TS. Phạm Thị Thùy Vân

ThS. Trương Thị Nhung

Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Email: pttvan@uneti.edu.vn

Tóm tắt

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ hiện nay, việc công bố thông tin báo cáo phát triển bền vững (PTBV) ngày càng được các doanh nghiệp xem trọng, đặc biệt là những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) và/hoặc hoạt động trong các ngành/lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm ngành nghề kinh doanh, bài viết xây dựng và tiến hành kiểm định mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo PTBV tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam, bao gồm 5 nhân tố: Khả năng sinh lời; (2) Đặc điểm ngành nghề kinh doanh; (3) Khả năng tăng trưởng; (4) Quy định pháp lý và (5) Quy mô doanh nghiệp. Qua đó, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo PTBV trong thời gian tới.

Từ khóa: công ty nhựa niêm yết, báo cáo phát triển bền vững, cách mạng số

Summary

In the current boom of the Industrial Revolution 4.0, the disclosure of sustainable development reports is increasingly important for businesses, especially those listed on the stock market, and/or operating in industries/fields that have a great impact on the environment. Based on the study of business characteristics, this article builds and conducts a model of factors affecting the disclosure of sustainable development reports at listed plastic companies in Vietnam, including 5 factors: (1) Profitability; (2) Business characteristics; (3) Growth potential; (4) Legal regulations; and (5) Enterprise size. On that basis, the author proposes several recommendations to encourage enterprises to disclose sustainable development reports in the coming time.

Keywords: listed plastic companies, sustainable development reports, digital revolution

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, việc công bố báo cáo PTBV ngày càng được các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin minh bạch về các vấn đề môi trường và xã hội của các cổ đông, nhà đầu tư. Ở các nước đang phát triển nói chung và ở Việt Nam nói riêng, việc công bố thông tin báo cáo PTBV cũng ngày càng được các doanh nghiệp xem trọng, đặc biệt là những công ty niêm yết trên TTCK.

Nếu so sánh với những ngành công nghiệp khác ở Việt Nam, như: may mặc, cơ khí, điện tử…, thì ngành nhựa có thể coi là ngành công nghiệp mới, nhưng lại đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Với tốc độ phát triển nhanh, đây được coi là một trong những ngành kinh tế triển vọng, với các sản phẩm từ nhựa phục vụ cho nhiều ngành/lĩnh vực kinh tế khác nhau, như: điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp... Tuy nhiên, ngành nhựa của nước ta hiện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: không chủ động được nguồn nguyên liệu và các hóa chất đầu vào, chất lượng sản phẩm còn chưa cao, sự cạnh tranh khốc liệt của những quốc gia có ngành nhựa phát triển. Đại dịch Covid-19 diễn ra vào năm 2020 và 2021 đã ảnh hưởng đến rất nhiều các ngành nghề sản xuất trong nước do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong đó có ngành nhựa do bị phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Ngoài ra, đây cũng là một trong những ngành công nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, biến đổi khí hậu do gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước…

Nhờ các thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, các công ty nhựa đã được hỗ trợ rất nhiều trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp ngành nhựa, đặc biệt là những công ty nhựa niêm yết trên TTCK cần có tầm nhìn, chiến lược lâu dài phát triển kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội. Ngoài việc công bố các báo cáo liên quan đến tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, thì cần phải công khai các thông tin báo cáo PTBV của doanh nghiệp. Việc công bố báo cáo PTBV giúp minh bạch hóa thông tin, đồng thời cũng là một cách khẳng định vị thế, tăng uy tín của doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc công bố các thông tin trên báo cáo PTBV của các công ty niêm yết ở Việt Nam nói chung và các công ty niêm yết ngành nhựa nói riêng còn hạn chế và mang tính hình thức, mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra thông tin chung và một số thông tin bắt buộc theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Các thông tin được công bố chung trên báo cáo thường niên, chứ chưa được tách thành báo cáo PTBV riêng biệt. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo PTBV của các công ty nhựa niêm yết là rất cần thiết nhằm gia tăng động lực để các doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ và công khai minh bạch thông tin báo cáo PTBV trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm Báo cáo PTBV

Theo Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam, báo cáo PTBV là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới PTBV. Các doanh nghiệp xây dựng và công bố báo cáo PTBV đánh giá và công bố những thông tin về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên các khía cạnh môi trường và xã hội bên cạnh những thông tin về hiệu quả hoạt động tài chính và quản trị vốn là những thông tin vẫn được công bố theo thông lệ. Báo cáo PTBV là cách thức mới để xây dựng và định lượng giá trị của doanh nghiệp. Khung thể chế xây dựng báo cáo PTBV gồm có: Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI); Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc và Hội đồng kinh doanh thế giới vì sự PTBV. Báo cáo PTBV có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, không chỉ giúp các doanh nghiệp củng cố tăng cường hợp tác với các bên liên quan, nhà đầu tư và cộng đồng, mà còn tăng cường quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những công cụ giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bền vững, bảo đảm trách nhiệm giải trình (Hà My, 2024).

Tổng quan nghiên cứu

Dienes và các cộng sự (2016) đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo PTBV, với 7 nhân tố được tổng hợp từ 33 biến độc lập, bao gồm: Quy mô doanh nghiệp; Khả năng sinh lời; Cấu trúc vốn; Truyền thông; Cơ cấu quản trị công ty; Cơ cấu sở hữu và Tuổi của doanh nghiệp. Khánh và Tuấn (2018) cho rằng, quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận gộp, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu là các nhân tố ảnh hưởng tích cực đến việc công bố báo cáo PTBV. Trịnh Hữu Lực và Tăng Thành Phước (2019) đã tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc lập báo cáo PTBV ở 143 doanh nghiệp thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn (VNR500) và có niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong năm tài chính 2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngoài lợi nhuận, các nhân tố còn lại, như: Quy mô doanh nghiệp; Lĩnh vực hoạt động và Cơ hội phát triển của doanh nghiệp có tác động tích cực đến việc công bố báo cáo PTBV. Trong một nghiên cứu khác, Nguyễn Văn Linh và Đặng Ngọc Hùng (2019) đã xác định các nhân tố ảnh hưởng tích cực đến mức độ công bố thông tin PTBV bao gồm: hiệu quả kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và số lượng thành viên hội đồng quản trị. Các nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ công bố thông tin PTBV là đòn bẩy tài chính và lĩnh vực kinh doanh.

Ngoài ra, nghiên cứu kế thừa nền tảng các lý thuyết nền liên quan bao gồm: lý thuyết đại diện, lý thuyết hợp pháp hóa, lý thuyết báo hiệu và lý thuyết các bên liên quan.

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên các lý thuyết nền nói trên và kế thừa kết quả các nghiên cứu trước đây, đồng thời, căn cứ vào đặc điểm các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo PTBV tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo phát triển bền vững tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng số
Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra tương ứng với mô hình cụ thể như sau:

H1: Quy mô doanh nghiệp (QMDN) có ảnh hưởng cùng chiều đến Công bố báo cáo PTBV.

H2: Khả năng tăng trưởng (KNTT) có ảnh hưởng cùng chiều đến Công bố báo cáo PTBV.

H3: Đặc điểm ngành nghề kinh doanh (DDKD) có ảnh hưởng cùng chiều đến Công bố báo cáo PTBV.

H4: Quan điểm quản lý doanh nghiệp (QDQL) có tác động cùng chiều đến Công bố PTBV.

H5: Quy định về pháp lý (QDPL) có ảnh hưởng cùng chiều đến Công bố PTBV.

H6: Khả năng sinh lời (KNSL) có tác động cùng chiều đến Công bố PTBV.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết kết hợp phương pháp định tính và định lượng để thực hiện nghiên cứu. Trước hết, phương pháp nghiên cứu định tính được áp dụng để thu thập dữ liệu xây dựng mô hình nghiên cứu và thang đo thông qua gửi bảng hỏi và phỏng vấn với 270 mẫu khảo sát các cá nhân tại 30 doanh nghiệp nhựa niêm yết tại Việt Nam trong tháng 3/2024. Kết quả thu về 262/268 phiếu hợp lệ. Tiếp đó, nhóm tác giả sử dụng phương pháp định lượng để thực hiện kiểm định, đánh giá thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích EFA. Dữ liệu sau khi thu thập được đưa vào mã hóa, làm sạch và xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0 và AMOS.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Mô tả mẫu nghiên cứu

Các đặc điểm tần suất của mẫu nghiên cứu được mô tả tại Bảng 1.

Bảng 1: Thống kê đặc tính của mẫu nghiên cứu

Đặc điểm

Tần suất

Tỷ lệ (%)

1. Giới tính

N = 262

100

- Nam

157

59,9

- Nữ

105

40,1

2. Độ tuổi

N = 262

100

- Dưới 30 tuổi

15

5,7

- Từ 30 đến dưới 40 tuổi

76

29

- Trên 40 tuổi

171

65,3

3. Kinh nghiệm làm việc

N = 262

100

- Dưới 5 năm

10

3,8

- Từ 5 đến dưới 10 năm

110

42

- Trên 10 năm

142

51,2

4. Trình độ

N = 262

100

- Dưới đại học

0

0

- Đại học

200

76,3

- Sau đại học

62

23,7

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha

Bảng 2: Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha

Mã quan sát

Số biến quan sát còn lại

Cronbach's Alpha

Hệ số tương quan biến tổng nhỏ nhất - lớn nhất

Số biến bị loại

QMDN1 - QMDN4

4

0,902

0,743 - 0,860

0

KNTT1 - KNTT4

4

0,891

0,718 - 0,782

0

DDKD1 - DDKD4

4

0,897

0,746 - 0,802

0

QDPL1 - QDPL4

4

0,889

0,676 - 0,831

0

QDQL1 - QDQL4

4

0,736

0,456 - 0,496

0

KNSL1 - KNSL4

4

0,831

0,631 - 0,734

0

CBTT1 - CBTT5

5

0,939

0,800 - 0,916

0

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Bảng 2 cho thấy, độ tin cậy của thang đo của các nhân tố được kiểm định với hệ số Cronbach’s Alpha lần lượt là 0,902, 0,891, 0,897, 0,889, 0,736, 0,831, 0,939 đều > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng đều đảm bảo yêu cầu (> 0,3). Như vậy, các biến quan sát này phù hợp để đưa vào sử dụng trong việc phân tích khám phá nhân tố (EFA) trong các bước tiếp theo.

Phân tích EFA

Bảng 3: Kết quả kiểm định KMO và Bartlett trong phân tích EFA

KMO

,859

Kiểm định Bartlett

Chi2

5071,129

df

403

Sig.

,000

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Bảng 4: Kết quả phân tích EFA

Biến quan sát

Nhân tố

1

2

3

4

5

6

7

CBTT4

,852

CBTT1

,843

CBTT5

,811

CBTT3

,805

CBTT2

,791

QMDN1

,920

QMDN4

,854

QMDN2

,843

QMDN3

,824

DDKD4

,883

DDKD3

,871

DDKD2

,829

DDKD1

,820

KNTT4

,861

KNTT1

,845

KNTT3

,836

KNTT2

,821

QDPL4

,912

QDPL2

,894

QDPL1

,842

QDPL3

,785

KNSL4

,796

KNSL3

,722

KNSL1

,691

KNSL2

,682

QDQL4

,823

QDQL1

,804

QDQL2

,673

QDQL3

,621

Eigenvalue

7,619

3,455

3,230

2,346

2,220

1,421

1,179

% Phương sai

26,279

11,924

11,136

8,096

7,651

4,900

4,081

% Phương sai tích lũy

26,279

38,203

49,342

57,444

65,095

69,995

74,075

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Bảng 3 và 4 cho thấy, hệ số KMO là 0,859 > 0,5, kiểm định Batlett có p-value = 0,000 < 0,05, phương sai trích > 50%, các hệ số factor loading đều > 0,5 và hệ số Eigenvalue > 1. Như vậy, các tiêu chuẩn khi sử dụng phân tích EFA cho thấy, các nhân tố đều phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu.

Phân tích khẳng định CFA

Bảng 5: Kết quả kiểm tra độ tin cậy tổng hợp của thang đo

Biến quan sát

Ký hiệu

Số quan sát

Độ tin cậy tổng hợp (CR)

Phương sai trích

(AVE)

Quy mô doanh nghiệp

QMDN

4

0,933

0,777

Khả năng tăng trưởng

KNTT

4

0,972

0,896

Đặc điểm ngành nghề kinh doanh

DDKD

4

0,961

0,864

Quy định pháp lý

QDPL

4

0,951

0,830

Quan điểm quản lý

QDQL

4

0,947

0,823

Khả năng sinh lời

KNSL

4

0,965

0,874

Công bố báo cáo PTBV

CBTT

5

0,974

0,884

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Từ Bảng 5 có thể thấy, độ tin cậy tổng hợp CR của các biến quan sát đều > 0,7, tổng phương sai trích có giá trị > 0,5, nên có thể kết luận các thành phần trong thang đo đều đảm bảo độ tin cậy và sự hội tụ.

Tác giả sử dụng ma trận xoay Pattern Matrix thu được từ phân tích EFA ở trên để đưa vào phần mềm AMOS kiểm định và được kết quả như tại Bảng 7.

Bảng 6: Kết quả kiểm định CFA tất cả các thang đo

Các chỉ số đánh giá

Giá trị

Tiêu chuẩn

Kết luận

CMIN/DF

1,298

≤ 2

Tốt

GFI

0,900

≥ 0,9

Tốt

TLI

0,970

> 0,9

Tốt

CFI

0,972

> 0,9

Rất tốt

RMSEA

0,034

< 0,08

Tốt

Giá trị Sig. kiểm định phù hợp

0,00

< 0,05

Tốt

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Bảng 6 cho thấy, các chỉ số đo lường mức độ phù hợp của mô hình như Chi2, Chi2 điều chỉnh theo bậc tự do (CMIN/df), chỉ số thích hợp so sánh CFI, chỉ số TLI và chỉ số RMSEA đạt yêu cầu. Mô hình thích hợp khi phép kiểm định Chi2 có giá trị p-value < 0,05. Các thông số độ tin cậy tổng hợp, phương sai trích đạt yêu cầu và phù hợp với bộ dữ liệu nghiên cứu và mô hình thực sự phù hợp với lý thuyết nghiên cứu.

Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM

Bảng 7: Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Các biến Ước lượng chuẩn S.E. C.R. P

CBTT

<--

QMDN

,117

,041

2,866

,004

CBTT

<--

DDKD

,210

,048

4,380

***

CBTT

<--

KNTT

,195

,052

3,760

,001

CBTT

<--

QDQL

,019

,055

,348

,094

CBTT

<--

QDPL

,157

,045

3,515

***

CBTT

<--

KNSL

,644

,120

5,371

***

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Bảng 8: Mức độ tác động của các nhân tố đến công bố báo cáo PTBV

Mối quan hệ

Hệ số hồi quy

%

Thứ tự ảnh hưởng

CBTT

<---

QMDN

0,114

8,84

5

CBTT

<---

DDKD

0,207

15,87

2

CBTT

<---

KNTT

0,192

14,74

3

CBTT

<---

QDPL

0,154

11,87

4

CBTT

<---

KNSL

0,641

48,68

1

Tổng

1,308

100

Nguồn: Tổng hợp từ khảo sát

Qua kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu (Bảng 7) cho thấy, nếu sử dụng tiêu chuẩn độ tin cậy 95%, thì:

- Sig. của biến QMDN tác động lên CBTT mang dấu dương và = 0,004 < 0,05, kết luận biến QMDN có sự tác động cùng chiều lên CBTT, chấp nhận giả thuyết H1.

- Sig. của biến DDKD tác động lên CBTT mang dấu dương và = 0,000 (AMOS ký hiệu *** là Sig. = 0,000) > 0,05, kết luận biến DDKD có sự tác động cùng chiều lên CBTT, chấp nhận giả thuyết H2.

- Sig. của biến KNTT tác động lên CBTT mang dấu dương và = 0,001 < 0,05, kết luận biến KNTT có sự tác động cùng chiều lên CBTT, chấp nhận giả thuyết H3

- Sig. của biến QDQL tác động lên CBTT = 0,094 > 0,05, kết luận biến QDQL không có sự tác động lên CBTT, bác bỏ giả thuyết H4.

- Sig. của biến QDPL tác động lên CBTT mang dấu dương và = 0,000 < 0,05, kết luận biến QDPL có sự tác động cùng chiều lên CBTT, chấp nhận giả thuyết H5.

- Sig của biến KNSL tác động lên CBTT mang dấu dương và = 0,000 < 0,05, kết luận biến KNSL có sự tác động cùng chiều lên CBTT, chấp nhận giả thuyết H6.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết luận

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, việc công bố báo cáo PTBV của các doanh nghiệp nhựa niêm yết tại Việt Nam phụ thuộc vào các nhân tố theo thứ tự mức độ là: (1) Khả năng sinh lời; (2) Đặc điểm ngành nghề kinh doanh; (3) Khả năng tăng trưởng; (4) Quy định pháp lý và (5) quy mô doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng chứng tỏ không có mối quan hệ giữa quan điểm quản lý với CBTT báo cáo PTBV.

Hàm ý quản trị

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc công bố báo cáo PTBV tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam như sau:

Về phía các công ty nhựa niêm yết

Để nâng cao việc công bố thông tin báo cáo PTBV các công ty cần:

- Đầu tư xây dựng nguồn lực đội ngũ nhân viên chuyên trách, có trình độ chuyên môn theo dõi, tính toán và tổng hợp các chỉ tiêu, các số liệu, lập báo cáo liên quan đến các thông tin báo cáo PTBV của doanh nghiệp. Sử dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: các phần mền vi tính chuyên dụng, các chương trình hỗ trợ… vào thực hiện lập báo cáo.

- Xây dựng được bộ chỉ tiêu về báo cáo PTBV phù hợp với quy định, quy mô, đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay có nhiều bộ tiêu chí về PTBV của doanh nghiệp đã được xây dựng. Veleva và Ellenbecker (2001) đề xuất bộ tiêu chí đo lường sự PTBV của doanh nghiệp gồm 22 tiêu chí theo 6 khía cạnh: Sử dụng năng lượng, nhiên liệu; Mức độ phát thải ra môi trường; Hiệu quả kinh tế; Đóng góp cho phát triển cộng đồng và xã hội; Quyền lợi của người lao động; Sản phẩm (được thiết kế và sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường). Tương tự, Krajnc và Glavic (2003) đề xuất bộ tiêu chí bao gồm các nhóm tiêu chí liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường phản ánh các khía cạnh của doanh nghiệp, như: Tiêu thụ tài nguyên; Sản phẩm; Môi trường; Kinh tế; Chất lượng; Xã hội.

Đối với đặc thù của ngành nhựa là ngành tạo ra lượng rác thải nhựa lớn cho môi trường, do các sản phẩm nhựa dùng một lần ở Việt Nam là rất phổ biến, thì các công ty nhựa niêm yết cần công bố chi tiêu về đầu tư xử lý chất thải sản xuất, rác thải nhựa dùng một lần, chỉ tiêu về thu gom và tái chế rác thải nhựa, chỉ tiêu về đầu tư nghiên cứu sản phẩm nhựa cao cấp, nhựa sinh học thân thiện với môi trường… và các chỉ tiêu này cần phải được so sánh, đánh giá giữa các năm với nhau trong cùng một công ty, giữa các công ty trong cùng ngành nhựa và so sánh với chỉ tiêu trung bình ngành. Tác giả kiến nghị một số chỉ tiêu công bố trên báo cáo PTBV của các công ty nhựa, cụ thể như sau:

  • Mức độ đầu tư cho xử lý chất thải sản xuất:
Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo phát triển bền vững tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng số
  • Mức đầu tư cho thu gom và tái chế rác thải nhựa:
Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo phát triển bền vững tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng số
  • Mức độ đầu tư vào nghiên cứu các sản phẩm thân thiện với môi trường:
Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến công bố báo cáo phát triển bền vững tại các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng số

Đồng thời, công bố công khai các chỉ tiêu về: tiêu thụ năng lượng, bảo vệ môi trường, thu nhập của người lao động…

Hiện nay hầu hết các công ty nhựa niêm yết đều chưa có báo cáo PTBV riêng biệt, mà chủ yếu là đưa một số thông tin nhỏ lẻ về PTBV vào trong báo cáo thường niên của doanh nghiệp. Do đó, các công ty này cần có hệ thống báo cáo PTBV công bố riêng biệt so với các báo cáo tài chính và báo cáo quản trị khác. Hoặc trong báo cáo thường niên cần dành một phần nội dung riêng thống nhất để trình bày các thông tin về PTBV của doanh nghiệp. Các công ty nhựa niêm yết có thể nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm lập báo cáo PTBV của một số công ty lớn dẫn đầu về công bố báo cáo này, như: Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk)…

Về phía các cơ quan quản lý

Cơ quan quản lý nhà nước cần có một khung quy định thực thi mang tính luật pháp rõ ràng và kèm theo đó là hướng dẫn cụ thể cho các công ty niêm yết về cơ chế, nội dung báo cáo, chỉ tiêu công bố…, để các đơn vị này có thể thực hiện công bố minh bạch và thống nhất, đồng bộ về thông tin khi công bố báo cáo PTBV. Đây là một nhân tố quan trọng mà các nhà quản lý tại doanh nghiệp cho rằng, cần phải hoàn thiện và kiện toàn để nâng cao chất lượng CBTT trên báo cáo PTBV của doanh nghiệp. Có thể tham khảo, học hỏi một cách có chọn lọc những kinh nghiệm này từ các quốc gia phát triển, như: Úc, Nhật, Anh… vốn đã thực hiện luật hóa, bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có tác động xấu đến môi trường và xã hội phải tiến hành công bố báo cáo PTBV định kỳ, theo các tiêu chuẩn, như: GRI (bộ tiêu chí phát triển bền vững), dự án tiết lộ khí thải cácbon (CDP)… Theo đó, trên cơ sở quy định luật hóa này, mỗi đơn vị xây dựng báo cáo trên cơ sở những tiêu chí chung mang tính chất tổng quát được gọi là cốt lõi và những tiêu chí đặc trưng cho doanh nghiệp mình, gọi là tiêu chí bổ sung. Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số TT 155/2015-BTC quy định về hướng dẫn CBTT trên TTCK dành cho các công ty niêm yết, trong đó, có nêu yêu cầu trình bày một số thông tin về khía cạnh phi tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, gần như chưa có một quy chuẩn bắt buộc hoặc một chế tài đủ mạnh nào tác động đến việc bắt buộc các doanh nghiệp công bố báo cáo PTBV. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn có truyền thống công bố báo cáo PTBV và thực hiện liên tục một cách bài bản, đầy đủ các nội dung của báo cáo PTBV, như: Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần dược Hậu Giang, Tập đoàn FPT, Vinamilk, Công ty Cổ phần Địa ốc Novoland…

Ngoài ra, năm 2017, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp với Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam thực hiện xếp hạng doanh nghiệp PTBV tại Việt Nam thông qua bộ tiêu chí đánh giá. Nội dung của bộ tiêu chí này bên cạnh đánh giá các thông tin về doanh nghiệp, loại hình kinh doanh, cũng có xem xét các thông tin về kinh tế, xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đây là một bảng xếp hạng không mang tính chất bắt buộc, mà chỉ khuyến khích các đơn vị tham gia. Bên cạnh đó, có thể kể đến bộ tài liệu hướng dẫn lập báo cáo PTBV do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Liên đoàn Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp thực hiện trong chương trình tư vấn của IFC tại Đông Á-Thái Bình Dương. Nội dung của tài liệu này trình bày 10 bước cơ bản để doanh nghiệp có thể lập báo cáo PTBV tại doanh nghiệp. Đây là một tài liệu rất thiết thực, giúp các doanh nghiệp niêm yết nói chung và các công ty nhựa niêm yết ở Việt Nam nói riêng nâng cao chất lượng khi công bố báo cáo PTBV tại đơn vị mình./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dienes, D., Sassen, R., and Fischer, J. (2016), What are the drivers of sustainability reporting? A systematic review, Sustainability Accounting Management and Policy Journal, 7(2),154-189.

2. Hà My (2024), Báo cáo Phát triển bền vững góp phần hiệu quả vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, truy cập từ https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV601629&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=27740173213118#%40%3F_afrLoop%3D27740173213118%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV601629%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Do7g9rhksy_41.

3. Khanh, H. T. M., and Tuan, N. A (2018), Determinants of sustainability reporting: An empirical research on Vietnamese Listed companies, Science & Technology Development Journal-Economics-Law and Management, 2(2), 62-73.

4. Krajnc, D., and Glavic, P. (2003), Indicators of sustainable production, Clean Technologies and Environmental Policy, 5(3-4), 279-288. doi:http://dx.doi.org/10.1007/s10098-003-0221-z.

5. Nguyễn Văn Linh và Đặng Ngọc Hùng (2019), Ảnh hưởng của hiệu quả kinh doanh đến mức độ công bố thông tin PTBV của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 52, 122-128.

6. Raykov, T. and Widaman, KT (1995), Issues in applied structural equation modelling research, Structural Equation Modelling, 2(4), 289-318.

7. Trịnh Hữu Lực và Tăng Thành Phước (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến việc công bố báo cáo phát triển bền vững – trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - Kinh tế và quản trị kinh doanh, 14(2).

8. Veleva, V., and Ellenbecker, M. (2001), Indicators of sustainable production: framework and methodology, Journal of Cleaner Production, 9(6), 519-549.

Ngày nhận bài: 17/6/2024 Ngày phản biện: 31/7/2024 Ngày duyệt đăng: 27/8/2024