.
Sáu là, tham mưu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kế hoạch- tổng hợp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và công tác khác, cụ thể:
Tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát, kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phong cách làm việc chuyên nghiệp và thân thiện, tạo môi trường hợp tác cởi mở với nhà đầu tư; thực hiện tốt Quy chế văn hóa nơi công sở; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở.
Thực hiện ban hành đúng, đầy đủ, kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch thuộc các lĩnh vực công tác; thường xuyên rà soát, kiểm tra; đôn đốc tổ chức thực hiện để hoàn thành các kế hoạch; duy trì và thực hiện tốt công tác tổng hợp, báo cáo thuộc các lĩnh vực: chuyên môn, cải cách hành chính, quy chế dân chủ, phòng chống tham nhũng,...đúng hạn, đúng quy định.
Thường xuyên rà soát, có phương án sắp xếp, đào tạo cán bộ trong cơ quan nâng cao về mặt chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; sắp xếp bố trí công chức, viên chức, lao động phù hợp với năng lực, sở trường, đúng vị trí việc làm.
Thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các phòng, công chức, viên chức,lao động; thưc hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong việc: kê khai tài sản thu nhập, xét nâng lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật trong cơ quan; hạn chế tối đa việc đánh giá chung chung, cào bằng, làm giảm tinh thần, ý chí phấn đấu của cán bộ trong cơ quan.Thực hành tiết kiệm trong việc chi tiêu ngân sách nhà nước, mua sắm và sử dụng tài sản công; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; giải quyết kịp thời những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền./.
Bình luận