Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết “Thực thi Hiến pháp năm 2013 trong xây dựng chính sách, pháp luật” của tác giả Phạm Mạnh Cường sẽ khái quát giúp bạn đọc những điểm mới, tiến bộ của Hiến pháp năm 2013, cũng như việc tổ chức triển khai Hiến pháp để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong xây dựng chính sách và pháp luật.

Một trong những điểm nổi bật của Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa một cách đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về chủ quyền Nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua bài viết “Hiến pháp năm 2013 và các nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước” của tác giả Đào Trí Úc, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn các nguyên tắc chủ đạo này là gì?

Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được triển khai và có một số tiến bộ cho việc xây dựng và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, tư duy về xây dựng và thi hành pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, chưa phù hợp với nguyên tắc pháp quyền trong quản lý xã hội... Với bài viết “Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Chưa thực sự đột phá”, tác giả Vũ Xuân Tiền đã có một số kiến nghị để góp phần tạo một bước đột phá cần thiết trong việc sửa đổi Luật này.

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua sau nhiều năm lỡ hẹn, mang đến hy vọng sẽ “xốc” lại kỷ cương trong quản lý, giám sát đầu tư công, nâng cao hiệu quả, tránh được thất thoát, tham nhũng, lãng phí. “Luật Đầu tư công và những quy định mới trong quản lý đầu tư” là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyễn Thị Phú Hà, trong đó tác giả sẽ giúp bạn đọc thấy rõ những tác động tích cực của Luật này khi đi vào cuộc sống.

Tái cơ cấu đầu tư công để loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, lãng phí là cấp thiết, nhưng quá trình này đang diễn ra tương đối chậm so với yêu cầu, các giải pháp thực hiện vẫn mang tính hành chính và ở khung cơ chế. Qua bài viết “Một vài kiến nghị đối với công tác tái cơ cấu đầu tư công” của tác giả Nguyễn Quốc Thái, bạn đọc sẽ thấy rõ những cái được và chưa được trong hơn một năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công. Qua đó, tác giả cũng nêu lên một số kiến nghị để đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công hơn nữa.

Ngày 15/8/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Văn bản số 5316/BKHĐT-TH hướng dẫn “Triển khai công tác xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020”, Tạp chí số này cũng sẽ giới thiệu vắn tắt những nét chính trong hướng dẫn này để bạn đọc có thể nắm bắt.

Tạp chí số 17/2014 còn có nhiều bài viết trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh nghiệm quốc tế trong phát triển doanh nghiệp xã hội... Số này cũng dành chuyên trang về kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình, địa phương mới được UNESCO vinh danh Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Di sản “kép” đầu tiên ở Việt Nam./.