Để đối phó với tình hình này, các sáng kiến bảo tồn và thực hành bền vững đã được phát triển nhằm bảo vệ các khu vực tự nhiên và những dịch vụ quan trọng của chúng. Các chương trình Chi trả cho Dịch vụ Hệ sinh thái (PES) đã ra đời với mục tiêu đảm bảo việc cung cấp liên tục các dịch vụ hệ sinh thái chất lượng cao thông qua hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực bảo tồn.

Trong khuôn khổ PES, các cá nhân hoặc tổ chức được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái sẽ phải chịu chi phí chi trả cho những người chịu trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ. Sự sắp xếp này đóng vai trò khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ hệ sinh thái duy trì chất lượng và cung cấp nhất quán các dịch vụ, từ đó thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn và bền vững [2].

Một nghiên cứu điển hình đã được tiến hành tại Nam Carolina nhằm làm rõ khái niệm Chi trả cho Dịch vụ Hệ sinh thái (PES) và đánh giá mức độ sẵn sàng đóng góp hàng tháng của người dân Nam Carolina để hỗ trợ các chương trình PES. Nghiên cứu này đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.500 cư dân trong Mạng lưới lưu vực sông Santee (SRBN) bằng cách sử dụng nền tảng trực tuyến Qualtrics vào năm 2019. Những người tham gia đã lựa chọn một mức đóng góp cụ thể dựa trên một loạt các tùy chọn được cung cấp trong cuộc khảo sát, và dựa trên hai loại can thiệp: trồng cây hoa màu che phủ trên đất hoang và thực hành bền vững tại các trang trại nông lâm kết hợp.

Nguồn: https://www.undp.org/vi/vietnam/press-releases/thuc-day-co-che-chi-tra-dich-vu-he-sinh-thai-tu-nhien-o-viet-nam
Nguồn: https://www.undp.org/vi/vietnam/press-releases/thuc-day-co-che-chi-tra-dich-vu-he-sinh-thai-tu-nhien-o-viet-nam

Kết quả cho thấy, cộng đồng có khả năng đóng góp một khoản tài chính đáng kể hàng tháng, với phạm vi ước tính từ 4,6 triệu đến 6,2 triệu USD để ủng hộ công tác bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực. Ngoài ra, mức độ sẵn sàng đóng góp của cư dân cũng biến đổi tùy theo vị trí địa lý, bao gồm các khu vực Thượng lưu, Trung du và Vùng đất thấp. Đồng thời, sự hỗ trợ từ các cá nhân cũng thay đổi dựa trên các cải thiện cụ thể trong một môi trường nhất định [2].

Tuy vậy, nghiên cứu trên lại chưa chỉ ra được khi nào thì cộng đồng sẽ đóng góp nhiều tiền hơn cho việc bảo tồn hệ sinh thái trong các tình huống giả định về tương lai. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta hãy cùng xem xét hai tình huống giả định mà cộng đồng sẽ phải thay đổi cách họ nhận thức và đánh giá các dịch vụ này, qua đó sẵn sàng trả nhiều tiền hơn.

Tình huống thứ nhất là khi các dịch vụ hệ sinh thái bị suy giảm nghiêm trọng do hệ thống sinh thái bị suy giảm, hay phá hủy. Theo như công thức cơ bản cung-cầu trong kinh tế học, nhu cầu của người mua tăng và nguồn cung trở nên khan hiếm hơn thì giá cả sẽ tăng nhanh chóng. Khi cộng đồng nhận thức được thiệt hại về nhiều khía cạnh như kinh tế, xã hội, và sức khỏe, và dần thừa nhận được vai trò quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái trong việc duy trì môi trường lành mạnh và nâng cao phúc lợi xã hội, thì việc họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái là gần như tất yếu nếu họ muốn tiếp tục duy trì sự tồn tại của mình [3]. Ví dụ, khả năng suy giảm hoặc mất đi các dịch vụ hệ sinh thái có thể tạo ra tác động kinh tế trực tiếp và gián tiếp đáng kể, và vai trò của không khí và nguồn nước sạch là cơ sở cho sự tồn tại và sức khỏe của cộng đồng. Chính những điều này sẽ khiến cộng đồng bỏ nhiều tiền hơn để đóng góp vào các nỗ lực bảo tồn khi hệ sinh thái bị suy giảm nghiêm trọng.

Tình huống thứ hai là khi hệ thống văn hóa thặng dư sinh thái được xây dựng trong cộng đồng, nhấn mạnh về trách nhiệm và lợi ích cộng đồng nhận được khi sống hài hòa với môi trường [4,5]. Trong bối cảnh văn hóa như vậy, giá trị bản thân của những dịch vụ này luôn được đánh giá cao, và sự công nhận này sẽ dẫn đến sự sẵn sàng đóng góp vào việc bảo tồn hệ sinh thái cao hơn trong cộng đồng [4]. Các sáng kiến, như dự án giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường, các tác phẩm văn học về môi trường, du lịch sinh thái, và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên, có thể sẽ góp phần trong việc nâng cao nhận thức rộng rãi về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái cho phát triển bền vững và các thế hệ tương lai [6-9].

Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì giả định thứ nhất hoàn toàn có khả năng xảy ra [10], “vì tự sự thật đã có thể nói lên chính nó một cách rõ ràng” [11]. Điều thực sự đáng suy ngẫm trong bối cảnh hiện nay là: Liệu chúng ta muốn trả nhiều tiền hơn một cách “tự nguyện” và cùng chung sống với hệ sinh thái khỏe mạnh hay trả tiền như một cách ứng phó với khủng hoảng tạo ra bởi sự thâm hụt sinh thái, đồng thời chịu sự giày vò của các hiện tượng thời tiết cực đoan?

Tài liệu tham khảo

[1] Liu, L. & Ma, X. (2011). Integrated river basin management in rapidly urbanizing areas: a case of Shenzhen, China. Frontiers of Environmental Science & Engineering in China, 5, 243-254. https://link.springer.com/article/10.1007/s11783-010-0276-0

[2] Ureta JC, et al. (2022). Estimating residents' WTP for ecosystem services improvement in a payment for ecosystem services (PES) program: A choice experiment approach. Ecological Economics, 201,107561. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0921800922002233

[3] Hoàng, V. Q. & Hoàng, N. M. (2023, Aug. 26). Giá chim cánh cụt bao nhiêu cho đủ?. https://kinhtevadubao.vn/gia-chim-canh-cut-bao-nhieu-cho-du-26894.html

[4] Nguyen MH, Jones TE. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[5] Vuong QH. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[6] Hoàng, V. Q. (2023, Sep. 21). Bói cá: Kết nối con người và thế giới tri giác qua khoa học, văn chương, nghệ thuật và trải nghiệm. https://kinhtevadubao.vn/boi-ca-ket-noi-con-nguoi-va-the-gioi-tri-giac-qua-khoa-hoc-van-chuong-nghe-thuat-va-trai-nghiem-27115.html

[7] Profice, C. C., Grenno, F. E., Fandi, A. C., Menezes, S. M., Seminara, C. I., & Cassano, C. R. (2023). Learning in the forest: environmental perception of Brazilian teenagers. Frontiers in Psychology, 14, 1046405. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2023.1046405/full

[8] Phượng, D. T. M. (2023, Sep. 10). Dịch vụ hệ sinh thái trong hệ thống đào tạo bậc đại học và cao hơn. https://kinhtevadubao.vn/dich-vu-he-sinh-thai-trong-he-thong-dao-tao-bac-dai-hoc-va-cao-hon-27270.html

[9] Tri, N. P. (2023, Oct. 6). Đôi điều về thể loại văn học chống biến đổi khí hậu: Cli-fi. https://kinhtevadubao.vn/doi-dieu-ve-the-loai-van-hoc-chong-bien-doi-khi-hau-cli-fi-27248.html

[10] Yến, N. T. Q. (2023, Oct. 19). Mùa hè 2023 ghi nhận nắng nóng lịch sử và thiên tai trên khắp thế giới. https://kinhtevadubao.vn/mua-he-2023-ghi-nhan-nang-nong-lich-su-va-thien-tai-tren-khap-the-gioi-27362.html

[11] Vuong, Q. H. (2023). Meandering Sobriety. https://www.amazon.com/dp/B0C2TXNX6L