Cơ hội và lợi thế đầu tư vào các KCN tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk tăng tốc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị (thứ tư từ bên trái qua) và Trưởng ban Quản lý các KCN Tỉnh Phạm Văn Tịch (thứ ba từ bên phải vào) kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong KCN Hòa Phú

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên (phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà; phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông; phía Tây giáp Campuchia); là Tỉnh giàu tiềm năng, có điều kiện tự nhiên và thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế- xã hội.

Bên cạnh thế mạnh lớn về phát triển nông nghiệp với quy mô lớn hàng đầu của cả nước (cả về diện tích canh tác, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu), Đắk Lắk còn có tiềm năng lớn để phát triển các cây công nghiệp (cà phê, cao su, gỗ…). Sắp tới khi các con đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh lên các tỉnh Tây Nguyên được xây dựng sẽ càng tạo thêm nhiều cơ hội để Đắk Lắk mở rộng thu hút các nhà đầu tư vào Tỉnh.

Thực tế hiện nay sự phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Do vậy, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh xác định phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp là một trong các nhiệm vụ quan trọng cần tập trung quan tâm ưu tiên hàng đầu. Qua đó có thể tận dụng khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của điạ phương cho phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp cơ khí chế tạo sửa chữa (phục vụ sản xuất nông, lâm, nghiệp) trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp.

Với những cố gắng vượt bậc và quyết tâm cao của các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn Tỉnh có KCN Hòa Phú đã và đang hoạt động đầu tư khá hiệu quả; ngoài ra KCN Phú Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng (với tổng diện tích hơn 338 ha, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng).

Nỗ lực “kéo” dòng vốn FDI vào KCN

Đắk Lắk tăng tốc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Sản phẩm thép trong KCN Hòa Phú

Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk (Ban Quản lý) được UBND Tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn. Nhận thức được vai trò và trách nhiệm quan trọng đó, cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý đã luôn cố gắng nỗ lực, đồng sức đồng lòng, quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt Ban chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào KCN Hòa Phú, đồng thời tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong KCN.

Ngay từ đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN; song Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk đã chủ động chỉ đạo triển khai sâu sát các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và chương trình xúc tiến đầu tư trong năm nói riêng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong KCN.

Trong quá trình thực hiện đầu tư tại KCN Hòa Phú, các doanh nghiệp luôn được Ban Quản lý tạo mọi điều kiện về cung cấp đầy đủ các thông tin, chính sách, thủ tục đầu tư để doanh nghiệp nắm bắt, triển khai dự án nhanh chóng và thuận lợi nhất; qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư ngày một khởi sắc hơn.

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quan tâm đến việc thực hiện dự án đầu tư trong KCN Hòa Phú như: Công ty Cổ phần Tae Kwang Vina Industrial, Công ty TNHH Lotte Confectionery, Công ty TNHH Bamboo Nông nghiệp (trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital Group BCG)…; trong đó Công ty cổ phần Tae Kwang Vina Industrial đang thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng, tương đương 22 triệu USD, dự kiến khi Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 người lao động.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 03 dự án, với tổng mức đăng ký đầu tư khoảng 54 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, trong KCN Hòa Phú có 54 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng (trong đó: 37 dự án đang hoạt động; 04 dự án tạm ngừng hoạt động; 09 dự án đang đầu tư xây dựng, vận hành sản xuất thử; 04 dự án đang hoàn thiện thủ tục).

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, với trách nhiệm của Ban Quản lý và trên cơ sở chỉ đạo của UBND Tỉnh, Ban Quản lý đã khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện công tác đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN.

Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị và ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 với Ban Quản lý; Trong quá trình hoạt động sản xuất phải chấp hành nghiêm việc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế “ khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tập trung, khai báo y tế”. Khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị sẳn sàng thực hiện phương án 3 tại chỗ “ăn tại chỗ, ở tại chỗ, làm tại chỗ”; hoặc thực hiện “một cung đường hai điểm đến” vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất cho doanh nghiệp; Ban giám đốc, tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp luôn động viên công nhân, người lao động luôn an tâm, sẳn sàng tâm lý để thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của cơ quan chức năng; Phải ký cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động, các đơn vị cung cấp dịch vụ… trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, Ban quản lý đã giám sát chặt chẽ số công nhân sống trọ rải rác trên địa bàn xã Hòa Phú. Mục tiêu kép là thực hiện sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn về tính mạng, an ninh trật tự và thu nhập đời sống, việc làm ổn định. Kết quả, đến nay qua các đợt dịch bệnh Covid -19 bùng phát, tại KCN Hòa Phú chưa ghi nhận có ca mắc Covid-19.

Tính từ đầu năm đến tháng 8/2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN Hòa Phú vẫn tiếp tục đi vào ổn định và phát triển, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.241 tỷ đồng; thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước ước đạt 168 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, có thể thấy mặc dù Đắk Lắk mới chỉ có 01 KCN đang hoạt động, nhưng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Hy vọng với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao của tập thể Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk, Công ty PTHT KCN Hòa Phú và các doanh nghiệp trong KCN, tình hình thu hút đầu tư và phát triển KCN của Tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhiều dấu ấn mới, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh lên một tầm cao mới./.