Điểm nhấn phát triển các KCN, KKT Việt Nam

Năm 2018, tình hình xây dựng và phát triển của các KCN, KKT tại Việt Nam cũng như tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT tiếp tục đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, điểm nhấn thành công là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng mô hình KCN, KKT mới (KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ).

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KCN, KKT năm 2018 tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP và được thay thế bằng Nghị định số 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2018, trong đó tuân thủ chặt chẽ các điều kiện mở rộng, thành lập mới KCN, KKT, thường xuyên rà soát quy hoạch và thắt chặt việc thành lập mới và bổ sung quy hoạch các KCN, KKT.

Năm 2018 (đến tháng 11/2018), cả nước có 3 KCN được thành lập mới và quyết định chủ trương đầu tư, mở rộng 02 KCN và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 01 KCN.

Tính đến hết tháng 11/2018, trên địa bàn cả nước có 17 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 846 nghìn ha và 328 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 94 nghìn ha (trong đó có 249 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng). Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53%; riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.

Về thu hút đầu tư nước ngoài: Các KCN, KKT Việt Nam thu hút được được khoảng 910 dự án FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 17,3 tỷ USD. Lũy kế đến cuối tháng 11/2018, các KCN, KKT thu hút được 8.810 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 187,3 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 59%.

Về thu hút đầu tư trong nước: Các KCN, KKT thu hút được 810 dự án DDI đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 89.500 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến cuối tháng 11/2018, các KCN, KKT thu hút được 8.990 dự án DDI, với tổng mức đầu tư đạt 1.889.500 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.

Một số dự án lớn đăng ký đầu tư trong các KCN, KKT năm 2018 là: Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam (1,201 tỷ USD) tại KCN Cái Mép; Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (550 triệu USD) tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng...

Không chỉ quan tâm đến phát triển các KCN, KKT, các cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT từ Trung ương đến địa phương và các chủ đầu tư KCN, KKT còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT. Hiện nay, trong số 249 KCN đã đi vào hoạt động, 88% có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đạt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao; 12% KCN còn lại đảm bảo từng doanh nghiệp thứ cấp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo nhà nước khai trương chuyến bay đầu tiên tại Cảng HKQT Vân Đồn– KKT Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh vào ngày 30/12/2018

Song hành với thành công trong xây dựng và phát triển các KCN, KKT; năm 2018 các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN, KKT hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả, với các chỉ tiêu chủ yếu đạt được: Tổng doanh thu đạt khoảng 190 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng130 tỷ USD, đóng góp gần 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 7% so với năm 2017); đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 120 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017.

Một điểm nhấn nổi bật về công tác xây dựng cơ chế, chính sách cho các KCN, KKT, đó là: Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT, thay thế Nghị định 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP. Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về một số mô hình KCN mới (như: KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN đô thị dịch vụ) nhằm tạo điều kiện cho các mô hình này phát triển.

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về KCN, KKT

Được biết năm 2019, Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KKT ở Trung ương (bao gồm khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình khu kinh tế tương tự khác, trừ khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao) sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp cả nước triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn vào KCN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực đã thu hút được và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT; hỗ trợ thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, cụ thể: Phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý KCN, KKT, công ty phát triển hạ tầng KCN đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT; chủ động tiếp cận, kết nối với các đối tác đầu tư lớn, đặc biệt là các dự án qui mô lớn của các Tập đoàn đa quốc gia.

Vụ Quản lý sẽ tham gia một số cuộc họp, hội thảo với các Ban quản lý KCN, KKT và một số chủ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các KCN, KKT.

Thông qua những cuộc họp này, Vụ Quản lý các Khu kinh tế sẽ kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, điều hành của các KCN, KKT để có phương án đề xuất kịp thời hướng chỉ đạo điều hành; chia sẻ những thông tin, cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao tính liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT ở cấp Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng nâng cao vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thúc đẩy hoạt động của các KCN, KKT. Tiếp tục phối hợp với UNIDO triển khai Dự án KCN sinh thái. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho CBCC-VC của các Ban quản lý KCN, KKT trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KCN, KKT./.