Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẩn trương chuẩn bị kịch bản, chương trình và công tác hậu cần để Diễn đàn được tổ chức trang trọng, hiệu quả, thiết thực.
kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2020 được tổ chức vào ngày 11/12/2020
Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1.014 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác. Đến tháng 6/2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% hợp tác xã), thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện.
Hệ thống Liên minh hợp tác xã (bao gồm Liên minh hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh) đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực; công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số bất cập…
Hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa thống nhất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn.../.
Bình luận