Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15 (575)
Do tình trạng quản lý lỏng lẻo, phân cấp quá mức dẫn đến chia cắt, nên hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công thời gian qua rất kém. Nhiều công trình xây dựng dở dang, kéo dài, hiệu quả không cao. Hệ quả là tổng số nợ và tỷ lệ nợ/GDP ngày càng cao, nhất là mấy năm gần đây. Vì vậy, Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua được dư luận hoan nghênh. Vì sao lại vậy? Tác giả Nguyễn Quang Thái sẽ cho bạn đọc câu trả lời qua bài “7 ưu điểm nổi trội trong Luật Đầu tư công”.
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu có nhiều điểm mới mang tính “đột phá” trong lựa chọn nhà thầu. Để làm rõ thêm vấn đề này, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) qua bài phỏng vấn có tựa đề “Nghị định 63: Bước ngoặt trong công tác lựa chọn nhà thầu”.
Trong thời gian qua, nợ nước ngoài của Việt Nam có xu hướng tăng và luôn ở mức cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là, hiệu quả quản lý nợ nước ngoài lại chưa thực sự tốt. Bài viết “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nợ nước ngoài của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt Dung và Đặng Ngọc Đức sẽ lượng hóa mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó tới hiệu quả quản lý nợ nước ngoài dưới góc độ khả năng trả nợ, đồng thời đưa ra một số đề xuất nâng cao hiệu quả sử dụng nợ nước ngoài.
Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với Nghị định số 63 về lựa chọn nhà thầu vừa mới được Chính phủ ban hành ngày 26/6/2014 đã trở thành những cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng trong công tác đấu thầu qua mạng. Qua bài “Đấu thầu qua mạng khắc phục nhiều bất cập trong công tác đấu thầu”, tác giả Đỗ Kiến Vọng sẽ phân tích những lợi ích mà đấu thầu qua mạng đem lại, đồng thời nhìn lại thực tế áp dụng tại Việt Nam trong giai đoạn thử nghiệm vừa qua. Tác giả cũng đã đưa ra một số lưu ý để đấu thầu qua mạng đạt hiệu quả cao tại Việt Nam.
Tiêu chí giá rẻ là ưu tiên hàng đầu trong đấu thầu trước đây đã khiến nhiều dự án quan trọng rơi vào tay nhà thầu kém năng lực. Hậu quả là “căn bệnh nan y” trong đầu tư công: chậm tiến độ, chất lượng thấp, đội giá dự án... xảy ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác và chỉ có nhìn đúng bản chất vấn đề mới có thể tạo ra cuộc “cách mạng” loại bỏ nhà thầu kém, lựa chọn nhà thầu tốt. Qua bài “Nhà thầu kém năng lực sẽ không còn cơ hội?”, tác giả Lê Thế Đức sẽ điểm lại những nguyên nhân khiến tình trạng nhà thầu kém năng lực vẫn trúng thầu trong thời gian qua, đồng thời đưa ra một số vấn đề cần quan tâm để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Những năm gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng suy giảm, mặc dù, số lượng dự án đầu tư vẫn tăng lên. Có nhiều cách lý giải nguyên nhân và tác giả Lương Nguyệt Ánh đã tiếp cận vấn đề theo chiến lược 6P trong marketing kinh doanh, từ đó đưa ra hướng đi nhằm tăng cường thu hút FDI qua bài “Sự sụt giảm vốn FDI vào Việt Nam: Nhìn từ khía cạnh chiến lược 6P trong marketing”.
Tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu tạo bước chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững chính là tiền đề để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Tạp chí số này có nhiều bài viết phản ánh những nỗ lực của Bắc Ninh trên con đường thực hiện mục tiêu này trong Chuyên trang Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, Tạp chí còn các bài viết về vấn đề thương mại, tín dụng, cũng học tập kinh nghiệm quốc tế về các lĩnh vực này... sẽ đem đến cho bạn đọc thông tin hữu ích./.
Bình luận