Hàm ý chính sách từ việc so sánh giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với chè xuất khẩu của Việt Nam và EU
THỰC TRẠNG TIÊU CHUẨN GIỚI HẠN CHÈ TRONG NƯỚC VÀ EU
Hiện trạng tiêu chuẩn giới hạn chè trong nước và EU
Tổng quan chung về Luật An toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến MRL thuốc BVTV của Việt Nam
Mặc dù các quy định về an toàn thực phẩm đã được ban hành từ cuối thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, năm 2003, lần đầu tiên, Chính phủ đưa ra Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm (số 12/2003/PL-UBTVQH11, ngày 26/7/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với sản phẩm xuất khẩu, theo Pháp lệnh này, thì chỉ cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu, tức không yêu cầu tuân thủ, kiểm tra tại Việt Nam.
Ở tất cả các thị trường nhập khẩu, tiêu chuẩn MRL của EU về thuốc BVTV trong chè là nghiêm ngặt nhất |
Sau đó, ngày 07/9/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh này. Trong đó, từ Điều 6 đến Điều 13, Mục 2 của Nghị định này quy định thủ tục, thẩm quyền kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu. Năm 2010, Luật An toàn thực phẩm do Quốc hội ban hành (số 55/2010/QH12, ngày 17/6/2010) có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Luật này đã chỉ rõ quy định về nhập khẩu và xuất khẩu thực phẩm, trong đó quy định, đối với sản phẩm thực phẩm, phải đáp áp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam (Điều 41, Mục 2, Chương VI). Ngày 15/6/2018, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch (số 28/2018/QH14), trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Nhằm tạo thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu thông tin tiện lợi, ngày 29/6/2018, Văn phòng Quốc hội đã ra Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH nhằm hợp nhất Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, quy định đối với sản phẩm xuất khẩu không có nhiều thay đổi so với Nghị định số 163.
Trong thời gian qua, đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật, đã có khá nhiều văn bản quy định đối với thực phẩm xuất khẩu và nhập khẩu, điển hình là: Thông tư số 07/2013/TT-BNNPTNT, ngày 22/01/2013 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế; Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BNNPTNT, ngày 14/02/2014 hợp nhất Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản; Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT, ngày 01/10/2018 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản… Tuy nhiên, cho tới nay mới chỉ có 2 văn bản liên quan đến quy định cụ thể về MRL là: Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT, ngày 19/2/2007 quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm và Thông tư số 50/2016/TT-BYT, ngày 30/12/2016 do Bộ Y tế ban hành. Trong đó, Thông tư số 50 được ban hành nhằm thay thế Phần 8 của Quyết định số 46.
Tổng quan chung về các quy định liên quan đến MRL thuốc BVTV của EU đối với chè nhập khẩu
Ở tất cả các thị trường nhập khẩu, tiêu chuẩn MRL của EU về thuốc BVTV trong chè là nghiêm ngặt nhất. Các tiêu chuẩn khác nhau và MRL của thuốc BVTV trong chè EU được thiết lập bởi Ủy ban Chè châu Âu. Trước năm 2006, các tiêu chuẩn MRL của EU đã được đưa vào 4 luật, gồm: 76/395/EEC về giới hạn tối đa của dư lượng trong một số loại trái cây và rau quả ban hành năm 1976; 86/362/EC về giới hạn lượng thuốc BVTV tối đa trong ngũ cốc và 86/363/EEC về giới hạn dư lượng tối đa của thuốc BVTV trong thực phẩm có nguồn gốc động vật ban hành năm 1986; 90/642/EEC về giới hạn dư lượng tối đa của thuốc BVTV trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào năm 1990. Từ ngày 01/9/2008, Liên minh châu Âu đã thực hiện quy định mới về dư lượng thuốc BVTV (EC) 396/2005, thông qua đó quy định về MRL của thuốc BVTV trong thực phẩm được phối hợp với nhau, điều này giúp đơn giản hóa các quy định hiện hành, cung cấp thông tin trực tiếp và dễ sử dụng hơn. Đồng thời, mức quy định được tối đa hóa, đảm bảo rằng người tiêu dùng ở các cấp độ khác nhau, bao gồm cả những cá nhân nhạy cảm, như: trẻ sơ sinh và trẻ em, được bảo vệ đầy đủ.
Với sự phát triển không ngừng của các loại thuốc BVTV mới, tần suất đưa ra các thông báo về việc điều chỉnh tiêu chuẩn MRL cũng ngày càng dày, trước đây hai năm một lần, ngày nay có thể bất cứ lúc nào trong năm. Kể từ năm 1999 với 91 tiêu chuẩn thuốc BVTV, tính đến ngày 20/2/2021, số tiêu chuẩn này đã lên tới 516, gấp gần năm lần. Con số này được tăng đều trong hơn hai mươi năm qua.
So sánh quy định MRL đối với chè của Việt Nam, EU
So sánh các nguyên tắc đánh giá
Có 3 nguyên tắc để xây dựng MRL đối với chè trong và ngoài nước, đó là:
(1) Nguyên tắc đánh giá rủi ro của FAO/WHO: Theo nguyên tắc này, tiêu chuẩn được thiết lập dựa trên mức độ tiếp xúc của con người với các hợp chất và độc tính của chúng đối với con người hoặc động vật.
(2) Nguyên tắc "Không rủi ro”: Nguyên tắc này không xem xét độc tính của hợp chất, chỉ làm cho nó theo các điểm cân nhắc của riêng bên ban hành.
(3) Tại Việt Nam, các văn bản liên quan chưa thấy thể hiện rõ theo nguyên tắc nào, nhưng các quy định đưa ra lại chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn của Ủy ban Codex Alimentarius (CAC), mà CAC lại áp dụng theo “nguyên tắc rủi ro”, trong khi EU áp dụng nguyên tắc “không rủi ro”. Nguyên tắc “không rủi ro” có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng chè, chủng loại và giới hạn thuốc BVTV không thể kiểm soát hết, nên các yêu cầu về trồng, thiết bị và các điều kiện kỹ thuật liên quan khác cũng khắt khe hơn.
So sánh về số lượng và mức độ chặt chẽ của các tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV của Việt Nam và EU
So với EU, tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV của Việt Nam ban hành đến nay, có số lượng ít hơn nhiều, thời gian và tần suất cập nhật chậm hơn nhiều. Năm 2007, theo Thông tư số 46/2007/QĐ-BYT, ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế có 10 tiêu chuẩn được đưa ra. Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam áp dụng theo Thông tư 50/2016/TT-BYT, ngày 30/12/2016 quy định mức tối đa tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm, thay thế Phần 8 về giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm tại Quyết định số 46. Theo đó, so với năm 2007, đã thêm vào 13 tiêu chuẩn, bãi bỏ 13 tiêu chuẩn, tổng có 21 tiêu chuẩn. So với EU hiện đang áp dụng 516 tiêu chuẩn, thì con số này nhỏ hơn tới tận gần 25 lần. Như vậy, kể từ lần đầu tiên ban hành năm 2007, chúng ta mới chỉ cập nhật 1 lần năm 2016. Điều đó có nghĩa tần suất 9 năm/lần, so với EU hàng năm, thì quả là có sự khác xa về cách chú trọng trong vấn đề này.
Bảng 1: Quy định MRL của Việt Nam và so sánh với EU
TT | Tên thuốc BVTV | Việt Nam 2007 | Việt Nam 2016 | EU 2008 | EU hiện nay |
1 | Bifenthrin | - | 30 | 5 | 30 |
2 | Buprofezin | - | 30 | 0,05 | 0,05 |
3 | Chlorpyrifos | 0,1 | 2 | 0,1 | 0,01 |
4 | Clothianidin | - | 0,7 | 0,05 | 0,7 |
5 | Cypermethrins | 20 | 15 | - | - |
6 | Deltamethrin | 10 | 5 | 5 | 5 |
7 | Dicofol | 50 | 40 | 20 | 20 |
8 | Endosulfan | 30 | 10 | 30 | 30 |
9 | Etoxazole | - | 15 | 0,05 | 15 |
10 | Fenpropathrin | - | 3 | 2 | 2 |
11 | Flubendiamide | - | 50 | 0,02 | 0,02 |
12 | Flufenoxuron | - | 20 | 0,05 | 15 |
13 | Hexythiazox | - | 15 | 0,05 | 4 |
14 | Indoxacarb | - | 5 | 0,05 | 5 |
15 | Methidation | 0,5 | 0,5 | - | - |
16 | Paraquat | - | 0,2 | 0,05 | 0,05 |
17 | Permethrin | 20 | 20 | 0,1 | 0,1 |
18 | Profenofos | - | 0,5 | 0,1 | 0,05 |
19 | Propargite | 10 | 5 | 5 | 10 |
20 | Thiamethoxam | - | 20 | 0,1 | 20 |
21 | Tolfenpyrad | - | 30 | - | - |
22 | Fenitrothion | 0,5 | - | 0,5 | 0,05 |
23 | Flucythrinate | 20 | - | 0,1 | 0,05 |
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp
Sự thay đổi của các tiêu chuẩn của EU không chỉ thể hiện ở số lượng, mà còn ở mức giới hạn tối đa. Các chỉ thị được ban hành mỗi năm không chỉ làm tăng số lượng thuốc BVTV được thử nghiệm, mà MRL của nhiều loại thuốc BVTV cũng liên tục được điều chỉnh (Bảng 1). Ví dụ, trước năm 2008, quy định đối với Profenofos trong chè là 0,1 mg/kg, thì nay là 0,05 mg/kg. Còn đối với Fenitrothion, trước năm 2010 là 0,5mg/kg, thì nay là 0,05 mg/kg; tương tự với Flucythrinate. Ngược lại, Bifenthrin năm 2008 được quy định là 5, thì hiện nay lại được nới lỏng lên 30 mg/kg; Flufenoxuron năm 2008 quy định là 0,05, thì nay giảm độ chặt chẽ tới 600 lần. Và, nhiều sự điều chỉnh khác, nếu không thường xuyên theo dõi, cập nhật, thông báo, hướng dẫn, thì chè Việt Nam sẽ khó lòng có thể thâm nhập được vào các thị trường này.
Đã vậy, do được cập nhật thường xuyên, nên tại EU, nhiều loại tiêu chuẩn được nới lỏng, thậm chí không có trong quy định của EU (Tolfenpyrad, Methidation, Cypermethrins), trong khi tại Việt Nam, chúng ta vẫn đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ, thậm chí là tuân thủ một cách thái qua (Methidation 0,5 mg/kg). Chính điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong chăm sóc nuôi trồng, đồng thời không mang lại hiệu quả xuất khẩu.
Ở đây, nhóm tác giả mới chỉ mô tả và so sánh các tiêu chuẩn mà Việt Nam đã ban hành, chứ chưa đề cập tới rất nhiều tiêu chuẩn khác không nằm trong danh mục mà chúng ta cần phải đạt được. Hay nói cách khác, điểm phân tích trên chỉ là ví dụ trong tổng 516 tiêu chuẩn EU đưa ra, sự khác nhau trong 495 tiêu chuẩn còn lại thực sự là mối quan tâm cho các nhà chức trách.
Tóm lại, so với nước ta, tiêu chuẩn của EU vượt xa nước ta về thời gian ban hành, tần suất cập nhật, chỉ số dư lượng thuốc BVTV và chủng loại thuốc BVTV.
Phân tích một số trường hợp chè Việt Nam bị ra thông báo xử phạt tại EU
Ủy ban châu Âu sử dụng hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) để đánh giá rủi ro của các mặt hàng nhập khẩu và xác định các cuộc kiểm tra và hạn chế liên quan. Nó ghi lại tất cả các cảnh báo về an toàn thực phẩm được tìm thấy ở EU và tại các đợt kiểm tra. Trên trang website https://webgate.ec.europa.eu, với từ khóa: “tea”, “Vietnam”, nhóm tác giả trích xuất một số thông báo đối với chè nhập khẩu từ Việt Nam của một số quốc gia EU như Bảng 2.
Bảng 2: Một số thông báo của EU do vi phạm quy định về giới hạn dư lượng thuốc BVTV
của chè nhập khẩu từ Việt Nam
Ngày | Tham chiếu | Quốc gia báo cáo | Nguyên nhân | Xử lý |
13/08/2002 | 2002.AZJ | Đức | Fenvalerate (0,06 mg/kg - ppm), Cypermethrin (1,51 + 5,36 mg/kg - ppm) và Phosalone (0,86 + 2,82 mg/kg - ppm) và chất trái phép (0, 12 + 0,34 mg/kg - ppm) trong chè xanh từ Việt Nam | Tịch thu |
19/02/2018 | 2018.0423 | Ba Lan | Acetamiprid (0,42 mg/kg - ppm) và Imidacloprid (0,18 mg/kg - ppm) và các chất trái phép Tolfenpyrad (0,027 mg/kg - ppm) và Dinotefuran (0,026 mg/kg - ppm) trong chè đen từ Việt Nam | Trả lại |
19/02/2018 | 2018.0425 | Ba Lan | Acetamiprid (0,28 mg/kg - ppm), Imidacloprid (0,13 mg/kg - ppm) và Etofenprox (0,026 mg/kg - ppm) và chất trái phép Dinotefuran (0,038 mg/kg - ppm) trong chè đen từ Việt Nam | Trả lại |
19/02/2018 | 2018.0426 | Ba Lan | Acetamiprid (0,47 mg/kg - ppm), Imidacloprid (0,22 mg/kg - ppm) và Etofenprox (0,026 mg/kg - ppm) và các chất trái phép Tolfenpyrad (0,033 mg/kg - ppm) và Dinotefuran (0,047 mg/kg - ppm) trong chè đen từ Việt Nam | Trả lại |
27/02/2018 | 2018.0517 | Ba Lan | Acetamiprid (0,35 mg/kg - ppm) và Imidacloprid (0,17 mg/kg - ppm) và chất trái phép Dinotefuran (0,062 mg/kg - ppm) trong chè đen từ Việt Nam | Trả lại |
21/08/2018 | 2018.2366 | Đức | Các chất trái phép Permethrin (0,066 mg/kg - ppm), Diafenthiuron (0,024 mg/kg - ppm) và Tolfenpyrad (0,11 mg/kg - ppm) trong chè xanh sen từ Việt Nam | Rút khỏi thị trường |
Nguồn: https://webgate.ec.europa.eu/
Năm 2002, chè xanh của Việt Nam bị tịch thu tại thị trường Đức, do chứa Fenvalerate (0,06 mg/kg - ppm), Cypermethrin (1,51 + 5,36 mg/kg - ppm) và Phosalone (0,86 + 2,82 mg/kg - ppm) và chất trái phép (0, 12 + 0,34 mg/kg - ppm). Trong năm đó, Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể nào về vấn đề này, nên việc vi phạm là hoàn toàn không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong năm 2018, Việt Nam đã nhận thông báo tới 5 lần. Trong đó, cả 4 thông báo vi phạm từ Ba Lan vào tháng 2/2018 đều liên quan đến Acetamiprid và Imidacloprid, tuy nhiên hai chất này không có trong Danh mục tiêu chuẩn Việt Nam năm 2007 lẫn năm 2016. Riêng chất cấm tại thị trường EU là Tolfenpyrad, thì lại được nới lỏng tại quy định của Việt Nam năm 2016. Như vậy, có trường hợp, hàng hóa mặc dù đạt chuẩn Việt Nam một cách tuyệt đối, nhưng cũng không thể nào lọt qua thị trường Ba Lan do hai quy định quá khác xa nhau. Và, còn nhiều vụ thông báo khác liên quan đến tình trạng bất hợp lý trong ban hành quy định này. Điều này càng nhấn mạnh thêm một điều rằng, cần thiết có sự quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng, ban hành, ra thông báo, điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đặc biệt là quy định liên quan đến MRL thuốc BVTV.
Các lý do EU đặc biệt chú trọng vào các quy định MRL
Trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra sôi nổi, việc đa dạng hóa nguồn thực phẩm đã khiến cho vấn đề an toàn thực phẩm trở thành vấn đề được quan tâm. MRL được phê duyệt hàng nằm tại EU như một biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật quan trọng (biện pháp SPS). Điều này trước hết là để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân trong nước. EU nhận thức rõ vai trò của sức khỏe con người trong hệ thống kinh tế quốc gia khi chính nó là nguồn gốc cho mọi của cải và sự thịnh vượng quốc gia. Chú trọng vào sự an toàn của của người tiêu dùng cũng chính là cách tốt nhất để phát triển hệ thống giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội và mọi lĩnh vực khác. Bỏ qua vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc trút thêm gánh nặng cho hệ thống y tế, giảm chất lượng cuộc sống của người dân, làm chậm lại quá trình phát triển của hệ thống giáo dục…
Hơn nữa, trong điều kiện phát triển công nghệ ngày càng cao, các loại thuốc BVTV ngày càng đa dạng về chủng loại, thành phần, tính độc hại. Việc quan tâm nhằm phòng ngừa rủi ro bằng cách nghiên cứu, mở rộng quy định mỗi khi có các loại thuốc BVTV mới được sử dụng là một việc làm cần thiết. Ngoài ra, một lý do không kém phần quan trọng, chè được coi là một sản phẩm thâm dụng lao động. Điều này tạo lợi thế so sánh về giá thành sản xuất cho nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, có khả năng gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất chè và các sản phẩm tương tự (ngành sản xuất nước giải khát, cà phê, các loại nước uống khác) ở các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các rào cản thương mại truyền thống đã dần bị suy yếu trong môi trường tự do hóa thương mại ngày nay, để bảo vệ thị trường trong nước và doanh nghiệp, các nước nhập khẩu sẽ tự nhiên thiết lập các rào cản thương mại xanh để cản trở nhập khẩu chè và giảm tác động đến các doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Tóm lại, EU cẩn trọng trong việc xây dựng, ban hành, điều chỉnh, cập nhật các quy định về MRL thuốc BVTV trong chè nhằm mục tiêu kép là bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ nền sản xuất các ngành liên quan trong nước.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Để bảo vệ thị trường trong nước, cũng như đòi lại công bằng trong cuộc chơi thương mại quốc tế, Việt Nam cần chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các ngành hàng như một biện pháp phi thuế quan hợp lệ. |
Trong những năm gần đây, nước ta đã chú ý hơn đến quy định MRL, tuy nhiên so với quốc tế, Việt Nam vẫn còn tồn tại những vấn đề, như: tần suất cập nhật tiêu chuẩn chậm, ít chủng loại thuốc BVTV, giới hạn tiêu chuẩn còn lỏng lẻo trong cập nhật và xây dựng tiêu chuẩn, nhiều điểm khác biệt so với EU, trong khi yêu cầu của Bộ Y tế là các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng trong nước trước khi xuất khẩu. Chung quy lại, việc kiểm soát các tiêu chuẩn này từ phía Việt Nam không những không tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu chè, mà ngược lại, còn gây cản trở cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, mở rộng số lượng, thắt chặt mức quy định từng tiêu chuẩn của EU đã được sử dụng như một loại hàng rào phi thuế quan nhằm điều tiết thương mại theo ý muốn. Trong khi đó, chè là mặt hàng mà chúng ta có điều kiện để sản xuất, song lại khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu và ngay tại thị trường trong nước, chúng ta cũng đã không thể kiểm soát được.
Những kết luận trên mang lại 2 hàm ý chính sách chính như sau:
Thứ nhất, cần có một cơ chế phụ trách chuyên môn cao để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mạnh và quyết liệt hơn nữa trong việc cập nhật, nghiên cứu, thông báo, dự báo các quy định về MRL đối với ngành chè (cũng như các ngành nông sản khác) tại tại các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU. Điều này nhằm giúp chè Việt Nam nâng cao cơ hội tiếp cận thị trường và giảm thiểu chi phí do bị xử phạt tại các thị trường này.
Thứ hai, để bảo vệ thị trường trong nước, cũng như đòi lại công bằng trong cuộc chơi thương mại quốc tế, Việt Nam cần chú trọng đặc biệt hơn đến việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh thường xuyên các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các ngành hàng như một biện pháp phi thuế quan hợp lệ. Bởi, trong khi chúng ta nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước, thì lại để hàng hóa kém chất lượng từ các thị trường khác tràn vào. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoa Hữu Cường, Nguyễn Cao Sơn, Bùi Việt Hưng, Nguyễn Bích Thuận, Trịnh Thành Vinh (2019). Xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2025, Nxb Khoa học xã hội
2. Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Cơ quan BVTV của Lào và Việt Nam (2021). Một số kết quả của Dự án SYMST hỗ trợ tăng cường mức độ tuân thủ quy định của EU về kiểm dịch thực vật và thuốc BVTV cho rau quả xuất khẩu của Việt Nam
3. Cục BVTV (2014). Quy định của châu Âu về dư lượng thuốc BVTV tối đa trên cây chè (Camellia sinensis), truy cập từ https://www.ppd.gov.vn/quy-dinh-cac-nuoc-nhap-khau/quy-dinh-cua-chau-au-ve-du-luong-thuoc-bao-ve-thuc-vat-toi-da-tren-cay-che-40;camellia-sinensis41;.html
4. Lu Y. (2016). Tea residues limit-more than 400 VS in EU and 28 items in China, Chin Food Saf Magaz, (33), 86-88
TS. Đỗ Thị Hương
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
ThS. Nguyễn Thị Thơ
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 7, tháng 3/2021)
Bình luận